Đỗ Xuân Tê
Hơn một tuần nay giới hay theo dõi tin tức ở ngoài này (không dùng
từ hải ngoại nghe có vẻ ‘diễn biễn’ dễ chụp mũ), khá ngạc nhiên thấy tên
nữ nghệ sĩ Kim Chi đến Mỹ khi được mời tham dự các buổi điều trần về tự
do truyền thông ở xứ sở của bà. Công bằng mà nói, các vị dân cử Mỹ muốn
hiểu tường tận việc này trong tinh thần khách quan và trung thực thì
phải hỏi các ông Huỳnh Ngọc Chênh, Ts Phạm Chí Dũng, cô Phan Thanh
Nghiên… , nhưng danh sách mời lại là một nữ nghệ sĩ cộng sản ‘chân
chính’, một khuôn mặt chưa nổi về mặt truyền thông trong khi bề dày nghề
ngiệp lại chuyên về phim ảnh & kịch nghệ, còn công trạng thì quá
trình đã có những đóng góp đáng kể trong mười năm ‘vượt Trường Sơn đi
đánh Mỹ’.
Nhưng không phải ngẫu nhiên khi một dân biểu Quân Cam, bà Loretta
Sanchez có sáng kiến đề nghị mời đích danh Kim Chi, trong khi về nữ lưu
dấn thân cho nhân quyền ở Việt nam hiện nay không phải là hiếm. Cái
chính theo nhiều người nghĩ là nhân cách của bà, một người dám làm, dám
chịu và khi nói ra thì lại là những điều độc đáo, đánh thẳng vào đối
tượng cần phải nói, không quanh co, không nể sợ, vì vững tin vào việc
mình làm là cho nước cho dân chứ không phải để đánh bóng cho tên tuổi
của mình lúc đã về chiều.
Tôi và nhiều anh em, những người trạc tuổi bà và cũng có thể nhiều
lần đã giáp mặt nhau trên dải Trường Sơn đã đọc lại nhiều lần bài phỏng
vấn của Mặc Lâm được đăng trên nhiều trang mạng. Tôi khen ML không hiểu
do quan hệ thế nào mà đã ‘khai thác’ khá thành công tâm tư tình cảm,
suy nghĩ trăn trở của một nữ nghệ sĩ bậc thầy, do tình cờ của lịch sử
lại dấn thân đi vào những ngõ ngách phức tạp của phạm trù chính trị,
những chuyện quốc kế dân sinh mà trong thời điểm xã hội hiện nay dù
thiện chí đến đâu cũng dễ bị hiểu lầm, xuyên tạc, chưa kể những bất trắc
cho sinh mạng, gia đình và nghề nghiệp.
Tôi không biết nhiều về tên tuổi của bà, tất nhiên sau 75 trải qua
hơn chục năm gỡ lịch, lại định cư ở xứ người, nếu có nhớ thì Trà Giang
cùng thế hệ bà vẫn là khuôn mặt nổi bật, cùng người chồng và người yêu
đầu của bà là đạo diễn huyền thoại Hồng Sến. Mãi đến khi đọc lá thư có
liên quan đến ông thủ tướng đương nhiệm, tôi mới sửng sốt sao lại có một
nữ nghệ sĩ đẹp và được đào tạo bài bản như vậy mà công chúng miền Nam
ít biết đến tên. Là người đã làm công tác văn nghệ nhiều năm dưới chế độ
cũ, tôi đã tiếp cận với nhiều nghệ sĩ tên tuổi, nhưng nhìn hình và
video Kim Chi lúc trẻ cho đến về già phải công nhận nữ nghệ sĩ này…dày
dạn với tháng năm.
Vừa đẹp (với nhan sắc trời cho, đôi khi cũng là tai họa như một tờ
báo công an có lần tán tụng), vừa mang tính cách người Nam bộ, nghĩ sao
nói vậy, vừa có phần ngây thơ khi phát ngôn lý do ‘không muốn thấy chữ
ký của ai đó trong phòng khách nhà mình’ để trở thành Nghệ sĩ Nhân dân,
thì bảo sao không được cả triệu người ngưỡng mộ cả trong lẫn ngoài nuớc.
Thật sự nếu ai đó cũng biểu lộ kiểu này thì chưa chắc đã gây ấn tượng,
mà chỉ vì người ấy là Kim Chi, một người luôn tự nhận là ‘người cộng sản
chân chính’ vẫn tự hào về quá trình đóng góp qua những năm tháng khó
khăn trên quê hương mình.
Quay lại chuyện của bà, với lợi thế vai nữ trong những người được mời
từ trong nước sang, người ta kỳ vọng bà sẽ bày tỏ trung thực hiện tình
dân chủ và truyền thông quốc nội, mạnh dạn đưa những đề xuất xây dựng
nhằm cải thiện đường lối cởi trói cho truyền thông, góp phần tích cực
cho chuyến đi.
Cũng cần ghi nhận dù chưa có nhiều khinh nghiệm như các nhà văn nhà
báo, nhưng nhờ mối giao lưu rộng rãi và thân tình với nhiều giới nhiều
nguồn trong nước, nghệ sĩ Kim Chi thông qua những bài viết và phát ngôn
một năm trở lại đây, người ta thấy những suy nghĩ và trăn trở của bà
cũng rất sâu sắc, vừa không thách thức với nhà cầm quyền nhưng cũng đủ
để những người có trách nhiệm không thể làm ngơ và coi nhẹ tiếng nói của
bà mà nhiều khi ở tuổi này mới xuất thần và tỏa sáng.
Cũng là điều may mắn (hơn một số nhà bất đồng chính kiến cùng thời
không được xuất cảnh), bà Kim Chi đã tới được Mỹ và đối với dư luận
trong ngoài nước đương kim thủ tuớng cũng có chút credit về điểm này sau
khi đã thả tiến sĩ họ Cù là một trong hai ‘công dân’ dám đả động trực
tiếp đến cá nhân ông với tư cách người đứng đầu hành pháp.
Đỗ Xuân Tê