Những ngày cuối tháng Tư, luôn luôn gợi lại trong lòng những người Việt tha hương chúng ta một nỗi niềm bùi ngùi xúc động.
Đã gần 40 năm qua, thế hệ cha ông chúng ta gắn liền với cuộc chiến ở
VN 1952- 1975 cũng đã qua đời. Thế hệ trai trẻ ngày xưa ấy thì nay cũng
đã “thất thập cổ lai hy”. Thế hệ … “cóc nhí” ngày xưa kia thì nay cũng
đã bắt đầu nhuốm bạc, và còn những thế hệ về sau này, chỉ còn nghe nói
về cuộc chiến ấy qua sách báo, qua người thân gia đình kể lại. Tất cả đã
là quá khứ, một quá khứ dù “bên thắng cuộc” có “rêu rao” rằng thì là mà
… một “chiến thắng vĩ đại”, thì hậu quả vẫn là một trang sử buồn của
dân tộc. Những người dân từ cả hai phía “thắng cuộc” lẫn “thua cuộc” đều
là nạn nhân của một cuộc chiến tương tàn giữa hai lằn ranh Quốc – Cộng.
Những nỗi cay đắng ấy không những được tả lại trong các tác phẩm văn
học, âm nhạc của những đứa con Việt bỏ xứ ra đi, mà còn được mô tả đậm
nét hơn của chính những đứa con Việt ở “bên thắng cuộc” khi nhận ra sai
lầm của lịch sử, khi nhận ra kẻ thắng cuộc lại là những kẻ bạo cường
mang trong mình một chủ thuyết ngoại lai. Đọc những tác phẩm “Nỗi Buồn
Chiến Tranh” của Bảo Ninh, “Thiên Đường Mù” của Dương Thu Hương, “Bên
Thắng Cuộc” của Huy Đức, “Hoa Xuyên Tuyết” của Bùi Tín mới thấy được nỗi
đau của những người anh em phía bên kia khi đã lỡ lầm tin vào những lời
tuyên truyền dối trá. Và đọc những tác phẩm “Ngàn Giọt Lệ Rơi” của Đặng
Mỹ Dung, “Ở Cuối Hai Con Đường” tập truyện ngắn của Phạm Tín An Ninh,
“Khi Đồng Minh Tháo Chạy” của Nguyễn Tiến Hưng thì mới cảm nhận được sự
mất mát của những người anh em phía bên này khi gia đình bị phân ly vì
chiến tranh và khi niềm tin bị bội phản.
Những ngày cuối tháng Tư này, có lẽ ở phía bên kia nửa quả địa cầu,
phố phường vẫn sẽ rực đỏ màu cờ cùng những băng rôn, khẩu hiệu vui mừng
của “bên thắng cuộc”. Dù vui mừng cách mấy, thì sự thật cuộc sống ngày
hôm nay, người dân Việt như thế nào, có thể tiến theo đà phát triển của
thế giới chưa, chắc tất cả người dân Việt đều hiểu rõ. Dù cố tình “đội
mũ ni che tai” đi nữa, chúng ta phải thực lòng mình để nhận thấy cái giá
của cuộc chiến ngày xưa kia có đưa được người dân đến cuộc sống ấm no
hay chăng?
Những ngày cuối tháng Tư này, có lẽ ngược lại với những vui mừng ở
phía bên kia, những người con Việt xa xứ lại cùng nhau dành một chút
tĩnh lặng trong tâm hồn để tưởng niệm về biến cố đã thay đổi cuộc sống
của chúng ta. Chính vì biến cố này, mà người Việt ngày nay giống như
người Do Thái ở thế kỷ trước, trở thành một sắc dân lạc loài tha hương
tứ xứ. Dù xa quê hương, nhưng trong lòng mỗi chúng ta không nhiều thì ít
cũng hướng về quê nhà, theo dõi và lo lắng cho người thân, cho đồng bào
máu thịt của mình.
Một sự kiện tưởng niệm trang trọng đã diễn ra ở thành phố San Jose,
tiểu bang California. Với công sức của cộng đồng Việt ở đây, chúng ta đã
dựng một bức tường tưởng niệm các vị Tướng lãnh quân lực VNCH đã tuẫn
tiết trong ngày 30 tháng 4 năm xưa ấy, cùng các quân cán chính VNCH đã
nằm xuống vì lý tưởng bảo vệ tự do. Bức tường tưởng niệm với di ảnh của
năm vị tướng Nguyễn Khoa Nam, Nguyễn Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên
Vỹ, và Trần Văn Hai, cùng Đại tá Hồ Ngọc Cẩn và Trung tá Nguyễn Văn
Long. Buổi lễ khánh thành bắt đầu với lễ thả bong bóng bay, với giải lụa
mang tên của các vị anh hùng này. Tất cả mọi người đều không cầm được
nước mắt khi từng chiếc bong bóng như linh hồn của các vị anh hùng được
bay lên trời cao. Có một bong bóng cứ từ từ lặng lẽ bay quanh khán đài
như không nỡ xa cách người dân Việt. Có người nói đó là tướng Lê Nguyên
Vỹ còn ở lại.
Tuy lòng buồn đau, nhưng tất cả đều nhìn về một tương lai tươi đẹp
hơn cho quê hương VN khi những biến chuyển gần đây của phong trào đòi
dân chủ, đòi tự do báo chí đang lan rộng. Vào ngày mai, thứ ba 29 tháng
4, sẽ có buổi điều trần tại quốc hội Mỹ của các bloggers, các nhà báo tự
do, nghệ sĩ đến từ VN về tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí, và
tiến trình dân chủ ở VN. Những tiếng nói đối lập này đang ngày càng
nhiều và càng mạnh mẽ hơn nhằm mong có sự thay đổi tích cực về dân chủ,
đặc biệt là về nhân quyền ở VN.
Những sai lầm của thế hệ trước, những cay đắng của lịch sử từ thế hệ trước là bài học cho thế hệ ngày nay.
“Ôn Cố, Tri Tân” là vậy.
“Ôn Cố, Tri Tân” là vậy.
Quang An
Nguồn : Facebook Quang An