Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Nước non, non đến bao giờ?

Trần Bì

baidinh
Anh bạn tôi vốn là một kiến trúc sư, có thời từng làm việc trong cơ quan bảo tàng ở một tỉnh nọ. Sau một lần cùng bạn bè thăm quan chùa Bái Đính, Ninh Bình về, anh có viết cho tôi một lá thư tâm sự, trong đó có đoạn nói về công trình này như sau:
“Trước hết về kiến trúc chùa cổ truyền thống Việt Nam, điển hình là các chùa cổ ở các tỉnh phía bắc. Phần nhiều các nền chùa, chiều cao các cột biên và hàng hiên đều rất thấp, hơn nữa ít cửa sổ nên ánh sáng và thông gió thường rất kém, vì vậy khi ta bước vào trong chùa luôn cảm thấy u tịch, thâm nghiêm nhưng gần gũi. Các đường cong mái đao khiêm tốn hoặc uốn lượn một cách mềm mại. Chùa Bái Đính mới xây dựng khác hẳn: nền và khung nhà cao ráo, rất hoành tráng, nhiều chi tiết phảng phất, dáng dấp của chùa Tàu. Đành rằng ta không thể sao chép y nguyên hình thức kiến trúc của các công trình cổ, nhưng chẳng nhẽ ta lại đi ăn cắp, vay mượn đường nét của người khác hay sao. Các chùa của đạo phật ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, thậm chí như Lào và Cămpuchia đâu có như vậy, họ đều có phong cách rất riêng!
Đây là một công trình của Phật giáo, gốc tích của Phật giáo lại không phải ở Tàu. Trong các chùa Tàu thường thờ các vị La Hán, đây là quan niệm tâm linh của người Tàu. Nếu là chùa cổ xây dựng vào thời đất nước ta còn bị lệ thuộc Tàu đã đành. Nay ta đã độc lập, tự chủ lâu rồi, chùa xây dựng mới hoàn toàn nhưng sao vẫn đưa quá nhiều tượng các vị La Hán vào thờ là thế nào, thật khó hiểu, nếu không muốn nói là còn quá sâu nặng, chưa thoát được ý thức hệ của cái thuở cam phận tôi đòi!

Chùa Bái Đính xưa rất nhỏ. Chùa mới xây dựng mấy năm gần đây là chính. Chữ Việt đã có trên trăm năm nay, có gì không diễn tả, truyền tải nổi cho người Việt. Hơn nữa chùa xây dựng trên đất Việt là để phục vụ cho người Việt, cả thế giới đều hiểu vậy, sao ta lại phải đi mượn chữ Hán với gần trăm phần trăm người dân không thể đọc được? Các chùa ở Hàn Quốc và Nhật Bản họ đâu có làm vậy. Chữ Hán đề kiểu nào trên mấy tấm bê tông nó cũng không thể cổ hóa hay làm cho công trình thiêng liêng thêm một centimet, nó chỉ lòi cái “giả cầy” hượm hĩnh, của những kẻ đã bị đứt dây thần kinh liêm sỉ, thiếu lòng tự tôn dân tộc, không hơn không kém! Còn nếu thâm ý chùa này xây dựng để phục vụ riêng cho người Tàu thì khỏi nói!
Một công trình tôn giáo quy mô đồ sộ, hoánh tráng với tầm cỡ quốc gia như vậy sao qua mặt nổi các vị lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và nhà nước, các ngành của trung ương và các vị học giả, học thật, các chuyên gia mũ cao, áo dài với hàm lượng kiến thức siêu phàm. Chắc chắn công trình đã được thẩm định, kiểm tra xem xét thận trọng từ khi còn trứng nước, tất cả đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng và đã có chủ đích cả rồi.
Trong tiềm thức tuy đã có từ lâu, nhưng gần hai năm nay lại rộ lên một đề tài khá sôi nổi, lôi kéo không ít các mưu sĩ trong và ngoài nước, các công thần tham gia thảo luận là làm thế nào để thoát Trung. Ngẫm lại tôi cứ thấy bứt rứt, như kẻ buồn ói mà không sao ói ra được: Trung chưa sang, nhưng mình đã tự Trung hóa trước rồi còn gì!
Tôi viết thư này cho anh cũng chỉ để tự giải tỏa cho mình, giống một kẻ bực bội chạy ra bãi biển hét một cái rõ to cho hả rồi về, thế thôi!
Không biết nước non, non đến bao giờ!”
Sài Gòn, 10/2014.
© Trần Bì
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"