Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Anh Điếu Cày và chặng đường phiá trước

Lê Diễn Đức
Phải để mọi thứ lắng xuống, những xúc động và niềm vui tĩnh lặng lại, tôi mới viết về anh, anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Tôi là người đã viết nhiều về anh, trên RFA, trên Facebook, đã ký tên vào thư kêu gọi trả tự do cho anh gửi chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Tôi đã vô cùng xót xa khi nghe tin đồn anh bị chặt đứt tay trong nhà tù năm 2010 và muốn điên lên khi không thấy thông tin nào từ phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về sự việc này.
Tôi từng suy nghĩ và cay đắng cho thân phận những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có anh, thường được kết thúc bằng các bản án nặng nề, bất công, phải trải qua cuộc sống khắc nghiệp của tù tội. Khi được trả tự do thì sức khoẻ bị suy kiệt, thậm chí chỉ sau một thời gian ngắn thì chết.
Việc anh thụ án mới được ba năm trên mức án 12 năm về tội "tuyên truyền chống phá nhà nước", chưa đủ thời gian để có thể ân xá hay đặc xá, nhưng anh được trả tự do. Đây rõ ràng là một sự thoả thuận giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam, một sự đổi chác có lợi cho phía Việt Nam trong quan hệ với Mỹ.

