Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Nhân đọc Đèn Cù, xem xét cách quản lý communism

chunghiacongsan11
“…Sức cám dỗ là cứu cánh thế giới đại đồng ngay trên mặt đất, nhưng phương tiện bạo lực giết chóc lại được nâng lên như một hàng đạo đức. Con người một khi xem điều ác là đạo đức thì cũng chính là lúc con người đánh mất nhân tính đã được bồi đắp qua hàng triệu năm. Con người trong chế độ cộng sản dễ bị tha hoá…”



dencu_trandinh04
Tôi có dịp đọc qua Đèn Cù. Cũng như nhiều người hộp thư của tôi nhận được ấn bản điện tử cuốn sách công ty Người Việt xuất bản. Tác giả quả là muốn nó đến với nhiều người đọc.
Tác giả Trần Đĩnh, nếu những ai để ý đến hoặc buộc phải đọc về tiểu sử của các lãnh tụ cộng sản đều phải nghe đến. Ngòi bút của ông Trần Đĩnh đã được chế độ cẩn trọng chọn để viết tiểu sử cho lãnh tụ thứ nhất, Hồ Chí Minh. Tác giả được biết qua Đèn Cù đã là một cộng sự thân cận như hình với bóng với Hồ Chí Minh từ những ngày trên chiến khu Việt Bắc.

Khả năng viết lách của Trần Đĩnh đã được trọng dụng trên mũi nhọn tuyên truyền của đảng cộng sản, từ chiến khu Việt Bắc của những năm 1945 cho đến khi nắm toàn quyền ở miền Bắc. Dưới mắt của các lãnh tụ cộng sản Trần Đĩnh đã không chỉ là một công cụ đắc lực mà còn rất trung thành. Ít nhất những chế tác tuyên truyền của ông đã chứng tỏ điều đó. Đối với cơ quan ngôn luận nòng cốt Nhân Dân, Trần Đĩnh đã đứng vào hàng những cây viết chủ lực trong những năm đầu thập niên 60 ở miền Bắc.
Mãi đến mùa hè 2014 này Trần Đĩnh mới cho ra đời một cuốn sách rất khác, Đèn Cù. Như lời tự bạch sau bao nhiêu năm làm công việc của một “bồi bút” mẫn cán, nay ở tuổi 85, tác giả cảm thấy bổn phận phải có cuốn sách của riêng mình. Nó phải là một nhu cầu nói thật sau cả đời bị buộc nói dối.
Cách viết của Đèn Cù có thể nói là lập dị. Nhiều độc giả đã than phiền vì khó đọc. Đèn Cù không phải là sách lịch sử, cũng không hẳn là hồi ký. Nó chỉ là “truyện tôi” như tác giả nhìn nhận, đúng hơn là những trang bút ký không mốc thời gian. Có những đoạn phải đọc kĩ mới thấy được đại ý. Nhưng cũng chính cái ánh nhập nhòe của “truyện tôi” Đèn Cù đã kích thích sự tò mò của độc giả trước những sự thật dễ bị lẫn khuất.
Điều Đèn Cù phơi bày tự nhiên nhất là nó giúp ta nhận thấy rõ hơn về nguồn cơn của số phận dân tộc trong một giai đoạn lịch sự phức tạp. Hai nhân vật hiện diện đậm nét, cũng là hai tác nhân chính gây nên các cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam là Hồ Chí Minh và Lê Duẩn.
