Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

30.4 - Góc nhìn từ kẻ bên lề

Nguyễn Văn Thạnh
Hôm nay, ngày 30.4-ngày mà “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” (Lời ông Võ Văn Kiệt). 30.4 là ngày đánh dấu một biến cố lớn trong lịch sử dân tộc và cũng là ngày gây chia rẽ nhiều người nhất.
Đến nay, đã 39 năm trôi qua kể từ ngày 30.4.1975, một thời gian đủ lâu để những người chứng kiến biến cố đó trở nên già. Xã hội ngày càng được quyết định bỡi lớp người trẻ và tôi thuộc lớp trẻ sinh sau biến cố đó.
Tôi nghĩ, chắc nhiều người muốn biết những người trẻ như tôi nghĩ gì về biến cố 30.4, đây là lý do tôi viết bài này thể hiện quan điểm của mình. Nhìn lại biến cố 30.4 sẽ có nhiều quan điểm khác nhau tùy vào góc nhìn, tâm tư tình cảm, vị thế của người nhìn. Bàn về điều này cũng sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Bài viết này chỉ là thể hiện quan điểm, góc nhìn của tôi.
Tôi sinh 1982, sau 30.4.1975 bảy năm, tôi thuộc lớp sinh sau, không tham gia vào bên này hay bên kia, nhìn sự kiện 30.4 như là một kẻ bên lề. Như bao người trẻ sau 1975 khác, tôi được giáo dục dưới cái hay được gọi là mái trường XHCN; được dạy-mà nhiều người cho là nhồi sọ-về công trạng giải phóng dân tộc của ĐCS khỏi họa ngoại xâm từ Pháp rồi Mỹ. Tôi thấy điều họ nói là thuyết phục. Lịch sử nước ta có hàng ngàn năm nô lệ giặc tàu. Mỗi lần bị giặc đô hộ là một bi kịch “nước mất nhà tan”, đau đớn không thể kể xiết. Từ 1858 đến 1945 giặc Pháp rồi Nhật đô hộ nước ta, gây ra không biết bao đau thương. Trong tình cảnh đó, việc ĐCS tranh đấu để có nền độc lập là chính nghĩa.

Tôi tin điều đó cho đến khi tôi đi học đại học, vào mạng xem thông tin thì biết những việc làm sai lầm của ĐCS trong CCRĐ, đánh tư sản, triệt hạ tôn giáo-đập phá đình chùa, ký công hàm 1958,… Tôi biết đến những bi kịch như bà Nguyễn Thị Năm và hàng trăm đồng bào bị chết oan (không biết người Pháp có khi nào trong thời gian ngắn giết oan từng ấy đồng bào ta không?), rồi những nhà tư sản, trí thứ yêu nước khác như: Trịnh Văn Bô, Nguyễn Mạnh Tường,… bị ngược đãi.
Từ những việc như vậy, tôi nghĩ Miền Nam có lý do để tồn tại chứ không thể gọi là theo Mỹ. Ví như nhà có hai anh em, sau khi đuổi kẻ thù mà bất đồng đến mức giết nhau thì một người có quyền chia đôi căn nhà bố mẹ để lại để ở.
Nhìn nước lân bang Hàn Quốc, tôi thấy họ thịnh vượng là nhờ người Mỹ rất nhiều, không thể nói người Mỹ xâm lược Hàn Quốc được. Nhìn một nửa đất nước còn lại-Bắc Triều Tiền-thì không thể có chính nghĩa được nếu đất nước nghèo mạt, độc tài cha truyền con nối này hô hào giải phóng Hàn Quốc mà lâu lâu họ lại lên gân lên cốt.
Nghiên cứu tính chất của thể chế, tôi thấy miền Nam dân chủ và tất nhiên là trù phú hơn miền bắc, cuộc sống người dân ở đây tự do, thịnh vượng hơn. Xem lại những sự kiện xảy ra miền bắc như vụ nhân văn giai phẩm, tem phiếu, hộ khẩu,… tôi thật sự kinh hãi cho thể chế nhà nước ở đây.
Giải phóng đất nước là chính nghĩa nhưng thiết lập thể chế độc tài toàn trị theo thuyết cộng sản, tiêu diệt hết quyền tự do dân chủ của người dân, đẩy người dân vào cảnh cơ cực khốn cùng phải tranh giành dẫm đạp nhau để sống thì xem như chính nghĩa tiêu tan. Bí mật tuyên truyền của ĐCS là nói vế đầu cho những người trẻ chúng tôi nghe mà không nói vế sau. Thắng làm vua thua làm giặc và người CS là người thắng.
Cho đến bây giờ, số người tin vào chính nghĩa của ĐCS còn rất nhiều và người hưởng lợi từ ĐCS cũng rất nhiều. Tôi thấy hiện nay, dù không mang lại hiệu quả trong quản lý xã hội nhưng ĐCS là một tổ chức rất mạnh: họ kiểm soát không chỉ nhân sự lớn (gần 4 triệu đảng viên) mà còn lớn về tài lực-kế sinh nhai, súng ống, vị thế chính trị (được ĐCS TQ đỡ đầu).
Trong một thực tế như vậy, nhiều người lại hô hào lật đổ ĐCS để dân chủ đất nước,… quan điểm tôi thấy việc này là không tưởng.
Tôi quan sát thấy nhiều người trẻ hiện nay không bị ý thức hệ CS chi phối. Họ quan tâm đến quyền lợi, đến khả năng thăng tiến của bản thân hơn là chuyện ý thức hệ. Nhiều người phấn đấu vào đảng là toan tính cho mình một cơ hội thăng tiến. Rất nhiều cơ hội thăng tiến, rất nhiều lợi lộc được ĐCS độc quyền nắm giữ và ban phát.
Tôi thấy hình thái nhà nước hiện nay không phải là nhà nước mang ý thức hệ CS nữa mà là hình thái nhà nước độc tài. Do vậy tranh đấu để chống lại ý thức hệ CS là điều không còn đúng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"