Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Bị bỏ quên ở Việt Nam – Thương phế binh nhận được sự giúp đỡ từ người Việt hải ngoại

Kevin Knodell
Ngọc Thu dịch


Ba mươi chín năm trước, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn, thủ đô Nam Việt Nam, kết thúc cuộc chiến kéo dài 15 năm.
Ngày nay ở Việt Nam, ngày 30 tháng 4 được gọi là "Ngày Thống Nhất" khi Việt Nam trở thành một khối. Nhưng người Việt ở Mỹ gọi là "Tháng Tư Đen" — Đó là ngày mà những Việt này mất nước. Đó là ngày mà hàng ngàn gia đình tan nát.
Nhiều người Việt đã không thể trốn thoát. Chế độ mới đã đưa hàng ngàn người đàn ông từng phục vụ trong lực lượng vũ trang miền Nam, đặc biệt là các sĩ quan, hạ sĩ quan, vào các trại "cải tạo”, nơi họ trải qua sự đối xử tàn bạo và lao động khổ sai.
Một số người lính mới nhập ngũ có thể thoát khỏi số phận đó, nhưng tay sai của chính quyền cộng sản mới thường xuyên quấy rối và sỉ nhục họ.
Điều này đặc biệt khắc nghiệt đối với những miền Nam, họ đã chịu đựng những vết thương làm cho họ yếu sức khi chiến đấu chống lại những người cộng sản, lại phải chịu đau đớn vì bị phỏng và cụt mất chân tay. Với họ, gần như không thể nào tìm kiếm được việc làm. Không có hệ thống trợ giúp của chính phủ để giúp đỡ họ, họ cũng không có nhiều cách để tự giúp đỡ bản thân.
Nhưng nhiều người trong số những người Việt đã có cuộc sống an toàn ở Mỹ, không bao giờ quên những người đã bị quên lãng ở Việt Nam.

GIÚP TỪ XA

Một số cựu chiến binh miền Nam đến Mỹ đã thành lập các nhóm cựu chiến binh và các tổ chức huynh đệ để giúp đỡ lẫn nhau và giúp gia đình họ.
Một số hiệp hội bao gồm kiểm lâm quân đội Việt, lính dù, thủy quân lục chiến và cảnh sát mọc lên khắp nước Mỹ, ở các trung tâm có đông dân gốc Việt như Little Saigon ở quận Cam, bang California.
Năm 1996, một nhóm người tị nạn là những người lính có ảnh hưởng, ở khu vực Seattle đã thành lập hội để giúp đỡ các đồng đội bị thương đã bị quên lãng. Kêu gọi các mối liên hệ ở Việt Nam, các thành viên gia đình và các đồng đội cũ vẫn còn ở trong nước, hội đã lên kế hoạch gửi tiền cho các thương phế binh. Nhóm đã gây quỹ được hàng ngàn đô la.
Nhưng trong năm 2007, Heidi Đặng Bùi, con gái của một sĩ quan quân đội có uy tín ở miền Nam, đã qua Mỹ cùng với gia đình, bắt đầu đặt câu hỏi. Cô nói thiếu nền tảng căn bản và vấn đề kế toán không đủ để biết số tiền kia đi đâu, ai là người trao tiền và bao nhiêu tiền thật sự tới tay các cựu chiến binh ở Việt Nam.
"Khi tôi hỏi, họ không có câu trả lời", Bùi nói với trang web ‘War is Boring’ - Chiến tranh chán quá.
Hậu quả dẫn đến việc tổ chức này giải thể và số gửi tiền còn lại gửi cho một nhóm tương tự, do các cựu chiến binh Việt Nam ở California điều hành.
Sau đó, Bùi thành lập một tổ chức mới hồi năm 2012, sử dụng các mối quan hệ riêng của gia đình với các cựu chiến binh quân đội miền Nam. Hiện cô đang giữ chức Chủ tịch Gia đình Thương phế binh VNCH ở bang Washington.
Thư ký của nhóm, anh Hồng Phúc Nguyễn nói về tầm quan trọng lớn trong việc theo dõi tiền bạc đi đâu và cho ai.
Nguyễn không phải là một cựu chiến binh, cũng không phải là thành viên của một gia đình quân nhân như Bùi. Nhưng anh nói rằng anh để tâm đến mục tiêu của tổ chức và không để chuyện cá nhân điều khiển. "Tôi có thể là một trong số những người đó". Anh giải thích.
Nguyễn học xong chương trình trung học khi chiến tranh Việt Nam tới hồi cao điểm, anh đã nộp đơn xin vào học tại học viện quân sự ở miền Nam. Cha của anh tìm thấy đơn xin nhập học và cấm anh đi học. "Cha nói với tôi đó là một chuyến đi một chiều", Nguyễn nói. Nhiều người trong số bạn bè của cha Nguyễn đã đi... và có số phận mà cha của anh lo sợ cho anh.
Nguyễn đã có một cuộc sống tốt đẹp và bây giờ là một người cha, nhưng đôi khi anh tự hỏi, cuộc đời của anh sẽ ra sao nếu cha anh không ngăn cản anh — thậm chí không biết anh có còn sống hay không. Tóm lại là, anh nói rất quan trọng để trả lại cho những người không được may mắn như anh.
Nhưng nhu cầu thì rất lớn. Khi mới thành lập, tổ chức đã nhanh chóng xác định khoảng một trăm cựu chiến binh Việt Nam. Tin đồn lan nhanh. Bây giờ là năm 2014, số các cựu chiến binh trong cơ sở dữ liệu đã lên đến 350 người.
Kết quả là giảm việc gây quỹ, thay vào đó, tìm kiếm các nhà tài trợ, những người có thể kết nối với các cựu chiến binh cần được giúp. Bùi và Nguyễn tập trung vào việc duy trì các mạng lưới để có thể thực hiện được.

