Nguyễn Văn Tuấn
Báo Giáo Dục Việt Nam cho biết ông Hà Văn Thắm, chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương, "tốt
nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học
Comlombia Common Wealth – Mỹ và bảo vệ Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại
Trường Đại Học Công nghệ Paramount – Mỹ". Nhưng cả hai trường này đều đáng nghi ngờ vì chẳng có tiếng tăm hay tên tuổi gì trong học thuật.
Cái trường gọi là Columbia Commonwealth University xuất thân từ
trường có tên là Columbia Pacific University (CPU). CPU không được công
nhận ở bang California và ở Mĩ. CPU bị toà án California ra lệnh đóng
cửa vào năm 2000. Sau khi bị đóng cửa, mấy người chủ trương di dời
trường đến bang Montana và đổi tên thành "Columbia Commonwealth
University" (CCWU). CCWU cũng không được công nhận ở Mĩ, nên người chủ
trương đăng kí ở… Malawi (Phi châu). Ở Mĩ, bang Texas xem văn bằng do
CCWU cấp là "fraudulent or substandard"
(2). Nói tóm lại, lai lịch của "trường" này không minh bạch và có tiền
sử xấu. Có thể xem đây là một diploma mill (kinh doanh bằng cấp) của Mĩ
mà thôi, chứ chẳng phải đại học đúng nghĩa.
Tương tự, cái trường gọi là Đại Học Công nghệ Paramount (tiếng Anh
là Paramount University of Technology) cũng không phải là một đại học
chính thống. Trang web của PUT mô tả rằng trường này là trường… online! Báo chí Mĩ như tờ Seattle Times xem PUT là một diploma mill, chứ chẳng phải là trường học, càng chẳng phải là đại học. Mark Ashwill, một chuyên gia giáo dục Mĩ ở VN, cũng xếp PUT vào loại cơ sở thương mại buôn bán bằng cấp.
Tóm lại, cả hai "trường đại học" mà ông cựu chủ tịch hội đồng quản
trị ngân hàng Đại Dương theo học đều là cơ sở buôn bán bằng cấp bằng
giấy, chứ chẳng phải là trường đại học chính thống. Do đó, văn bằng thạc
sĩ và tiến sĩ của ông cũng có thể nói là chẳng có giá trị gì vì chẳng
ai công nhận.
Trường hợp của ông HVT có lẽ chỉ là một trong tảng băng chìm về bằng
cấp dỏm ở VN. Theo thống kê của Bộ GDĐT thì VN có 24 ngàn tiến sĩ,
nhưng không biết trong số này có bao nhiêu là loại tiến sĩ từ các cửa
hàng bán bằng cấp như ông HVT có. Có lẽ chẳng ai biết con số chính xác,
nhưng cứ mỗi lần các đại gia và quan chức VN được báo chí nêu có vấn đề
thì bằng cấp của họ cũng có vấn đề. Điều này nói lên rằng cái hệ thống
tuyển chọn chuyên gia và người tài ở VN có vấn đề nghiêm trọng. Không
nghiêm trọng sao được khi những người có bằng cấp dỏm lại có thể được đề
bạt vào những vị trí cầm trịch nền kinh tế và hành chính cấp quốc gia.
Dĩ nhiên, nhiều người trong nhóm này, bằng cấp chỉ là vật trang trí
nhưng là điều kiện cần cho việc thăng tiến trong sự nghiệp của họ, nên
chuyện bỏ ra vài chục ngàn USD để có cái bằng thạc sĩ hay tiến sĩ là một
sự đầu tư, như đầu tư vào một dự án kinh tế. Đối với họ đó là đầu tư,
nhưng với cộng đồng học thuật và danh dự quốc gia thì đó là một thảm
hoạ.