Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Tôi có một giấc mơ: "Việt Nam quật khởi hòa bình"

Thành Nguyễn

Quan sát từ những sự kiện tiêu cực

Gần đây có xảy ra rất nhiều hiện tượng tiêu cực do một số thành phần xấu người Việt gây ra ở Nhật xin kể ra đây một số trường hợp điển hình
Cùng với những sự kiện này là một loạt các biển cảnh báo ăn cắp ăn trộm bằng tiếng Việt xuất hiện ở nhiều nước được mọi người chia sẻ qua mạng. Điều này làm cho rất nhiều người trong nước cũng như ngoài nước cảm thấy xấu hổ. Tôi được thấy trong những comment trên các trang báo mạng, cũng như trên group cộng đồng Việt Nhật do mình làm Admin có những câu than phiền thế này “Bách nhục”, “Nhục toàn tập”, “Không còn gì để nói”, “Giờ khi có người hỏi đến từ đâu không biết phải trả lời thế nào”. Đó mới chỉ là những điều dễ nghe nhất, còn nhiều từ ngữ khác nặng nề hơn và cả lời lẽ tục tữu xin không trích dẫn ra ở đây. Liền theo đó một loạt các bài share về “kinh nghiệm xấu hổ vì là người Việt Nam” về những điều đích thân các bạn đã chứng kiến người Việt đã làm trên đất Nhật. Bức tranh toàn cảnh nói chung là rất ảm đạm, mọi người cùng thấy bi quan, tuy nhiên tôi muốn các bạn thử nhìn vào một bức tranh khác,

Thái cực đồ

Hình minh họa cho bài viết này được được gọi là thái cực đồ (hình đồ họa về thái cực), đã được cách điệu hóa đi với hình ảnh hai con cá trắng và đen quấn lấy nhau. Về thái cực đồ có lẽ cũng nhiều người biết nhưng tôi vẫn xin giải thích lại
Thái cực là nguyên lý vận động vừa thống nhất vừa đối lập tồn tại song song với nhau của hai yếu tố gọi là Âm và Dương, thái cực đồ là sự mô tả trực quan hóa sự vận động trong thống nhất và đối lập này, Âm Dương chính là cơ cấu của sự biến hóa không ngừng: Chúng nương tựa lẫn nhau mà hình thành phát triển, hai mặt Âm và Dương luôn luôn trong chu trình tuần hoàn ảnh hưởng tác động qua lại, vừa thúc đẩy vừa ức chế kiềm hãm lẫn nhau.
Thái cực đồ mô tả những nguyên lý căn bản nhất của vũ trụ nên mọi sự vật hiện tượng trong đời sống tự nhiên và xã hội đều chịu sự chi phối của nó, tuân theo những quy luật của nó. Và trong số những quy luật ấy có cả quy luật nhận thức của con người nữa. Đối với quy luật mà nói, khi nào ta nắm bắt được nó, dùng nó làm cộng cụ để quan sát và điều chỉnh hành vi của mình thì chúng ta có nhận thức đắn và hành động đúng dẫn tới thành công, ngược lại thì dẫn tới nhận thức sai lầm và dẫn tới những hành động không mang lại hiểu quả gì để thay đổi cải thiện cuộc sống mà thậm chí còn gây ra thất bại kéo lùi chất lượng cuộc sống của chúng ta xuống.
Sử dụng mô hình thái cực đồ làm cơ sở cho thế giới quan của mình chính là tiền đề cho sự nhận thức và đánh giá đúng đắn những gì đang diễn ra và có hành động phù hợp tương xứng với nó. Chúng ta cần lồng ghép bức tranh này vào các bức tranh khác mà chúng ta quan sát được, sẽ có thấy được nhiều điều sáng tỏ trong nhận thức và trong quan niệm của mình.
Hình ảnh trừu tương Âm cõng Dương, Dương cõng Âm đó được vẽ như hình hai con cá trắng đen quấn lấy nhau, cá trắng mắt đen và cá đen mắt trắng biểu thị là trong âm có dương và trong dương có âm.
Trong đời sống cá nhân và xã hội thì nguyên lý này biểu hiện ra qua những kinh nghiệm đã được đúc kết như “trong cái phúc luôn có cái họa, trong họa luôn tiềm ẩn cái phúc”. Trong cứ một hoàn cảnh tiêu cực nào, tình huống tiêu cực nào cũng có những yếu tố tích cực và ngược lại.
Và bản thân tôi sử dụng thái cực đồ làm nền tảng cho thế giới quan của mình nên khi nhìn sự việc bao giờ tôi cố gắng tìm cách ra yếu tố tích cực trong bối cảnh đầy rẫy tiêu cực đó để làm sao sử dụng tình huống và hoàn cảnh theo hướng có lợi nhất.

