Tin ca sĩ Khánh Ly sẽ về nước hát vào ngày 9/05/2014 đã và đang gây bàn cãi xôn xao ở hải ngoại lẫn trong nước.
Sự tranh cãi diễn ra trên nhiều lãnh vực, từ chính trị, tiền cát xê, đến nơi trình diễn… nhưng trọng điểm vẫn là chính trị.
Tôi thật sự không quan tâm đến chuyện Khánh Ly về nước hát, cho đến
khi đọc bài báo với lời nói của Khánh Ly: – Tôi hạnh phúc được gặp lại
Trịnh Công Sơn trên sân khấu ở quê nhà.
Tôi là người chưa bao giờ coi trọng giới nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ
trình diễn, bất kể là nghệ sĩ cải lương, ca nhạc hay diễn viên điện ảnh…
do bởi đa số có lối sống buông thả, không có kỷ cương, đạo đức.
Trở lại với Khánh Ly. Chế độ CSVN dùng Khánh Ly như môt lá bài chính trị.
Trong khi đó thì cộng đồng NVHN lên tiếng chỉ trích sự trở về hát tại
VN của Khánh Ly. Nhiều bài báo lên tiếng chửi bới, nhục mạ bà.
Từ trước đến nay đã có rất nhiều ca sĩ tị nạn cộng sản ở hải ngoại về
hát trong nước như Hương Lan, Tuấn Ngọc, Phi Nhung, Quang Lê, Lệ Thu,
Chế Linh… nhưng chưa có người nào gây tranh cãi và gặp nhiều ‘sự cố‘ như
Khánh Ly.
Cho dù bị áp lực từ cả 2 phía, Khánh Ly vẫn xâm mình, hiên ngang đi
vào giữa 2 lằn đạn (mã tử) để tìm lại hạnh phúc mà mình đã đánh mất 39
năm qua tại quê nhà là gặp lại Trịnh Công Sơn (qua những bản nhạc của
ông thôi, không phải gặp thật, dù trước sau rồi cũng sẽ gặp thôi).
Người nổi tiếng cùng thời và không kém Khánh Ly là Lệ Thu, nhưng Lệ
Thu dường như không hát nhạc Trịnh Công Sơn. Có phải nhờ đó mà Lệ Thu
không hề gặp khó khăn, trở ngại khi về hát tại Việt Nam cũng như không
bị báo chí, truyền thông hải ngoại đem ra làm bia tập bắn?
Thật ra cũng dễ hiểu. Khánh Ly là một giọng hát đặc biệt cho nhạc
Trịnh Công Sơn. Có thể nói từ khi có nhạc của Trịnh Công Sơn, tôi chưa
thấy người thứ hai nào hát nhạc họ Trịnh hay như Khánh Ly.
Nhạc Trịnh Công Sơn có nhiều bài phản chiến mà cộng sản Hà Nội không
thích nếu không muốn nói là sợ hãi. Hơn thế nữa, khi qua Mỹ, Khánh Ly đã
hát nhiều bài chống cộng cũng như có những lời nói có nội dung chỉ
trích, đụng chạm chế độ cộng sản Việt Nam.
Cộng sản Việt Nam, đồng ý cho Khánh Ly về hát chỉ nhằm mục đích tuyên
truyền cho chính sách (bịp bợm) hòa hợp, hòa giải (lèo) theo nghị quyết
ba lăm (con dê) cộng một của mình, nhưng bởi là một chế độ đa nghi,
gian ác nên đồng thời cũng sợ ảnh hưởng lời ca, tiếng nhạc của bà tác
động tiêu cực đến chế độ.
Tất nhiên họ sẽ đặt những điều kiện để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng
lời ca tiếng hát của bà, bài nào được phép hát, bài nào không. Qua những
lời tuyên bố của Khánh Ly chúng ta thấy rõ được điều đó.
Với thành trì chống cộng hải ngoại, việc Khánh Ly về hát trong nước
là một tổn thất lớn vì từ trước đến nay họ đã ‘đùm bọc, thương yêu‘ coi
bà như một chiến sĩ chống cộng kiên cường không màng lợi lộc, danh vọng…
Do đó có nhiều bài báo đã lên tiếng chỉ trích, chửi bới…, coi bà như
là một kẻ phản bội chỉ biết chạy theo đồng tiền, quên mất những ngày
gian khổ mà nhờ cộng đồng hải ngoại cưu mang Khánh Ly mới có được ngày
hôm nay.