Tâm lý của hai nhân vật Hồ Chí Minh và Lê Duẩn
Nếu cần một nhận định thì có thể kết luận ngay cả bốn cuộc chiến tranh đều không đáng có. Cần nhớ lại chiến tranh Thế giới Hai đi đến hồi kết thúc, Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương năm 1945 và không lâu sau đó đầu hàng Đồng Minh đã tạo ra một khoảng trống chính trị ở Việt Nam. Chính phủ quân chủ lập hiến Bảo Đại-Trần Trọng Kim đã chớp cơ hội tuyên bố quốc gia độc lập trước thế giới. Đây đã là chính phủ đại diện có tính chính danh nhất, ít nhất đối với sự liên tục quốc gia. Vào giai đoạn này chính sách thuộc địa của Pháp đứng trước sự thoái trào, đi đến hồi cáo chung trên thế giới, không thể nào cưỡng lại khát vọng độc lập mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã đổ cả máu để tranh đấu. Cần nhấn mạnh tính chất quan trọng của sự kiện lịch sử này: độc lập dân tộc-quốc gia được thu hồi qua con đường chính tri-ngoại giao này phải được xem là con đường lý tưởng, vì không hao tốn xương máu quốc dân. Đất nước đã có thể được bắt đầu xây dựng, phát triển từ năm 1945 khi mà nguồn lực quốc gia và cơ sở hạ tầng còn nguyên vẹn trên toàn quốc.
Nhưng lịch sử bị quặt theo một hướng khác. Hồ Chí Minh về nước mang theo chủ nghĩa cộng sản đã chính thức phát động cuộc chiến tranh đầu tiên Việt-Pháp ở miền Bắc. Tại sao phải chủ trương chiến tranh khi nước nhà đã độc lập?
Có phải là để thực hiện nhiệm vụ của Đệ tam Quốc tế cộng sản giao cho Hồ Chí Minh thi hành. Một giải thích nghe hợp lý, vì trùng hợp với các mốc thời gian hoạt động của tổ chức này. Hồ Chí Minh về nước năm 1941, năm 1943 Đệ Tam Quốc Tế giải tán nhưng năm 1947 được tái sinh và lại giải tán năm 1956 do mâu thuẫn Nga-Trung ngày càng lên cao. Nhưng đó chỉ là một mặt nổi của vấn đề. Qua những chi tiết tưởng chừng vụn vặt trongĐèn Cù, có thể thấy Hồ Chí Minh đúng hơn đã nhận thực hiện cuộc chiến tranh uỷ nhiệm của Mao Trạch Đông.
Hồ Chí Minh sau lần đến Moscow năm 1924 bị đối xử ghẻ lạnh, rồi thất thế trước những nhân vật cộng sản nổi trội khác như Trần Phú, Lê Hồng Phong, đã phải sống những năm tháng sau đó rất bơ vơ, có cả khoảng thời gian dài mất tích bí ẩn sau những năm 1930. Ngay cả Hồ Chí Minh cũng không muốn nhắc đến giai đoạn này khi ủy thác cho Trần Đĩnh viết hồi ký. Con đường thăng tiến của Hồ Chí Minh chỉ được mở ra sau khi gia nhập làm đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc, và từng bước được sự chiếu cố của Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông cần một cộng sự viên phục tùng để phục vụ chiến lược dùng Việt Nam làm phên dậu cho Hoa Lục trước lo ngại đối với phương Tây, và Hồ Chí Minh đã là một ứng cử viên sáng giá. Với cái dù của Mao, Hồ Chí Minh đã qua mặt các đảng viên cộng sản khác để trở thành lãnh tụ cách mạng Việt Nam, và về nước năm 1941 với vị thế mới.
Chi tiết năm 1949 Hồ Chí Minh phải khăn gói vượt biên giới sang gặp Mao Trạch Đông, khi họp thì thông dịch viên tùy tùng bị đẩy ra ngoài, chỉ còn một mình Hồ ngồi nói chuyện với Mao và các cận tướng bằng tiếng Hoa, chứng tỏ chuyến đi đó đơn thuần là để báo cáo công tác với thượng cấp trong đảng. Căn cứ Việt Bắc trong cuộc chiến 1945-1954 với Pháp được Trung Quốc chu cấp mọi mặt từ cây kim sợi chỉ đến các loại vũ khí đạn pháo, cả nhân lực lẫn đường lối chiến tranh. Chiến thắng Điện Biên Phủ của phe cộng sản chỉ khiến đất nước đã độc lập, thống nhất lại bị chia đôi năm 1954. Giềng mối văn hóa xã hội miền Bắc bị tàn phá tận gốc rễ qua cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất” theo chỉ thị trực tiếp từ Mao. Đây cũng là thời gian văn hóa, văn học, ngôn ngữ miền Bắc du nhập nhiều độc tố từ Trung Cộng nhất. Kinh tế miền Bắc hoàn toàn kiệt quệ.
