Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Vài suy nghĩ về việc Nhà nước thả các tù nhân trong mấy ngày đầu tháng 4/2014

Hoàng Mai
Trong mấy ngày đầu tháng 4/2014 này, tin vui, thậm chí là rất bất ngờ đến với những người quan tâm đến tình hình chính trị Đất nước, đó là việc Nhà nước đã thả 3 người tù, gồm: Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi và Nguyễn Tiến Trung.
Với TS Cù Huy Hà Vũ, anh cùng vợ là LS Nguyễn Thị Dương Hà đã đến Mỹ hôm 07/4. Nhìn nụ cười và khuôn mặt rạng rỡ của LS Nguyễn Thị Dương Hà, tại phi trường Dulles International Airport, Hoa Kỳ, hôm 07/4, rất nhiều người mừng cho anh chị. Thiết nghĩ, với một người mang bệnh về tim và một số bệnh hiểm nghèo khác như Cù Huy Hà Vũ, việc anh được ra tù, cho dù với bất kỳ lý do, và nguyên nhân gì đi nữa, thì đó là điều hạnh phúc không chỉ riêng đối với cá nhân, gia đình anh… mà là của tất cả những ai quan tâm và biết về anh qua những cống hiến của anh cho phong trào dân chủ, cho Đất nước trong mấy năm qua.
Kể từ hôm hình ảnh Cù Huy Hà Vũ đến Mỹ, đã có nhiều bài viết về anh, mừng cho anh cũng nhiều, và trách anh (vì ra nước ngoài) cũng có…; với người viết bài này, tôi cho rằng, nhìn nhận và đánh giá như của tác giả Phạm Chí Dũng, trong bài viết “Phạm Chí Dũng: Hãy đ yên cho ông Cù Huy Hà Vũ sng như mt người bình thường” (1), là một quan điểm đúng đắn nhất!

clip_image002
TS Cù Huy Hà Vũ và vợ LS Nguyễn Thị Dương Hà, cùng cô Jenifer L Neidhart de Ortiz, đặc trách nhân quyền của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đặt chân xuống phi trường Dulles International Airport, ngày 7 tháng 4, 2014.
Với hai người còn lại trong đợt “đặc xá” vừa rồi, là Vi Đức Hồi và Nguyễn Tiến Trung, việc các anh ra tù cũng đầy bất ngờ, không chỉ với những ai quan tâm, mà còn bất ngờ ngay cả với các anh, cũng như gia đình, người thân của hai anh… Thông tin trên báo chí của các hãng thông tấn nước ngoài như BBC, VOA, RFI, RFA trong ngày 12/4 cho ta biết điều đó.
Hy vọng tới đây, tất cả những “tù nhân lương tâm” (theo cách gọi giới truyền thông nước ngoài và cộng đồng mạng…), như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Bùi Thị Minh Hằng, Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, Đỗ Thị Minh Hạnh… đều sẽ được trả tự do.
Sau đây là vài suy nghĩ của người viết, nhân việc Nhà nước trả tự do cho 3 người nói trên:
I. Bắc Kinh không phải là chỗ dựa an toàn cho bất kỳ ai ở Việt Nam
Có lẽ, trên 95% người Việt Nam, từ khi đến tuổi trưởng thành về cuối đời, không ai là không biết đến hai cái tên Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống; mặc dù hai vị này, một vị đã chết cách đây gần 700 năm (Trần Ích Tắc: 1254-1329), và một vị chết cách đây hơn 200 năm (Lê Chiêu Thống: 1765-1793); Nhân Dân Việt Nam luôn lấy hai người này để nguyền rủa những kẻ làm tay sai cho phương Bắc. Đây là bài học cho những ai hôm nay muốn dựa vào Bắc Kinh để giữ quyền lực.
