Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Phải biết xấu hổ để dừng lại

Giáp Văn Dương
1. Một ngày giữa tháng tư, tôi có việc gia đình phải lưu đêm trong bệnh viện. Đêm nằm nghe rất nhiều tiếng trẻ gào khóc từ khoa Nhi vọng lên, sau đó một hồi lại thấy tiếng bố mẹ kêu gào thảm thiết. Tôi hỏi ra mới biết là đang có dịch sởi. Nhiều trẻ đã không chống chọi được. Những tiếng gào khóc mà tôi nghe thấy có nguyên do như vậy.
Tôi bắt đầu hoảng hốt, vì suốt mấy ngày liền, ngày nào cũng cho hai bé con nhà mình vào ra bệnh viện thăm thân, lượn qua lượn lại đúng khu vực đó. Mỗi ngày hai lượt diễu qua ổ dịch mà không mảy may hay biết. Lý do là người ta đã “giấu dịch”, không thông tin cho đại chúng rõ ràng.
Tôi bắt đầu lưu tâm đến việc này, trước hết vì sức khỏe của chính con mình, và thấy tình hình chẳng sáng sủa hơn chút nào. Dịch hay không dịch, người dân cần phòng tránh thế nào, không có bất cứ thông tin chính thức nào từ Bộ y tế, trong khi tin tức ngoài luồng, tin trên mạng xã hội cho thấy số ca nhiễm sởi ngày càng nhiều, con số tử vong ngày càng tăng.
Chỉ đến khi PPT Vũ Đức Đam đi thực tế vì biết tin nhiều trẻ chết quá, do một bác sĩ ở bệnh viện Nhi Trung ương đưa lên facebook, thì thông tin về sởi mới có lý do bùng nổ.
Một ngày sau, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới vi hành. Truyền thông về dịch sởi mới chính thức đi vào dòng chính. Khi đó, dã có hơn 7000 ca với 108 trẻ tử vong. Một con số gây sốc cho bất cứ người bình thường nào.

Vậy mà trong hoàn cảnh đó, Bộ Y tế còn loay hoay tranh cãi về việc có dịch hay không, rồi nên công bố dịch hay thông báo dịch. Với người dân thì công bố hay thông báo thì thì có khác gì nhau. Đó chẳng qua là trò chơi chữ của những người thích đùn đẩy. Sự đùn đẩy đó không hề là giải pháp chống dịch đang nước sôi lửa bỏng, mà chỉ để che chắn trách nhiệm của người hữu trách.
Sau đó, người đứng đầu bộ y tế có đăng đàn giải thích nguyên nhân bùng phát dịch sởi. Trong bốn nguyên nhân được đưa ra thì ba nguyên nhân thuộc về phía người dân, do thiếu hiểu biết và hành xử không hợp lý, nguyên nhân còn lại là do thời tiết. Bộ y tế vô can!
Còn nhớ trước đó vài tháng, việc tiêm vắc-xin Quinvaxem đã làm hàng chục trẻ chết, nhưng vẫn không truy ra được trách nhiệm của những người đứng đầu. Mọi việc được giải thích là diễn ra đúng quy trình.
Trẻ chết đúng qui trình. Còn Bộ y tế vô can!
Không chỉ tìm cách chứng minh rằng mình vô can, những quan chức Bộ y tế còn thể hiện sự vô cảm cao độ, chẳng hạn ngày 21/7/2013, khi tham dự lễ khởi công xây dựng tháp chuông của nghĩa trang liệt sĩ huyện Gio Linh, người đứng đầu bộ y tế đã không bớt chút thời gian để an ủi gia đình của ba trẻ sơ sinh tử vong do tiêm vắc-xin viêm gan B ở cùng địa phương chỉ trước đó chỉ một ngày.
Vẫn biết, không phải bệnh nào người thầy thuốc cũng chữa được, nhưng có một thứ người thầy thuốc lúc nào cũng có thể làm được, đó là an ủi con người, nhất là những người đang phải đối mặt với cái chết.
Nhưng người đứng đầu bộ y tế đã không hiểu được điều đơn giản này, không phải vì thiếu lí trí, mà vì vô cảm và vô trách nhiệm.
2. Những ngày này truyền thông quốc tế dành sự quan tâm đặc biệt đối với vụ chìm phà Sewol ở Hàn Quốc, làm hơn 300 người chết và mất tích.
Sự chú ý của truyền thông không chỉ bởi đây là một tai nạn hằng hải đau lòng, mà còn bởi cách ứng xử của người Hàn Quốc trong thảm họa.
Cả nước Hàn Quốc cảm thấy có lỗi vì bất lực trước nỗi đau của gia đình các nạn nhân. Thủ tướng Hàn Quốc đã từ chức. Ông nói: “Thay mặt chính phủ, tôi xin lỗi vì đã để xảy ra nhiều vấn đề, từ việc ngăn cản tai nạn xảy ra, đến việc xử lý thảm họa trong thời gian đầu”.