Còn giải thích thế nào về quyết định cuộc chiến tranh tiến đánh miền Nam trong đó Hồ Chí Minh đã có thái độ lưỡng lự? Đây cũng là một trong những chi tiết “khó nuốt” nhất của Đèn Cù đối với nhiều người. Đã có những bài viết đả kích Đèn Cù, oái ăm, cũng bởi những chi tiết Trần Đĩnh viết về nhân vật Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó những bài viết đã dùng những chi tiết trong Đèn Cù để “giải ảo Hồ Chí Minh” thì tỏ ra lúng túng với chi tiết Hồ Chí Minh không biểu quyết trong nghị quyết đánh miền Nam này.
Phải nói nếu đặt tư duy trong nhãn quan bạn thù, thiện ác thì vấn đề cốt lõi dễ bị che lấp, do đó cần phải có sự tỉnh táo như những người làm khoa học khi đứng trước các dữ kiện. Nguyên ủy cuộc chiến đánh miền Nam của phe cộng sản miền Bắc cần được rọi vào với những ánh sáng mới.
Cần nhấn mạnh ngay cuộc chiến Bắc-Nam là cuộc chiến của Lê Duẩn. Sau khi thâu tóm toàn bộ quyền lực từ tay Hồ Chí Minh, Lê Duẩn cần một chiến thắng vang dội hơn Điện Biên Phủ để khẳng định vị trí lãnh tụ của mình. Mao Trạch Đông thì chủ trương đẩy chiến tranh càng xa Hoa Lục càng tốt nên không muốn thấy hòa bình ở Việt Nam. Mao Trạch Đông và Lê Duẩn đã gặp nhau ở mục tiêu chiến tranh. Mao Trạch Đông vào lúc đó đã không còn thấy sự hữu hiệu ở dụng cụ Hồ Chí Minh nữa. Đây là điểm quan trọng cần giải thích xuyên suốt.
Không như những người cộng sản thuộc phái chống Lê Duẩn hoặc những học giả nước ngoài dùng dữ kiện Hồ Chí Minh không biểu quyết này để tô điểm tính dân tộc chủ nghĩa trong con người Hồ Chí Minh, sự kiện Hồ Chí Minh không biểu quyết nghị quyết tiến đánh miền Nam thật ra lại nói lên bản chất con người Hồ Chí Minh rõ nhất.
Nếu nói Hồ Chí Minh phục vụ cộng sản quốc tế, Hồ Chí Minh làm cộng cụ cho mưu đồ của Mao Trạch Đông, hay thậm chí Hồ Chí Minh đã hợp tác với tình báo Mỹ… đều đúng và đều có chứng cứ, nhưng phải nhìn xuyên suốt mới thấy Hồ Chí Minh có thể làm tất cả và tất cả đối với Hồ Chí Minh chỉ là phương tiện nhằm đạt mục tiêu danh vọng cá nhân. Đây là một loại bệnh lý danh vọng. Cần nhất mạnh ở chữ “tất cả”, Hồ Chí Minh bất chấp mọi giá trị đạo đức căn bản nhất của con người. Đặc tính nổi lên trên hết là sự nhu nhược, khom người trước quyền lực ở con người Hồ Chí Minh. Đây cũng đã điều gây nên thảm kịch cho dân tộc.
