Bùi Mẫn Hân
Trần Ngọc Cư dịch
Trần Ngọc Cư dịch
Lặng lẽ mà xem Tập Cận Bình
Bắt ruồi đánh hổ giữa quan, binh.
Lắm người nao nức trong chờ đợi,
Vì biết đâu, Bình đập vỡ bình!
Bắt ruồi đánh hổ giữa quan, binh.
Lắm người nao nức trong chờ đợi,
Vì biết đâu, Bình đập vỡ bình!
Trong chiếc bình kia nhung nhúc dòi
Quẳng vào đống rác cũng đành thôi.
Tội tình gì phải ôm mang mãi
Khổ lụy quê hương, nhục giống nòi?
Quẳng vào đống rác cũng đành thôi.
Tội tình gì phải ôm mang mãi
Khổ lụy quê hương, nhục giống nòi?
(Cảm tác của dịch giả về bài xã luận sau đây của Bùi Mẫn Hân)
___________
Vào thời điểm Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng ngay sau khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào cuối năm 2012, hầu hết các nhà quan sát thời sự đều nghĩ rằng ông sẽ chỉ thông qua các đề xuất, bỏ tù một số quan chức cao cấp rồi tiến hành công việc như cũ, đâu lại vào đấy thôi. Dù sao, các lãnh đạo tiền nhiệm của ông gần như đã lợi dụng các cuộc điều tra chống tham nhũng để loại bỏ các đối thủ chính trị của mình và củng cố quyền lực. Các biện pháp kỷ luật thường được tiến hành rầm rộ trong vòng một năm sau khi nhà lãnh đạo mới được chỉ định làm Tổng Bí thư và giảm dần cường độ vào năm tiếp theo.
Nhưng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã vượt quá điều mong
muốn trước mắt là khẳng định địa vị chính trị tối cao của mình. Đây là
một chiến dịch với tầm mức và tham vọng chưa từng có trước đây, đánh vào
một tầng lớp gồm khoảng 5.000 quan chức cao cấp đang điều hành những cơ
quan trọng yếu nhất của ĐCSTQ, của Chính phủ, của Quân đội và các công
ty Nhà nước. Mục tiêu của chiến dịch không nằm ngoài nỗ lực xóa bỏ một
hệ thống cai trị bất thành văn mà các lãnh đạo chóp bu dùng để cai trị
Trung Quốc kể từ cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989: một mạng lưới tự
củng cố bằng các mối quan hệ dựa vào chế độ bảo trợ và tham nhũng. Là
một lãnh đạo thấy mình được thôi thúc bởi một sứ mệnh lịch sử là phải
bảo vệ quyền cai trị của ĐCSTQ bằng mọi giá, ông Tập đã coi nạn tham
nhũng tràn lan hiện nay như một mối đe dọa nghiêm trọng cho sự tồn tại
lâu dài của chế độ.
Nhưng tham nhũng đã thấm sâu vào nhà nước đảng trị này đến nỗi nó
trở thành chất keo để giữ cho guồng máy khỏi tan rã. Và vì thế, chiến
dịch bài trừ tham nhũng của ông Tập nhằm đảm bảo sự trường tồn của ĐCSTQ
hình như đang đặt ra một mối đe dọa cho sự sống còn của Đảng trong ngắn
hạn hoặc trung hạn.
Các số liệu đáng tin cậy đo lường nạn tham nhũng tại Trung Quốc là
tương đối hiếm hoi, nhưng một số chỉ dẫn, gồm cả những số liệu được
Chính phủ kiểm duyệt, đã hỗ trợ cho sự đồng thuận của những nhà quan sát
tình hình Trung Quốc, rằng nạn tham những đã gia tăng đáng kể trong hai
thập niên qua. Theo các vụ tham nhũng được tường trình trên các phương
tiện truyền thông chính thống có thẩm quyền nhất, món tiền hối lộ trung
bình đã tăng vọt từ 91.000 USD năm 2000 lên đến 225.000 USD năm 2009,
nghĩa là tăng 100 phần trăm (sau khi điều chỉnh lạm phát).
