Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Về ông Lê Hồng Hà

Bùi Tín
Trong bài ‘Người đẹp nhất trong Đèn Cù’ trên VOA mới đây tôi có nói đến ông Lê Hồng Hà. Một số bạn ở trong nước, ở Hà nội và Hải phòng, gửi thư điện cho tôi hỏi rằng ông Lê Hồng Hà liên quan ra sao với vụ án ‘Xét lại chống đảng’. Tôi cũng vừa đọc bài của nhà báo Trần Quang Thành trên mạng Dân Luận, Dân Làm Báo (15/10/2014) hỏi tôi về việc ông Lê Hồng Hà có bị bắt giam vì liên quan đến vụ án này không; nhà báo Trần Quang Thành còn hỏi tôi rằng làm sao Trần Đĩnh có thể vác cuộn giấy báo rất nặng 150kg từ ngòai đường lên nhà in. Về chi tiết này tôi xin nói ngay là tôi dùng chữ ‘vác’ không thật chỉnh, tôi từng thấy Trần Đĩnh cùng công nhân nhà in dùng cả đòn bẩy, xe nâng, pu-li… để chuyển từng tảng giấy, cũng khá là vất vả, coi là lao động cải tạo.
Tôi cũng đính chính với nhà báo Trần Quang Thành và đông đảo bạn đọc của VOA và của các mạng đã đọc bài báo của tôi, rằng tôi đã nói sai, lầm lẫn ở một điểm: thật ra, ông Lê Hồng Hà không bị tù vì tham gia vụ án ‘Xét lại chống đảng’, mà ông bị công an Hà Nội bắt giam ngày 6-12-1995, bị tòa án nhân dân Hà Nội xét xử ngày 22-8-1996, kết án ông Lê Hồng Hà 2 năm tù giam về tội ‘cố ý làm lộ bí mật Nhà nước‘, cùng chung vụ án này với ông Hà Sỹ Phu bị 1 năm tù giam và ông Nguyễn Kiến Giang bị 15 tháng tù, theo án treo.
Trước khi bị tù, ông Lê Hồng Hà bị khai trừ khỏi đảng CS cùng với ông Nguyễn Trung Thành vì 2 ông từ năm 1993 đến năm 1995 chung ý định yêu cầu đảng xem xét lại Vụ án Xét lại chống đảng, lập một tiểu ban xem xét kết luận lại vụ án, xóa án, minh oan hoàn toàn cho hơn 30 cán bộ, trong đó có 4 ủy viên trung ương, một số tướng, đại tá, nhà báo… Các ông Đỗ Mười, Đào Duy Tùng, Phan Diễn đạo diễn thêm cuộc xử tù ông Lê Hồng Hà trong vụ án ‘cố ý lộ bí mật Nhà nước’ ngay sau khi khai trừ khỏi đảng CS 2 ông Thành và Hồng Hà thật ra là nhằm trả thù, trừng phạt và bịt mồm ông không được nói đến vụ án Xét lại chống đảng thêm nữa. Họ lấy cái cớ là ông đã có trong tay một lá thư mật của ông Võ Văn Kiệt gửi bộ chính trị và có ý phổ biến rộng, coi đó là phạm pháp (!).