Một Nguyễn Sinh Cung lớn lên thất bại trên mọi địa hạt, cả cuộc đời sống vất vưởng nên khát khao một danh vọng, đến khi ngoài tuổi 50 mới gặp được cơ hội tìm kiếm công danh ngàn vàng từ Mao Trạch Đông. Hồ Chí Minh do vậy về nước năm 1941 là để thực hiện kế hoạch của Mao, với phương tiện của Mao, nhưng xương máu là người Việt Nam. Trong mở màn chiến dịch cải cách ruộng đất “long trời lở đất” ở miền Bắc, có thể trong thâm tâm Hồ Chí Minh không muốn giết một người phụ nữ là ân nhân lớn của các lãnh tụ cộng sản như bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm, nhưng vẫn răm rắp cúi đầu viết báo vu cáo cực kỳ ác độc bà Năm là “Địa chủ ác ghê”, cải trang bịt râu đến theo dõi đấu tố, và rồi cho giết bà Năm một cách ghê rợn. Thời gian Hồ Chí Minh thực sự nắm quyền ở miền Bắc chỉ rất ngắn, đã trên dưới 70, cũng là độ tuổi mà nhu cầu hiển nhiên ở một con người suốt đời đi tìm kiếm một danh vọng cá nhân cần hưởng thành quả cách mạng. Cần phải hiểu cái tâm lý thỏa mãn ở một con người tầm thường, thiếu tài năng nay bỗng trở nên làm chủ tịch của cả một nửa nước như Hồ Chí Minh.
Đứng trước một Lê Duẩn sắt máu, sắc sảo, thông minh hơn, có tài hùng biện mà chủ yếu là ngụy biện, một lần nữa Hồ Chí Minh lộ rõ bản chất nhu nhược, phục tùng. Lê Duẩn có một thời gian dài hoạt động ở miền Nam, hiểu rõ sự thịnh vượng của miền Nam, nhưng điều đó không ngăn cản quyết tâm giải phóng miền Nam của Lê Duẩn. Nhằm phục vụ quyết tâm chiến tranh Lê Duẩn cần biểu tượng và khẩu hiệu. Hồ Chí Minh thì quyết ôm ngôi vị cha già dân tộc, như ôm một lô độc đắc. Cũng như vụ đấu tố giết bà Nguyễn Thị Năm trước đây, Hồ Chí Minh đã bỏ phiếu trắng trong Nghị quyết 7 đánh miền Nam nhưng rồi vẫn hô hào khẩu hiệu đòi đốt cả dãy Trường Sơn đi giải phóng miền Nam là bằng chứng cho thấy Hồ Chí Minh lại một lần nữa cúi đầu phục tùng quyền lực, lần này là quyền lực của Lê Duẩn. Tất cả các khấu hiệu hô hào đánh miền Nam của Hồ Chí Minh đều do Lê Duẩn thao túng. Đó quả là một sự mặc cả đểu cáng, cuộc chiến thứ hai này là một thảm kịch khác cho dân tộc. Hậu quả của cuộc chiến thứ hai là gì, có cần phải lập lại đầy những con số thống kê đau xót, bi thảm của dân tộc này.
