Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Sân Khấu Nhá Đèn – Diễn Viên Lấn Đạp


Cả nước chớm thu. Sài Gòn lênh đênh vào mùa lũ triều cường. Hà Nội nhốn nháo tứ bề xập xình chiêng trống thúc quân. Sòng bạc đang xào bài chia tụ lại. Cửa sĩ tượng trống hoác mà con tướng lú cứ lăm le đòi xuất. Một đống tốt kiễng chân với tay đòi vịn mấy cái ngai. Nhộn nhạo. Lau nhau.
Chỉ dân lành là lao đao trả thuế cho bọn quan quyền đây đó thư thả ngao du.
*
Nguyễn Tấn Dũng đi Bỉ, Đức, Ý, Vatican, rồi nhân tiện tham dự ASEM 10. Cần phải nhắc rõ các nước này đều ở Âu châu, không thôi không ai biết. Trước đây chỉ mình Giăng Mắc Êrô của Pháp là may mắn biết tường rõ tận phong thái ngây ngô ngờ nghệch của hàng nguyên thủ xuất thân từ rừng U Minh Việt. Giờ thì tất cả đều rõ.
Há hốc mồm và trợn tròn mắt nghe những lời thánh phán bằng Việt ngữ là những Charles Michel, Manuel Barroso, Martin Schulz, Herman Van Rompuy, Angela Merkel, Matteo Renzi, và cả Đức Giáo Hoàng Francis cùng Thủ tướng Toà thánh Pietro Parolin. Có lý nào họ kỵ đọc tên Dung? Vậy chứ bộ tên tây dễ đọc lắm sao? Toàn là những danh tính… khó đánh vần, nói gì tới phát âm. Đành phải Sir tuốt tuột hết cả, cho lành.
Này, ODA thì quen lắm rồi, cả tai nghe lẫn tay đếm. Nhưng còn các thứ PCA và EVFTA là gì nhỉ? Có phần trăm huê hồng không vậy? Rõ là một cuộc viễn du “đem phèn đi lóng châu Âu” đầy công phu và thắng lợi…
Thiệt ra, bọn nó có hể hả cười vui đến mấy cũng chẳng là cái đinh gì. Cốt lõi không nằm ở mấy tay có tên khó đọc đó. Cốt lõi và đại cục nhiệm kỳ đại hội XII tới đây chính là nằm trong túi quần của Ngài Lý Khắc Cường kính mến. Chẳng phải ánh đèn lồng màu đỏ của sân khấu chính trị VN đang nhấp nháy chiếu rọi tận Milan, Ý quốc, đó sao?
*
Trước đó là chuyến tham quan Mỹ quốc của Phạm Quang Nghị. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gửi thư mời người đồng cấp là Phạm Bình Minh, nhưng chen ra ánh đèn sân khấu chập choạng này lại là bí thư thành uỷ Tháp Rùa. Báo chí Hà Nội rạo rực đưa tin, nhưng phải đến hai ngày sau khi Nghị đến Mỹ, tuyên giáo trung ương mới bật đèn xanh. Chỉ kẹt một nỗi là khó lòng lý giải ra sao cho lọt tai độc giả, đối với nội dung lá thư mời của Mỹ.
Riêng phần tường thuật còn khó hơn gấp bội, khi bí thư thành uỷ hồ Gươm ưu ái trao cho Thượng nghị sĩ John McCain bức ảnh chụp tấm bia cạnh hồ Trúc Bạch, kỷ niệm chiến thắng bắn rơi máy bay của “tên John Sney Ma Can thiếu tá Không quân Mỹ”. Bất ngờ dường nào khi John cười hề hề và đính chính rằng ông tên là John Sidney McCain, phục vụ quân chủng Hải quân Hoa Kỳ, chứ không phải không quân.
Không sao, đã có cách giải thích: Ở Ba Đình chúng tôi, xưa giờ, cứ không biết là không có lỗi. Nếu lỡ có, thì đó chỉ là lỗi sơ suất của thằng thợ khắc bia. Mà có lỡ thế thì mới giúp chúng tôi dễ đọc chứ có sao đâu nào?
