Hải Lý
Một anh bạn người Hồng Kông hỏi khi nào thì tôi đi du lịch ở Trung
Quốc - ý của anh là Trung Quốc đại lục, chứ không phải Hồng Kông. Tôi
bảo anh là tôi chưa có kế hoạch nào cả, và hỏi anh tại sao lại hỏi tôi
như thế. Bạn tôi trầm ngâm bảo à, cũng chẳng có gì, nếu tôi muốn đi thì
cứ đi thôi, nhưng có vài điều tôi nên thận trọng khi ở Trung Quốc. “Vụ gì?”
- tôi cười. Anh bảo như là nếu tôi đi trên đường, gặp phải người nào té
hoặc gặp tai nạn nào đấy thì tôi cứ làm lơ đi, đừng giúp đỡ họ.
“Người già cả cũng vậy, đặc biệt là người già!” - bạn tôi nhấn mạnh.
Vốn khá quan tâm đến những vấn đề xã hội tại Trung Quốc, điều anh vừa nói không làm tôi bất ngờ.
Vào buổi sáng ngày 20-11-2006, bà lão 65 tuổi Xu Shoulan bị thương
sau cú ngã ở một trạm chờ xe buýt. Một người đàn ông tên Peng Yu đỡ bà
đứng dậy và dẫn bà đi bệnh viện theo yêu cầu của bà. Sau đó bà Xu
Shoulan thưa anh Peng Yu ra tòa, bảo rằng chính anh đã đụng bà ngã và
yêu cầu anh bồi thường thiệt hại.
Quan tòa ở Nam Kinh ra phán quyết buộc anh Peng Yu bồi thường cho bà
lão một số tiền khoảng 40 ngàn Nhân dân tệ (tương đương 6 ngàn đô-la).
Lý luận của quan tòa rất đơn giản: nếu anh không khiến người ta ngã thì
việc gì anh phải giúp người ấy. Anh chỉ giúp khi nào anh có mặc cảm tội
lỗi mà thôi.
Vụ án của anh Peng Yu trở thành đề tài lớn trong giới truyền thông
Trung Quốc, và tạo nên một ảnh hưởng xã hội chưa từng thấy từ trước đến
giờ. Với phán quyết đầy ngu xuẩn của quan tòa, người dân Trung Quốc càng
trở nên ngại ngần khi cần quyết định có hay không nên giúp một người lạ
mặt chẳng may bị tai nạn. Phải thông cảm trước khi vội vàng kết luận họ
là vô cảm. Giúp đỡ kẻ khác, những người này phải đối diện với một nguy
hiểm khôn lường: kẻ vừa được họ giúp rất có thể sẽ đưa họ ra tòa đòi bồi
thường. Với những người chật vật lo từng bữa cơm cho bản thân và gia
đình thì một khoản tiền bồi thường khổng lồ rất có thể khiến họ tán gia
bại sản, mất sạch tất cả.
Sau vụ Peng Yu, người ta bắt đầu thấy sự xuất hiện của hàng loạt các
trường hợp đòi bồi thường tương tự ở các tòa án trung ương và địa
phương. “Nạn nhân” ở đa số trường hợp này không có một chứng cứ xác đáng
nào chứng minh được họ đã bị kẻ giúp đỡ họ xô ngã hoặc gây tai nạn,
nhưng họ vẫn thắng kiện vẻ vang. Quyết định của quan tòa trong vụ Peng
Yu đã tạo thành tiền lệ.
Như trường hợp của anh Xu Yunhe.
Một ngày tháng 10-2009, bà lão Wang Xiuzhi 69 tuổi ngã trên đường,
dẫn đến vài chỗ xương bị rạn nứt. Theo lời kể của anh Xu Yunhe thì lúc
ấy anh đang lái xe, thấy bà lão bị ngã nên anh dừng xe lại và giúp bà
đứng dậy. Lời của bà Wang Xiuzhi thì hoàn toàn khác hẳn: anh Xu Yunhe đã
lái xe đụng bà và gây thương tích như thế này cho bà. Mặc dù không có
bất cứ nhân chứng hoặc vật chứng cho thấy anh đã đụng bà lão, và mặc dù
tòa án không hề đưa ra phán quyết kết luận anh đã đụng bà lão, nhưng Xu
Yunhe vẫn phải bồi thường trên 100 ngàn Nhân dân tệ (tương đương 15 ngàn
đô-la) cho bà Wang Xiuzhi.
Nỗi bất mãn của người dân Trung Quốc hiện rõ trên các mạng xã hội.
Lang thang vào các đề tài này, bạn sẽ thấy không ít những bài viết, ý
kiến đầy giận dữ, “ném đá” không ngớt vào các quyết định của tòa án.
Không ít người tuyên bố là dù có ai bảo họ máu lạnh họ cũng mặc kệ, họ
nhất quyết sẽ không giúp người lạ mặt nào đó chẳng may bị ngã hoặc gặp
tai nạn trên đường. Một số người bảo có thể thì họ vẫn giúp, nhưng trước
khi giúp họ sẽ bắt người gặp nạn nói vào điện thoại để họ thu âm: “Tôi bị ngã là do tôi, chứ không ai xô tôi hết. Và tôi hứa sẽ không đòi ân nhân của mình bồi thường!”