'Facts' và 'Issues'

Qua tiếp xúc với những người phương Tây mà mình biết, quan sát họ một thời gian tôi nhận thấy rằng trong văn hóa phương Tây để lại dấu ấn trong tư duy và cách làm của họ một sự phân biệt rất rõ hai khái niệm 'Issue' (vấn đề, sự cố) và 'Fact' (Sự kiện thực tế). Cái gì là Fact thì người ta sẽ chấp nhận nó rồi tìm cách hành động sao cho có lợi nhất từ nó còn cái gì là Issue thì người ta sẽ tìm cách khắc phục để sửa nó.
Ví dụ nhà bạn có cái Tivi bị hỏng thì nó là một Issue, việc bạn cần làm là sửa cho nó trở lại trạng thái bình thường. Còn trong một trận chiến mà bị thiệt hại 2 tiểu đoàn thì việc đó gọi là Fact, những người đã chết không thể nào mà sống lại được, nó không thể sửa chữa được điều đó vì nó là quá khứ rồi nên nó là Fact, chúng ta chỉ có thể chấp nhận nó mà thôi, điều vị tư lệnh sư đoàn cần làm là đưa ra phương án hành động tiếp theo sao cho có lợi nhất cho quân đội.
Nói ví dụ thì dễ hiểu như vậy nhưng trong thực tế thì chúng ta lại không phân biệt được đâu là Fact và đâu là Issue. Nhất là người Việt Nam duy cảm lại hay bám giữ vào quá khứ, nhiều khi cứ cố gắng làm những cái mà không thể thay đổi được nữa rồi, thi trượt đại học rồi không chấp nhận sự thật khó nuốt đó là Fact, vẫn viện dẫn vào những lý do giá mà…để dằn vặt mình về việc đã xảy ra… Trong khi họ không biết rằng chính cái lối tư duy đó chứa đựng những Issue cực lớn mà họ cần phải thay đổi và có thể thay đổi để cải thiện cuộc sống và hoàn cảnh của mình.
Những người có suy nghĩ đó là vì tư duy của họ luôn đóng khung vào cái có sẵn và không hướng về phía trước,biểu hiện cao của nó là cái tính “dây dưa, lèm bèm” không dứt khoát và không có gì đổi mới cả.
Quay lại vấn đề “sự tiêu cực của người Việt” thì quan điểm của tôi là những việc xấu đó bản thân tôi không làm mà do người khác làm và việc như vậy cũng đã xảy ra rồi nên nó xếp vào loại Fact chúng ta cần chấp nhận chứ nó không phải là loại Issue, việc chúng ta nhận thức và có ý kiến đánh giá về nó là đúng, cần chia sẻ sự kiện đó để mọi người cùng biết cũng là đúng, nhưng nếu chỉ thở vắn than dài thì tức là vẫn còn có tâm lý quay về quá khứ “giá mà nó không xảy ra thì tốt biết bao”. Nhưng nó là Fact chứ không phải Issue nên đối với tôi thì điều tôi mà cần quan tâm bây giờ là xem cái sự kiện đó, cái Fact đó nó tác động ra sao đến cuộc sống của mình và của người Việt nói chung một cách tích cực. Tức là chúng ta phải tạo ra điều lợi từ một điều bất lợi mà hoàn cảnh mang lại cho mình. Phải đi tìm cái mắt trắng trong con cá đen và mắt đen trong con cá trắng. Và hiển nhiên là cái mắt mà tôi muốn tìm đó nó luôn luôn tồn tại, chắc chắn phải tồn tại vì đơn giản nó là quy luật tuyệt đối của vũ trụ rồi.
Ở phần trên tôi có nhắc đến cảm giác nhục nhã mà một số bạn đã chia sẻ. Đọc đến đoạn này các bạn có thử nghĩ xem là “Liệu có thể khai thác được điều gì đó có lợi từ sự nhục nhã không nhỉ?”. Đó chính là câu hỏi mà tôi đã đi tìm và có được cho mình câu câu trả lời trong những bài học lịch sử.