Chưa hết, chúng ta đều biết rằng, Trung Quốc là nước có truyền thống lưu trữ các tài liệu về mặt Nhà nước. Lịch sử Việt Nam mà mọi người chúng ta đã được học, được biết đến ngày nay hầu hết đều được sưu tầm, dịch ra từ tiếng Hán [điều này có lý do của nó, vì với hàng nghìn năm đô hộ, Bắc thuộc và gây chiến tranh xâm lược… các triều đại phương Bắc đã có chủ trương đốt sạch, hoặc tịch thu tất cả những gì là văn hóa Việt để đem về Trung Hoa; chưa kể đến việc, Việt Nam liên miên có chiến tranh (nội chiến và xâm lược), cho nên các sử liệu bị mất, thất lạc…]. Vậy thì, tất cả những góc khuất trong lịch sử Việt Nam hiện đại, kể từ ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam đến nay, cũng không là ngoại lệ. Không bao lâu nữa, tất cả rồi sẽ được (hoặc bị) chính người Trung Quốc tuyên bố, hoặc khi có sự thay đổi thể chế chính trị tại Trung Quốc sau này.
Chắc chắn một điều rằng, mai đây, khi sự thật đã được phơi bày, thì không ai có thể chạy trốn được lịch sử.
Tài liệu về HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ (2), trong khi ở Việt Nam không mấy ai biết (ngay cả đến các Ủy viên trung ương), thì chính người Trung Quốc đã công bố, đó là bài học đắt giá cho những kẻ tìm đến Bắc Kinh nhằm kiếm giải pháp duy trì chế độ, mà những kẻ đó đang còn sống đến hôm nay. Chắc là, nếu linh thiêng, Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống, dưới mồ sẽ mỉm cười, vì đã có hậu bối nối dài trong danh sách bán nước để chia bớt những nỗi nhục với họ?!
clip_image003
“HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ”, tài liệu và ảnh do chính người Trung Quốc đưa ra,
liệu các Ủy viên trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam tất cả các khóa, đã mấy ai biết được sự thật này?
Sự kiện năm 1988, Trung Quốc bất ngờ đánh chiếm đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, khi phía Trung Quốc đưa ra video clip (https://www.youtube.com/watch?v=aqblBfAfIrA), chúng ta mới biết rằng, những người lính Việt Nam không hề được cầm súng bắn lại kẻ thù… Kẻ nào ra lệnh để những người lính Việt Nam buộc phải làm bia đỡ đạn cho bọn giặc cướp nước? Lịch sử đã một phần và sẽ trả lời đầy đủ. Thật nhục nhã cho những kẻ và gia đình của họ, khi họ sẽ là danh sách nối dài của những Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống, tạo thành một trang đen trong lịch sử Việt Nam.
Cách đây mấy tháng, người viết bài này có đọc được một comment của một ai đó trên diễn đàn mạng, đại ý: “Mọi thứ có thể che dấu được, ngoại trừ ba thứ: Mặt trời, Trái đất và Sự thật”; Hy vọng, những ai còn đang suy nghĩ dựa vào Bắc Kinh để giữ quyền lực, hoặc che dấu sự thật…, thì hãy tỉnh ngộ để không là nỗi nhục cho dòng họ, con cháu sau này…
Rồi đây, chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm tựa như “Bên thắng cuộc”, hoặc “Đêm giữa ban ngày”, ra đời, mà tác giả của những tác phẩm ấy đang còn sống, khỏe mạnh, và không ai dám nói rằng, họ đã xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử.
Trên đây là nói về tài liệu, sử liệu; còn đô la xanh, thẻ xanh… thì sao?
Có một điều lạ, chưa thấy ai là người Việt Nam chọn Trung Quốc làm nơi định cư; thậm chí khi phạm tội, cũng muốn chạy sang Mỹ để sống nốt đời còn lại, như Dương Chí Dũng, hay Huyền Như (trong vụ tham nhũng hàng nghìn tỷ ở Ngân Hàng VietinBank) là những ví dụ... Đặc biệt, những người giàu có, đặc biệt là các ông có chức, có quyền, khi đã có nhiều tiền, thì chủ yếu là chọn Mỹ và tiếp sau là các nước phương Tây để gửi con đi du học; không ít người đang “chạy” thẻ xanh cho con cái để được là công dân Mỹ sau này.
