Lan Trần
Hôm trước xem một video giới thiệu về bài này trên Dr.dk thấy hay quá, mẹ cháu ngồi viết để giới thiệu lại với mọi người bài hát này.
"Có những bài hát được cho là có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử
thế giới, quan trọng tới mức mà người ta nói nó đã cùng giúp làm thay
đổi thế giới. “We shall overcome - Chúng ta sẽ vượt qua “ có lẽ là một
trong những bài ca phản kháng quan trọng nhất. Bài hát được thế giới
biết đến từ phong trào nhân quyền của Mỹ vào những năm 60. Từ đó tới
giờ, nó được hát ở bất cứ nơi nào mà người dân đấu tranh cho công lý,
bình đẳng và tự do.
Nguồn gốc của bài hát này bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 20.Sau cuộc
nội chiến của Mỹ mặc dù chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ được khoảng 40 năm
nhưng những người Mỹ đen vẫn phải làm việc rất nặng nhọc trên các cánh
đồng trồng bông và thuốc lá. Họ vẫn hát những bài hát dân ca được hát
dưới chế độ nô lệ, trong đó có hai bài “I will be alright” và “I will
overcome” là tiền thân của bài “We shall overcome” được biết đến ngày
nay. Hai bài này được mục sư Giám lý Charles Albert Tindley dùng để viết
bài “I will overcome someday”.
Vào năm 1945, phiên bản trước của “We shall overcome” được một phụ nữ
Mỹ gốc Phi, Lucille Simmons, hát tại các cuộc bãi công đòi tăng lương
trong ngành trồng thuốc lá ở South Carolina. Một nhà hoạt động trong
những cuộc bãi công này đã đổi lời của bài hát từ “tôi sẽ vượt qua” sang
thành “ chúng tôi sẽ vượt qua”. Nhờ đó mà bài hát từ một thông điệp cá
nhân đã trở thành thông điệp mang tính chính trị hơn.
Phiên bản cuối cùng của bài hát này được ra đời tại Highlander Folk
School, một trường trung học đào tạo về nhân quyền, công bằng xã hội và
trung tâm văn hóa ở Tennessee. Highlander Folk School đóng vai trò rất
quan trọng trong phong trào quyền con người ở Mỹ vào những năm 50. Đây
là phong trào chống phân biệt chủng tộc và kỳ thị người Mỹ gốc Phi với
chủ trương bất bạo động. Ca sĩ nhạc đồng quê Pete Seeger nghe được bài
hát này ở Highlander Folk School và đã chuyển lời bài hát thành “We
shall overcome”. Ông cũng là một trong các ca sĩ làm cho bài hát được
lan rộng với phiên bản mà chúng ta biết tới hiện giờ.
“We shall overcome” trở thành một bài hát đấu tranh không chính thức,
nó được hát mỗi khi kết thúc biểu tình, trong các cuộc họp chính trị và
cả khi đụng độ với cảnh sát. Vào năm 1963, trong cuộc tuần hành đến
Washington vì việc làm và tự do, ca sĩ Joan Baez đã hát cùng khoảng
200-300 ngàn người bài “We shall overcome.” Cuộc tuần hành này đã dẫn
tới đài tưởng niệm Lincoln ngày 28 tháng 8 năm 1963, nơi mà Martin
Luther King đã có bài diễn văn nổi tiếng: “Tôi có một giấc mơ”.
Bài hát này sau đó đã được nhiều ca sĩ, nhà hoạt động nhân quyền hát
lại. Bob Dylan đã hát bài này trong đêm kết thúc buổi diễn của ông ở
Newport Folk Festival năm 1963 với Joan Baez, Pete Seeger và nhiều nghệ
sĩ khác cùng với 13 ngàn khán giả. Và nếu Joan Baez nghĩ là cô ấy đã hát
cùng số khán giả đông nhất trong cuộc tuần hành năm 1963 thì cô ấy đã
sai. Vài năm sau đó, khi Joan hát bài “We shall overcome” tại Woodstock
Festival thì lượng khán giả lên tới 500 ngàn người. Nó đã trở thành bài
hát của phong trào hippi, một phong trào khác với phong trào đấu tranh
cho quyền con người, nhưng bài hát “We shall overcome” vẫn được hát để
nói lên thông điệp về quan hệ giữa con người với con người, về bình
đẳng, tự do, chống lại chiến tranh và đàn áp.
Bài hát đã được hát trong các cuộc biểu tình chống lại chế độ
Apartheid, chống lại chiến tranh Việt nam. “We shall overcome” trở thành
bài hát về hòa bình. Kể từ đó tới này, bài hát được hát ở khắp mọi nơi
trên thế giới, ở bất cứ nơi đâu, khi mà người dân muốn phản đối bất cứ
hệ thống hay thể chế nào, từ Bắc Ireland tới Nam Phi, từ Bangladesh tới
Praha. Nó là một trong một số ít các bàt hát có thể nói đã được dùng để
giúp làm thay đổi thế giới."