(ngày 15 tháng 01 năm 1998 tại Little Saigon, Nam California)
Nhà văn Mai Thảo (Ảnh: Cao Lĩnh) |
Anh Mai Thảo,
Trước hiệp định Genève, anh với tôi mỗi người một nơi, một hoàn cảnh, chưa từng biết, chưa từng nghe nói đến nhau. Sau Genève, một cuộc di cư đã gây cơ hội cho chúng ta quen biết, rồi cùng nhau đeo đuổi những hoạt động trên một lãnh vực chung, khiến mỗi ngày mỗi gần nhau thêm.
Vậy khởi sơ một cuộc di cư đã đưa chúng ta đến với nhau, rồi hôm nay, tôi cùng những vị có mặt tại đây trong cuộc tiễn đưa anh, tất cả đều là di dân. Là những kẻ sinh một nơi sống một nơi. Trong cộng đồng di dân này, anh thuộc thế hệ những người của hai cuộc di cư. Một cuộc di cư từ Bắc vào Nam, một cuộc di cư nữa từ Đông sang Tây.
Cuộc di cư thứ nhất đầy hăm hở, hy vọng. Bây giờ hồi tưởng lại, chúng ta nhớ về những dòng chữ đầu tiên của mình trên mặt báo, những thiên truyện, bài thơ, cuốn sách đầu tiên của mình được xuất bản, những bản nhạc, câu ca, nét vẽ, những vở kịch, cuốn phim đầu tiên được hình thành. Nhớ về buổi bình minh của đời mình, cũng là bình minh của một thời kỳ.
Thời ấy qua đi đã hơn bốn mươi năm. Thời ấy xa rồi. Thế hệ của hai cuộc di cư đang suy tàn mòn mỏi trên quê người. Chúng ta - riêng trong hàng ngũ văn học - chúng ta mất dần nhiều bậc tài danh. Những học giả như các cụ Hoàng Văn Chí, Bùi Hữu Sủng, Cao Văn Luận, Lương Kim Định, Đào Đăng Vỹ; những văn nhân nghệ sĩ như Thanh Nam, Vũ Khắc Khoan, Đỗ Thúc Vịnh, Phạm Đình Chương, Duyên Anh... đã ra đi. Và nay, đến lượt anh. Anh, người đã kết tập văn hữu dựng lên một trong những tạp chí văn nghệ đầu tiên ở Miền Nam sau cuộc di cư thứ nhất. Và anh cũng là người kiên trì giữ vững sự liên tục của một tạp chí văn nghệ tại hải ngoại sau cuộc di cư thứ nhì. Anh chỉ buông bút sau khi lâm trọng bệnh.
Thế hệ của hai cuộc di cư còn lại thưa thớt, suy yếu. Hoạt động đã chuyển lần sang thế hệ của một cuộc di cư. Trên khắp các lãnh vực sách, báo, ca, nhạc, vẽ, số người của một cuộc di cư mỗi lúc mỗi xuất hiện đông thêm, đứng ra nhận lãnh trách nhiệm.
Trong vòng nửa thế kỷ qua, thế cuộc nhiều lần thay đổi, lực lượng tham chiến trên đất nước ta thay đổi; sách lược đôi bên tùy lúc đổi thay, cục diện trên chính trường và chiến trường bày ra nhiều diễn biến. Nhưng tựu trung có một điều không thay đổi, là sự phân chia của người Việt Nam ra một phía chủ trương độc tài toàn trị, cốt giành lấy quyền lợi phe đảng; và một phía khác chủ trương bảo vệ tự do, nhân quyền. Trước sau không thay đổi, chúng ta đứng về phía quyền làm người. Đến nay, đó là phía đang hứng chịu hậu quả của thất bại.
Chuyển biến lịch sử thì chậm chạp dài lâu, mà kiếp người thì ngắn ngủi. Một thế hệ đang suy tàn, một thế hệ nữa rồi có kịp trông thấy lại quê hương trong thịnh vượng tự do chăng? Dù sao, chúng ta đã đứng về phía nên chọn đứng, và đã làm những việc phải làm. Tôi không dám nói văn giới chúng ta từng có công tích gì lớn lao đối với quốc gia dân tộc. Văn chương nghệ thuật không đảo lộn được thời thế, không tiêu diệt được cái gì, cứu vãn nổi cái gì một cách ngoạn mục, thần kỳ. Văn chương nghệ thuật, nó chỉ trao cho cuộc sống một cái hồn.
Trong cuộc sống của tập thể di dân, phần trách vụ của chúng ta là biểu dương các giá trị tinh thần mà mình vẫn thiết tha. Hôm nay, những sách, báo, ca, nhạc, họa của chúng ta đang phát biểu; và mai sau những văn hóa phẩm ấy sẽ còn nhắc nhở cho ai nấy biết những lo âu, mừng vui, thấp thỏm của cộng đồng di dân đối với từng diễn biến xảy ra trong nước, những suy tưởng đóng góp của chúng ta vào sự nghiệp tranh thủ tự do trong nước. Không có những cố gắng ấy, cuộc sống của chúng ta ở ngoài lãnh thổ quốc gia chỉ còn là những múa may xuôi ngược để mưu sinh, trong mục đích tự tồn. Như thế sẽ thật là thảm hại. Xe cộ hào nhoáng không đủ, tiền bạc xủng xoảng, nhà cửa thênh thang không đủ: cuộc sống ấy vô hồn.
Anh Mai Thảo,
Là thành phần của thế hệ di dân chống độc tài đầu tiên trong nước, khi thoát ra ngoài, anh đã đem phần còn lại của đời mình đóng góp vào sự biểu dương những giá trị tinh thần của cộng đồng ta ở hải ngoại. Anh tận tụy với công việc mình, và anh đã ân cần hướng dẫn, gây dựng những tài năng thuộc thế hệ sẽ thay thế mình.
Chúng tôi biết ơn những hoạt động không ngừng một đời của anh, và cảm thấy vẫn gần gũi với anh sau khi anh ra đi. Chúng tôi tin rằng anh sẽ thảnh thơi an giấc ngàn thu, vì anh đã chu toàn đẹp đẽ một cuộc đời phong phú.
Anh Mai Thảo,
Chúng tôi vĩnh biệt anh!