Kể từ đầu thập niên 1990 đến nay, các quan tham ăn cắp công quĩ càng
nhiều hơn, một phần nhờ vào sự gia tăng to lớn trong ngân sách chi tiêu
cho các dự án cơ sở hạ tầng. Các hợp đồng béo bở về xa lộ, hải cảng và
đường sắt là những cơ hội để họ làm giàu cho chính mình, cho thân nhân
và bạn bè. Các đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhà đất và các bất động sản
khác gia tăng trung bình từ 36 phần trăm GDP trong thời kỳ 1980-1991 đến
hơn 41 phần trăm GDP trong thời kỳ 1992-2011.
Dựa vào các dữ liệu của năm 2011, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiếm
khoảng 1/3 tổng số đầu tư vào bất động sản. Mười sáu người đứng đầu
ngành giao thông vận tải tại 11 tỉnh đã bị trừng trị nghiêm khắc (một
người bị xử tử) về tội tham nhũng trong vòng hai thập kỷ qua. Năm ngoái,
Bộ trưởng Đường sắt lâu năm, Lưu Chí Quân [Liu Zhijun], nhận án tử hình
treo về tội đã nhận hơn 10 triệu USD tiền hối lộ.
Một nguồn lợi khác từ trên trời rơi xuống là chương trình tư hữu hóa
— được gọi bằng mỹ từ “cải tổ quyền làm chủ tài sản”, chỉ vì một ái
ngại ý thức hệ còn sót lại về việc biến các tài sản trên danh nghĩa là
của nhà nước thành tài sản tư nhân. Từ đầu thập niên 1990, Chính phủ
Trung Quốc dần dần nới lỏng quyền kiểm soát việc sử dụng các tài nguyên
đất đai và hầm mỏ, chẳng hạn, cho phép các quan chức địa phương được tự
do chuyển nhượng các tài sản quí giá này cho thân nhân và bạn bè — một
thứ tự do chưa từng có trước đó. Trong một vụ tai tiếng nghiêm trọng
liên quan đến Chu Vĩnh Khang [Zhou Yongkang], trùm Công an vừa mới nghỉ
hưu, người con trai cả của ông đã mua hai lô dầu lửa từ một đại công ty
năng lượng nhà nước là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc với giá gần
3,2 triệu USD rồi nhanh chóng bán lại, thu về một lợi nhuận trên 80
triệu USD. Theo một cuộc điều tra của tạp chí doanh nghiệp Tài Tân
[Caixin] rất uy tín tại Trung Quốc, Tào Vĩnh Chính [Cao Yongzheng], một
thân hữu của ông Chu và là người từng khoe khoang có thể tiên đoán được
tương lai, hình như đã được tặng một lô dầu lửa đã đem lại cho ông một
số lợi nhuận gần 100 triệu USD một năm – rất có thể đây là một phần
thưởng cho một số dịch vụ nào đó.
Căn cứ vào tin tức từ văn phòng của các công tố viên tỉnh và thành
phố, khoảng từ 1/3 đến 2/3 số vụ tham nhũng tại Trung Quốc hiện nay có
liên quan đến các nhóm quan chức và doanh nhân. Trong thập niên 1980,
hầu hết các tội tham nhũng đều do các cá nhân tự mình gây ra. Hình thức
tham nhũng cấu kết mới hiện nay độc hại hơn nhiều vì nó khó bị phát hiện
và chặn đứng hơn, đồng thời nó bào mòn sự vẹn toàn cơ chế của nhà nước.
Nó cũng đe dọa quyền kiểm soát của Đảng đối với các lãnh đạo cao cấp
địa phương: Các quan chức cấu kết nhau thường thăng thưởng và bao che
nhau bằng một mạng lưới ô dù được tổ chức chặt chẽ. Tại thành phố Mậu
Danh [Maoming], thuộc tỉnh Quảng Đông, hơn 240 viên chức địa phương, gồm
ba bí thư thành ủy liên tiếp, phó chủ tịch thành phố, trưởng ban công
an thành phố, trưởng ban chống tham nhũng và nhiều lãnh đạo cơ quan của
thành phố, đều có dính líu vào một vụ tai tiếng tham nhũng trong khoảng
thời gian từ 2009 đến 2012. Trong một vụ đại tai tiếng đang diễn ra tại
tỉnh Sơn Tây, nơi có trữ lượng than đá phong phú, bốn trong 13 quan chức
cao cấp nhất của vùng này đã bị bắt giữ vì “các vi phạm kỷ luật và luật
pháp nghiêm trọng,” một cách gọi khác của nạn tham ô, trong đó có cả
trưởng ban chống tham nhũng của tỉnh này.