Thái độ của nhà cầm quyền cộng sản không cần phải bàn đến vì họ chủ trương văn nghệ phải phục vụ cho chính trị.
Nhưng còn những người chống cộng hải ngoại? Tại sao lại bắt một người
ca sĩ phải hành động theo ý mình? Tại sao không để cho Khánh Ly tự do
chọn lựa khán giả, sân khấu, nơi trình diễn?
Đã một dạo người ta người ta ồn ào chửi bới, nhục mạ Phạm Duy khi ông trở về Việt Nam, nay đến Khánh Ly.
Tôi không bênh vực cho Khánh Ly vì đã quá hiểu con người của bà dù
chỉ qua vài lần tiếp xúc. Tôi chưa bao giờ coi trọng Khánh Ly dù mấy
chục năm trước rất mê tiếng hát của bà.
Tuy nhiên tôi tôn trọng quyết định của Khánh Ly, bởi vì bà là một ca
sĩ. Người ca sĩ cần gì ngoài ánh đèn sân khấu, tiếng vỗ tay hoan hô,
những vòng hoa, lời khen tặng và điều quan trọng nhất là… tiền?
Đặt lên vai những người như Khánh Ly, Phạm Duy trọng trách chống cộng
là một điều sai lầm nếu không nói là hoang tưởng, bởi họ là nghệ sĩ, họ
sống theo bản năng nhiều hơn là lý trí.
Cũng đừng nhục mạ, chửi bới họ là những kẻ phản bội, trở cờ… Họ không
phản bội ai hết, nếu có chỉ là chính bản thân, lương tâm của họ.
Cũng đừng ngụy ngôn như cộng sản, dùng những từ ngữ thương yêu, đùm bọc trong vòng tay cộng đồng người Việt tị nạn…
Bỏ tiền ra mua một vé coi trình diễn văn nghệ, ca hát, mua một đĩa CD
nhạc… là thương yêu, đùm bọc người ca sĩ, nhạc sĩ ư? Và nếu đùm bọc,
thương yêu Khánh Ly thì cộng đồng người Việt có đùm bọc, thương yêu
Hương Lan, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Khánh Hà… không? Ngụy ngôn!
Tất cả chỉ là sự trao đổi, mua và bán. Khi có nhu cầu thưởng thức văn
nghệ, nghe nhạc, coi phim… mua một vé đi xem, chúng ta chỉ tự thỏa mãn
nhu cầu của mình, chẳng phải vì thương yêu hay muốn đùm bọc ai. Người ca
sĩ, diễn viên điện ảnh qua lời ca, tiếng hát, tài diễn xuất của mình
thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu người nghe nhạc, xem phim, kịch…
Khi cung và cầu hợp nhau thì trao đổi diễn ra. Không hợp nhau nữa thì
chấm dứt. Từ năm 1975 đến cuối thập niên 80, tiếng hát Khánh Ly vẫn còn
ăn khách, người Việt hải ngoại đi VN chưa nhiều, Khánh Ly còn sống được
trên sân khấu hải ngoại.
Nhưng từ thập niên 90 về sau, khi số lượng người Việt đi VN ngày càng
tăng, ca sĩ trong nước ra hát tại hải ngoại ngày càng nhiều cũng như ca
sĩ hải ngoại về VN hát cũng lục tục diễn ra, không riêng gì Khánh Ly
không còn chỗ đứng ở hải ngoại mà những ca sĩ khác cũng thế. Họ trở về
VN để hát là chuyện đương nhiên. Số lượng khán, thính giả ở VN cao gấp
hàng trăm, hàng ngàn lần hải ngoại, tại sao không về?
Tóm lại, hãy trả người nghệ sĩ nói chung, Khánh Ly nói riêng lại đúng
vị trí của họ. Chỉ trích, phê bình cộng sản là ép buộc nghệ thuật phục
vụ chính trị thì đừng nên làm như cộng sản.
© Thạch Đạt Lang
© Đàn Chim Việt