Ivan Alexandrovich Ilyin
Phạm Nguyên Trường dịch
Phạm Nguyên Trường dịch
Bản dịch được thực hiện nhân kỉ niệm ngày sinh nhà triết học lớn của nước Nga: Ivan Alexandrovich Ilyin (28/03/1883-28/03/2011)
Cách đây ba mươi năm không ai có thể nghĩ đến việc đưa vào khoa luật
học khái niệm “nhà nước toàn trị”: không phải vì rằng ý kiến về một nhà
nước như thế chưa từng xuất hiện (nói thế là sai!), mà một chế độ như
thế có vẻ như không thể nào khả thi được và không ai dám làm như thế.
Nếu có một kẻ nào đó “bịa” ra nó (thí dụ như nhân vật Sigalev trong Lũ
người quỉ ám của Dostoievsky!) thì mọi người sẽ nói ngay: trên trái đất
không làm gì có những kẻ bất lương và ngu xuẩn như thế, không thể có
những cơ quan nhà nước khủng khiếp đến như thế, cũng không đào đâu ra
phương tiện kĩ thuật để có thể xây dựng nên một cơ chế chính trị bao
trùm lên tất cả, thâm nhập vào tất cả và cưỡng bức được tất cả mọi người
như thế. Nhưng nay thì chế độ toàn trị đã hiện hữu như là một sự kiện
lịch sử và chính trị và chúng ta buộc phải tính đến: người đã có, các cơ
quan đang được xây dựng và kĩ thuật cũng đã sẵn sàng.
Chế độ toàn trị là gì? Đấy là chế độ chính trị can thiệp một cách vô
giới hạn vào đời sống của các công dân, một chế độ tìm cách quản lí và
điều tiết một cách thô bạo toàn bộ hoạt động của tất cả các thần dân của
mình. Từ “totus” trong tiếng Latinh có nghĩa là “toàn bộ”. Nhà nước
toàn trị nghĩa là nhà nước bao trùm lên tất cả. Nó xuất phát từ quan
niệm rằng sáng kiến cá nhân không những là không cần thiết mà còn có
hại, tự do là khái niệm nguy hiểm và không thể chấp nhận được. Có một
chính quyền trung ương: chính quyền này phải biết hết, dự đoán hết, lập
kế hoạch hết và chỉ đạo hết. Nhận thức pháp luật thông thường xuất phát
từ quan điểm: cái gì không cấm thì đều được phép làm, trong khi chế độ
toàn trị nhồi sọ vào đầu óc người ta điều ngược lại: tất cả những gì
chưa có qui định thì đều bị cấm. Trong khi nhà nước bình thường bảo: mỗi
người đều có lĩnh vực quan tâm riêng, trong lĩnh vực đó người ta được
tự do, thì nhà nước toàn trị tuyên bố: chỉ tồn tại quyền lợi của nhà
nước, mỗi người phải có trách nhiệm gắn bó với quyền lợi ấy. Trong khi
nhà nước bình thường cho phép: tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do xây
dựng cuộc sống theo ý mình thì nhà nước toàn trị yêu cầu: suy nghĩ theo
qui định, không được theo tôn giáo, xây dựng đời sống nội tâm theo chỉ
đạo của cấp trên. Nói cách khác: ở đây người ta quản lí tất, con người
bị nô dịch về mọi phương diện, tự do trở thành tội lỗi và bị trừng phạt.