Nạn tham nhũng tràn lan này đã vô tình tạo một cơ hội hiếm có để ông
Tập lập thành tích nhanh chóng sau khi vươn lên địa vị cao nhất tại
Trung Quốc. Chống tham nhũng hiện nay là một trong ba cột trụ chính
trong chiến lược đối nội của ông, song song với cải tổ kinh tế và ngăn
chặn các lực lượng dân chủ. Cuộc chiến chống tham nhũng này phục vụ một
số mục tiêu cho ông. Như đã từng diễn ra trước đây, nó có thể giúp ông
Tập loại bỏ các đối thủ chính trị của mình và tái áp đặt kỷ luật đã trở
nên quá lỏng lẻo lên một Đảng cầm quyền. Chiến dịch này còn có thể o ép
một hệ thống quan liêu miễn cưỡng phải thực hiện các cải tổ kinh tế,
những cải tổ có thể xói mòn quyền lực và các đặc quyền của họ. Và nó có
thể giúp ông Tập giành được hậu thuẫn của dân chúng bằng cách đi theo
một số đường lối nhắm tới việc chỉnh sửa lại cái hình ảnh lem luốc của
ĐCSTQ vì bị coi là một chế độ suy đồi mất hẳn quan hệ với quần chúng.
Để nhấn mạnh hữu hiệu thông điệp này, Ông Tập đang theo đuổi một
đường lối có nhiều mũi nhọn. Mũi mạnh nhất là điều tra và truy tố một số
rất đông đảo gồm các quan chức cao cấp, những người trên thực tế đã
từng hưởng quyền bất khả xâm phạm trước đây. Trong 23 tháng qua, 50 con
hổ hay cách gọi những quan chức cao cấp từ hàm thứ trưởng trở lên đã rơi
vào lưới của ông Tập, so với vỏn vẹn 30 con trong vòng 5 năm trước khi
ông được chỉ định làm Tổng Bí thư ĐCSTQ. Cuộc săn bắt của ông Tập đã tóm
cổ được vài con mèo cỡ bự, trong đó có ông Chu, một nhân vật ngoài chức
trùm công an Trung Quốc còn là cựu ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị,
cơ quan ra quyết sách cao nhất của Đảng. Một động thái chưa từng có
trước đây là việc truy tố tướng cao cấp Từ Tài Hậu [Xu Caihou], một Phó
Chủ tịch Quân ủy Trung ương mới nghỉ hưu và là cựu Ủy viên Bộ Chính trị.
Chiến dịch trong sạch hóa này đã đưa ra những thay đổi thủ tục khiến
giới lãnh đạo địa phương khó che đậy nạn tham nhũng hơn trước nhiều. Ủy
ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan nội chính bài trừ tham nhũng
của Đảng – do một đồng minh của ông Tập, là Vương Kỳ Sơn [Wang Qishan]
lãnh đạo – ngày càng dựa vào các toán kiểm tra đặc biệt để thanh lọc các
quan chức tham nhũng tại các tỉnh thông qua các cuộc phỏng vấn và điều
tra kín được mở rộng. Các cơ quan chống tham nhũng địa phương hiện nay
phải báo cáo kết quả của bất cứ một cuộc điều tra nào mà họ tiến hành
lên một cơ quan chống tham nhũng cấp cao hơn.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập còn áp đặt các biện pháp
khắc khổ, loại bỏ nhiều bổng lộc hậu hĩ mà giới thống trị chóp bu của
Trung Quốc đã coi là quyền lợi đương nhiên. Các điều lệ mới cấm quan
chức nhận những món quà xa hoa, các phương tiện đáp ứng cho nhu cầu giải
trí và du lịch của họ. Hậu quả là, lượng rượu cô-nhắc của Pháp và đồng
hồ Thụy Sĩ bán ra đã giảm xuống nhanh chóng, trong khi nỗi bất bình của
giới quan chức diễn ra khắp nơi.
