Đi trên những bãi biển đẹp mênh mông của nước Mỹ tôi từng ngậm ngùi nghĩ đến nhiều bờ biển rất đẹp của Việt Nam đã bị kẻ cầm quyền đem bán, đến nỗi không nói đến việc tìm ra đường lội xuống nước để bơi là bất khả thi, muốn đi dạo chơi trên cát cho thư thái chốc lát cũng không được nữa. Bây giờ, đám chức sắc đã xướng lên việc bán đường đi. Nghĩa là các vị ấy đã túng quẫn lắm rồi đấy, bao nhiêu thứ bán được trước đây, con cái, phe nhóm họ đã ăn tiêu bằng sạch. Chao ôi, nghĩ đến mà thấy cảm thương!
Lại nhớ chí sĩ Phan Bội Châu, ông có viết trong cuốn Việt Nam vong quốc sử chuyện thực dân Pháp lừa dân chúng ở một vùng quê nọ bán trời cho chúng. Bán xong thì ngồi trong nhà cũng là ngồi vào trời của Đại Pháp, đi ra sân cũng là đi trong trời của Đại Pháp, cùng cực đến nỗi lại phải cùng nhau vét sạch sành sanh của cải để đi chuộc trời về. Với tình thế này, dám chắc người dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng sắp đứng trước thảm họa bị bán trời đến nơi, bởi các ông ấy đã như những con nghiện hêroin thời kỳ cuối, có gì mà không bán chứ.
Các ông các bà Dương Nội và tất cả bà con những vùng miền bị cướp đất trắng tay trong nước ta ơi! Xin hãy tính trước sớm đi, mất đất thì vẫn kéo nhau đi ăn xin được, còn mất đường thì đội quân bị gậy biết đặt chân vào đâu để hành nghiệp? Chắc phải xắn cao quần lội xuống các bờ mương mà đi rồi. Nhưng đến khi mất trời thì nguy quá, chắc phải tìm sông lạch mà lặn mà vùi, chỉ để hở hai con mắt là còn yên thôi.
Âu cũng là cái số trời đã định từ khi ông lạc Long Quân chia tay với bà Âu Cơ. Đang yên lành trên mảnh đất trung du của mình, bỗng hứng lên đem 50 con đi tuột xuống nước mà ở. Kể ra, Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử 4000 năm đến thế là tuyệt đỉnh. Cực lực hoan hô! - Nguyễn Huệ Chi
Phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập cần sự hợp tác đầu
tư với nước ngoài là đương nhiên. Hơn thế nữa, cần phải sử
dụng công nghệ, học hỏi kỹ năng quản lý, và tận dụng vốn của
nước ngoài để thu được lợi ích nhiều nhất, nhưng phía mình
lại bị tổn thất ít nhất. Đó là bài toán tối ưu cửa miệng.
Ai cũng nói được nhưng không phải ai cũng làm được.
Nhìn lại thực tế những gì mà chúng ta đã làm từ khi bắt đầu
chính sách mở cửa trong suốt hai mươi năm qua, thì rút ra được
một số kết luận cay đắng sau đây.
1. Chúng ta không thu được gì nhiều và không học được gì
đáng kể ngoài việc đã bán đi tất cả những gì có thể bán
Bán đất
Những vùng đất đai có phong cảnh đẹp hay đắc địa đều được bán
cho người nước ngoài đầu tư, thời hạn thông thường là năm mươi
năm. Nếu họ mang tiền đến phát triển sản xuất thì còn khả
dĩ, nhưng phần lớn đó là các dự án dịch vụ, địa ốc. Nghĩa
là họ lấy đất xây nhà để bán cho chính người Việt Nam, và tổ
chức các dịch vụ để thu tiền của chính người Việt Nam. Tiếc
thay, các dự án bán đất kiểu này, có thể mang lại sự phát
triển bề mặt, nhưng không mang lại giàu có bền vững đích thực
làm cho đất nước hùng cường.
Lấy một thí dụ điển hình như thành phố Đà Nẵng. Không phủ
nhận sự thay đổi khang trang của thành phố và đời sống người
dân phần nào cải thiện trong thời gian đổi mới. Nhưng sau hai
mươi năm mở cửa hội nhập, nền công nghiệp Đà Nẵng có được
những gì đáng giá? Từ thí dụ của Đà Nẵng để mà suy nghĩ và
không thể không xót xa về sự phát triển của đất nước.