Như vậy bản chất của chế độ toàn trị không phải nằm ở hình thức nhà nước (dân chủ, cộng hoà hay độc tài) mà ở khối lượng công việc quản lí: quản lí toàn diện các mặt của đời sống. Nhưng sự quản lí toàn diện như thế chỉ có thể thực hiện được dưới một chính thể chuyên chế nhất quán, dựa trên cơ sở thống nhất về quyền lực, một chính đảng duy nhất, sự độc quyền về sử dụng lao động, tất cả mọi người phải theo dõi và tố cáo lẫn nhau và một chế độ khủng bố tàn bạo. Cách tổ chức quản lí như thế có thể khoác cho bộ máy nhà nước bất kì hình thức nào, đấy có thể là chế độ Xô-viết hay liên bang, cộng hoà hay bất kì hình thức nào khác cũng được. Điều quan trọng không phải là hình thức nhà nước mà là tổ chức quản lí bao trùm lên tất cả, từ một căn phòng trong thị xã cho đến một túp lều ở nông thôn, từ tâm hồn của một cá nhân cho đến một phòng thí nghiệm khoa học, từ ý tưởng bay bổng của một nhạc sĩ cho đến phòng điều trị trong một bệnh viện, một thư viện, một tờ báo, một con thuyền đánh cá cho đến phòng xưng tội trong một nhà thờ.
Như vậy bản chất của chế độ toàn trị không phải nằm ở hình thức nhà nước (dân chủ, cộng hoà hay độc tài) mà ở khối lượng công việc quản lí: quản lí toàn diện các mặt của đời sống. Nhưng sự quản lí toàn diện như thế chỉ có thể thực hiện được dưới một chính thể chuyên chế nhất quán, dựa trên cơ sở thống nhất về quyền lực, một chính đảng duy nhất, sự độc quyền về sử dụng lao động, tất cả mọi người phải theo dõi và tố cáo lẫn nhau và một chế độ khủng bố tàn bạo. Cách tổ chức quản lí như thế có thể khoác cho bộ máy nhà nước bất kì hình thức nào, đấy có thể là chế độ Xô-viết hay liên bang, cộng hoà hay bất kì hình thức nào khác cũng được. Điều quan trọng không phải là hình thức nhà nước mà là tổ chức quản lí bao trùm lên tất cả, từ một căn phòng trong thị xã cho đến một túp lều ở nông thôn, từ tâm hồn của một cá nhân cho đến một phòng thí nghiệm khoa học, từ ý tưởng bay bổng của một nhạc sĩ cho đến phòng điều trị trong một bệnh viện, một thư viện, một tờ báo, một con thuyền đánh cá cho đến phòng xưng tội trong một nhà thờ.
Như thế có nghĩa là chế độ toàn trị không dựa trên các đạo luật căn
bản mà tồn tại trên cơ sở các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của đảng.
Vì không có luật cho nên chỉ thị của đảng chính là luật. Vì về hình thức
các cơ quan nhà nước vẫn còn nên các cơ quan này chỉ là bình phong cho
chế độ chuyên chế của đảng mà thôi. Các “công dân” cũng vẫn còn nhưng
đấy thực chất chỉ là chủ thể của những nghĩa vụ (không phải là quyền!)
và đối tượng của các chỉ thị và nghị quyết của đảng; nói cách khác: cá
nhân con người chỉ là những cỗ máy, chỉ là những kẻ truyền bá nỗi sợ hãi
và giả vờ trung thành với chế độ. Đây là một chế độ mà trong đó không
có chủ thể của pháp luật, không có luật pháp, không có nhà nước pháp
quyền. Ở đây nhận thức pháp lí được thay thế bằng các cơ chế tâm lí: đói
khát, sợ hãi, đau khổ và nhục mạ, còn lao động sáng tạo được thay bằng
lao động cưỡng bách của thời kì chiếm nô.
Vì vậy chế độ toàn trị không phải là chế độ nhà nước cũng chẳng phải
là chế độ pháp trị. Nó đươc những người duy vật lập ra và tồn tại dựa
trên cơ chế phi nhân và nô dịch “thể xác – tâm hồn”; dựa trên những mệnh
lệnh có tính đe doạ giữa cai ngục và nô lệ, dựa trên những mệnh lệnh
tuỳ tiện của cấp trên. Đấy không phải là một nhà nước có công dân, có
pháp luật và chính phủ; đấy là một xã hội đã bị thôi miên; đấy là một
hiện tượng kinh khủng và chưa từng có trong lịch sử, là một xã hội được
cố kết bởi nỗi sợ hãi, bản năng và sự tàn bạo chứ không phải bởi luật
pháp, tự do, lương tri, quyền công dân và nhà nước.