Ông Lê Hồng Hà sinh năm 1926 ở Hà Nội, năm nay 88 tuổi, họat động cách mạng chống thực dân Pháp trong phong trào Việt Minh từ năm 1944-1945. Sau Cách mạng tháng Tám, ông họat động trong ngành công an Bắc bộ, dưới quyền của ông Lê Giản. Vào đảng CS tháng 7/1946, năm 1953, ông phụ trách trường Công an trung ương, năm 1958 là Chánh Văn phòng bộ Nội vụ, tức là bộ Công an hiện nay. Ông cũng từng là Vụ trưởng vụ tổng hợp của bộ công an, đồng thời là ủy viên đảng đòan của bộ công an khi vụ án mang tên chính thức là ‘Vụ án tổ chức chống đảng, chống Nhà nước ta, theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài‘ được dựng lên, Ông về hưu khi hơn 63 tuổi, năm 1989.
Là một tri thức có tư duy độc lập say mê nghiên cứu lý luận, sau khi bức tường Berlin sụp đổ cuối năm 1989, hàng lọat nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan vỡ rồi Liên Xô tan tành, Lê Hồng Hà không còn tin ở chủ nghĩa Mác – Lê, ở nền chuyên chính vô sản, ở nền tòan trị độc đảng phi dân chủ, ông quan tâm đến những ý kiến giải trình về vụ án của ông Hòang Minh Chính, người được coi là cầm đầu trong vụ án ‘Xét lại chống đảng’, rồi đồng tình sâu sắc với ông Nguyễn Trung Thành là dứt khóat phải minh oan cho tất cả các anh chị em bị coi là tội phạm trong vụ án đó. Vị thế của ông Nguyễn Trung Thành và của ông Lê Hồng Hà khi xảy ra vụ án là rất có trọng lượng để xem xét lại vụ án. Ông Nguyễn Trung Thành khi ấy là Vụ trưởng vụ Bảo vệ chính trị của Ban tổ chức trung ương, là người trực tiếp thụ lý vụ án, còn ông Lê Hồng Hà là Chánh vân phòng bộ công an, người trực tiếp liên quan đến các giấy tờ truy tố, lệnh triệu tập, tạm giam, thi hành án. Hai ông nhất trí cho rằng vụ án này được dựng lên, không có một ai tổ chức, đứng đầu, không có danh xưng, tôn chỉ mục đích, không có chi bộ, sinh họat, chỉ là phỏng đoán, hoang tưởng, chụp mũ để phòng ngừa.
Họ rất sợ xem xét kết luận lại vụ án này ắt phải xem xét lại nhiều vụ án oan sai võ đóan khác, cả những vụ trừng phạt những kẻ bị coi là thân Trung Quốc làm gián điệp cho TQ như vụ án Chu Văn Tấn, thượng tướng chết bi thảm trong tù, hay vô vàn các vụ bỏ tù không mảy may xét xử đối với hàng chục vạn viên chức và sỹ quan của Việt Nam Cộng Hòa, cũng như các vụ xử án kiểu tiền chế, bỏ túi, nói là công khai mà không cho nhân dân vào dự, các phiên tòa xét xử các chiến sỹ đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ, cho tự do tôn giáo mấy chục năm nay.
Họ còn đặc biệt lo sợ các vụ án siêu nghiêm trọng Tổng cục 2, T4, vụ vào đảng CS của tướng Lê Đức Anh, vụ mật đàm ở Thành Đô tháng 9/1990 bị phơi bày.
Lê Hồng Hà từng là viên chức công an cao cấp, là đảng ủy viên bộ công an, nay là chiến sỹ dấn thân hàng đầu cho dân chủ. Cũng như cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang vừa viết bài ‘Ai là thủ phạm đang giết sống đảng CS ?‘ để chứng minh rằng không có đế quốc hay phản động nào, chính tệ nạn tham nhũng, quan liêu, bất công, độc đóan đang tàn phá lục phủ ngũ tạng của đảng. Ở Tunisia hàng lọat công an tan hàng khi nghe các nữ sinh viên khuyên: « chớ có dại làm con chó giữ nhà, giữ của cho bọn tỷ phú ác ôn mới! »
Tôi rất mừng là ông Lê Hồng Hà vẫn còn khỏe, tỉnh táo tuy tuổi cao, ông rất tự hào được thóat đảng, trở thành con người tự do, vẫn trả lời phỏng vấn của các đài phát thanh quốc tế, và được giới thiệu khá đầy đủ trong cuốn sách ‘Đêm dày lấp lánh’ của nhà địa lý Nguyễn Thanh Giang, do nhà xuất bản Chính Luận mới phát hành (trang 207 – 215). Đất nước đang cần những con người như thế, tư duy rất tiền tiến, trẻ trung, yêu nước, thương dân, chống bất công, chống bành trướng, cổ vũ nền dân chủ thứ thật, để đất nước phát triển trong độc lập tự do, trong nền pháp trị công minh.
Bùi Tín

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"