Bán tài nguyên
Không cần phải liệt kê cụ thể. Không có loại khoáng sản nào
mà chúng ta không nhanh chóng đem bán. Thậm chí đến khoáng sản
khai thác lỗ và mang lại nhiều hậu quả tai hại như bô xít Tây
Nguyên mà cũng vội vã đem bán tất.
Bán nước
Không chỉ bán khoáng sản, không chỉ bán rừng, mà chúng ta bán
cả nước sông hồ và biển. Nhiều hồ đều bị bán quyền sử dụng
khai thác trong nhiều năm. Ở Vũng Áng chúng ta bán đi cả hàng
ngàn héc ta biển. Đến Vịnh Hạ Long cũng có người muốn bán
quyền sử dụng khai thác. Bán đất, bán rừng, bán tài nguyên
khoáng sản và bán cả nước.
2. Chúng ta đã bán một cách vội vã lấy được
Nếu bán có chọn lọc cân nhắc thì còn chấp nhận được, nhưng
dưới bình phong đầu tư phát triển, chúng ta đã bán tràn lan
khắp mọi nơi có thể. Nguyên nhân là nhiệm kỳ lãnh đạo chỉ có
hạn, nên trong nhiệm kỳ phải tìm mọi cách để bán bằng được
các dự án đất đai và tài nguyên. Hiện tượng này phổ cập ở
tất cả các tỉnh thành, từ trung ương cho đến tỉnh huyện xã.
Chẳng hạn, mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh chưa khai thác bây giờ thì
đời cháu chắt hay nhiều trăm năm sau sẽ khai thác cũng chưa
nuộn. Vội vã chi mà phải hấp tấp bán cho nhà đầu tư Đài Loan
Trung Quốc với những ưu đãi đặc biệt và ẩn chứa những hậu
quả an ninh khôn lường? Tại sao người Đức người Pháp không đầu
tư mà lại là người Trung Quốc?
Lãnh đạo Hà Tĩnh và Chính phủ Việt Nam có ý thức rằng mình
đã vội vã bán rẻ mạt tài nguyên mà cha ông để lại từ ngàn
đời? Người Đức người Nhật có làm giàu bằng cách bán tháo
tài nguyên của tổ tiên để lại hay không? Lãnh đạo Việt Nam có
biết không khi chính người Trung Quốc đang đi mua tài nguyên các
nước khác thì họ lại đang chắt chiu để dành nguồn tài nguyên trong
nước?
3. Chúng ta đã bán dài lâu đến hết cả đời cháu chắt
Vũng Áng đã được cho thuê 70 năm. Nghĩa là nếu bố và mẹ lúc
61 tuổi nghỉ hưu đã cho thuê đất 70 năm, thì con 41 tuổi, cháu 21
tuổi và chắt 1 tuổi, đợi đến 70 năm sau đều không được quyền
sử dụng đất. Lúc đất được trả về thì chắt đã 71 tuổi, và
người chít đời thứ 5 cũng đã 51 tuổi, mới được nhận lại
quyền sở hữu đất!
Vậy mà có người còn dự định bán đất 99 năm, và thậm chí là 120 năm.
Nếu cha ông đều bán đất kiểu đó thì thế hệ bây giờ ở đâu?
4. Không chỉ bán đất bán nước chúng ta đang bán cả đường đi
Ai cho phép Bộ giao thông vận tải và VEC bán đường?
Những ngày gần đây báo chí đồng loạt đưa tin rằng Tổng công ty
phát triển đường cao tốc Việt Nam đang chuẩn bị bán một số
tuyến đường cao tốc. Thoạt nghe đã rùng mình.
Khi bán đi những khu đất, những cánh rừng, người dân buộc phải
di cư sang những nơi khác, dẫu là hẻo lánh cằn cỗi, nhưng vẫn
còn có chỗ để ở và mưu sinh.
Khi bán đi hồ nước sông ngòi và cả từng vùng biển, người dân
phải dạt sang vùng nước khác, dẫu sóng gió nguy hiểm, nhưng
vẫn còn có chỗ để mò cua bắt cá mà tồn tại.
Nhưng nay lại bán đi cả đường sá, quyền đi lại của người dân
không còn nữa. Không thể ngồi ở nhà, mà muốn đi ra thì phải
trả tiền theo giá tùy tiện. Ngày xưa đường nhỏ gồ ghề, chịu
khó còn đi được. Nay đường to rộng nhưng không có tiền đành
phải bó chân.