Còn hai cuộc chiến kế tiếp? Có thể nói Lê Duẩn là tổng bí thư của chiến tranh, hay nói Lê Duẩn cần chiến tranh để duy trì ngôi vị tổng bí thư cũng không sai. Hai cuộc chiến tranh tiếp theo vào năm 1979 với Trung Cộng ở biên giới phía bắc và với Khơ me Đỏ ở biên giới tây nam đều có nguyên nhân phát xuất từ cung cách Lê Duẩn. Cần nhớ lại bối cảnh chính trị của phe xã hội chủ nghĩa trong những năm 1960, Lê Duẩn đã lợi dụng được sự yểm trợ trên mọi phương tiện của cả hai thế lực dù đang hục hặc Trung Quốc và Liên Xô cho cuộc chiến tiến đánh miền Nam. Nhưng sự thiển cận chính trị thường đi đôi với di hại không lường. Trong khi Mao đang ra sức đánh phái hữu ở Trung Quốc, một hình thức củng cố quyền lực ngai vị, Đặng Tiểu Bình được cho thuộc phái hữu bị thanh trừng gần mất mạng, Lê Duẩn cần sự ủng hộ của Mao cũng thực hiện vụ án “Xét lại chống Đảng” như món quà cung tiến từ Việt Nam. Khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền sau khi Mao chết năm 1976 đã cần rửa hận trước một Lê Duẩn trở nên kiêu căng đến vĩ cuồng. Đặng Tiểu Bình đã mở hai cuộc chiến tranh 1979 ở hai mặt trận khiến núi xương sông máu của người Việt Nam càng chất lên cao sau hai cuộc chiến 30 năm. Đặng Tiểu Bình rút quân sau khi đạt được mục tiêu chính trị. Thành tích cuộc chiến là Đặng Tiểu Bình được ban lãnh đạo chấp nhận cho tiến hành hiện đại hóa quân đội, và được hòa hoãn với Mỹ để có một thời gian dài dưỡng sức phát triển đất nước. Còn Lê Duẩn tự phụ đã đưa đất nước đi đến đường cùng, bị cô lập hoàn toàn với thế giới. Sự cùng kiệt toàn diện đã dẫn đưa đảng cộng sản Việt Nam vào tròng “Hội nghị Thành đô”, lệ thuộc, nhục nhã cho đến ngày nay.
Cần quay lại với những chi tiết thật khác trong Đèn Cù. Đây lại là những chi tiết về những lãnh tụ cộng sản mà nhiều người chống cộng không muốn tin đó là cũng sự thật. Họ có lý của họ. Những người chủ trương các cuộc chiến tranh tàn khốc, hơn 4 triệu người Việt Nam thiệt mạng, gia đình ly tán, nền tảng đạo đức dân tộc bị băng hoại, đất nước bị tụt hậu cả trăm năm so với nhiều nước trong khu vực chắc chắn phải là những kẻ xấu xa. Vậy tại sao Đèn Cù lại “cả gan” tả những chi tiết có thể nói là rất con người về những lãnh tụ cộng sản, điển hình như là Hồ Chí Minh và thậm chí là Lê Duẩn. Đây là những chi tiết không thể chấp nhận đối với những người chống cộng, cũng là một tâm lý rất con người trong trường hợp này. Nhưng như đã nói ở trên, Trần Đĩnh chỉ có nhu cầu nói thật trong Đèn Cù. Phải cần đối diện với nó, nhưng đối diện như thế nào?
Từ những chi tiết thật trong Đèn Cù về những con người như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, điều chúng ta có thể thấy họ phải là những người có sức truyền cảm cao. Họ đã luôn có nhiều đồng chí kiên trì bên cạnh trên một chặng đường dài. Nói ra những điều này tôi hoàn toàn không có ý xúc phạm đến những nạn nhân đã nằm xuống vì những chủ trương chiến tranh bạo liệt của Hồ Chí Minh và Lê Duẩn. Và ngay khi họ là những người có sức truyền cảm cao đi nữa, một đặc tính rất con người, thì điều đó không hề mảy may thay đổi trách nhiệm của họ trước lịch sử dân tộc. Đây cũng là những điểm khiến nhiều người lên án Đèn Cù chỉ làm vấn đề thêm tù mù, Hồ Chí Minh và Lê Duẩn đã là tội đồ dân tộc hiển nhiên rồi, cần Đèn Cù soi gì nữa?! Tôi không biết Trần Đĩnh khi viết Đèn Cù có ý định soi gì không, nhưng theo tôi tác giả đã kể lại những chi tiết một cách thực thà, đã diễn tả những cảm xúc cũng thực thà qua một tâm hồn có tài năng văn học. Có soi được gì không nó không còn là trách nhiệm của tác giả nữa.
