Trà Mi-VOA
Từ trái: Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng, Nghệ sĩ Kim Chi, Nguyễn Đình Hà, blogger Tô Oanh, Lê Thanh Tùng
Một nhóm ký giả và blogger từ Việt Nam ngày 29/4 sẽ ra điều trần tại trụ sở Quốc hội Mỹ về quyền tự do thông tin trong nước.
Đây là một trong các hoạt động chính của phái đoàn các nhà vận động
bao gồm nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Thị Kim Chi, các blogger độc lập Ngô Nhật
Đăng, Nguyễn Đình Hà, Tô Oanh, và cộng tác viên của truyền thông Dòng
Chúa Cứu Thế Lê Thanh Tùng trong chuyến quốc tế vận kéo dài 1 tuần tại
Hoa Kỳ đánh dấu Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5 năm nay, đáp lời mời của
các nhà lập pháp Mỹ và các tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền.
Mục đích chuyến đi nhằm trình bày thực trạng tự do báo chí ở Việt
Nam và kêu gọi Hoa Kỳ có chính sách hỗ trợ xây dựng xã hội dân sự tại
Việt Nam.
Đây là chuyến quốc tế vận lần thứ nhì trong năm nay của giới blogger
trong nước kể từ sau chuyến vận động của một nhóm blogger nhân buổi
Kiểm điểm nhân quyền Định kỳ Phổ quát của Hà Nội tại Thụy Sĩ hồi tháng 2
với một số blogger trở về nước đã gặp không ít sách nhiễu bao gồm bị
cấm xuất cảnh và bị hành hung.
Trong chuyến đi lần này, ngoài các buổi trao đổi-hội thảo với giới
hành pháp-lập pháp Mỹ, các tổ chức nhân quyền, và các nhà cung cấp
internet danh tiếng như Google để kêu gọi thúc đẩy một nền báo chí độc
lập tại Việt Nam, phái đoàn cũng sẽ tham dự khóa huấn luyện về truyền
thông và an ninh trên mạng.
Ba thành viên trong đoàn là blogger Ngô Nhật Đăng, Nguyễn Đình Hà,
và Lê Thanh Tùng đã chia sẻ với Tạp chí Thanh Niên đài VOA hành trang họ
mang theo trong cuộc hành trình ‘ra đi đầy kỳ vọng’, ‘trở về nặng lo
âu’ này.
Nguyễn Đình Hà: Trước khi quyết định tham gia
chuyến đi này, em có cân nhắc về những gì mình được và những gì mình
mất. Nhưng nghĩ về tương lai đất nước, với trách nhiệm công dân, em
quyết định vẫn tham gia chương trình. Khi về gặp bất cứ khó khăn gì, em
sẵn sàng vui lòng đón nhận.
Trà Mi: Trong những điều sẽ trình bày trứơc quốc tế
về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam trong chuyến đi vận động lần
này, các anh đặc biệt lưu ý những điểm nào?
Lê Thanh Tùng: Vấn đề cốt lõi nhất từ chuyến đi này là muốn làm sao Việt Nam sớm có báo chí tư nhân.
Ngô Nhật Đăng: Có một tờ báo độc lập ở Việt Nam
là mơ ước của tôi từ rất lâu vì tự do ngôn luận rất quan trọng. Muốn
đất nước phát triển, các nhà lãnh đạo phải biết được tiếng nói của nhân
dân và phản ánh từ trong các tầng lớp xã hội. Tôi hy vọng nhà nước Việt
Nam nhìn ra vấn đề cấp thiết phải có một nền báo chí độc lập. Tất cả vì
mục tiêu chung là xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh theo các quy
chuẩn và giá trị phổ quát mà Hiến chương Nhân quyền Liên hiệp quốc đã
có mà Việt Nam cũng là thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp
quốc.
Nguyễn Đình Hà: Em lưu ý về mảng khác. Em tốt
nghiệp đại học luật. Em mong muốn làm sao thúc đẩy quá trình dân chủ hóa
và tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam bằng con đường luật pháp. Điển
hình nhất, Việt Nam phải hủy bỏ các điều luật vi phạm nhân quyền, vi
phạm chính Hiến pháp Việt Nam và xâm hại đến tự do căn bản nhất của công
dân, trong đó có quyền tự do thông tin, báo chí, và internet.
Trà Mi: Chuyến đi này diễn ra không bao lâu sao
cuộc Kiểm điểm nhân quyền Định kỳ Phổ quát của Việt Nam 4 năm một lần.
Tại UPR ở Geneve hồi tháng 2, Hà Nội nói tự do báo chí, tự do thông tin
không ngừng được phát huy và phát triển ở Việt Nam. Nhà nước nói có tiến
bộ. Công dân sinh hoạt trong môi trường báo chí Việt Nam có nhìn nhận
sự tiến bộ nào không?
Lê Thanh Tùng: Chưa có sự cải thiện tiến bộ nào
đáng kể. Các blogger và những người viết báo lề dân đang bị bách hại,
bị cầm tù rất nhiều vì dám lên tiếng bênh vực cho tự do, lẽ phải, và con
người.