Hai bài học lịch sử

Bài học đầu tiên tôi xin kể đó chính là một sự kiện xảy ra ở nước Nhật cách đây hơn 160 năm, vào thời mà nước Nhật còn hoàn toàn là một nước nông nghiệp lạc hậu nằm dưới chính sách tỏa quốc (Sakoku) của Mạc Phủ Tokugawa, nước Nhật lúc đó cũng không khác nhiều lắm so với Việt Nam về điều kiện hoàn cảnh xã hội. Năm 1853 Phó đề đốc Matthew Perry của Hải quân Hoa Kỳ cùng với 4 chiến hạm tiến vào vịnh Edo-(tên cũ của Tokyo) phô diễn sức mạnh của các pháo hạm bắn nát các pháo đài ven bờ biển của Nhật làm cho người Nhật cảm thấy vừa nhục nhã vừa khiếp sợ trước sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ, nhưng chính sự nhục nhã và khiếp sợ đó lại châm ngòi cho một cuộc đổi thay có một không hai trong lịch sử của mình. Thay vì chịu thúc thủ, ngồi bó gối một xó tự huyễn hoặc về mình như triều đình Tự Đức ở Việt Nam thì người Nhật lúc đó đã vượt qua được nỗi sợ và sự nhục nhã của chính mình, khát vọng tự đổi mới, thay đổi số phận dân tộc đã làm cho họ học tập phương Tây để làm cuộc canh tân đất nước. Và sự nghiệp đó đã thành công rực rỡ dưới cái tên “Cách mạng duy tân Minh Trị”, nên có thể nói rằng một cách gián tiếp, chính sự hổ thẹn mang tính dân tộc, sự khiếp sợ đã làm đẻ ra nước Nhật hiện đại ở vị thế cường quốc như hiện nay.
Vậy thì sự nhục nhã không có gì đáng sợ, cái đáng sợ là cách chúng ta tiếp nhận nó một cách tiêu cực. Vấn đề nằm ở cách chúng ta suy nghĩ và tư duy thế nào. Tôi có thể khẳng định rằng trong bất cứ hoàn cảnh tiêu cực tăm tối nào đều có ánh sáng để dẫn chúng ta tới một tương lai huy hoàng hơn.
Ví dụ thứ 2 đó là bài học từ nước Mỹ. Vào năm 1777 quân đội 13 bang thuộc địa của Mỹ do Washington lãnh đạo bị quân đội Anh truy đuổi lòng vòng từ Boston tới New York, đội quân của ông chỉ teo lại còn vài trăm người. Thất bại to lớn đã cận kề, quốc hội của quân khởi nghĩa (Mỹ) phải bỏ chạy từ Philadenphia tới Baltimore. Trong tình huống như vậy thông thường các lãnh đạo sẽ tìm cách chờ đợi qua mùa đông thu thập thêm lực lượng hy vọng sự thay đổi nhưng Washington có cái nhìn khác hẳn, theo nhận thức của ông thì quân Anh sẽ xem quân đội của ông là yếu ớt không thể tạo ra guy cơ cho họ và người Anh đã không hề phòng bị Washington. Nhờ nhỏ gọn nên quân đội của Washington đã di chuyển gọn nhẹ bí mật mà kẻ thù không hề biết rồi tung ra cuộc tấn công bất ngờ vào doanh trại ở Trenton, sau đó là một cuộc tấn công khác vào đường tiếp vận của quân Anh ở Princeton. Những cuộc tấn công thu được tiếng vang lớn và khôi phục niềm tin của dân chúng Mỹ và niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Washington, tạo ra cục diện lật ngược tình thế trên chiến trường, tiến tới thu được sự độc lập hoàn toàn cho nước Mỹ.