Con người không toàn bích
Đến đây tôi xin đi vào trong một lĩnh vực mới, có vẻ rất xa lạ với môn chính trị truyền thống, và nếu nó có làm độc giả nhức đầu thì tôi phải thành thật xin lỗi trước. Có lẽ một lý do khách quan khiến ít người nghiên cứu lĩnh vực này có lẽ do sự ngăn cản vô hình của hàng rào tín điều họ được nuôi dưỡng, nhưng đây là điều rất cần thiết phải tìm hiểu. Những phân tích này đơn giản nhằm hỗ trợ một ý kiến, một ý kiến mới. Thiết nghĩ mọi nỗ lực xã hội đều sẽ đi đến bế tắc nếu nó không bắt đầu bằng một ý kiến đúng. Đừng sợ ý kiến mới cần là một tâm lý có tính tập quán.
Xin trình bày một cách ngắn gọn nhất có thể. Những nhà khoa học chuyên ngành thần kinh con người hàng đầu thế giới đều đi đến một kết luận rằng bộ óc con người được cấu tạo theo phương cách chúng ta không nhận thấy hiện thực một cách trực tiếp, mà chỉ nhận thấy hiện thực qua những phiên ảnh do hệ thần kinh tạo nên. Trong tác phẩm nổi tiếng “Making up the Mind: How the Brain creates our mental world”, khoa học gia chuyên ngành thần kinh hàng đầu Chris Frith cũng có kết luận rằng não bộ con người tạo nên những phiên ảnh khi tiếp cận với dữ liệu, và diễn giải những dữ liệu đó bằng vốn kinh nghiệm đã được lưu trữ trong não bộ. Tùy theo phẩm lượng của vốn kinh nghiệm được lưu trữ, khả năng diễn giải các dữ liệu sẽ làm phát sinh những hành động tương ứng. Thực tế cho thấy có những người luôn luôn chỉ tiếp nạp những dữ liệu ảo nên những hành động của họ thường không ăn nhập với thực tế, và nếu khi họ có những hành động gần với thực tế thì chỉ đơn thuần là do sự tình cờ. Chúng ta di chuyển trên đường phố gặp đèn giao thông màu đỏ thì quyết định là dừng lại, bởi vì vốn kinh nghiệm được lưu trữ trong não bộ đánh giá đó là hành động tốt nhất, như để tránh rủi ro tai nạn, hay tránh bị cảnh sát phạt chẳng hạn. Nhưng trái lại một người vị thành niên có thể có hành động không dừng lại trước đèn đỏ giao thông, vì não bộ của họ chưa tích đủ những kinh nghiệm để đánh giá đủ khả năng như là xảy ra tai nạn khi vượt đèn đỏ. Tương tự như vậy, đứng trước cùng một vấn đề thì một đứa trẻ thường không có quyết định đúng đắn như người trưởng thành.
Như vậy, không như những tín điều của các tôn giáo, theo ngành khoa học thần kinh con người chỉ là một cỗ máy, dù đó là cỗ máy đã được tiến hoá siêu đẳng nhất. Nếu có Tạo Hoá tạo ra con người thì đây là cách mà Tạo Hoá tạo nên con người. Vì là một cỗ máy, con người không toàn bích, con người không thể trở thành thần thánh có quyền năng siêu nhiên, do vậy nếu có giáo hội hay đoàn thể cho rằng mình đang nắm chân lý tuyệt đối thì đó là điều không đúng. Trên hành trình hướng thiện con người chỉ có thể tiến gần đến chân lý mà thôi. Và chính điều này là sự khuyến cáo nghiêm khắc cho con người cần có sự khiêm tốn. Loài người hiện diện tình cờ và cô đơn trong thế giới tự nhiên, loài người bất kể chủng tộc đáng ra phải cần đến nhau thay vì giết nhau.
Cũng vì cấu tạo của con người là như thế, hành động tốt hay xấu đều được phát sinh bắt đầu qua các dữ liệu được não bộ tiếp nhận, ở đây chúng ta có thể kết luận nguồn dữ liệu (data) đóng vai trò tác động cực kỳ quan trọng đối với sự thành hay bại của xã hội loài người. Nguồn dữ liệu có thể là dữ kiện khoa học (scientific fact), tín điều tôn giáo (religion teaching), hay học thuyết chính trị (political theory), vân vân.