Ngô Nhật Đăng: Bản thân tôi thấy có chút tiến
triển về phía dân báo ở Việt Nam. Các blog và trang mạng xã hội đã có
tác động ngược lại với báo chí trong luồng. Về mặt nhà nước, chưa có gì
là tạo điều kiện, thậm chí còn bóp nghẹt hơn.
Nguyễn Đình Hà: Chính quyền Việt Nam đã bao
biện, ngụy biện. Thực chất họ chỉ nói về số lượng các tòa báo, chứ không
nói về chất lượng truyền thông trong nước. Họ không nói tới tình hình
kiểm duyệt thông tin trong nước.
Trà Mi: Nhà nước nói kiểm soát thông tin giúp ổn định chính trị và an ninh quốc gia. Ý kiến các anh thế nào?
Nguyễn Đình Hà: Những cái đó lại vi phạm Hiến
pháp, vi phạm quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận của chính người dân.
Vì luồng thông tin họ định hướng như vậy là theo chủ quan của họ, không
nhất thiết phản ánh quan điểm người dân. Như vậy là vi phạm Hiến pháp
và các nguyên tắc cơ bản của báo chí là phải khách quan, trung thực, đa
chiều.
Ngô Nhật Đăng: Trong chế độ tòan trị, họ cho
rằng đầu tiên phải ổn định chính trị, sau đó phát triển kinh tế, tự do
ngôn luận hay nhân quyền sẽ đến sau. Lý thuyết này tôi cực lực phản đối.
Ví dụ thực tế các nước xung quanh chúng ta như Thái Lan, Miến Điện.
Tình hình chính trị của họ nhìn bên ngoài có vẻ như bất ổn, chính phủ
thay đổi liên tục và các cuộc biểu tình của dân chúng. Thế nhưng, ngược
lại kinh tế của họ lại phát triển rất nhanh. Tôi thấy bên ngoài những
cái gọi là ‘bất ổn chính trị’, có những khó khăn bắt đầu trong thời gian
ngắn hạn, nhưng điều đó cho thấy người dân có được quyền nhiều hơn
trong việc tham gia các chính sách của chính phủ. Nhờ vậy, các kế hoạch
lớn của chính phủ được minh bạch. Điều đó sẽ ngăn chặn được nạn tham
nhũng rất hiệu quả. Vì thế, chúng tôi mong muốn những người lãnh đạo đất
nước nhìn ra được vấn đề đó. Phải có tự do tư tưởng, tự do chính trị.
Chúng ta phải cởi mở thì kinh tế mới phát triển được.
Trà Mi: Có người cho rằng nếu không kiểm soát thông
tin có thể diễn ra những chuyện như ‘cách mạng Hoa Lài’, xảy ra những
luồng thông tin kích động, những cuộc biểu tình dẫn tới xáo trộn xã
hội-chính trị và bất an trong dân chúng.
Nguyễn Đình Hà: Mọi hoạt động chính trị và xã
hội trong nước nên được điều chỉnh bằng pháp luật. Họ nói vậy hoàn toàn
sai so với cơ chế dân chủ. Tất cả dựa trên ý nguyện của người dân. Mọi
quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân có quyền biểu đạt những ý nguyện
của mình. Họ nói vậy dựa trên ý chủ quan của họ nhằm khống chế thông tin
và duy trì quyền lực, chứ không nghĩ tới quyền lực của nhân dân và lợi
ích quốc gia. Quyền tự do tư tưởng của dân phải được tôn trọng. Người
dân phải được thể hiện ý chí của mình đối với cộng đồng và chính quyền. Ở
Việt Nam, chính quyền luôn nói đến ‘ổn định chính trị-xã hội’, nhưng
thực chất xã hội Việt Nam chỉ ổn định trên câu chữ của giới cầm quyền.
Trong thực tế cuộc sống, người dân bất ổn về thu nhập, bất ổn về các môi
trường xã hội gồm giáo dục, y tế, chẳng hạn như dịch sởi hiện nay. Tình
trạng đạo đức xã hội sút kém với nạn cướp-giết-hiếp rất nhiều.
Trà Mi: Sự kiểm soát đó ít nhiều có tạo được sự ổn
định về tâm lý hay về niềm tin rằng ở Việt Nam không sợ có chuyện biểu
tình lộn xộn như Thái Lan hay Campuchea chẳng hạn?
Lê Thanh Tùng: Suy cho cùng xã hội phát triển
nhờ vào nhận thức của người dân. Để ngừơi dân có đựơc nhận thức tốt, họ
phải có môi trường được tiếp cận với thông tin đa chiều. Việc thúc đẩy
làm sao để Việt Nam có được tự do báo chí là rất quan trọng, góp phần
phát triển xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân
với cộng đồng.
Ngô Nhật Đăng: Một trong những cái ngăn cản
Việt Nam phát triển là chế độ kiểm duyệt. Ưu tiên đối với tôi là Việt
Nam phải xóa bỏ sự kiểm duyệt.
Nguyễn Đình Hà: Chỉnh huấn lại báo chí và
truyền thông là rất quan trọng, nó tạo cơ chế để bảo vệ người dân. Phải
bãi bỏ sự kiểm duyệt phi lý không dựa trên cơ sở pháp lý nào cả.