Trước đó vài ngày, Hiệu phó Kang Min Kyu của trường cấp 3 Danwon, nơi có 325 học sinh khối 11 trên chuyến phà này, đã tự tử và để lại một bức thư tuyệt mệnh, bày tỏ sự dằn vặt khi mình sống sót còn các học sinh lại thiệt mạng. Ông đã nhận trách nhiệm với tư cách người khởi xướng chuyến dã ngoại này.
So với câu chuyện về dịch sởi làm chết hơn 100 trẻ diễn ra trong cùng khoảng thời gian, hoặc vụ tiêm vắc-xin Quinvaxem làm chết hàng chục trẻ năm trước ở Việt Nam, thì những người có trách nhiệm ở Hàn Quốc hành xử khác hẳn. Vì sao vậy?
Còn nhớ, trong thời gian theo học ở Hàn Quốc trước đây, một trong những câu hỏi tôi băn khoăn nhiều là vì sao họ phát triển nhanh như vậy, khi chỉ vài chục năm trước thôi, họ cũng vừa thoát khỏi chiến tranh như mình, từ cùng mức xuất phát điểm như mình, cả trong kinh tế lẫn văn hóa?
Ngoài những lý do vĩ mô liên quan đến thể chế, đặc biệt là sự chuyển mình từ chế độ độc tài quân sự sang chế độ dân chủ đã gieo mầm tác phong và chuẩn mực lãnh đạo mới, thì một trong những câu trả lời mà tôi nhận được là những người đứng đầu của đất nước họ rất có trách nhiệm với việc mình làm. Nếu không làm được đến nơi đến chốn thì họ sẽ từ nhiệm, thậm chí tự sát để bảo toàn danh dự.
Trách nhiệm này không chỉ dừng ở việc đảm bảo chất lượng công việc, mà còn ở việc làm gương cho người khác noi theo.
Càng lên cao thì sự làm gương này càng có ý nghĩa lớn và càng được nhấn mạnh. Có lẽ các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc biết rõ một nguyên tắc của việc trị quốc: thượng bất chính, hạ tắc loạn. Vì thế, làm gương đã trở thành một nguyên tắc lãnh đạo.
Khi không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc thấy rằng mình chưa làm hết trách nhiệm, do sơ suất hay do thiếu năng lực, họ sẽ chủ động từ nhiệm. Việc này không chỉ giúp bảo vệ danh dự cá nhân, giữ uy tín cho bộ máy công quyền, mà còn như một sự làm gương cho các thế hệ kế tiếp noi theo.
Điều này lại một lần nữa được chứng minh trên thực tế trong vụ chìm phà Sewol. Đây là một thảm họa ngoài dự kiến của chính phủ Hàn Quốc.
Họ đã và đang tiếp tục cứu hộ cứu nạn, với nguồn lực cao nhất, ròng rã trong nhiều ngày trời. Nhưng kết quả không như mong đợi, vì sự chậm trễ của một số người ở lúc khởi đầu, và vì các lý do khách quan như các dòng hải lưu rất mạnh và bùn đất đã ngăn cản việc cứu hộ.
Thủ tưởng Hàn Quốc đã nhận trách nhiệm bằng cách từ nhiệm. Còn thầy hiệu phó thì nhận trách nhiệm bằng chính mạng sống của mình.
Nhìn xa hơn, vào năm 2009, cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã nhảy núi tự sát vì cáo buộc tham nhũng liên quan đến mình và các thành viên trong gia đình. Ông đã tự sát để nhận trách nhiệm: “Tôi cảm thấy xấu hổ trước người dân của mình. Tôi xin lỗi vì đã làm phiền các bạn”.
Vậy thì vì sao những người Hàn Quốc này lại từ chức hoặc tự sát như vậy? Câu trả lời là thông qua đó họ nhận trách nhiệm vì đã để xẩy ra những việc này, dù trong nhiều trường hợp, đó là những việc ngoài tầm kiểm soát của họ.
Nhưng sâu xa hơn, câu trả lời sâu xa hơn là vì họ có lòng tự trọng. Với các nhà lãnh đạo, tài năng là cần thiết. Nhưng cần thiết hơn nữa là phải biết xấu hổ, phải có chút lòng tự trọng.
Người dân không cần các vị phải làm đầy tớ của nhân dân, cũng không cần các vị phải tự sát như thầy hiệu phó trường Danwon hay cựu tổng thống Roh Moo-hyun, chỉ cần các vị làm người bình thường, biết xấu hổ và có chút lòng tự trọng để nhận lãnh trách nhiệm và để dừng lại khi cần thiết.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"