Vấn đề không thuộc phạm trù chữ nghĩa và kiến thức. Cũng chẳng là cái đinh gì mọi thắc mắc của dân, hay của ngay đứa bị gạt bên lề là Phạm Bình Minh. Nó nằm ở chỗ nội dung trao đổi với bên mời là bộ Ngoại giao Mỹ. Làm gì có chuyện bộ trưởng quan trọng (hay giá mua mắc hơn) hơn uỷ viên chính trị bộ (dù chỉ năm chức thị trưởng)? Thế là chuyện vai vế coi như xong, ta vẫn là bậc trưởng thượng của nó.
Còn lại khúc xương gà là làm sao bảo cho nó biết rằng Mỹ muốn đi lại thoải mái trong phần nào Biển Đông của VN là phải thân thiện với Ba Đình. Phải nuông chìu BĐ mới có BĐ! Các điều kiện không nhiêu khê nhiều nhặng gì đâu. Và ngược lại, Ba Đình có dư con tin làm vốn đối tác. À, cái này thì dễ nói, chỉ cần thằng thông dịch khá khá chút là bọn Mỹ sẽ ôm lấy cái thông điệp chiến lược của ta.
Tuy nhiên, phần cuối này mới là quan trọng nhất: Cái giá để dìm thằng nhóc phó thủ tướng kia tuy cao ngất, nhưng rất xứng đáng với ánh đèn sân khấu chiếu rọi từ ngọn đuốc ngoài đảo Eo-Lítsơ của Niu-Óoc.
Còn trong nước? Thế chưa đọc bản tin về Bảo tàng Hà Nội vừa mới trưng bày các tặng vật của Nghị à? Cả tranh Lào, cả vật dụng hàng ngày của tay trùm Hà Nội, nào đồng hồ, nào phôn di động, nào ấm chén, và chiếc cặp da thân thương nữa cơ. Tất cả đều được chiếu rọi sáng trưng bởi ánh đèn trên nóc tủ. Nhớ ghé vào thưởng lãm nhé!
*
Không thể không nhắc đến một chuyến công du rềnh rang “lịch sử” của hơn chục tướng lãnh ưu tú của quân đội CHXHCNVN anh hùng mới đây. Dẫn đầu là bộ trưởng bộ Quốc Phò… ng Phùng Quang Thanh.
Cái giá để đẩy thằng con cưng của thiên triều là Nguyễn Chí Vịnh ra ngoài vòng tứ kết này có thể còn cao hơn cái giá của Nghị loại Minh nói trên. Mới thấy Năm Cam là thánh: Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền hơn.
Thành quả tương xứng có thể kể cả ngày không hết. Chỉ sơ lược vài điểm, là: 1) Từ “Bạn” đã được quần chúng hoá khi nói về thiên triều, ngoại trừ khi nói về tàu biển của Bạn thì phải khẳng định là tàu lạ; 2) Ta đã được Bạn ghi nhận ý kiến về đề nghị gìn giữ nguyên trạng trên Biển Đông của ta, tức là cái gì đã chiếm rồi thì thôi, không cắm thêm cái mới; 3) Dù Bạn không hứa, nhưng ta cũng đã khơi gợi để Bạn suy nghĩ về lời khẩn cầu không dùng vũ lực.
Nói chung là hoàn toàn thắng lợi trong suốt cuộc công du, cả ngày lẫn đêm. Bất kỳ ai bảo cầu hoà, hay dâng biểu xin hàng, cũng mặc. Bất kỳ ai đi đâu vận động cũng mặc. Chỉ có ánh sáng Bắc Kinh mới là ngọn hải đăng soi rọi cho cơ cấu nhân sự đảng của ta. Kim chỉ Nam cho ta mà không ở Bắc Kinh thì ở đâu? Bộ cứ muốn quỳ là được à?
*
Tất cả những chuyến đi giành đèn sân khấu nói trên đều không có gì khó hiểu. Có chăng là ở tay Tổng Lú, đã quá tuổi về vườn, may mà không bị đứt gánh nửa đường, lại không thể trông mong gì một nhiệm kỳ gia hạn, mà vẫn đi mây về gió, là sao?
