Công trình kiến trúc tôn tạo vẻ cổ xưa
Người Sài Gòn bất kể lứa tuổi nào trong nhiều thế hệ trước năm 1975
nói tới trung tâm thành phố mà không kể tới sự có mặt của thương xá TAX
là kể như chưa biết Sài Gòn, chưa thở cái không khí rộn rã dạo phố, mua
sắm tại trái tim của Hòn Ngọc Viễn Đông nơi có những công trình kiến
trúc do Pháp để lại tôn tạo vẻ cổ xưa qua nền kiến trúc đặc trưng của
một thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc châu Âu.
Những công trình kiến trúc như Nhà thờ Đức Bà xây dựng năm 1863 để
lại dấu ấn mạnh mẽ của bước chân những cố đạo đầu tiên truyền giáo của
Pháp khi vào Sài Gòn. Bưu Điện thành phố xây dựng năm 1886 với kiến trúc
không thua gì các công trình của châu Âu hay ngay cả với Pháp cùng thời
gian đó. Dinh Norodom nay là Hội trường Thống Nhất được xây dựng năm
1868 và 30 năm sau, năm 1898 Dinh Xã Tây ra đời góp vào quần thể kiến
trúc độc đáo làm nên một Sài Gòn vượt trội tại Đông Dương trong nhiều
thập niên sau đó. Dinh Xã Tây được chế độ cũ đặt làm Tòa Đô chính và trở
thành UBND thành phố hiện nay.
Nếu hiểu biết về lịch sử, mỹ thuật và kiến trúc thì người ta sẽ thấy là không phải như vậy bên trong nó vẫn còn nhiều thứ đáng giữ và nó có thể phục hồi cái hiện trạng như lúc nó sinh ra.
-KTS Trần Đình Nam
Bên cạnh các công trình hành chánh công quyền người Pháp không quên
tới hai mảng kiến trúc quan trọng khác dính liền tới đời sống đô thị là
giải trí và các khu thương mại.
Nhà hát lớn là biểu tượng giải trí và sau đó trở thành nghị trường
quốc hội Việt Nam Cộng Hòa và rồi trở lại chức năng ban đầu của nó là
Nhà hát thành phố nằm bệ vệ trực diện với con đường Lê Lợi từ ngày được
khởi công vào năm 1898 cho tới lúc hoàn thành năm 1900.
Chợ Bến Thành ra đời vào năm 1912 nhanh chóng trở thành da thịt không
những của người dân Sài Gòn mà hầu như người miền Nam nào cũng biết nếu
có dịp đến Sài Gòn. 12 năm sau khi chợ Bến Thành khai trương, năm 1924
một khu kinh doanh bề thế đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện dưới cái tên
Grands Magasins Charner nằm tại một địa điểm quan trọng nhất của trung
tâm thành phố và tới năm 1960 chính thức đổi tên thành thương xá TAX.
Trong quần thể kiến trúc mà Pháp thực hiện tại Sài Gòn có lẽ số phận
của thương xá TAX là hẩm hiu nhất. Trong khi các công trình khác hầu như
nguyên vẹn thì TAX bị bầm dập không ngừng kể từ sau năm 1975.
Với chính sách tập trung kinh tế mà miền Bắc đang theo đuổi, thương
xá TAX dưới mắt chính quyền mới là một địa điểm cần phải được thay đổi
cho phù hợp với chính sách bao cấp, cấm tiểu thương mua bán. Thương xá
TAX bị giải thể, người kinh doanh trong thương xá về nhà kiếm nghề khác
mưu sinh hay đi kinh tế mới. TAX trở thành cửa hành quốc doanh để sau đó
biến đổi theo từng thời kỳ cải tổ kinh tế.
Ba năm sau ngày giải phóng thương xá TAX có cái tên mới: Cửa hàng
phục vụ thiếu nhi thành phố với mặt hàng chính là đồ chơi trẻ em. Có lẽ
người Sài Gòn hết tiền và hàng hóa thì lại quá sơ sài nên cửa hàng này
đóng cửa ba năm sau đó. Năm 1981 cái tên Cửa hàng bách hóa tổng hợp
thành phố được treo lên và cái tên ấy không sống nổi với kinh tế thị
trường đã làm thương xá TAX có cơ hội trở lại với cái tên của nó vào năm
1998.
