Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Cảm nhận tháng tư

Ngà Voi
Tháng tư, tháng của nắng, tháng của máu lửa ba mươi chín năm về trước và tháng của những cái đầu nóng rãy thời hiện tại. Tháng tư, người ta nói nhiều hơn về hòa giải, hòa hợp dân tộc và cũng nhiều quá những kích động thù hằn, xúc xiểm lẫn nhau.
Định im, không viết gì vì mình là kẻ hậu bối, thế hệ sinh sau chiến tranh, mọi hiểu biết về chiến tranh chỉ qua sách vở và lời kể lại chịu nhiều cảm tính. Ba mươi chín năm qua đi, hơn nửa đời người (nếu tính đời người có sáu mươi năm) với biết bao là thay đổi nhưng lòng người dường như lại rỉ máu mỗi độ tháng tư về.
Nhà, ba mình đi bộ đội, chú mình đi lính cộng hòa. Gọi nôm na là anh em bắn giết lẫn nhau. Trên thực tế, chiến trường rộng lớn, hai cụ chưa xáp lá cà với nhau bao giờ. Chú mình chết trẻ trong một đợt công đồn để lại vợ và đứa con còn đỏ hỏn. Ba mình về với những vết thương cứ trở gió là đau nhức và ông cũng không sống thọ.

Với ba mình, đó là cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Với chú mình, đó là cuộc chiến bảo vệ quê hương. Mỗi người theo một phía, phía nào cũng có những lý tưởng và lập luận của riêng mình. Những người lính trực tiếp nơi hòn tên mũi đạn tin vào lý tưởng riêng mình, họ tin vào những gì họ muốn tin, làm sao họ có thể hiểu hết những thủ đoạn chính trị của những người cầm quyền cả hai phía?
Họ đấu tranh, họ trung thành, họ dấn thân, họ chết với niềm tin lý tưởng của họ, họ dám sống và đấu tranh cho những gì mình tin tưởng. Họ là quân cờ trên một bàn cờ dai dẳng của những cái đầu chính trị gia bạo liệt. Miền Bắc đi bộ đội, miền Nam đi lính là lẽ đương nhiên. Họ đều xứng đáng được tôn vinh bởi họ đã dám sống dám chết cho quê hương, họ không đáng nhận những lời mạ lỵ của đám hậu bối, một thế hệ vật vờ. Hãy nhìn lại chính mình, mình có dám sống, dám chết với niềm tin lý tưởng của mình chưa mà dám buông lời xúc phạm những người đi trước?!
Chiến tranh đi qua, những chính sách sai lầm gây ra bao nhiêu hệ lụy và kéo dài mãi chuỗi năm tháng hết "tụt hậu" đến "đang phát triển." Hòa hợp hòa giải dân tộc chỉ là mỹ từ chứ chưa bao giờ được thực hiện đúng đắn với lòng cởi mở của cả hai phía. Nồi da xáo thịt vẫn chưa bao giờ chấm dứt trên mảnh đất hình chữ S thân thương. Những vấn đề còn tồn đọng, những vấn đề mới phát sinh...cứ làm cho lòng người thêm nhức nhối không nguôi.
Những người có tâm huyết với xã hội, cộng đồng mong muốn một sự đổi thay, mong một đất nước phát triển, giàu mạnh và dân chủ văn minh đều trăn trở và tìm cách đóng góp cho đất mẹ theo cách của riêng mình. Mỗi người có cách yêu nước khác nhau và hành động khác nhau, làm gì có một khuôn mẫu nào? Xin hãy nhớ cho điều đó!
Quá khứ đau thương cần được hiểu đúng nhưng hãy hiểu cho những người lính và gia đình của họ. Đừng mượn cớ xúc xiểm thêm nhau bằng những lời lẽ mất dạy và vô học.
Những vấn đề lịch sử phải mất hàng trăm năm mới có thể có được một sự đánh giá đúng mực, chính xác bởi lúc đó nó không còn mang cảm tính của những người liên quan trực tiếp, gián tiếp, chỉ có khoa học, logic, chứng minh.
Viết bài này bởi mấy ngày nay phải đọc quá nhiều những lời lẽ thù hằn, xúc phạm, bôi bác và mất dạy của nhiều người ở cả hai phía. Nhớ, có lần ba nuôi về nước ra Hà Nội thăm con gái. Ông đòi dẫn đi thăm lăng cụ Hồ. Voi có một sự xúc động mãnh liệt trong lòng. Đã yêu thương lại càng thêm yêu thương kính trọng ba nuôi bởi ông là một sĩ quan cộng hòa. Cái sự tôn trọng ông dành cho lãnh đạo "đối thủ" một thì Voi tôn trọng ông mười lần hơn thế. Làm người phải thế, phải biết sống tử tế với nhau!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"