Chuyến đi Cuba để giảng bài Mác-Lê đã xưa rồi diễm. Cái nhục không ghé Brề-Diu cũng nhạt rồi tám. Cái đáng nói là lấn sân thằng khốn kia để thân hành đi ký kết một số thương ước với Nam Hàn mà lẽ ra đó là công việc chính phủ của nó. Không hạ nó được ở chính trị bộ, không hạ nó được những hai lần ở trung ương, và không hạ nó được ở cơ quan ngoại vi có tên là quốc hội… thì cũng phải có cách làm bẽ mặt nó chứ!
Một tay Nam bộ nào đó từng bảo “cái đít có gắn bộ nhớ”, đúng thật. Có khi bộ nhớ đó còn tốt hơn cả bộ não nữa kia. Thế thì, cái bàn toạ này, nếu không thể tranh được với đám chưa già kia để lau mặt ghế hàng Tổng, thì chí ít cũng phải gài một thằng đệ tử vào đó, còn dùng tiếp sau này. Nhất định là không thể để cho thằng khốn kia nó giành mất. Xưa giờ ít khi ứng viên của tổng bí thư đương nhiệm giới thiệu bị rớt, tuy nhiên, cứ được như truyền thống của các đại hội V trở về trước là… tuyệt!
Dù gì, từ giờ tới đại hội còn những mười mấy tháng nữa. Có ai có thể cản được Lú này sang Mỹ một chuyến để đời? Cái khó là phải lốp-bi sao cho có một cái giấy mời trang trọng và một cái bắt tay chào đón trọng thị, nhân dịp kỷ niệm 20 năm hữu nghị Mỹ-Việt. John Kerry thì không xứng. John McCain, dù là ứng viên tổng thống vừa rồi, nhưng lại thuộc phe Cộng Hoà, và chưa dứt trận cười về món quà Trúc Bạch, chắc không xong. Hillary Clinton không có chức vụ chính thức nào. Nancy Pelosy e rằng kho vận động. Có ai thân quen với Harold Ford Jr. không nhỉ?
Chắc là hắn chưa thông nổi chủ nghĩa Mác-Lê đâu nhỉ? Cũng khó lòng mà hắn biết nỗi khổ của ngứa ghẻ ra sao. Đòi hắn biết được thành ngữ ném chuột vỡ bình còn khó hơn lên trời. Lại chắc gì hắn biết ta đã đạt thắng lợi trên Biển Đông ra sao? Đấy, tất cả những cái biện chứng đấy, cộng thêm kinh nghiệm đối thoại mềm dẻo/khôn ngoan/kiên trì với TQ, đều có thể trang bị tận tình cho hắn quán triệt mà không cần mất nhiều công sức.
Bọn ngoại giao có thành tâm mấy để tiếp tục đòi “kiếm cái lỗ mà chui” mỗi lần nguyên thủ VN sang Mỹ cũng mặc. Gì thì gì, ánh đèn sân khấu của Mỹ bao giờ cũng rạng ngời cả thế giới. Không đi Mỹ được phen này thì nói như bố thằng Minh, ngủ nhắm một mắt đấy!
*
Kẻ kẹt lại trong hốc Ba Đình, gần đây không có cơ hội sang Tàu lẫn sang Mỹ trong mười mấy thước chót của cuộc đua hào hứng này, chính là tay chủ tịch QH. Phải chăng đó cũng là động cơ thúc đẩy Sinh Hùng bày trò sinh sự đồng loạt với cả Phú Trọng lẫn Tấn Dũng?
Một mặt, đưa tướng Đỗ Bá Tỵ ra chào đón tướng Martin Dempsey của Mỹ, rồi lại ra trước ánh đèn rực sáng của phòng họp Diên Hồng mới cáu, mà khẳng định rằng “Trung Quốc vẫn giữ thái độc độc chiến biển Đông”. Ngay sau khi đặc sứ/đặc phái viên của Nguyễn Phú Trọng là Lê Hồng Anh vừa mới khấu tấu Bắc Kinh, và ngay tiếp theo đó là chuyến đi triều cống của Phùng Quang Thanh, như vừa kể trên.