Là một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, biểu tượng của cuộc phản kháng, chống lại âm mưu bá quyền bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông, ngọn cờ tiên phong của bao chí tự do, anh Điếu cày nhận được các giải thưởng quốc tế như giải Hellman/Hammett của Human Rights Watch năm 2009, "Người bảo vệ quyền Công dân" của Civil Rights Defenders năm 2012. Tháng 5 năm 2012 trong ngày tự do báo chí, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu là "chúng ta không thể quên những nhà báo như blogger Điếu Cày, người bị bắt năm 2008".
Áp lực của công luận; chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7/2013; chuyến thăm và làm việc Việt Nam thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Sheldon Whitehouse; chuyến thăm Hoa Kỳ của Phó thủ tướng, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 1 và 2 tháng 10, 2014; quyết định bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam; đàm phán gia nhập Hiệp ước Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương TPP; vai trò quan trọng của Mỹ trong vấn đề an ninh biển Đông... Tất cả đã có ảnh hưởng quyết định về việc trả tự do cho anh Điếu Cày của nhà cầm quyền Việt Nam.
Đổi chác tù nhân lương tâm lấy lợi ích kinh tế là trò bẩn thỉu của các chế độ cộng sản.
Từ năm 1963 nhà cầm quyền Đông Đức đã phát triển "dịch vụ buôn bán" này. Họ đã ra giá cho chính phủ Tây Đức, ban đầu một tù nhân giá 40 ngàn DM, sau tăng lên 100 ngàn DM, nhưng cũng có thể trả bằng hàng hóa. Tây Đức đã bỏ ra cho dịch vụ này 3,5 tỷ DM để tiếp nhận 33.755 tù nhân của Đông Đức.
Nhưng nếu so với cộng sản Đông Đức thì cách thức mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam "buôn bán" quá ư hèn mạt và nhục nhã. Người ta đã bí mật, lén lút, không thông báo cho người thân trong gia đình, chở thằng anh Điếu Cày từ nhà tù ra sân bay và tống đi Mỹ chỉ với một bộ quần áo trên người và đôi dép nhựa tổ ong đi trong nhà. Một sự cư xử bất nhân, ô trọc, bần tiện, vô cùng thấp kém giữa con người với con người. Thế mà phát ngôn viên chính phủ Việt Nam nói trả tự do cho anh Điếu Cày vì lý do... nhân đạo! Thật không còn gì lố bịch hơn! Nhân đạo gì mà tước đoạt quyền được sống của công dân trên đất nước mình? Nhân đạo gì mà tống khứ một công dân đi ra nước ngoài chỉ với một bộ quần áo mong manh và đôi dép nhựa trong thời tiết thu lạnh?
Hình ảnh anh Điếu Cày như ngộp thở giữa vòng tay chào mừng của đông đảo bà con cộng đồng Nam Cali và giới truyền thông phản ánh ngược lại thái độ của nhà cầm quyền. Từ Nam Cali đến phi trường Los Angeles khá xa, nếu không tắc đường cũng mất gần một giờ đi xe. Lại buổi tối. Vậy mà hàng trăm người, không chỉ có thanh niên mà có cả những cụ già, hân hoan đón anh, như đón một người hùng, một người yêu nước vừa thoát khỏi gông cùm cộng sản. Hiếm có một cuộc tuơng ngộ ấm tình người nào tương tự dành cho các nhà bất đồng chính kiến từ Việt Nam qua, từ truớc đến nay. Những phút ngắn ngủi trong buổi đón anh Điếu Cày trên sân bay thể hiện lòng khao khát cho một Việt Nam dân chủ của bà con người Việt ở Mỹ, sự trân trọng với những ai đã góp phần tranh đấu cho nó ở trong nước.
Từ lúc anh Điếu Cày tạm biệt bà con lên xe hơi đi cùng con gái đến nay đã mấy ngày. Im ắng. Trừ vài tầm hình anh gửi cho mọi người trong đó thấy anh đang gỡ những lá thư viết vội của bạn tù mà anh khâu vào áo, chúng ta không có thông tin gì hơn về anh.
Không biết anh sẽ định cư tại Hoa Kỳ hay qua Canada sống với gái như đồn đại, nhưng dù sống ở đâu anh cũng phải có thời gian nghỉ ngơi, khám sức khoẻ, điều trị bệnh nếu có và làm các thủ tục giấy tờ cư trú. Và cốt yếu nhất là ổn định nơi ăn ở.
Rồi anh sẽ làm gì? "Tôi sang đây là đấu tranh cho ngày trở về", anh đã nói như thế khi xuống sân bay. Nhưng đấu tranh như thế nào là một bài toán chẳng dễ dàng.
Anh có thể gặp gỡ một số cơ quan báo chí truyền thông trả lời phỏng vấn, có thể họp báo để nói về thời gian tù đày của mình và kêu gọi can thiệp đòi tự do cho những tù nhân lương tâm khác. Nhưng những công việc này chỉ mang tính thời sự, nhất thời.
Để có một sách lược tranh đấu dài hạn anh phải vận dụng các phương pháp khác. Vận động hành lang các dân biểu, thượng nghị sĩ, các tổ chức nhân quyền quốc tế; thành lập một tổ chức, một mặt trận yêu nước bao gồm càc thành viên trong và ngoài nứơc, hay tham gia viết báo v.v... là những ý tưởng có thể anh sẽ nghĩ tới. Nhưng để làm được những việc ấy, với vốn liếng tiếng Anh chẳng bao nhiêu, thời gian trải nghiệm của anh ở nước ngoài cũng quá ít ỏi, chắc chắn anh phải tận dụng sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, đảng phái, hội đoàn của người Việt.
Là một người Việt trưởng thành từ chế độ cộng sản, sống nhiều năm ở Ba Lan, bắt đầu bươn chải trên đất Mỹ từ năm 2003, tiếp xúc với nhiều thành phần, từ trí thức khoa bảng, những người làm báo chí truyền thông, văn nghệ sĩ, thương gia, đến những người làm nails, và cả giới con lai được cho là thành phần khá đặc biệt ở Mỹ, tôi hiểu sâu sắc cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Đây là một cộng đồng chống Cộng, hẳn nhiên, vì tính chất và lịch sử hình thành của nó. Nhưng có năm mười kiểu chống Cộng khác nhau. Đấu tranh đứng đắn vì một Việt Nam dân chủ và không cộng sản có; thù hận, chống để mà chống một cách cực đoan có; "bằng mặt nhưng không bằng lòng" để vẫn còn đường "áo gấm về làng", có; chẳng ưa gì chế độ cộng sản nhưng cơ hội, vì tiếng gọi của đồng tiền nên về nước làm ăn, có, v.v... Thông thường ở mỗi tiểu bang có một tổ chức cộng đồng nhưng cũng có nơi có đến hai, ba, không đại diện hoàn toàn cho đa số nguời Việt sống ở đó. Các đảng phái, hội đoàn thì nhiều vô kể. Tư tưởng tiêu chí chống Cộng giống nhau nhưng háo danh, chia rẽ, nghị kị, thiếu sự kết dính, việc ai người đó làm nhưng cũng có khi thọc gậy bánh xe. Nói chung là một cộng đồng rất phức tạp.
Để xâm nhập vào cộng đồng này tìm sự ủng hộ đòi hỏi phải có sức khoẻ, có điều kiện đi lại thường xuyên để tiếp cận, tìm hiểu, đồng cảm và thuyết phục. Một công việc thậm chí mà anh Điếu Cày có thể không nghĩ tới nó khó khăn duờng nào. Nhìn những tấm gương đi trước anh như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Chính Kết, Trần Khải Thanh Thuỷ hay Cù Huy Hà Vũ, tôi không mấy lạc quan về con đường tranh đấu tiếp tục của anh và hiệu quả của nó.
Nuớc Đức thống nhất "công lao trước hết thuộc về 4 triệu người Đức phía Đông đã đệ đơn lên nhà cầm quyền xin ra khỏi nước vĩnh viễn. Lòng khao khát tự do của họ đã quyết định" như Arnold Vaatz, cựu thành viên tổ chức đối lập Đông Đức Neue Forum, nghị sĩ quốc hội Đức, thuộc đảng CDU, nói.
Còn Stephan Hilsberg, nghị sĩ của đảng SPD thì nói rằng, “Không có những người đã dám mạo hiểm với tù tội, sẽ chẳng có sự thay đổi nào hết”.
Anh Điếu Cày đã "khao khát tự do", đã "mạo hiểm với tù tội", đã phải xa tổ quốc ngoài ý muốn. Dù trên chặng đường tiếp theo anh có làm được gì nữa hay không, những việc anh đã làm trong thời gian qua có ý ghĩa rất lớn trong cuộc tranh đấu chung vì một Việt Nam tự do, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ.
Và chúng ta cám ơn anh về điều đó!
© Lê Diễn Đức

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"