Toàn diện và táo bạo, chiến lược chống tham nhũng của ông Tập có
nhiều rủi ro, chính vì nó được cần đến trong bối cảnh sau đây: Tham
nhũng đã xâm nhập vào cơ cấu định chế của nhà nước đảng trị Trung Quốc;
như người ta thường nói, nó là chất dầu bôi trơn bộ máy quan liêu rộng
lớn của Trung Quốc. Sau biến cố Thiên An Môn và sự sụp đổ của Liên Xô,
ĐCSTQ không còn sức thu hút về mặt ý thức hệ nữa, và như một chiến lược
để sống còn, Đảng bắt đầu tưởng thưởng cho các đảng viên trung thành
những địa vị béo bở, duy trì hậu thuẫn của họ bằng quyền lợi vật chất.
Lối ứng xử này có lợi về mặt chính trị, nhưng ĐCSTQ gần như không có
biện pháp nào để hạn chế sự phóng túng của đảng viên, khiến trong họ nảy
sinh ra một ý thức về quyền lợi đương nhiên [a sense of entitlement].
Họ bắt đầu tuân theo một modus vivendi [tạm ước sống chung]
mới, theo đó các quan chức từ thấp đến cao trao đổi nhau đặc ân để giải
quyết các bất đồng về vấn đề bổ nhiệm nhân viên hay phân phối chiến lợi
phẩm kinh tế. Họ duy trì sự ổn định và tính cố kết [cohesion] trong hàng
ngũ thông qua việc thương lượng mặc cả giữa các đầu sỏ.
Nhưng hiện nay cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập đang phá vỡ
sự thỏa thuận ở chóp bu sau biến cố Thiên An Môn. Bằng cách áp đặt các
biện pháp khắc khổ và các hình phạt về tội tham nhũng lên hệ thống quan
liêu của nhà nước đảng trị Trung Quốc, ông Tập có nguy cơ gây bất bình
cho một thế lực chính trị mạnh nhất nước, thậm chí biến họ thành thù
địch.
Ở thời điểm này, ông Tập giành được hậu thuẫn của dân chúng và đang
có đà chính trị, trong khi giới quan liêu có đủ thông minh để không tìm
cách đẩy lùi bước tiến của ông. Hầu hết các quan chức đảng viên từng nếm
trải đấu tranh nội bộ đang giả vờ phục tùng ông, thúc thủ để giữ an
toàn bản thân. Một số viên chức địa phương đang cố tình làm trì trệ các
công việc – như việc thông qua các dự án hay thực thi các nhiệm vụ hành
chánh thông thường – rõ ràng là để gây áp lực khiến ông chấm dứt hay nới
lỏng chiến dịch chống tham nhũng của mình. Hình như nhóm này tính toán
rằng, nếu kinh tế trở nên đình đốn, ông Tập sẽ phải chuyển quan tâm của
mình sang nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, vì đây cũng là một cột
trụ nâng đỡ tính chính đáng của Đảng.
Muốn thắng được sự chống đối thụ động này, có thể ông Tập phải điều
chỉnh chiến lược của mình. Từ trước đến nay, ông vẫn dựa vào quyền kiểm
soát quân đội để chặn đứng bất cứ một thách thức nào. Nhưng trong tương
lai, ông cần phải nới rộng cơ sở hậu thuẫn của mình, cả trong lẫn ngoài
ĐCSTQ và trong xã hội Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là phải nhanh chóng
đề cử các thành phần cải tổ trong Đảng vào các địa vị quyền lực và cho
phép ngành tư pháp có nhiều độc lập hơn trước để truy tố các quan chức
tham nhũng. Có lẽ điều này còn ngụ ý một cái gì cấp tiến hơn nữa: cho
phép giới truyền thông và xã hội dân sự hành động như những tổ chức giám
sát của công dân, mặc dù cho đến nay Chính quyền Tập Cận Bình hình như
vẫn quyết hạn chế tự do của các nhóm này.
Dù ông Tập có thay đổi đường lối chống tham nhũng hay không, điều rõ
ràng là ông đã thay đổi luật chơi quyền lực tại Trung Quốc, đặc biệt
trong nội bộ Đảng Cộng sản. Nhưng liệu sự quan trọng của uy tín lãnh đạo
rốt cuộc có làm được một chất keo gắn bó trong Đảng bền chắc hơn sự gắn
bó qua những đường dây hối lộ đã giữ Đảng cho đến ngày nay hay không,
đó là điều chưa ai nắm chắc.
__________
Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) là giáo sư về Quản lý Nhà nước tại Claremont McKenna College, California.
Nguồn: NYT 17/10/2014
Bản tiếng Việt © Trần Ngọc Cư & pro&contra