Tòa nhà này được giao lại cho tư nhân mua bán dưới sự quản lý của
Tổng công ty thương mại Sài Gòn. Chiếc bảng hiệu thương xá TAX một lần
nữa chính thức biến nơi này thành tài sản tinh thần của người dân Sài
Gòn.
Qua bao biến thiên ấy, chẳng những việc mua bán bên trong đổi chủ mà
khuôn mặt của Grands Magasins Charner, tức thương xá TAX cũng thay đổi
nhiều lần khiến kiến trúc bị biến dạng và không còn ai nhìn ra căn cước
của nó.
Tòa nhà sau bao nhiêu lần nâng cấp chỉnh trang, các kiến trúc sư, nhà
thầu đã lạnh lùng tàn phá nó bởi tay nghề chuyên môn thô thiển và chấp
vá. Từ một công trình kiến trúc theo phong cách Art Décor tòa nhà hôm
nay trở thành một kiến trúc cấp thấp nhất với các khối xi măng lạnh lùng
được gắn cái mác hiện đại. Người dân Sài Gòn mỗi lần đi ngang nhìn nó
là một lần thất vọng khi hình ảnh tinh tế ngày xưa đã biến mất để từ đó
tâm tình của người Sài Gòn cũng mất dần với một di tích văn hóa thị dân
được hình thành và đi cùng với nhiều thế hệ.
Kiến trúc sư Trần Đình Nam khi được hỏi có phải nguyên do làm cho
thương xá TAX không còn giá trị vì những lần chỉnh trang vô nguyên tắc
đã làm cho mặt tiền của nó xuống cấp hay không, ông nói:
“Dạ đúng rồi! Nó đơn giản như tôi nói một ví dụ ở đây. Ví dụ một
căn nhà rất quý do ông bà để lại cho những đứa con. Những đứa con nều có
ý thức thì nó sẽ tân trang căn nhà nó làm cho căn nhà đó sạch đẹp giống
như khi nó mới ra đời. Còn những đứa con không ý thức thì nó sẽ trám
cái này nó trét cái kia nó căng bảng hiệu lên nó làm cho giá trị căn nhà
giảm xuống thành ra bây giờ nếu nhìn thương xá TAX đã qua nhiều lần cải
tạo, đắp vá những loại đá granite vào thành ra mọi người nhìn thương xá
TAX và nghĩ rằng nó không giá trị. Khi nghĩ nó không giá trị thì đập
đi.
Tuy nhiên nếu hiểu biết về lịch sử, mỹ thuật và kiến trúc thì
người ta sẽ thấy là không phải như vậy bên trong nó vẫn còn nhiều thứ
đáng giữ và nó có thể phục hồi cái hiện trạng như lúc nó sinh ra.”
Sự may mắn hiếm hoi không còn nữa
Nếu đánh đổi giá trị lịch sử này để lấy những điều gọi là hiện đại thì tổn thất rất lớn và không bao giờ lấy lại được.
-KTS Trần Hữu Khoa
Thương xá TAX chưa bao giờ được đề nghị là di sản văn hóa mặc dù
thiết kế nội thất của nó gần như còn nguyên vẹn kiến trúc ban đầu. Những
cầu thang cuốn, mái vòm, họa tiết của Art Décor và các mảnh ghép mosaic
độc đáo vẫn còn hấp dẫn người Sài Gòn lẫn du khách các nơi kéo về thăm
nó. Bất kể bên ngoài và bên trong đối nghịch nhau du khách ngoại quốc có
dịp ghé ngang Sài Gòn vẫn giữ sự cảm mến nó như chính họ đang ở Pháp,
dạo quanh những quần thể kiến trúc Paris tại một xứ sở đầy nắng như Hòn
ngọc viễn đông. Di sản hay không di sản người dân Sài Gòn chấp nhận cái
hiện có như là một sự may mắn hiếm hoi còn sót lại.
