Bút Tre, cộng tác viên Dân Luận
Ảnh: Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo ngày 27/4) - Nguồn: Con Đường Việt Nam
Ngày 28 tháng 4, dantri.com.vn cho đăng bài viết của tác giả Lê Chân Nhân
về việc ông Chung Hong-won, thủ tướng Hàn Quốc tuyên bố từ chức vì vụ
chìm phà ngày 16 tháng 4, làm 187 người chết và 115 người mất tích.
Qua bài viết này tác giả cũng đã kết luận như một lời nhắc nhở đến các
quan chức Việt Nam về cái văn hóa từ chức mà họ vẫn tránh né, có chết
cũng không chịu rời ghế.
Bài viết cho biết trong cuộc họp báo ngày 27.4 ông Chung Hong-wong đã
cúi đầu xin lỗi, đồng thời ông tự nhận trách nhiệm về mình và xin từ
chức, ông nói: “Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn chặn vụ tai nạn này
và không xử lý thích hợp vụ việc sau đó, Tôi tin rằng, là thủ tướng,
tôi chắc chắn phải nhận trách nhiệm và từ chức”. Ngoài trường hợp
thủ tướng Chung Hong-won, bài viết còn đề cập một trường hợp khác là
thầy Kang Min-kyu, hiệu phó trường trung học Danwon, thầy là người dẫn
đầu đoàn 325 học sinh trong chuyến phà định mệnh và sau khi sự việc xảy
ra thầy đã treo cổ tự tử. Điều đáng nói là bức thư tuyệt mệnh của thầy
để lại có viết: “Sống sót một mình thật quá đau dớn trong khi 200
người vẫn đang mất tích. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự việc này.
Một lần nữa, tôi sẽ lại trở thành thầy giáo của những học sinh đã mất
tích ở thế giới bên kia”.
Sau khi kể về 2 trường hợp trên, tác giả đã kết bài viết bằng một
đoạn dù rất ngắn nhưng đủ để các nhà lãnh đạo Việt nam tự xét lại bản
thân: “Trong khi đó, ở không ít quốc gia khác đã từng xảy ra thảm
họa song các vụ việc thường được giải thích lỗi do khách quan… Có thể,
không ít người còn rất ngạc nhiên tại sao có “một tí” như vậy mà ông
Chung Hong–wo phải từ chức.” Chẳng phải đây đang nói về Việt Nam sao?
Lại nói về cái văn hóa từ chức, còn nhớ trong Kỳ họp thứ tư - Quốc
hội khóa XIII ngày 14 tháng 11 năm 2012, đại biểu Dương Trung Quốc đã
chất vấn thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về văn hóa từ chức, nhưng Thủ tướng
đã chối đây đẩy và ngụy biện rằng là trách nhiệm của đảng giao phó nên
phải hoàn thành trách nhiệm, ông khẳng định:
"Hôm nay còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng. Chịu sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, trong 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi làm, đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác. Mặt khác, tôi không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Nhà nước giao phó. Là một cán bộ đảng viên của Đảng, tôi đã nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về bản thân mình. Đảng, Bộ Chính trị, BCH Trung ương đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, về phẩm chất đạo đức, năng lực, khả năng, cả về sức khỏe, thương tật, nguyện vọng.
Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, Đảng tiếp tục phân công tôi ứng cử, làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, BCH Trung ương Đảng, Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất. Cả cuộc đời tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng, tôi sẽ không thoái thác, từ chối bất cứ nhiệm vụ nào được Đảng giao phó. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như những gì tôi đã làm suốt 51 năm qua”.
Trong khi ở nước người, lãnh đạo sẵn sàng từ chức và nhận trách nhiệm
về mình, còn ở Việt Nam các quan chức không những không nhận trách
nhiệm, không chịu học văn hóa từ chức, ngược lại còn phát huy văn hóa
đùn đẩy và thoái thác trách nhiệm. Ở Việt Nam không có chìm phà như ở
HQ, nhưng có cháy tàu cánh ngầm, có sập cầu làm người chết hàng loạt, có
người dân bị mất đất, đàn áp, có ngư dân bị bắn, cướp tàu… và gần đây
nhất là có hàng loạt trẻ sơ sinh bị tử vong do bệnh sởi, rất nhiều người
dân Việt Nam cũng đã rất đau lòng và phẫn nộ, đồng thời yêu cầu bộ
trưởng ý tế từ chức. Nhưng dường như các nhà lãnh đạo đã bị điếc nên
không nghe tiếng kêu ai oán của nhân dân, bị mù nên không thấy được
những gì mà dân đang phải gánh chịu.
Các nhà lãnh đạo không những không tự nhận trách nhiệm về mình mà từ
chức, ngược lại người dân đã yêu cầu từ chức mà họ cũng không chịu, vẫn
trơ lì để gữ cái ghế của họ. Có một điều không hề lạ là ở Việt Nam các
nhà lãnh đạo thờ ơ, không chăm lo cho dân, rồi đến khi xảy ra sự kiện gì
mới bắt đầu nhảy vào xử lý, nghĩa là họ chỉ chữa mà không phòng, mà
chữa cũng chữa không nên, hoặc chữa xong lại để đâu vào đấy. Cứ phải
cháy nhà thì mới ra mặt chuột, chẳng hạn như vụ tàu cánh ngầm, không bao
giờ rà soát và kiểm định, đến lúc một tàu cánh ngầm bị cháy mới lòi ra
hàng loạt tàu cánh ngầm khác kém chất lượng. Hay là vụ sập cầu treo ở
Lai Châu, nếu không có vụ sập cầu treo thì cũng không phát hiện ra cái
kém chất lượng của cầu , cùng hàng loạt cầu treo khác kém chất lượng và
nhiều nơi không được xây cầu nên người dân tự làm cầu để đi, nhìn những
cây cầu mà thấy mạng sống của họ thật mỏng manh, nhưng cũng không biết
khi phát hiện ra thì có khắc phục hay chỉ nói miệng.
Chỉ nói một vài dẫn chứng để qua đó thấy được hàng loạt trường hợp
khác ở Việt Nam đủ để các nhà lãnh đạo nhận thấy được trách nhiệm về
mình mà từ chức để những nhường chỗ cho những nhân tài khác có năng lực
hơn. Không thể cứ mãi vì lợi lộc mà đem mạng sống và lợi ích của nhân
dân ra đánh cược. Hoặc là thay đổi, hoặc là ra đi, người lãnh đạo là để
phục vụ nhân dân, nhưng thực tế lại ngược lại, nhân dân phục vụ lãnh
đạo. Hy vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam biết nhìn ra thế giới bên ngoài
để học hỏi, nhằm đặt lợi ích nhân dân lên làm đầu, để Việt Nam ngày càng
giàu mạnh về mọi mặt.
Bút Tre