Mặt khác, đích thân Nguyễn Sinh Hùng vạch trần mọi thành quả bước đầu trong bản báo cáo của Chính Phủ trước QH lần 8 khoá 13 đều là thất bại nặng nề, bằng những luận cứ đanh thép:
“Hiện nay nhiều lãnh đạo bộ ngành ngồi thụ động, chờ có bao nhiêu tiền để chi. Thu được đồng nào các đồng chí đem xài hết… chi đầu tư các đồng chí hãm lại, rồi cứ vay nợ ào ào. Như vậy thì làm sao phát triển được đất nước, rồi trả nợ không được thì sụp đổ”.
“Phải cân bằng thu – chi. Thu lấy mà chi, chứ bây giờ cứ phát hành trái phiếu lu bù, vay lu bù để chi thì chết thôi”.
“Trước đây chúng ta vay hạn 10, 15, 20 năm. Bây giờ các đồng chí phát hành trái phiếu chỉ có 2, 3 năm và thậm chí chỉ 1 năm. Vậy cái việc trả nợ đè lên đầu lên cổ làm sao mà sống được?”.
“Cứ ăn hết lấy gì mà tiêu, ăn hết mà không có tiền chi lương thì tôi không hiểu thế nào”…
“Bội chi người ta để một đường, mình để một đường. Nợ công người ta tính một đường, mình tính một đường. GDP người ta tính một đường, mình tính một đường”…
Hệ thống ánh sáng trần của toà nhà mới xây theo kiến trúc lư hương của QH, phải nói là vượt ra ngoài mọi điều mường tượng có thể có của dàn kiến trúc sư quốc tế, đã chiếu rọi một ứng viên sáng giá và dũng cảm dám đương đầu cùng lúc với hai đối thủ đáng gờm của đảng và chính phủ.
Nhưng lại có vẻ như không đủ soi ánh an toàn vào một số góc khuất, ở đó, bộ hạ của chủ tịch QH bị đốn ngã rạp như chuối gặp bão trên vùng kinh tế mới. Nghị định 96/2014/NĐ-CP ra đời vừa kịp để biến tay chủ tịch Ocean Bank thành một loại chuối tiêu. Và chưa dừng ở đó.
*
Thế thì, liệu là những ánh đèn sân khấu nhá nhem nhấp nháy của mỗi giai đoạn cơ cấu nhân sự này giúp cho người ta thấy gì?
Cử tri ngoại quốc có tầm ảnh hưởng quyết định lên sinh mệnh chính trị của dàn lãnh đạo tham ngu và đầy óc tự nguyện nô lệ ở đây chăng?
Thân xác ngã rạp của những bộ hạ (tay mặt/tay trái/sân sau/cửa hậu gì gì đó) của những lãnh đạo đấu đá tưng bừng trong trận chiến đầy máu lửa này chăng?
Mỗi nhiệm kỳ có một nửa là thời trăng mật tươi cười vơ vét, còn nửa kia là của những độc chiêu không còn thấy (hay thiết) cái lưng quần ở chỗ nào chăng?
Mức độ quyết liệt và vượt ngưỡng ôn hoà, một sống một chết, cho nó không chột cũng què… có thể tính từ 15 tháng chót của mỗi trận lên đài chăng?
Các ứng viên chưa rời bệ phóng lúc này, như Nguyễn Bá Thanh (và một vài đối tượng vừa tròn vừa trẻ) chẳng hạn, liệu có còn chút hy vọng gì chăng?
Khó ai có những câu trả lời xác đáng cho những câu hỏi khó đó. Người ta chỉ chờ đợi mỗi điều là kéo cầu dao tắt luôn cái dàn đèn sân khấu nhơ nhớp thổ tả này chăng?
25/10/2014 – Kỷ niệm 69 năm ngày lễ Đài Loan Quang Phục.
Blogger Đinh Tấn Lực

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"