Có “tí” vậy mà từ chức, thưa ông Chung Hong-won!
Lê Thanh Phong
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo ngày 27.4.
“Tôi muốn từ chức sớm hơn nhưng xử lý vụ việc là ưu tiên hàng đầu và
tôi nghĩ cần phải có trách nhiệm giải quyết trước khi ra đi", Thủ tướng
Hàn Quốc, ông Chung Hong-won đã nói như vậy khi tuyên bố từ chức vì vụ
chìm phà xảy ra sáng ngày 16.4 tại vùng biển ngoài khơi đảo Jindo ở tây
nam Hàn Quốc làm 187 người chết và 115 người mất tích.
Ông Chung Hong-won cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo ngày 27.4. Một
sự ra đi đầy tự trọng, một sự cúi đầu thể hiện nhân cách cao của một nhà
lãnh đạo.
Vụ chìm phà đã xác định lỗi do tổ lái, trách nhiệm trực tiếp quá rõ
ràng. Thế nhưng, người giữ chức vụ cao nhất của chính phủ, phải gián
tiếp qua rất nhiều vị trí trung gian khác liên quan đến tai nạn, lại nói
một câu rất trách nhiệm: “Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn chặn vụ tai
nạn này và không xử lý thích hợp vụ việc sau đó".
Không đổ lỗi cho bất cứ ai, mà nhận trách nhiệm về mình: “Tôi tin rằng, là thủ tướng, tôi chắc chắn phải nhận trách nhiệm và từ chức”. Ông Chung đã bị dân chúng Hàn Quốc lên án, bị ném chai nước vào người khi đi thăm gia đình của các nạn nhân, nhưng ông không tỏ thái độ trách cứ bất kỳ ai bằng tự trách mình. Và quyết định từ chức là cách để thể hiện sự “nhận tội” với dân chúng.
Để đổ trách nhiệm, ông Chung sẽ có hàng trăm lý do, hàng vạn lời lẽ.
Chỉ đạo cấp dưới kiểm điểm trách nhiệm, cách chức vài cán bộ con con để
trấn an lòng dân. Xong. Nhưng ông đã lựa chọn cách từ chức.
Ở Hàn Quốc, trường hợp từ chức và xin lỗi dân như ông Chung Hong-won
không phải là một mà có nhiều quan chức từng làm. Ngay trong vụ chìm phà
này, trước đó, thầy Kang Min-kyu - hiệu phó trường Trung học Danwon,
người dẫn đầu đoàn 325 học sinh trong chuyến tham quan đảo Jeju – đã
treo cổ tự tử. Trong thư tuyệt mệnh để lại, ông viết: “Sống sót một mình
thật quá đau đớn trong khi 200 người vẫn đang mất tích. Tôi hoàn toàn
chịu trách nhiệm về sự việc này. Một lần nữa, tôi sẽ lại trở thành thầy
giáo của những học sinh đã mất tích ở thế giới bên kia”.
Xét cho cùng, thầy Kang Min-kyu có lỗi gì đâu, thầy không phải là lái
phà, thầy cũng là nạn nhân thoát chết. Nhưng thầy tự tử vì cho rằng
mình đã không làm hết trách nhiệm.
Có lẽ đó cũng là lý do tại sao Hàn Quốc là một con rồng châu Á, một
quốc gia giàu có và thịnh vượng khiến cho thế giới phải nể trọng.
Việt Nam từng xảy ra các thảm họa như chìm đò ở sông Gianh, lật tàu
tốc hành ở TPHCM, sập cầu ở Cần Thơ, Chu Va, tai nạn giao thông làm trên
dưới 10.000 người chết mỗi năm, mới đây là dịch sởi và những biến chứng
do sởi đã làm chết trên 120 đứa trẻ. Hầu hết các vụ việc đều được giải
thích, lỗi do khách quan, lỗi do dân hoặc lỗi do báo chí… Có quá ít ai
đứng ra chịu trách nhiệm và xin từ chức, kể cả ở những cấp trực tiếp để
xảy ra các tai nạn, thảm hoạ.
Phát biểu “Tôi xin nhận trách nhiệm” phải đi liền với việc từ chức.
Còn quản lý, điều hành kém, để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, chỉ
nói “tôi xin nhận trách nhiệm” mà không từ chức hoặc đưa ra cam kết giải
quyết được tồn tại thì lời nói đó chẳng có ý nghĩa gì.
Dưới mắt của họ, chuyện chìm phà là không mấy nghiêm trọng và tội là
do nhóm lái tàu. Họ sẽ rất ngạc nhiên tại sao có “một tí” như vậy mà ông
Chung Hong-won phải từ chức!
Nếu nước mình có một quan chức dám đứng ra từ chức vì không hoàn
thành nhiệm vụ, vì một tai nạn xảy ra trong ngành của mình quản lý, có
lẽ đó là một anh hùng thực sự.
Trở lại chuyện của ông Chung Hong-won, ông đáng kính trọng không chỉ
vì dám từ bỏ chiếc ghế quyền lực, mà ông tỏ ra đau xót, thương dân của
ông. Ông thực sự thấy mình có lỗi, có tội với những nạn nhân.