Nói một cách cụ thể hơn. Ở thôn có con đường làng dân vẫn đi
lại. Nay bỗng chốc trưởng thôn bán cho người khác xây to hơn. Ai
muốn đi phải trả phí theo giá của chủ mới. Nếu không phải lội
xuống ruộng vượt rào hay tìm đường mà đi.
Bởi vậy, người dân có quyền thét to lên rằng:
Hãy trả đường cho dân đi, nhỏ hay xấu cũng là đường của dân,
tại sao lại lấy mất đường của dân rồi bắt dân muốn đi thì
phải trả tiền theo giá tùy ý của các ông?
Trong số tiền mà các ông xây dựng đường có bao nhiêu tiền thuế dân đóng?
Trong số tiền mà các ông xây dựng đường dân sẽ phải gánh chịu bao nhiêu nợ?
Ai cho các ông quyền lấy đất của dân làm đường rồi lại bán cho người khác?
Có ai trong Bộ Giao thông Vận tải đặt ra những câu hỏi tương tự?
Xây dựng đường cao tốc hình thức BOT ở đâu ?
Hệ thông giao thông là huyết mạch của quốc gia. Nó không chỉ là
huyết mạch về kinh tế mà còn là huyết mạch an ninh quốc gia.
Bởi vậy quốc gia phải nắm quyền kiểm soát hệ thống giao thông
chứ không thể là người nước ngoài.
Nếu VEC bán đường cao tốc Lào Cai – Hà Nội cho người nước
ngoài, thí dụ là Trung Quốc, thử xem điều gì sẽ xẩy ra? Trong
vô vàn khả năng có thể, chỉ xin nêu ra vài điều:
- Lệ phí có thể lên cao ngất phục vụ cho lợi ích của chủ mới, bất chấp thiệt thòi của dân địa phương.
- Dùng lệ phí để cản trở, hoặc điều tiết luồng giao thông,
chủng loại giao thông, thời gian giao thông theo ý định của chủ
đường. Chẳng hạn như: xe Trung Quốc có thể có lệ phí khác với
xe Việt Nam, xe quân sự khác với xe dân sự, xe chở lương thực
khác với xe chở khách, xe chạy đêm khác với xe chạy ngày…
- Khai thác đường tối đa, thu hồi vốn thật nhanh, bàn giao lại
cho nước sở tại con đường nát rách không thể sử dụng.
- Nắm được số liệu, quy luật, và thực tế dòng vận tải giao thông của một vùng lãnh thổ nước khác.
- Nước sở tại mất quyền chủ động trong những trường hợp thiên tai, nhân đạo, chiến tranh…
Bởi vì thế, các quốc gia rất hạn chế trong việc cho người
nước ngoài tham gia xây dựng giao thông dưới dạng BOT. Muốn cho
các đối tác nước ngoài tham gia xây dựng giao thông dưới hình
thức BOT, nước sở tại rất cân nhắc trên các phương diện sau:
- Chọn tuyến đường thúc đẩy phát triển được kinh tế cục bộ
(chẳng hạn của một hòn đảo, một đặc khu, một phần thành
phố…)
- Chọn tuyến đường ngắn đầu tư đắt, chủ yếu là rút ngắn thời
gian đi lại, tăng lưu lượng giao thông đột biến, vì thế có thể
xây dựng nhanh và thu hồi vốn theo đúng thời hạn.
- Tuyến đường thường chỉ có giá trị cục bộ và không là duy nhất.
- Tuyến đường ít phương hại đến an ninh quốc gia.
- Tuyến đường BOT phải được thông tin đầy đủ và rộng rãi cho
các đối tác thừa năng lực, trong một thời gian đủ dài trước
khi triển khai, để đối tác tìm hiểu nghiên cứu, cũng như để
nước sở tại có nhiều đối tác tiềm năng cho việc chọn lựa.
VEC có bán đúng giá?
Phải thẳng thắn nêu ra những nhận xét sau khi giao cho VEC bán đường cao tốc:
1. VEC không đủ tầm và năng lực để đánh giá lựa chọn đối tác.
2. VEC không có khả năng xác định đúng giá.
3. VEC không bán đúng giá vì lợi ích cục bộ.
Một thực tế đáng buồn cho Việt Nam, ở nhiều nơi trong các cơ
quan nhà nước, là cấp trưởng phải quay lại hỏi cấp phó, cấp
phó phải quay lại hỏi chuyên viên.
Tờ giấy nhắc Thứ trưởng con số 34. 000 tỷ cho sách giáo khoa,
cũng như 2 tỷ USD đầu tư sân bay Long Thành của ADPi “do nhầm lẫn
đánh máy” là những dẫn chứng cay đắng, rằng người lãnh đạo
chẳng nắm được bản chất vấn đề.
