Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Kính thưa ông lão vườn Bùi !

Đào Dục Tú
Không hiểu sao cứ mỗi khi đọc đâu đó thấy nhắc đến con số làm tròn 24 ngàn ông tiến sĩ ở Việt Nam trong đó có chừng trên dưới 9 ngàn ông được tuyển dụng hoặc tạm tuyển, “tạm thời có việc” dù trái ngành trái nghề, là tôi liên tưởng ngay đến bài thơ “Vịnh tiến sĩ giấy” của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, một gương mặt thơ trào phúng cận đại nổi tiếng văn đàn Việt.
Người đời thời đó còn dùng biệt danh thân mật gọi cụ là “ông lão vườn Bùi”.”Vườn Bùi chốn cũ- Bốn mươi năm lụ khụ lại về đây !. . .”
Tôi thật không có ý mạo phạm, hài hước cười cợt 24 ngàn tiến sĩ nước Việt thời hiện đại. Khối lượng tri thức họ mang trong đầu là một khối lượng đáng kể dù quá trình học hành của họ chưa toàn diện, toàn bích như ở xứ giáo dục đại học phương Tây có vài ba thế kỷ văn minh , phát triển. Nhưng họ sẽ trở nên hữu dụng biết chừng nào cho sự nghiệp kiến quốc, nếu như thể chế tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa bảng trong nước này.

Hiển nhiên, cái lò đào tạo họ là hệ thống các trường ĐH Việt Nam. Mà hệ thống đó thập kỷ qua nổi trội hiện trạng trường đặc thù “công tư hợp doanh” đua nhau mọc, chỉ cốt yếu quan tâm sĩ số đầu vào, càng đông càng vui. Đào tạo ngành nghề mà không cần biết đầu ra, bất chấp chất lượng đào tạo có đủ chuẩn ,đủ độ tương thích tương hợp với nhu cầu cụ thể của đời sống kinh tế xã hội hay không.
Ngành giáo dục đào tạo niên khóa 2012-2013, chỉ tiêu ngân sách nhà nước lo 16 ngàn “thầy cô tương lai”,43 trường sư phạm cả nước trong ” khu rừng giáo dục đào tạo” đội vượt lên 25,5 ngàn,gần gấp đôi !Niên khóa 2013-2014, “chỉ tiêu tự khoán” bớt được 250. Nạn thiếu thợ thừa . . . “thầy” càng trầm trọng ! Và, oái oăm thay, trong khi cả thế giới đang cần kiến tạo một nền kinh tế tri thức bền vững thì ở xứ này đang xẩy ra tình trạng tạm gọi “nạn nhân mãn” trí thức- hiểu trong phạm vi “người có học,học vị” !
Hệ lụy nhãn tiền là xứ ta có hàng ngàn ông giáo sư, phó giáo sư, mấy chục ngàn ông tiến sĩ, vượt xa nhiều nước trong khu vực nếu tính trên tỷ lệ đầu người song đóng góp cho nghiên cứu cơ bản và khoa học công nghệ ,hình như chất lượng tỷ lệ nghịch số lượng. Trớ trêu thay người Việt khoa bảng như rừng mà nước Việt vẫn cứ ì ạch quẩn quanh không sao vượt thoát khỏi mặt bằng lạc hậu, tụt hậu quá xa so với khu vực và thế giới về nhiều mặt, có mặt đang thua cả Lào và CPC !.
Chung quy chỉ vì yếu kém về tri thức phát triển kinh tế xã hội thời hội nhập toàn cầu. Nói gọn lại là yếu kém kinh tế tri thức. Một nhà nghiên cứu tâm huyết buồn bã thốt lên tăng trưởng kinh tế ở nước ta chủ yếu trông vào lao động cơ bắp, bán tài nguyên ,cho thuê đất-địa điểm sản xuất,bán môi trường, toàn những thứ có sẵn ,trời cho là chính.
Các đại biểu Quốc hội thì bầy tỏ sự lo ngại về tình hình sản xuất nói chung, trong đó công nghiệp phụ trợ nói riêng hầu như con số không ,nên khâu sản xuất hàng hóa từ dệt may ,da giầy,lắp ráp ô-tô xe máy ,điện tử vân vân. . . phụ thuộc nước ngoài gần như toàn phần. Nhập từ ghim giấy ,kim khâu, đến con ốc con vít. . . Chả hiểu làm sao nhỏ như cái kim khâu ,cái cúc áo, cái đinh ốc có làm ra cũng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật thì còn nói gì nữa.
Đến bao giờ mới thoát được cái cảnh người người lắp ráp gia công, nhà nhà làm gia công ,bán rẻ sức cho người,thực chất là làm thuê cho tư bản nước ngoài ngay trên đất Việt !
Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách, huống hồ là người có học có chữ ,có kiến thức đủ các chuyên ngành đào tạo từ trung ương xuống địa phương.Tôi đâu dám hồ đồ vơ đũa cả nắm. Có không ít nhà khoa học,trí thức khoa bảng danh vị “xứng kỳ đức ” lao động sáng tạo, vì nước quên thân đời nào cũng có.
Nhưng vẫn còn nguyên vẹn đấy thực tế đáng buồn, chừng mười lăm ngàn ông tiến sĩ thất nghiệp, hàng ngàn ông có việc nhưng không phát huy được sở trường sở đoản, ngâm ngùi nước chẩy bèo trôi. Chưa kể vài trăm vị giáo sư hữu danh vô thực, bằng sắc học hàm học vị đủ cả, chỉ thiếu công trình khoa học, nhất là những công trình hữu dụng hữu ích cho khoa học công nghệ nước nhà.
Và ,xin nói thẳng, khối vị ” mười năm,hai mươi năm hay lâu hơn nữa” cũng chả hy vọng lóe sáng thăng hoa sáng tạo sáng chế công trình gì cho tương xứng danh vị . Thâm chí có vị một bài báo khoa học ra ngô ra khoai, có hàm lượng khoa học công bố trên diễn đàn chuyên ngành quốc tế cũng không nốt ! Chả lẽ bài thơ “vịnh tiến sĩ giấy” của “ông lão vườn Bùi” ngoài nỗi sầu tư ám ảnh họ hay sao. Vì đâu nên nỗi?
Trách ai đây hay lại như cụ Nguyễn Công Trứ tài danh có lúc cũng . . . bẽ bàng than thở với người đời “ngồi buồn lại trách ông xanh- khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười !”
Nghĩ lan man, thấy tâm phục cụ Nguyễn Khuyến
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh thế mới hời
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi !.
Một quốc gia đã nghèo thì chớ lại không sao giải được bài toán cung –cầu tối thiểu mặc dù rất thích chém gió về nguồn lực con người, đi đào tạo hàng chục ngàn ông tiến sĩ và cao hơn tiến sĩ chỉ để “ăn dần” học hàm học vị ngồi chơi xơi nước ,ăn không ngồi rồi, rẻ rúng học hàm học vị quá lắm
Sự thể đã thế thì. . . hậu thế còn biết làm sao đây, kính thưa anh linh “ông lão vườn Bùi” ! . / .

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"