Nếu không có tư duy khác người của Washington chắc nước Mỹ siêu cường ngày nay đã có một tương lai khác đi rất nhiều. Và chính suy nghĩ khác người đó làm nên tầm vóc của Washington, làm nên lịch sử của một cường quốc.
Chúng ta đừng vì bất cứ điều gì mà hạ thấp đi tiềm năng của mình, suy nghĩ như thế nào là rất quan trọng, nó có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của chính chúng ta và vận mệnh của chính dân tộc mình (nếu trong số các bạn đọc bài này có ai đó là Washington của Việt Nam thì điều này có thể lắm chứ). Thế nên điều cần nhất cho mỗi chúng ta bây giờ là chọn cách nghĩ thế nào khi chúng ta đối diện với những sự kiện như đã nói ở trên?
Tôi có thể có thể kể ra vài lợi điểm ở đây. Những sự kiện trên rõ ràng là thu hút được sự quan tâm của đa số mọi người. Bất cứ sự quan tâm rộng rãi nào đến một sự kiện nào đó cũng tạo ra một hoạt động chung, thái độ chung của cộng đồng, làm người ta có nhu cầu kết nối với nhau, và chúng ta đang cùng nhau chia sẻ cảm nhận của mình về sự kiện chung đó, vấn đề là phải biết lái sự kiện này sang hướng thức tỉnh tư duy, thức tỉnh nhận thức. Biểu hiện đầu tiên của sự thức tỉnh chính là thay đổi cách nhìn vấn đề như tôi đã đề cập ở trên. Vì thay đổi cách nhìn chúng ta sẽ thấy đây chính là cơ hội, chính là thời điểm và cơ hội để chúng ta đổi mới bản thân mình. Đổi mới này có thể tiếp cận từ hai phương diện là nhận thức và hành động.
Về nhận thức các bạn có thể tìm kiếm các bài học lịch sử cũng như trong cuộc sống hàng ngày những ví dụ sống động nhất về việc không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, mỗi lần như thế các bạn sẽ tìm ra được con đường cụ thể cho mình để đi tới một hoàn cảnh tốt đẹp hơn.
Về hành động thì thay vì xấu hổ là người Việt Nam, né tránh người Nhật thì hãy dũng cảm vượt qua sự mặc cảm và tự ti, mà hãy tự hào rằng mình là người Việt Nam,các bạn hãy mạnh dạn nghĩ rằng “Việt Nam không chỉ có người xấu mà có những người tốt như tôi đây (tôi ở đây chính là các bạn đang đọc những dòng này), tôi sẵn sàng chứng minh để khẳng định điều đó, khẳng định rằng người Việt Nam xứng đáng được tôn trọng như một công dân quốc tế”!
Để làm được điều đó thì các bạn phải biết phát huy những gì được gọi là điểm mạnh của người Việt Nam mình.