Không những thế, ngay cả người Trung Quốc cũng muốn chạy khỏi Tổ Quốc của họ với rất nhiều lý do, riêng với các “quan” thì: “… qua điều tra đối với 3.300 người có tài sản mức 10 triệu tệ trở lên thì có 2/3 đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài để được định cư dưới hình thức di dân, 1/3 đã có tài sản ở nước ngoài”(3). Vậy là, gần như 100% người giàu ở Trung Quốc muốn chạy khỏi đất nước này, với mục đích là: “Thứ nhất do không khí và môi trường sinh thái ở Trung Quốc hiện đã ô nhiễm đến mức báo động; thứ hai là mong muốn con cái được hưởng nền giáo dục tốt hơn so với trong nước” – cũng bài báo trên cho biết.
clip_image004
Các công bộc “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của Trung Quốc (và cả ở Việt Nam), đang tìm đến các nước Âu, Mỹ để tìm cuộc sống mới, an toàn…, sau khi đã cướp, vơ đầy túi tham, bằng việc lợi dụng chức quyền trong chế độ độc đảng lãnh đạo.
Những dẫn chứng trên đây để cho thấy, Bắc Kinh không phải là chỗ dựa an toàn (về thanh danh, tiền bạc, định cư…) cho bất kỳ ai ở Việt Nam. Đừng hy vọng sẽ dấu Nhân Dân Việt Nam được mãi, cho dù chỉ là những văn bản, tài liệu… mà họ đã lừa dối Nhân Dân để thỏa thuận với Bắc Kinh trước đây.
II. Tín hiệu gì từ phía Chính quyền Việt Nam sau khi thả các tù nhân?
Lý do thì có thể nhiều, riêng người viết bài này có mấy dự đoán sau:
1. Lãnh đạo Việt Nam lo sợ sự sụp đổ kinh tế kéo theo nguy cơ sụp đổ chế độ và những bạo loạn có thể xảy ra
Sau gần 30 năm tiến hành “Đổi mới” (từ 1986); với chính sách ngoại giao khôn khéo; đồng thời, bộ máy tuyên truyền đã không ngừng thổi phồng về những thành tựu “thu hút vốn đầu tư nước ngoài” [gồm vốn vay ưu đãi ODA, vốn đầu tư trực tiếp FDI…]; tự mê hoặc lãnh đạo Đảng, thường chỉ là những người học Mác-Lê nin, rằng Việt Nam sẽ hóa “rồng châu Á”, hóa “hổ châu Á”… Trong khi, những tiền đề cho phát triển (công nghiệp chế tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cao…) thì đều bị các nhóm lợi ích thâu tóm và triệt tiêu (ngành công nghiệp ô tô là điển hình). Đến bây giờ nhìn lại, Việt Nam không có bất kỳ một sản phẩm nào để được thế giới biết đến, ngoại trừ “là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới” (nhưng Nông dân lại đang trong tình trạng đói nghèo, bần cùng…). Việc sử dụng vốn vay nước ngoài một cách lãnh phí (chủ yếu dùng vào đầu tư công để có cơ hội tham nhũng, và chi trả lương cho bộ máy hành chính khổng lồ mà ta hay gọi “3 trong 1”, gồm: Đảng, Chính quyền và các đoàn thể của Đảng lập ra), và đến nay đã bắt đầu thời kỳ chi trả, và không có khả năng chi trả. Nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự sụp đổ.
Việc không tạo ra sản phẩm mới, giá trị mới trong suốt hai mươi năm qua; đồng thời lại để cho Trung Quốc thâu tóm gần như toàn bộ thị trường hàng tiêu dùng, làm cho công nghiệp xuất hàng tiêu dùng (gọi là công nghiệp nhẹ) cũng không thể phát triển được, và đến hôm nay, ngoài bán tài nguyên để trả nợ, Việt Nam không có một nguồn thu nào khác để trả nợ. Nhiều tỉnh thu thuế không đủ trả lương cho bộ máy hành chính, thì lấy đâu ra tích lũy để đầu tư công?
Đến thời điểm này, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn phải trả các khoản vay và lãi vay, mỗi năm ước khoảng 5 tỷ đô la (khoảng 100.000 tỷ đồng mỗi năm); và như vậy, toàn bộ những yếu kém và những tính toán sai lầm trước đây, thì nay bắt đầu đến lượt nó tác động ngược trở lại, gây nên khủng hoảng mọi mặt, toàn diện… như đang diễn ra.
Một đề tài khoa học cấp nhà nước mang tên “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020: từ nhận thức với hành động”, do ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện, cho biết: “Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore” (4); “Thành quả” của gần 30 năm “đổi mới” của Việt Nam là như vậy đấy!