Quản lý chủ nghĩa cộng sản
Loài người đi qua quá trình tiến hoá tính được khoảng trên dưới năm triệu năm, nhưng lịch sử loài người ghi chép lại được chỉ mới được khoảng trên dưới năm ngàn năm. Điều này có nghĩa là con người mới chỉ thật sự là con người mới trong một khoảng thời gian rất ngắn so với quá trình tiến hoá, khi mà não bộ con người có khả năng tổng hợp và xử lý các nguồn dữ liệu phức tạp. Cũng trong từng thời gian ấy kho kinh nghiệm của loài người đã phải đối phó với nhiều thử nghiệm, có những thử nghiệm phiêu lưu. Tuy vậy ký ức tập thể loài người vẫn còn lành lặn cho đến đầu thế kỷ 20, khi chủ nghĩa cộng sản xuất hiện. Chủ nghĩa cộng sản đã gây nhiều thiệt hại nhất cho nhân loại. Đã có quá nhiều tổng kết, nhưng cũng cần phải nhấn mạnh một con số đó là chỉ trong vòng 72 năm (1917-1989) số nạn nhân bị giết hại được ước tính là hơn 110 triệu người, bên cạnh đó là sự hủy hoại nhiều mặt đối với xã hội, để lại di hại lâu dài.
Đối với người Việt Nam, trong vòng hai ngàn năm qua cho đến đầu thế kỷ 20 đã tiếp xúc với các tôn giáo như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, về mặt chính trị xã hội thì có sự hiện diện rộng khắp của chủ nghĩa Khổng Giáo. Đây là những nguồn dữ liệu dù có những mặt hạn chế nhưng đã có đóng góp lớn tạo nên đặc tính của người Việt Nam, xây nền tảng cộng đồng. Các tôn giáo khiêm tốn và lương thiện khi hứa hẹn cứu cánh nằm ở đời sau, và phương tiện đi đến là tính thiện ở con người. Chủ nghĩa Khổng Giáo tuy về mặt chính trị nhằm phục vụ nền quân chủ chuyên chế, nhưng về mặt đạo lý nó cũng đề cao thiện căn trong con người. Nhưng đến nửa đầu thế kỷ 20 dân tộc Việt Nam bị buộc tiếp xúc với nguồn dữ liệu mới, chủ nghĩa cộng sản. Đặc tính của chủ nghĩa cộng sản là sức cám dỗ lớn với những người thừa nhiệt huyết và sự sốc nổi, nhưng cũng lại là dụng cụ cho phép những tay hoạt đầu thực hiện giấc mộng lãnh tụ. Sức cám dỗ là cứu cánh thế giới đại đồng ngay trên mặt đất, nhưng phương tiện bạo lực giết chóc lại được nâng lên như một hàng đạo đức. Con người một khi xem điều ác là đạo đức thì cũng chính là lúc con người đánh mất nhân tính đã được bồi đắp qua hàng triệu năm. Con người trong chế độ cộng sản dễ bị tha hoá là vậy.
Chủ nghĩa cộng sản rõ ràng là một căn bệnh ung thư của nhân loại. Bệnh ung thư một khi được phát hiện thì phản ứng y khoa tương thích là chế ngự, cách ly mầm bệnh, hoặc giải phẫu loại bỏ, tùy theo mức độ của căn bệnh và sức đề kháng của cơ thể. Căn bệnh ung thư chủ nghĩa cộng sản cũng đã được giải quyết hợp lý ở nhiều nơi trên thế giới. Nước Mỹ văn minh, chưa trải qua kinh nghiệm chủ nghĩa cộng sản cũng đã dựng đài tưởng niệm nạn nhân cộng sản (Victims of Communism Memorial) ngay tại thủ đô, như  một cảnh báo nghiêm khắc cho nhân loại về sự nguy hại khôn lường của chủ nghĩa cộng sản. Có thể kể thêm những trường hợp nào. Tiêu biểu Ba Lan. Ba Lan đã lấy quyết định quản lý chủ nghĩa cộng sản bằng pháp lý không phải là tình cờ. Người Ba Lan đã hành động chữa căn bệnh ung thư và để chế ngự mầm bệnh ung thư chủ nghĩa cộng sản trong tương lai. Ba Lan hiện là nước năng động nhất, phát triển nhất so với các nước cộng sản Đông Âu cũ. Ba Lan được thế giới kính trọng.