Đặc tính cơ bản của người Việt

Trước đây tôi có một ông thày giáo dạy tiếng Anh người New Zealand, có lần ông ấy có hỏi tôi là “Mày có biết đặc điểm nổi trội nhất của người Việt Nam đó là gì không?”. Lúc đó tôi cũng có liệt kê ra cả mấy đức tính tích cực và tiêu cực, nhưng ông ấy nói “Sai hết, tao là người nước ngoài có khi tao còn nhìn rõ hơn chúng mày”. Ông ấy nói người Việt Nam đặc tính nổi trội nhất là Industrious. Từ này là từ phái sinh từ từ industry nghĩa là công nghiệp nhưng khi nó ở dạng tính từ nó lại mang nghĩa của một phẩm chất, tính cách của con người. Dịch ra thì khó tìm được từ thực sự chuẩn xác với nghĩa tương đương trong tiếng Việt, nhưng tôi sẽ kể lại cho các bạn ví dụ mà ông thày mình lấy ra để minh họa tại sao tính cách nổi bật nhất của người Việt Nam lại industrious. Ông kể cho tôi hai ví dụ:
Thứ nhất là ông kể về một lần đi du lịch bằng xe ô tô với gia đình người bạn Việt của ông ở New Zealand gặp một chợ bán đồ, vì ở New Zealand họ hay có những hội chợ, khu chợ ngoài trời bán đồ rẻ, khách đi qua có thể mua được nhiều món hời. Lần đó ông và bạn mua được bộ Salon rất to, thường người New Zealand mua đồ cồng kềnh như vậy mà chở về nhà xa thì họ sẽ mua thêm một cái xe rơ móoc đi kèm để chở đồ, nên ông đề xuất mua cái xe đó, nhưng anh bạn Viêt Nam kia cười lắc đầu xua tay bảo không cần, ông rất ngạc nhiên xem anh ta làm thế nào, về sau mới biết cách anh ấy làm là cho bộ Salon lên nóc xe rồi buộc lại. Với người Việt chúng ta thì điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì hàng ngày chúng ta nhìn thấy người ta chở đồ, chở hàng chẳng khác gì siêu nhân ở khắp mọi ngóc ngách nẻo đường Việt Nam, nhưng trong mắt người nước ngoài thì rất lạ lẫm.
Ví dụ thứ hai ông nói tiếp theo là “vì lần đó mà sau này tao mới hiểu là tại sao Việt Nam lại thắng ở Điện Biên Phủ”. Ông giải thích rằng “Theo cách người Pháp tư duy (đặc điểm chung của những người phương Tây như ông) thì họ sẽ không thể nào tính đến khả năng người Việt Nam lại tháo từng khẩu pháo ra rồi dùng xe thồ để chở lên núi rồi bất ngờ nã xuống đầu quân Pháp, chắc chắn các tư lệnh Pháp cũng ngạc nhiên khi thấy Việt Minh có pháo ở trên đầu họ như ông thấy bộ salon trên nóc xe vậy.”
Sau này tôi cũng có sự quan sát riêng của mình và cảm thấy mình đa phần đồng tình với ý kiến này của ông. Về đặc tính Industrious này mà nói thì nó có cả khía cạnh tiêu cực lẫn tích cực. Khái quát từ ví dụ đó có thể nói Industrious là khả năng “Giỏi xoay sở, không khuất phục trước hoàn cảnh, có cá tính quật khởi”. Ở đây việc giỏi xoay sở không khuất phục trước hoàn cảnh, có cá tính quật khởi không đồng nghĩa với một lời khen. Bản thân việc đó có thể là tốt hoặc xấu tùy theo mục đích mà đối tượng mà tính cách đó hướng đến là gì. Một tên cướp có thể quật cường để trốn thoát khỏi vòng vây của cảnh sát, nhưng đó là hiện tương tiêu cực, một hiệp sĩ quật cường dám ra tay đuổi đánh kẻ cướp hung hẵn như các hiệp sĩ ở Sài gòn đó là hiện tượng tích cực.