Bán quyền thu phí đường – rước người ngoài đến bóc lột
Khi không có tiền thì phải kêu gọi đầu tư dưới hình thức BOT.
Điều lạ ở Việt Nam là xây dựng xong đường cao tốc lại bán cho
người ngoài quản lý khai thác. Ở đây có hai điều có thể nói
là “thông minh” khác người.
Một là, đã đầu tư xong chỉ quản lý thu phí, tại sao VEC lại
phải bán quyền thu phí cả gói. Tiếng là lấy vốn để đầu tư
nơi khác, nhưng kỳ thực còn một lý do nữa quan trọng hơn nhiều.
Đó là khi bán trọn gói, có thể đút túi phần trăm một tổng
tiền lớn một lần và mất hút. Còn chờ thu phí hàng năm mới
lấy được một phần lời, thì đến bao giờ cho xong. Hơn nữa,
nhiệm kỳ có hạn, các nhiệm kỳ sau là của người khác. Quả
đúng là một quyết sách “thông minh” khác người.
Hai là, nhà đầu tư nước ngoài khi trả một gói để lấy quyền
thu phí đường, họ không mang lại lợi ích gì cho kinh tế Việt
Nam, vì chính họ không tham gia xây dựng đường như hình thức BOT.
Chẳng qua họ trả trước tiền để thu lại gốc và lời theo quyền
đặt phí của họ mà người dân Việt Nam là người cuối cùng
phải gánh chịu. Đây cũng là một nước cờ khác người. Chỉ không
thể gọi là thông minh được, vì thực chất là cõng rắn cắn gà
nhà, là rước người về bóc lột dân mình.
Một điều cần lưu ý là nếu VEC là công ty tư nhân, VEC phải mua
đất của dân để làm đường, VEC có vốn riêng thế chấp để vay
tiền đầu tư, thì VEC muốn làm gì thì làm, VEC muốn bán cho ai
với giá nào thì VEC bán.
Nhưng VEC là công ty nhà nước; VEC lấy đất của dân với giá đền
bù rẻ mat; VEC lấy tài sản nhà nước thế chấp để vay tiền.
Tất cả tài sản của VEC chính là của dân. Vì thế, cả VEC lẫn
Bộ Giao thông vận tải không có quyền muốn bán đường cao tốc
nào thì bán, muốn bán cho ai thì bán, và muốn bán với giá
nào thì bán.
Có ai trong số lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải ý thức được sự khác biệt mang tính nguyên tắc này không?
Từ những điều đã nêu trên, xin được gửi tới lãnh đạo Việt Nam hai kết luận sau đây.
1. Việt Nam không cần sự phát triển vội vã bằng cách bán hết mọi thứ
Chúng ta muốn trở thành con rồng. Chúng ta muốn có tốc độ
phát triển GDP nhanh nhất châu Á. Hậu quả là chúng ta bán vội
vã, bán tống tháo những gì có thể bán được để mua lấy một
sự phát triển bề ngoài giả tạo. Người xưa đã dạy, muốn tiến
nhanh thì phải đi chậm. Xin hãy nhớ kỹ điều này.
2. Chính sách “Sở hữu đất đai toàn dân” là căn nguyên dẫn đến
sự tàn phá nền kinh tế quốc dân và làm phương hại đến an ninh
quốc gia.
Ai cũng thấy tai vạ của chính sách sở hữu toàn dân. Bán đất
bán rừng bán tài nguyên bán đường đi bán nước, bán nhiều năm
cho đến tận đời cháu chắt chít – tất cả là do sở hữu đất đai
toàn dân mà ra cả.
Rồi sẽ vội vã cổ phần hóa. Tài sản toàn dân sẽ bị các nhóm
thâu tóm với giá bất công rẻ mạt. Một thể chế bất công mới
đã và đang được hình thành.
Chừng nào chưa xóa bỏ sở hữu toàn dân, nhất là sở hữu đất
đai, thì chừng đó đất nước không chỉ bị tàn phá khánh kiệt,
mà người dân còn phải quay về thời bị làm thuê bóc lột, chỉ
là ở mức độ khác và dưới tấm áo choàng khác mà thôi.
Xin hãy vì quyền lợi quốc gia dân tộc mà dũng cảm tiến hành
những cải cách căn bản, trong đó có quyền tư hữu đất đai.
V.T.D.
Nguồn: Bauxite Việt Nam