Đối với Việt Nam, vấn đề chủ nghĩa cộng sản nhức nhối hơn. Mỗi người đều có thể sờ mó được vết thương đau của chính mình. Chủ nghĩa cộng sản đã là một nguồn dữ liệu quái ác thâm nhập vào nhiều người Việt Nam, gây tang tóc cho nhiều người Việt Nam. Những nhân vật như Hồ Chí Minh và Lê Duẩn chỉ là sản phẩm. Nói cách khác, nếu không có chủ nghĩa cộng sản thì Việt Nam không có những Hồ Chí Minh hay Lê Duẩn. Nếu không có chủ nghĩa cộng sản, đất nước độc lập, thống nhất đã có thể cất cánh từ những năm 1945 sau thế chiến thứ hai. Ngày hôm nay đất nước Việt Nam đang được xếp hạng ở đâu trên bản đồ thế giới?
Đó là câu hỏi cho mỗi công dân Việt Nam phải tự chất vấn thường trực khi phải đối diện với thực trạng của đất nước. Tại sao chủ nghĩa cộng sản đã chết ngay trên quê hương đã sinh ra nó, mà lại sinh sôi ở đất nước như Việt Nam? Ngày hôm nay căn bệnh ung thư chủ nghĩa cộng sản vẫn còn đang hiện diện ở Việt Nam. Dù có biến tướng, mầm bệnh vẫn còn trên một cơ thể có sức đề kháng yếu.
Vấn đề không đợi được cho dân tộc này là phải có quyết định hữu hiệu đối với căn bệnh ung thư cộng sản. Nếu cần lấy thái độ, nếu cần có hành động, thì hơn ai hết, những người trong bộ máy quyền lực của đảng cộng sản phải là tiên phong. Họ đang thụ hưởng những tiện nghi vật chất thừa mứa có vấy máu của những người như bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm, một người phụ nữ hết lòng với kháng chiến mà thi hài sau khi bị giết còn bị du kích cộng sản nhảy lên dẫm đạp, cho lọt cái quan tài quá nhỏ. Những tiện nghi vật chất xa hoa họ đang thụ hưởng cũng đang vấy máu những bộ đội tuổi thanh xuân phải chết lạnh lẽo dọc đường Trường Sơn, của hơn 4 triệu con người Việt Nam hai miền đã nằm xuống oan uổng trong cuộc chiến tranh vô nghĩa. Lương tâm con người cũng có lúc thức giấc, không thể ngủ trong vô thức mãi được. Họ phải hành động gấp. Một lần cho tất cả, họ cần cởi ách, vĩnh viễn thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản, gột rửa vết chàm mà chính cha anh họ cũng phần nào đã là nạn nhân. Quan tài chủ nghĩa cộng sản phải cần được đóng đinh thật chặt.
Và đối với người dân Việt Nam thì thái độ đã quá hiển nhiên, một khi họ có được quyền tự quyết. Không có dân tộc nào chịu nhiều mất mát, đổ vỡ đối với chủ nghĩa cộng sản như Việt Nam. Một nguồn dữ liệu cực độc hại. Thật khó hình dung người Việt Nam sẽ có một lựa chọn nào khác hơn là lấy quyết định quản lý chủ nghĩa cộng sản như người Ba La đã làm.
Nguyễn Thiện
10/2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"