2. Lãnh đạo Việt Nam đã thức tỉnh và đang đi tìm lối thoát
Đảng cộng sản Việt Nam đang khủng hoảng về đường lối. Cương lĩnh “Lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”, thực sự đã lỗi thời và bế tắc. Một chính đảng khi đã không còn tìm ra cương lĩnh và phương hướng hành động phù hợp với thực tiễn, và thời đại…, thì sẽ đi đến diệt vong. Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn cuối của tiến trình này.
Những người cộng sản thực sự đã mất lý tưởng từ lâu rồi; từ cấp cơ sở là xã phường cho đến cấp cao nhất (người càng có nhận thức thì đã sớm vứt bỏ). Thực chất, điều hành Việt Nam hiện nay là các nhóm lợi ích. Nhưng cũng có thể phân chia thành 2 “phe” chính: Phe bảo thủ thân Tàu, và phe “Dân chủ”.
Phe thân Tàu cũng đã nhận ra rằng, không thể dựa vào Bắc Kinh được nữa, vì Bắc Kinh cũng đang gặp phải vấn nạn tham nhũng, phe phái, mâu thuẫn, đấu đá nội bộ, mâu thuẫn sắc tộc… và cũng đang đi đến sụp đổ; Phe thân Tàu buộc phải nhượng bộ phe “Dân chủ” để còn hy vọng là sau này không bị quy kết, vạch mặt là kẻ bán nước khi thể chế thay đổi.
Từ những khó khăn, bế tắc nói trên, cùng với sức ép của quốc tế, nên buộc lãnh đạo Việt Nam phải thả các tù nhân nhằm đổi lấy việc được kết nạp là thành viên của TPP trong năm 2014 đang như là mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Barak Obama, hôm 25.3, tại The Hague-Hà Lan, nhân “Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba”(5), thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “khẳng định quyết tâm cùng Mỹ và các thành viên sớm kết thúc đàm phán TPP theo tinh thần quan tâm thỏa đáng đến lợi ích và sự chênh lệch về trình độ phát triển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Mỹ quan tâm thỏa đáng tới các lợi ích của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong đàm phán, đề nghị Mỹ sớm công nhận quy chế thị trường với Việt Nam”.
3. Tín hiệu lạc quan
Cái khó hôm nay của lãnh đạo Việt Nam, đó chính là muốn thoát ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh mà chưa thể được vì nhiều lý do, một trong những lý do quan trọng là nền kinh tế Việt Nam đã phụ thuộc sâu vào Trung Quốc, không thể thay đổi, cắt đứt chỉ trong một thời gian ngắn. Mặc dù vậy, hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam, trong thế buộc hiện nay, cũng đã thống nhất được với nhau ở quan điểm lớn, đó là: Phải thoát khỏi Bắc Kinh.
Dưới thời của các ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng, vai trò cá nhân của TBT không còn độc quyền như trước, vì vậy cũng là một cơ hội để thay đổi. Sau một thời gian dài với sự kiêu ngạo và ấu trĩ… thì nay, lãnh đạo Việt Nam đã xác định phải trở lại với Nhân Dân, phải dựa vào Dân. Việc dự kiến “Một lễ cầu siêu sẽ được tổ chức tại Trường Sa để ghi nhận công lao của những anh hùng, liệt sĩ nhiều thế hệ, kể cả những người lính Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh vì bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, cũng như các thuyền nhân thiệt mạng ngoài biển Đông” (6), như các báo đưa tin trong ngày đầu tháng 4.2014 như là một tín hiệu nhằm lấy lại lòng dân, cũng như muốn để được sự ủng hộ của 4 triệu Việt kiều ở Hải ngoại.
Việc thả tù nhân cũng là một giải pháp để được sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các nước phương Tây trong cải cách kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
4. Thời điểm và giải pháp phù hợp cho sự thay đổi
Do đã phụ thuộc sâu rộng vào Bắc Kinh, cho nên thời điểm để Việt Nam thay đổi chỉ có thể diễn ra khi:
- Phe “Dân chủ” thực sự mạnh, chiếm ưu thế áp đảo trong nội bộ Đảng, và được sự ủng hộ của Nhân Dân chủ động để thay đổi.
- Cần một biến cố bên Trung Quốc (có thể là không lớn lắm) về kinh tế, chính trị… làm thời cơ để thay đổi.