Cái này thì có thể nói là có sẵn trong máu của người Việt Nam rồi, có thể đã được mã hóa vào trong gene cũng nên. Bởi vì chúng ta là một dân tộc nhỏ bé nhưng lại sống ngay cạnh ông láng giềng to lớn nhiều lần tràn qua đất nước ta như những cơn gió mùa đông bắc nên từ cả ngàn năm trước cha ông ta đã nuôi dưỡng bản tính quật khởi, vì quật khởi nên mới giữ được bản sắc văn hóa sau nghìn năm bắc thuộc, rồi giành được độc lập. Sự quật cường lên đến cao trào khi người Việt đánh bại được hai cường quốc hàng đầu trên thế giới là Pháp và Mỹ, điều chưa từng có quốc gia nhỏ bé nào làm được trong lịch sử.
Ở khía cạnh tích cực thì quật khởi là một phẩm chất cực kỳ quý báu. Tuy nhiên đúng như quy luật phổ quát của vũ trụ, trong cái quý báu ấy lại chứa đựng những nhân tố vô cùng nguy hiểm. Điều đó dẫn đến một đặc điểm khác là tính cách của người Việt Nam nói chung là rất kiên cường bất khuất nhưng chúng ta thường chỉ kiên cường bất khuất trong những hoàn cảnh cụ thể. Khi dân tộc ta quật khởi đúng lúc, đúng thời điểm chúng ta đánh bại kẻ thù, giành lấy sự vẻ vang cho dân tộc. Nhưng ngoài hoàn cảnh ấy ra do cái hạt nhân nguy hiểm, cái mắt đen của con cá trắng lại làm cho cái phẩm tính đó đi theo chiều hướng tiêu cực, mang bản chất phá hoại.
Quật cường luôn đi kèm với tâm thế không chịu thua kém bất cứ ai, khi chúng ta không chịu thua kém kẻ thù chúng ta tìm ra cách đánh bại kẻ thù dù đó có thể là kẻ thù hùng mạnh hơn mình rất nhiều lần. Song cái giá phải trả cho sự tích lũy tố chất đó trong tính cách dân tộc đó là đồng thời chúng ta nuôi dưỡng trong mình bản tính thích tranh đấu, đề phòng người khác. Không chỉ tranh đấu với kẻ địch từ bên ngoài, chúng ta còn tranh đấu với chính những người đồng bào của mình, trong nội bộ dân tộc mình. Bởi thích tranh đấu với nhau nên khi chúng ta không chịu thua kém người khác về mặt thể diện, chúng ta đi tranh cãi, xúc phạm lẫn nhau, chúng ta không biết cách chung sống hòa bình và thân thiện, biết hợp tác để đổi mới và phát triển. Vì không chịu thua kém người khác trong việc nhanh chậm mà chúng ta sẵn sàng phi xe lên vỉa hè để đi nhanh hơn được vài giây, vì không chịu thua kém người khác trong vị trí đầu tiên mà chúng ta chen lấn xô đẩy không xếp hàng. Bao nhiêu hệ lụy nguy hiểm từ đó mà ra chỉ vì cái tính quật cường không được hướng dẫn để bộc lộ đúng chỗ.