THÁCH THỨC

Công việc giúp đỡ những người ở xa cách nửa vòng trái đất không đơn giản. Rất quan trọng để có một mạng lưới đáng tin cậy.
Bùi và Nguyễn nhớ lại một trường hợp, một người lính đã cụt cả hai cánh tay, hai chân và mù hai mắt. Cháu nội của ông đã phải cầm điện thoại để ông nói chuyện.
Hoài nghi về câu chuyện của ông, Bùi hỏi mấy giờ. Ông ấy trả lời 3 giờ chiều. Cô hỏi: làm sao ông có thể biết khi không nhìn thấy. Ông nói với cô rằng cháu ông vừa đi học về, nên phải là 3 giờ. Và ông đã nói đúng.
Nhưng không phải trường hợp nào cũng có câu trả lời rõ ràng. Bùi và Nguyễn luôn quan sát để tránh những trường hợp gian lận. Họ làm việc chăm chỉ để xác minh những người mà họ đang giúp đỡ đúng là những người đã khai nhận và những người này được chứng nhận bởi các mạng lưới của các cựu chiến binh đã biết.
Các cựu chiến binh miền Nam vẫn còn ở Việt Nam thì gắn bó chặt chẽ với nhau do sự cần thiết. Nguyễn giải thích rằng chính quyền Việt Nam thường đối xử với các cựu chiến binh miền Nam, đặc biệt là những người bị thương, như những người không mong đợi. Những ngôi chùa là một trong số ít nguồn trợ giúp họ ở trong nước. Những người thầy tu tốt bụng đôi khi cung cấp cho họ thức ăn.
Những cải thiện trong mối quan hệ Việt – Mỹ đã mở rộng cửa cho đất nước này và giúp phần lớn công việc như thế này có thể thực hiện được. Bùi nói rằng trong khi tổ chức của cô cố gắng là tổ chức phi chính trị và phi tôn giáo, chỉ tập trung vào việc giúp đỡ những người có nhu cầu, nhưng thường phải đối đầu với di sản của cuộc chiến tranh kéo dài.
Nguyễn cho biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam vẫn còn rời xa lý tưởng. Các quan chức cộng sản vẫn còn sách nhiễu những người lính miền Nam trước đây và họ xem xét kỹ lưỡng chuyện tiền bạc đến từ nước ngoài.
Một số các nhà tài trợ, những người đã về Việt Nam, có cơ hội gặp gỡ những người mà họ giúp đỡ. Những cuộc gặp gỡ này, cùng những bức thư cảm ơn từ các cựu chiến binh ở Việt Nam, đã tiếp thêm nghị lực cho những người tình nguyện và các nhà tài trợ.
Nhưng không phải dễ dàng. Ngay cả ở Mỹ, cũng có nhiều thử thách.
Nỗ lực của tổ chức là tìm các nhà tài trợ hết lòng với những người lính — thay vì chỉ đóng góp một lần — đã đáp ứng nhiều kết quả khác nhau. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt tương đối thành đạt trên đất nước mới, nhưng người ta không thể cho đi tất cả mọi thứ. Rất khó có thể cam kết chuyện gửi tiền thường xuyên.
Bùi nói rằng đôi khi cô cũng có xung đột với các lãnh đạo cộng đồng khác. Một số cựu chiến binh, mặc dù tôn trọng sự phục vụ của cha cô và di sản của gia đình, nhưng đã lên tiếng hoài nghi về năng lực của cô – cô chưa từng phục vụ trong quân đội. Cũng có một số cay đắng còn đọng lại từ những câu hỏi mà cô đã hỏi các hội đoàn trước đó.
Nguyễn nói, thế hệ khác nhau và phân biệt giới tính là yếu tố quan trọng trong nhiều cuộc xung đột. "Họ gặp khó khăn với ý tưởng về một người phụ nữ đứng đầu".
Tóm lại, nhiều người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi, rút kinh nghiệm từ cuộc chiến, thà tập trung vào cuộc sống của họ ở đất nước này [thay vì lo cho các cựu chiến binh ở VN].
Mặc dù người Việt có lịch sử giúp đỡ lẫn nhau, nhưng họ không thể giúp mọi thứ. Vì lý do này, Nguyễn đề nghị mở rộng mạng lưới ra ngoài cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Nhưng đây là điều thử thách: làm cho người Mỹ chú ý để họ thực sự bỏ tiền ra.
"Đối với rất nhiều người Mỹ, [Việt Nam] là một giấc mơ xấu", Nguyễn nói thêm rằng anh hiểu vì sao họ có cảm giác như vậy. Di sản của chiến tranh thì đau thương cho tất cả những người có liên quan.
Bất chấp những thử thách, Bùi vẫn tiếp tục. Cô đang làm một công việc khác, nên không thể dành nhiều thời gian để giúp khi cô muốn. Cô nói, cô thường làm việc tốt vào buổi sáng, làm một số giấy tờ và xem qua các dữ liệu.
Cô nói: "Tôi ước gì mình có thể làm nhiều hơn nữa".

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"