Người Việt
Ba phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam gần như trong cùng một lúc để đối
thoại về những vấn đề mang tính sống còn với Việt Nam: Quốc phòng,
thương mại và nhân quyền.
Blogger Điếu Cày bị trục xuất sang Mỹ cùng thời điểm với ba phái đoàn cao cấp của Mỹ đến Hà Nội. (Hình: Huỳnh Ngọc Dân/Người Việt)
Hôm 21 Tháng Mười, bà Amy Searight, phó phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng
Mỹ, phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, đến Việt Nam để tham dự cuộc
đối thoại về chính sách quốc phòng, sau khi chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố
nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam cách nay vài tuần.
Theo thông tấn xã Việt Nam, bà Searight đã hội đàm với Thượng Tướng
Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam, về tình hình thế
giới, tình hình khu vực, kết quả đã đạt trong năm lĩnh vực từng được đề
ra tại Bản Ghi Nhớ về hợp tác quốc phòng song phương.
Trang web chuyên cung cấp thông tin về quốc phòng và tình báo có tên
là janes.com tiết lộ, ngoài việc hỏi mua các phi cơ tuần thám P-3 Orion
do Lockheed Martin sản xuất, Việt Nam còn hỏi mua hệ thống radar phòng
vệ bờ biển do Raytheon sản xuất. Thậm chí Việt Nam “sẽ theo đuổi việc
mua lại các con tàu cũ của hải quân và lực lượng phòng vệ bờ biển Hoa
Kỳ."
Hồi đầu năm ngoái, Đại Tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng,
từng công khai cho biết, nếu lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam được dỡ
bỏ, trước hết, Việt Nam muốn mua sắm thiết bị, phụ tùng để sửa chữa, bảo
quản, nâng cấp một số vũ khí mà Việt Nam từng thu được trong chiến
tranh. Ông Leon Panetta, lúc đó là bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, chỉ hứa
sẽ trợ giúp nếu Việt Nam “hội đủ một số điều kiện.”
Cũng trong ngày 21 Tháng Mười, ông Michael Froman, đại diện Thương
Mại của Hoa Kỳ, đến Việt Nam để thảo luận về Hiệp Định Thương Mại Xuyên
Thái Bình Dương (TPP).
Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh nói với ông Froman rằng, tuy gặp nhiều khó
khăn nhưng Việt Nam muốn hoàn tất tiến trình thương thuyết về TPP với
Hoa Kỳ.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, ông Ninh kêu gọi Hoa Kỳ chú ý
xem xét các quyền lợi của Việt Nam trong những lĩnh vực xuất cảng thiết
yếu như hàng may mặc và giày dép. Ông Ninh cam kết Việt Nam sẽ dồn mọi
nỗ lực để tham gia TPP và sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết các trở
ngại trong tiến trình thương thuyết.
Hôm sau, 22 Tháng Mười, ông Tom Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Hoa
Kỳ, đặc trách Dân Chủ, Nhân Quyền, và Lao Động, đến Hà Nội. Chuyến thăm
Việt Nam của ông Malinowski sẽ kéo dài cho tới ngày 26 tháng này.
Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong bốn ngày ở Việt Nam, ông Malinowski
sẽ trình bày để Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của việc tiếp tục
chứng minh có tiến bộ về nhân quyền, trước khi hai bên có thể phát triển
quan hệ đối tác tòan diện, hợp tác chặt chẽ hơn về kinh tế và hỗ trợ an
ninh. Ông Malinowski có trách nhiệm hối thúc Việt Nam sớm phê chuẩn
Công Ứớc Chống Tra Tấn, thực thi Công Ước Về Quyền Dân Sự và Chính Trị.
Trong ngày 21 Tháng Mười, thời điểm bắt đầu các cuộc đối thoại về
quốc phòng và an ninh, Việt Nam phóng thích và trục xuất ông Nguyễn Văn
Hải, tức blogger Điếu Cày, sang Hoa Kỳ.
Ngày 23 Tháng Mười, đại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố với báo
giới là Hà Nội chỉ tạm tha không buộc blogger Điếu Cày thi hành tiếp
hình phạt tù vì “lý do nhân đạo.”
Blogger Điếu Cày, 62 tuổi, là một trong những người sáng lập Câu Lạc
Bộ Nhà Báo Tự Do và là một trong những người tích cực vận động cho các
hoạt động chống ảnh hưởng của Trung Quốc trên vận mệnh Việt Nam.
Blogger này bị bắt năm 2008, bị kết án ba năm tù về tội “trốn thuế”
bất chấp việc khởi tố - truy tố - kết án bị cả dư luận Việt Nam lẫn cộng
đồng quốc tế chỉ trích vì có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy đó là sự
ngụy tạo để trừng phạt một người khơi dậy tinh thần chống sự bành trướng
của Trung Quốc .
Năm 2011, sau khi thi hành xong bản án, blogger này vẫn không được
trả tự do. Chính quyền Việt Nam tiếp tục cầm giữ ông, rồi khởi tố và kết
án ông tội “tuyên truyền chống nhà nước” với bản án 12 năm nữa.
Blogger Điếu Cày là một trong những tù chính trị mà nhiều quốc gia và
tổ chức quốc tế liên tục yêu cầu chính quyền Việt Nam phải phóng thích
vô điều kiện. Việt Nam tạm tha không buộc ông thi hành tiếp hình phạt tù
vì “lý do nhân đạo” đúng vào thời điểm bắt đầu ba cuộc đối thoại quan
trọng với các đại diện của chính phủ Hoa Kỳ. (G.Đ.)