Nguyễn Đình Bổn/ Blog Nguyễn Đình Bổn
Sau năm 1975, khi người cộng sản chiếm miền Nam, tất cả báo
chí tư nhân đều bị cấm tiệt nhưng cái khát vọng tự mình làm một tờ báo thì chưa
bao giờ bị tiêu diệt trong trái tim của những người yêu thích tự do. Và dù phải
thỏa hiệp, lách luật, mua giấy phép..., tại Sài Gòn từ hơn vài chục năm nay,
"báo" do tư nhân làm chủ vẫn xuất hiện, tất nhiên dưới danh nghĩa một
"cơ quan chủ quản" là nhà xuất bản hay "ké" theo một pháp
nhân của tờ báo nào đó.
Một trong những người làm báo tư nhân lách luật cự phách nhất Sài Gòn nay đã mất là ông Lâm Quốc Trung, ông Trung từng dám bán nhà mặt tiền về ở chung cư để lấy tiền mua lại một số “phụ trang” của các tờ báo từ Cà Mau đến Vũng Tàu, làm ra những tờ báo giải trí mang dấu ấn cá nhân ông. Còn ở mảng văn nghệ, từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi tình hình xuất bản đã bớt bị kìm kẹp, rất nhiều người đã tự bỏ tiền túi để làm những “tờ báo” thuần túy văn nghệ, gần như không thu hồi vốn như Thời Văn (Nguyễn Đăng Trình), Gieo và Mở (nhiều người làm), Văn tuyển (Phạm Viêm Phương, Nguyễn Liên Châu- đến nay… vẫn còn ra lai rai) và vài anh em văn nghệ cũ, vẫn ra những tuyển tập văn chương, tự tìm bài, tự in, chỉ có phải mua giấy phép của các nhà xuất bản. In ra, phân phát nhau đọc, mua giúp nhau. Gần như không bán được và vì vậy bài in cũng không có nhuận bút bằng tiền, mà lấy bằng sách! (Các tuyển tập văn chương do tư nhân thực hiện đặc biệt chỉ có ở Sài Gòn, không có ở Hà Nội và bất kỳ nơi nào tại Việt Nam)
Có báo chí xuất bản tư nhân chưa hẳn đã là có tự do báo chí,
nhưng thật đáng buồn, cho đến giờ dù thực tế đã chỉ ra rằng ngành xuất bản hiện
đã bị tư nhân chi phối mạnh mẽ, rất nhiều tờ báo nhà nước vẫn tiếp tục bán giấy
phép cho tư nhân ra các phụ trương để nuôi sống tờ báo chủ, nhưng nhà cầm quyền
vẫn chưa dám cho phép báo chí, nhà xuất bản tư nhân ra đời, dù chịu sự kiểm
duyệt.
Và vì vậy cái khát vọng tự mình bỏ tiền làm ra một tờ báo,
sống chết cùng với nó vẫn chưa thành hiện thực, người có tâm làm ra những sản
phẩm văn học vẫn chịu sự chi phối đầy bất trắc của các nhà xuất bản. Đã gần bốn
mươi năm trôi qua từ khi tự do báo chí bị bóp nghẹt, những người có tâm, có tầm
dần mệt mỏi, trong khi đó truyền thông thế giới đã đi những bước dài trong môi
trường internet. Tại Việt Nam hiện nay, những tờ báo có hàm lượng thông tin,
văn hóa và học thuật đã dần lép vế, biến thái để tồn tại hoặc nhường chỗ cho
những “sân chơi” xô bồ, thô tục của những trang web được cấp phép nằm dưới sự
khuynh loát của tư nhân, mà mục đích chính của những “ông chủ” này là tiền!
Ngành báo chí xuất bản Việt Nam chắc chắn sẽ càng suy đồi hơn
trong tình trạng nửa nạc nửa mỡ bây giờ. Lối thoát duy nhất là chấp nhận báo
chí xuất bản tư nhân và điều hành bằng hệ thống kiểm duyệt!