Nếu vẫn phải nói về hình thức của tổ chức này thì đấy không phải là
pháp trị, cũng chẳng phải là vô pháp mà là chế độ chuyên chế chiếm nô
rộng lớn chưa từng có và cũng bao trùm chưa từng có.
Nhà nước pháp quyền đặt cơ sở trên sự công nhận con người cá nhân,
một cá nhân có tâm hồn, được tự do và tự chủ về lương tâm và công việc
của mình, nghĩa là nhà nước đặt cơ sở trên sự nhận thức pháp lí đúng
đắn. Chế độ toàn trị, ngược lại, dựa vào sự đe doạ. Dân chúng bị đe doạ
đủ thứ: thất nghiệp, thiếu thốn, chia lìa với người thân, chết chóc, bắt
bớ, tù đày, thẩm vấn, lăng mạ, đánh đập, tra tấn, lưu đầy, chết trong
trại cải tạo vì đói, rét và lao động khổ sai. Dưới áp lực của những nỗi
sợ hãi như thế họ còn bị thôi miên: phục tùng tuyệt đối, thế giới quan
duy vật, vô thần, thường xuyên tố giác, sẵn sàng chấp nhận mọi điều dối
trá và phi đạo đức, chấp nhận sống trong cảnh đói rét và làm lụng đến
kiệt sức. Hơn thế nữa, họ còn bị thôi miên về nhiệt tình cách mạng và
cảm giác về tính ưu việt so với tất cả các dân tộc khác; nói một cách
khác: thói tự mãn về sự điên rồ và ảo tưởng về thành công của chính
mình. Dưới ảnh hưởng của sự thôi miên mang tính khủng bố như thế họ trở
thành những người tin tưởng mù quáng vào chủ nghĩa cộng sản phi tự
nhiên, tự cao tự đại và coi thường tất cả những gì không phải là Nga
(Xô-viết! Cộng sản!)
Quá trình thôi miên diễn ra đã lâu, hàng chục năm, bao nhiêu thế hế;
nó đã làm băng hoại tâm hồn con người; họ không còn biết nguồn gốc của
nó, họ không còn hiểu từ đâu ra cái thói kiêu ngạo ấy; một số người
trong bọn họ khi ra nước ngoài vẫn còn phiêu lãng trong trạng thái tâm
lí toàn trị bệnh hoạn, không tin ai và khinh thường những người di cư
trước đây và thỉnh thoảng lại rơi vào những cơn co giật của thói tự mãn.
Đấy là hậu quả của ba mươi năm thôi miên, chỉ có thể xoá bỏ một cách từ
từ. Đấy là những nét đặc trưng của cái chế độ quái gở và bệnh hoạn đó.
[1]Ivan Alexandrovich Ilyin sinh ngày 28 tháng 3 năm 1883 ở Moskva và
mất tại Thuỵ Sĩ vào ngày 21 tháng 12 năm 1954. Ông là một nhà tư tưởng,
nhà luật học và chính trị học lớn của nước Nga, là tác giả của hơn 40
đầu sách và 300 bài báo viết bằng tiếng Nga và tiếng Đức. Do những hoạt
động chống chính quyền cộng sản, năm 1922 Ilin bị trục xuất khỏi Liên
Xô. Trong những năm 1922-1934 ông là giáo sư Viện nghiên cứu Nga ở
Berlin, đồng thời là tổng biên tập tạp chí Tiếng chuông Nga (1927-1930).
Năm 1938, vì tránh sự đàn áp của Gestapo (cơ quan mật vụ Quốc xã), ông
chuyển sang Thuỵ Sĩ và sống ở đó đến năm 1954. Bài báo này được viết vào
cuối những năm 40 của thế kỉ trước.