Nền tảng văn minh

Quật cường mà đoàn kết thì tốt nhưng quật cường chỉ để bảo vệ cái tôi, cái cá nhân của mình bất chấp người khác thì lại là điều nguy hại. Vậy thì làm thế nào để tính cách quật cường, quật khởi đó vốn là phẩm chất tốt đẹp mang bản sắc và giá trị Việt có thể phát huy đúng chỗ đúng lúc tạo nên sức mạnh cho dân tộc và cho từng cá nhân?
Đó là sự quật khởi ấy phải được dẫn đường bằng lý trí và tri thức. Hơn một trăm năm trước khi giặc Pháp vào xâm lược nước ta lý do chúng ta thất bại bởi nguyên nhân trực tiếp đó là lực lượng vũ trang của hai bên đẳng cấp khác nhau, đó một cuộc chiến không cân sức giữa một bên trong tay chủ yếu là vũ khí lạnh với gươm giáo, gậy gộc với một bên được trang các loại hỏa khí súng ống đại bác.
Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn đó là hệ quả tất yếu của cuộc chiến giữa hai nền văn minh khác nhau, một bên là nền văn minh nông nghiệp, một bên là nền văn minh công nghiệp. Đó là sự khác biệt về nền tảng xã hội. Sự chênh lệch, khác biệt về đẳng cấp giữa hai nền tảng đó là nguyên nhân cho số phận bi thảm của dân tộc ta phải nằm dưới ách thuộc địa suốt hơn 80 năm. Sau này cuộc cách mạng tháng 8 dùng bạo lực cách mạng để chọi với kẻ địch bên ngoài giúp người Việt phát huy đươc cực đại phẩm chất quật khởi của dân tộc và giúp tên tuổi Việt Nam được biết đến trên trường quốc tế với vị thế là nước chiến thắng hai cường quốc hàng đầu trong cuộc chiến giành độc lập nhưng lại không giúp chúng ta chiến thắng được trên con đường tiến tới xã hội văn minh giàu mạng bởi vì đó là sự quật khởi gắn liền với bạo lực, không phải là sự quật khởi gắn liền với văn minh tri thức. Giành được độc lập nhưng xã hội vẫn còn thiếu một nền tảng có khả năng khai phóng tư tưởng con người theo tinh thần duy lý nên mục tiêu văn minh, cường thịnh vẫn còn rất xa vời.
Trong số những người đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc đầu thế kỷ 20 có Phan Châu Trinh, ông nhận ra sự khác biệt chính yếu nhất của Việt Nam và kẻ thù thực dân Pháp của mình đó là xã hội của chúng ta được xây dựng trên nền tảng văn minh thấp hơn và khác hoàn toàn so với nền văn minh phương Tây. Người Nhật sở dĩ họ tự cường được vì họ xã hội của họ được xây dựng trên nền tảng giống như các nước phương Tây. Con đường của Phan Châu Chinh đi chính là tìm cách nâng tầm dân tộc, nâng nền tảng xã hội Việt Nam lên, hòa nhập với nền văn minh phương Tây thông qua việc “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Ông cũng là người đầu tiên đề ra hiện tượng “Dịch chủ tái nô” tức là tuy người chủ thay đổi nhưng dân vẫn làm nô lệ.
Phải chăng điều đó ngày nay vẫn còn đúng? Khi mà những ông chủ người thực sự nắm quyền điều hành của đất nước được này dù đã được thay thế từ người Pháp, người Mỹ bằng những ông chủ thuần Việt nhưng đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu. Một hiện thực ai ai cũng nhìn thấy đó là nông dân mất đất kêu oan khắp nơi, lương công nhân vài trăm năm không mua nổi ngôi nhà, tham nhũng ăn sâu và gặm nhấm vào mọi ngóc ngách trong bộ máy công quyền, xã hội vẫn đầy rẫy tệ nạn, đọc báo nào cũng thấy tin cướp hiếp giết là nhiều nhất, thậm chí giờ còn ra ngoài thế giới trộm cắp. Những điều đó được tổng kết qua những thành ngữ dân gian hiện đại như “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ,ba tiền tệ, ba trí tuệ, còn lại thì mặc kệ”. Một xã hội như vậy không thể nào là một xã hội được xây dựng trên nền tảng văn minh dù những người đứng đầu xã hội ấy đang rao rảng những lý thuyết có vẻ nhân văn và rất cao cả.

Hãy trở thành một phần của giải pháp, đừng trở thành một phần của vấn đề

Chủ trương của Phan Châu Trinh vẫn còn mang tính thời sự cho đến ngày nay. Cái chúng ta thiếu nhất chính là sự văn minh trong tâm thức của con người. Nhưng chúng ta có được sự văn minh bằng cách nào? Từ kinh nghiệm của cá nhân mình tôi xin chia sẻ cùng với các bạn rằng giải pháp mà tôi nghĩ đó là chúng ta phải tự tạo ra điều đó trong chính mỗi lời nói, mỗi việc làm và hành động của mình. Tôi nhiều lần nhắc đi nhắc lại một câu nói của Mahatma Gandhi với mọi người mà tôi gặp, tiếp xúc dù ở bên ngoài đời hay trong thế giới ảo Internet đó là đó là “Be the change what you want to see in the world”. Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn thấy trên thế giới này. Nếu bạn muốn sống trong một thế giới văn minh hay cư xử thật văn minh, nếu bạn muốn sống trong một xã hội lạc hậu hãy cư xử theo cách lạc hậu. Nếu muốn được người khác tôn trọng hay tôn trọng người khác trước, nếu muốn người khác đối xử thô lỗ với mình thì hay tỏ ra thô lỗ với họ. Nếu muốn nhận được điều hay, điều bổ ích từ cộng đồng hãy học cách chia sẻ. Có hai thái cực để bạn lựa chọn. Khi chúng ta đang sống trong một xã hội có nhiều vấn đề cần giải quyết như hiện nay và không có một cá nhân hay tổ chức nào có thể một mình giải quyết được nó, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều người như thế này thì điều chúng ta có thể đó là “Be a part of solution, not be a part of problem”. Hãy là một phần của giải pháp chứ đừng là một phần của vấn đề.

