Luật sư T.A.M
Có lẽ trên thế giới người ta chưa nghe nước nào có nhiều cấp ‘phó’ Bộ trưởng (Thứ trưởng) ‘phó’ Vụ trưởng, ‘phó’ Cục trưởng như ở Việt Nam.
Mới đây báo Tin mới Online đưa tin ‘Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn mỗi bộ có đến 10 vị Thứ trưởng’’. Báo giáo dục Việt nam Online mới đây kể tên từng ông, từng bà Thứ trưởng ở các Bộ, gồm Bộ Tài chính gồm có 9 vị. Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ ngoại giao, Bộ Giao thông – Vận tải mỗi bộ có 7 ‘’ngài’’ Thứ trưởng. Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp mỗi bộ 6 Thứ trưởng. Các bộ còn lại (trừ 3 bộ là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giáo dục & Đào tạo) đều có 5 Thứ trưởng.
Bên cạnh đó, đối với một số Bộ có số lượng cấp phó của tổ chức Vụ (Phó Vụ trưởng), cấp phó Cục (Cục phó) tới 7-8 người, trong khi theo quy định của Chính phủ Việt nam thì mỗi Bộ không được quá 4 Thứ trưởng; mỗi Vụ, Cục không quá 3 cấp phó.
Nguyên nhân của việc ‘phát sinh’ nhiều Thứ trưởng, Vụ phó, Cục phó như vậy nhiều báo cho rằng người có trách nhiệm ‘hứng’ đề bạt; đề bạt rồi thì cấp cao hơn ‘hứng’ ký. Đơn cử một trường hợp mới đây nhất mà báo chí Việt nam đang ì xèo việc ông Trần Văn Truyền (nguyên tổng Thanh tra Chính Phủ) bổ nhiệm tới 60 cán bộ trong vòng sáu tháng trước khi về hưu. Đúng là một kỉ lục ‘bổ nhiệm’ được xêp vào hàng nhất… quả đất. Theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ thì chỉ riêng Văn phòng Thanh tra Chính Phủ có 6 cấp phó, Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành (Vụ 1) có 5 phó vụ trưởng và một cán bộ hàm phó vụ trưởng, Vụ Thanh tra khối văn hóa xã hội (Vụ 3) có 5 phó vụ trưởng, Vụ Thanh tra khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ 2) có đến 4 phó vụ trưởng. Ở các cục, con số này còn nhiều hơn, Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực I (Cục I) có 7 phó cục trưởng, Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực II và III (Cục II, III), Cục Chống tham nhũng mỗi cục có đến 6 phó cục trưởng...
Để rồi chỉ sau đó một năm có một số lãnh đạo bổ nhiệm trong giai đoạn này bị kỷ luật hoặc bị truy tố trước pháp luật. Điển hình là một phó cục trưởng Cục I có hành vi chống người thi hành công vụ, lái xe hất cảnh sát giao thông lên nắp capô, vị phó cục trưởng này bị cách chức và bị đưa ra truy tố trước pháp luật. Hay trường hợp giám đốc Trung tâm thông tin của Thanh traChính phủ cũng bị điều chuyển về đơn vị khác, đang chờ xem xét kỷ luật về những tiêu cực tại đơn vị mình phụ trách. Có một phó vụ trưởng tại Vụ 3 cũng đang trong giai đoạn chờ xem xét kỷ luật do có vi phạm trong một cuộc thanh tra và tố cáo sai sự thật với một phó vụ trưởng khác…
Thực ra chưa thấy báo nào giám phân tích sâu xa nguyên do việc có nhiều ‘quan phó’ này, nhưng những nhà tri thức, tầng lớp nhân dân có học thức họ nhận định rằng, thường những ‘ngài’ có chức, có quyền sắp sửa về hưu ‘thích’ làm ‘cú chót’ để… cứu giúp bạn bè được thăng quan, tiến chức để sau này họ hàm ơn và có thể cứu giúp những lúc khó khăn về kinh tế chẳng hạn. Còn cấp trên nữa, khi đã biết sự thể thì cũng coi ‘chuyện đã rồi’ đành chấp nhận bộ máy cồng kềnh ‘’lắm quan’, ‘nhiều tước’ chứ biết làm sao !