Nhưng cái may mắn ấy không còn nữa khi Ủy ban Nhân dân thành phố
chính thức công bố ngày 30 tháng 9 năm 2014 sẽ là ngày cuối cùng của
thương xá TAX. Tòa nhà này sẽ bị đập bỏ để xây dựng một cao ốc 40 tầng
và một dự án cho trạm Metro Bến Thành - Suối Tiên. Tiểu thương buôn bán
bên trong tòa nhà là người chịu thiệt hại vật chất nhiều nhất trong khi
đó mất mát tinh thần của hàng chục triệu người từng biết và yêu mến Sài
Gòn không sao tính hết. Người dân Sài Gòn làm đơn kiến nghị yêu cầu xem
xét và có biện pháp gìn giữ những gì mà kiến trúc của tòa nhà vẫn còn có
thể giữ được. Bên cạnh đó một vài sứ quán Âu châu cũng lên tiếng cho
biết sẽ hỗ trợ việc di dời những cấu trúc bên trong tòa nhà như hệ thống
cầu thang, các bức tranh ghép mosaic cũng nhưng các điêu khắc đặc trưng
của nó.
Kiến trúc sư Trần Hữu Khoa, người làm bản kiến nghị vì yêu mến Sài
Gòn cho biết nhận xét chuyên môn của ông về khả năng di dời những chi
tiết bên trong tòa nhà:
“Theo tôi được biết thì phương pháp tháo gỡ những mảng mosaic này
thì nó cũng rất khó khăn để mà bảo tồn những họa tiết trên đó. Ngoài ra
việc đem chi tiết của họa tiết ra khỏi không gian vốn có của nó thì
chúng ta làm mất đi một phần giá trị của nó. Những chi tiết, hay cầu
thang nó phải đứng trong một không gian đủ lớn, đủ rộng và đủ cao thì
giá trị của nó mới xứng đáng.
Theo như bản kiến nghị mà tôi đã đưa ra trên mạng cho mọi người ký
tên ủng hộ thì có khoảng 700 người thuộc tầng lớp sinh viên ủng hộ
chuyện này ngoài ra còn có nhiêu tầng lớp khác như người hưu trí hay
giáo viên, công nhân viên, nhân viên văn phòng họ cũng rất ủng hộ.”
Thật ra nếu có di dời thành công thì nơi đến duy nhất của những công
trình này phải là viện bảo tàng quốc gia chứ không thể một chỗ nào khác.
Biện pháp giữ lại như một thiết kế cổ hòa nhịp với cấu trúc xây dựng
mới có thể là giải pháp tốt nhất trong lúc này, tuy nhiên nó tùy thuộc
rất nhiều vào bản thiết kế tòa cao ốc mới vì vậy khó khăn có thể đến từ
bản vẽ lẫn giá thành sẽ tăng rất nhiều khi chọn giải pháp này.
Kiến trúc sư Trần Hữu Khoa cho biết ý kiến của ông nếu thương xá được giữ lại:
“Thương xá TAX là một phần trong đô thị cổ Sài Gòn vì vậy theo ý
tôi thì việc giữ gìn lại thương xá TAX cùng với cảnh quan chung quanh nó
sẽ giúp cho người dân hiểu hơn về thành phố, hiểu hơn về giá trị lịch
sử của thành phố. Còn nếu đánh đổi giá trị lịch sử này để lấy những điều
gọi là hiện đại thì tổn thất rất lớn và không bao giờ lấy lại được.
Hiện nay quỹ đất của thành phố không phải là thiếu, họ vẫn có sẵn một
khu đô thị mới là Thủ Thiêm được quy hoạch rất chi tiết để phát triển
một trung tâm mới cho thành phố.
Việc xây dựng một công trình 40 tầng lọt giữa những công trình cổ
tại đô thị cũ Sài Gòn thì rất không nên. Còn phương án bảo tồn thì tôi
nghĩ là chuyện phải bảo tồn không gian bên trong của thương xá TAX đồng
thời nếu được nên tìm ra những bản thảo, những chi tiết ban đầu để phục
dựng lại bộ mặt của thương xá TAX như chúng ta đã làm với nhà hát thành
phố thì đó là phương án tốt nhất cho trường hợp này.”