Quật khởi hòa bình

Gandhi được biết đến với triết lý nổi là bất bạo động (Ahimsa) đó là sự đấu tranh nhưng loại trừ bạo lực, đó cũng là một hình thức của sự quật khởi nhưng là sự quật khởi hòa bình và văn minh vừa là mục đích lại vừa là phương tiện của sự quật khởi ấy. Để đi đến nền văn minh nào chúng ta cũng cần đến sự quật khởi nhưng phải là sự quật khởi một cách hòa bình. Người Việt Nam chúng ta đã có sẵn một phẩm chất quý báu là đức tính quật khởi rồi, bây giờ chỉ cần điều chỉnh nó một cách đúng đắn, hướng dẫn nó bằng tri thức thì đất nước chúng ta nhất định sẽ có một ngày trỗi dậy hòa bình, người ta biết đến sự vẻ vang của chúng ta không phải từ những cuộc chiến với bom đạn mà là từ những thắng lợi vượt lên trên hoàn cảnh đói nghèo và lạc hậu.
Cách đây hơn 40 năm khi mà xã hội Mỹ nạn phân biệt chủng tộc còn rất gay gắt, mục sư Martin Luther King thủ lĩnh của phong trào nhân quyền cho người Mỹ gốc Phi, đã phát biểu trong một bài diễn văn rất nổi tiếng “I have a dream” có những đoạn như sau:
“Tôi có môt giấc mơ, rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại với nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ.
Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày vùng đất hoang mạc Mississipi, bức bối vì hơi nóng của áp bức và bất công, sẽ chuyển mình trở nên ốc đảo của tự do và công bằng.
Tôi có một giấc mơ, rồi một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bởi màu da, mà bởi vì tính cách của chúng”.
Có một sự thật tuyệt vời là ngày hôm nay giấc mơ của ông đã thành hiện thực khi một người Mỹ da đen đang làm tổng thống của nước Mỹ.
Tôi cũng có một giấc mơ. Hiện tại tôi có một nhóc tì hơn 2 tuổi một chút, tên bé là Khởi Minh, ý nghĩa của cái tên này chính là chủ đề của bài viết này “Sự quật khởi hòa bình bằng ánh sáng tri thức văn minh”. Con cái vốn là niềm hy vọng về tương lai của cha mẹ. Cũng như Martin Luther Kinh đã mơ về một tương lai tươi sáng cho các con mình, tôi cũng gửi gắm niềm tin đó vào tên con cũng là gửi gắm giấc mơ của mình vào thế hệ tương lai của đất nước. Hy vọng rằng hơn vài chục năm nữa khi con tôi lớn lên nó sẽ được sống trong hiện thực của giấc mơ mà tôi đã mơ ngày hôm nay như những người Mỹ gốc Phi đang được sống trong hiện thực của giấc mơ Martin Luther King đã mơ hơn 40 năm trước. Đó là một giấc mơ có thể hiện thực hóa được bằng một cuộc đấu tranh hòa bình . Không biết trong số các bạn đọc bài này có ai cùng chia sẻ giấc mơ này với tôi hay không?
_________________
Biên tập: Admin [Hitomebore]
Hình ảnh: Admin [NoM]
Copyright © 2013 Wegreen Vietnam. All Rights Reserved.
- Tác giả gửi trực tiếp cho Wegreen -

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"