Trong một bài viết có tựa đề “Cù Huy Hà Vũ” (7), đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 13.4.2013 của TS Phạm Trọng Chánh, một người sống ở Pari lâu năm, từng là bạn với cụ Cù Huy Cận; trong bài viết của mình, ngoài việc nói về Cù Huy Hà Vũ, TS Phạm Trọng Chánh đưa ra quan điểm, một góc nhìn rất mới (phải chăng, do có thời gian sống lâu ở Tây Âu, tác giả có sự do sánh giữa Mỹ và các nước châu Âu, nên mới rút ra được?), cần được nghiên cứu để áp dụng tại nước ta trong điều kiện hiện nay, đó là:
“Dân chủ chính trị lưỡng đảng là một thể chế hoàn hảo nhất của nhân loại ngày nay, nó tránh tình trạng độc tài tham nhũng chế độ độc đảng, nó tránh tình trạng manh mún hàng trăm đảng mà không có đảng nào có thực lực nắm đa số quốc hội. Tam Quyền Phân Lập: độc lập giữa Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp. Tránh tình trạng vừa đá banh vừa là trọng tài. Chính trị lưỡng đảng khi đảng thắng cử họ chỉ thay đổi khoảng từ 300 đến 3000 người lãnh đạo, khác với độc đảng hàng triệu người bị loại khỏi guồng máy quốc gia. Khác với hàng trăm đảng hỗn loạn không tìm ra một gương mặt nào sạch sẽ. Từ giã chế độ độc đảng tránh cho nhân dân tình trạng một cổ hai tròng, mỗi chức vụ hành pháp đều có một ông đảng kế bên, lương bổng phải trả hai lần, hai người cùng làm một nhiệm vụ. Chế độ chính trị lưỡng đảng là một thể chế hào hứng, nhân dân góp phần trực tiếp bầu người lãnh đạo từ Tổng thống, Quốc hội Thượng Viện, Hạ Viện cho đến cơ cấu địa phương làng xã, thành phố”.
Với tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay, TS Phạm Trọng Chánh đưa ra quan điểm:
“Tất cả những tiên đoán Dân chủ Việt Nam sẽ khai sinh khi Đảng Cộng Sản Việt Nam sụp đổ, khi Chính phủ Việt Nam sụp đổ như Đông Âu, điều này sai lầm. Trong hoàn cảnh đất nước trước áp lực Trung Quốc đang bành trướng tham vọng một nền kinh tế thứ hai địa cầu, sự suy yếu của Việt Nam sẽ là một nguy cơ cho dân tộc Việt Nam. Việt Nam sẽ tiến đến dân chủ trong một thế mạnh, sau ba thập niên phát triển kinh tế. Việt Nam cần thiết phải cải tổ hệ thống chính trị của mình. Hệ thống chính trị độc đảng đã lỗi thời, guồng máy khai sinh từ trong chiến tranh không còn thích ứng với hoàn cảnh Hội nhập Kinh tế Toàn cầu. Không chỉ có một Cù Huy Hà Vũ, hay Nguyễn Tiến Trung thao thức cải tổ, mà hàng vạn cựu du học sinh sau bao nhiêu năm du học tại nước ngoài, hàng trăm ngàn trí thức đào tạo trong nước, toàn dân Việt Nam cũng đã thức tỉnh trước sự lạc hậu của hệ thống chính trị Việt Nam. Những nhà chính trị Việt Nam hiện tại đang nắm giữ quyền lực chỉ còn có một lựa chọn là trở nên những bà mụ tốt bụng hiền lành, làm công việc khai sinh một nền dân chủ cho Việt Nam.
Trong lịch sử Việt Nam, từ sự kiện Lê Hoàn nhà Tiền Lê, Lý Công Uẩn nhà Lý, đến những đổi mới năm 1986, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã có những sáng kiến thay đổi tài tình, chúng ta hy vọng và đặt hy vọng vào tương lai Việt Nam vào thế hệ trẻ, chí tung thẳng trời xanh của Việt Nam”.
Thiết nghĩ, đó cũng là giải pháp phù hợp nhất hiện nay trong điều kiện của Việt Nam.
13.4.2014
H.M.
Bài tham khảo:
Tác giả gửi cho BVN

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"