Hình biếm họa - Nguồn: Chinasmack
Nỗi bất mãn của người Trung Quốc về hệ thống pháp luật hiện hành chỉ
là một, nhưng theo tôi, còn có một hiện tượng đáng ngại hơn nhiều, đó là
sự ác cảm đang dần tăng đối với người già cả thông qua các vụ án này.
Rất nhiều các “nạn nhân” đòi bồi thường là người già. Các công dân mạng
của Trung Quốc thường đặt câu hỏi, “Tại sao người già bây giờ lại ác thế?”
Trong mắt của họ, bậc già cả không còn là những con người yếu ớt,
hiền lành, tìm thú vui điền viên hoặc bên cạnh con cháu trong những năm
tháng cuối cùng của cuộc đời. Trong mắt của họ, bậc già cả không còn là
những kẻ “tri thiên mệnh,” biết rõ ngày tháng của mình chẳng còn bao lâu
nữa nên phải sống làm sao để không phải hổ thẹn khi gặp tổ tiên ở thế
giới bên kia.
Trong mắt họ, những người già bây giờ là những kẻ lừa đảo, vô lương
tâm, và góp một phần không nhỏ vào sự thoái hóa đạo đức chưa từng có
trong xã hội Trung Quốc hiện nay. “Đám già này đi chết hết đi!” hay những câu nguyền rủa đại loại như thế được không ít người hưởng ứng và vỗ tay.
“Tại sao người già bây giờ lại ác thế?”. Và đây là câu trả lời: “Không
phải tuổi già làm người ta trở nên ác, mà đây là trường hợp người ác
trở nên già. Chúng có già nhưng bản chất chúng là ác thì chúng vẫn ác
thôi!” Họ nói như thế về thế hệ Hồng Vệ Binh của cuộc Cách mạng Văn
hóa thuở nào. Dù đã sang thế kỷ 21, dù đã qua trên dưới năm mươi năm,
nhưng bóng ma của thời kỳ đảo điên, đẫm máu ấy vẫn không ngớt ám ảnh
người Trung Quốc.
Hồng Vệ Binh là những ai? Là những học sinh, sinh viên, công nhân và
nông dân được Mao Trạch Đông trao quyền sinh sát những đối tượng mà họ
cho là phản động hoặc phản cách mạng. Nhiệm vụ của họ là đốt sách, phá
hoại chùa chiền và bất cứ những gì thuộc về nền văn hóa “cũ,” song song
với việc hạ nhục, tra tấn và giết chết các trí thức, tu sĩ và những
người từng là địa chủ.
Tay của Hồng Vệ Binh đẫm máu hàng ngàn hàng vạn nạn nhân, và chưa kể những người phải tự tử vì không chịu nổi cực hình của họ.
Những Hồng Vệ Binh năm nào bây giờ đã có tuổi đời chồng chất, và ngày
về với cát bụi của họ không còn xa. Dù vậy, trong mắt nhiều người trẻ
Trung Quốc hiện giờ, bản chất của Hồng Vệ Binh vẫn không thay đổi, dù họ
có già đi chăng nữa. Những người già “nạn nhân” thắng kiện trong các vụ
án kia, với người Trung Quốc, chính là các Hồng Vệ Binh cũ. Họ lý luận,
chỉ có Hồng Vệ Binh thì mới ác như thế!
Ác cảm với người già không chỉ giới hạn trong những vụ án vừa qua.
Thỉnh thoảng, có một sự việc không hay nào liên quan đến người già thì
lập tức người ta bảo: “Đấy, tàn dư của bọn Hồng Vệ Binh đấy. Đừng mong gì chúng già rồi mà nên nết!”
Tôi tự hỏi những người già ở Trung Quốc hiện giờ đang nghĩ sao. Dĩ
nhiên, không phải tất cả những người già đều từng là Hồng Vệ Binh, thậm
chí nhiều người già rất có thể đã từng là nạn nhân của cuộc Cách mạng
Văn hóa. Nhưng với định kiến hiện tại, người ta sẽ không suy nghĩ nhiều.
Gặp một người già bị ngã nằm sóng xoài trên đường, họ sẽ không giúp.
Thứ nhất, giúp đỡ rất có thể chỉ hại bản thân. Thứ hai, chắc từng là
Hồng Vệ Binh, cho chết luôn đi!
Viết đến đây tôi nghĩ đến những gì đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra ở Việt Nam.
Tôi nghĩ đến thời kỳ của hiện tượng tự tử trong đồn công an, thời kỳ
của không ít người dân bị công an đánh chết cho dù họ có tội hay không,
thời kỳ của bao nhiêu người dân bị cưỡng chế đất đến mất hết tất cả…
thời kỳ của bao an ninh, dân phòng, côn đồ mặc sức tác oai tác quái, trù
dập người dân vô tội.
Những người này, khi về già họ sẽ ra sao? Liệu người ta có nhìn họ và
kính trọng họ theo truyền thống kính trọng người già, kính trên nhường
dưới của người Việt Nam hay không? Hay là người ta nhìn họ dưới con mắt
đầy khinh bỉ và ác cảm, “đây chỉ là người ác trở nên già!”
Tôi ngờ rằng sẽ là trường hợp thứ hai, vì Việt Nam và Trung Quốc chẳng khác nhau là bao.