Viễn cảnh một tòa nhà cao 40 tầng đứng trùm lên các kiến trúc cổ
chung quanh sẽ gây không ít phản cảm đối với người Sài Gòn lẫn du khách
ngoại quốc. Cảnh quan thành phố sẽ bị phá hoại và mọi nỗ lực giữ gìn trừ
trước tới nay kể như sụp đổ. Kiến trúc sư Trần Hữu Khoa cho biết:
“Trường hợp cụ thể nhất có thể thấy được là Bitexco đứng ở phía
sau Kho bạc nhà nước trên đường Nguyễn Huệ. Theo tôi thấy thì họ sử dụng
công nghệ mới, vật liệu mới để tạo nên hiệu ứng vô hình của những khối
công trình mới đó là có ý đồ. Nhưng theo cảm quan riêng của tôi thì thấy
nó không hiệu quả. Tốt nhất là những công trình cao tầng nên dời ra một
khu xa, tránh khỏi phần đô thị cổ của Sài Gòn như những nước tiên tiến
khác.
Nó sẽ ảnh hưởng tới hai công trình tiêu biểu của khu vực đó là Nhà
hát thành phố và Ủy ban Nhân dân thành phố. Hai công trình đó sẽ trở
nên lọt thỏm trong cái không gian vốn dành cho những công trình đó cho
nên những công trình chung quanh sẽ phải thấp tầng để tôn lên vẻ đẹp của
những công trình tiêu biểu đó. Khi mình đặt công trình 40 tầng vào thì
sự tập trung sẽ bị lệch khi công trình mới được xây dựng lên.”
Kiến trúc sư Trần Đình Nam, một người cũng rất quan tâm tới số phận của tương xá TAX cho biết ý kiến của ông:
“Nếu nó phá đi thì tôi nghĩ cái lợi nó không có nhiều. Mục đích để
xây một tòa nhà 40 tầng thì thành phố Sài Gòn đâu phải là Singapore mà
thiếu đất vì mình có rất nhiều đất vì vậy chuyện đem lại lợi nhuận thì
chưa chắc gì. Với lại con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ là những con đường
rất nhỏ được làm từ mấy trăm năm về trước không phải là những con đường
phục vụ cho những cao ốc. Khi mà mất đi như vậy thì bất lợi sẽ nhiều
hơn. Đặc điểm để nhận dạng ra Sài Gòn nó mất đi rồi. Nó có thể đồng hóa
Sài Gòn giống như một thị xã hay một thành phố nhỏ nào đó bình thường
của Việt Nam.”
Giải pháp bảo tồn để thương xá TAX trở lại hình thể ban đầu không
phải là giải pháp không khả thi nếu quyết tâm thực hiện. Kiến trúc sư
Nam cho biết:
“Trong chuyên ngành nó có rất nhiều cách để mà bảo tồn tòa nhà đó
nghĩa là có rất nhiều cách để giữ lại. Giữ lại một phần, giữ lại toàn bộ
hay khôi phục lại toàn bộ… nó có rất nhiều cách. Vấn đề là thành phố
cần có một ý tưởng sáng suốt nào đó.
Tuy nhiên ngay cả vấn đề phục hồi toàn bộ tức là toàn bộ mặt tiền
của khúc trước thì cũng là điều không phải quá khó vì Việt Nam mình đã
phục hồi Nhà hát thành phố cũng như Nhà hát lớn Hà Nội trong điều kiện
Việt Nam mình vẫn có thể làm được.”
Thương xá TAX nếu có biến mất thì cũng không có người dân nào vì yêu
nó quá mà chết, tuy nhiên cái chết văn hóa không thấy được sẽ tiến vào
“tiếp thu” đời sống nhân văn của người Sài Gòn. Trong cuộc sống chạy đua
với kỹ thuật số, với hệ thống hiện đại từ cái ăn lẫn cái mặc, người Sài
Gòn sẽ không còn cơ hội để tìm sự bình an trong tâm hồn qua những giây
phút thẩn thơ tới những chốn cũ tìm lại trong chính ký ức của họ những
gì dính tới Sài Gòn.
Sài Gòn rồi ra sẽ không còn “đẹp lắm” trong hàm ý tinh thần. Nó sẽ có
vẻ đẹp xi măng cốt thép hay những đoàn xe điện êm ru xuôi ngược trên
bầu trời thành phố. Người Sài Gòn sẽ không dám ngước lên tìm một chút
không khí trong lành qua tiếng gáy của con gà trống Gaulois trong tòa
nhà thương xá Tax nay đã nằm trong lòng đất.