Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Gặp gỡ những bạn người Khmer nạn nhân cộng sản


Ngôi chùa của người Khmer ở Philadenphia. Ảnh mang tính minh họa từ Inretnet
Ngôi chùa của người Khmer ở Philadenphia. Ảnh mang tính minh họa từ Inretnet

Sáng Chủ nhật 27 tháng Tư 2014, lúc đang đi lạc đường ở khu vực phía Nam thành phố Philadelphia, thì tôi gặp một anh bạn người gốc Á châu đang lo chăm sóc mảnh vườn ở trước nhà. Tôi bèn lên tiếng nhờ anh chỉ cho lối đi đến nhà thờ Tin Lành của người Việt trên đường Woodland và được anh đích thân lấy xe chở đến đúng địa điểm ngôi nhà thờ đó mà cách xa nhà anh đến cả một cây số. Trên đường đi, chúng tôi trao đổi chuyện trò với nhau và anh cho tôi biết anh là một người tỵ nạn gốc ở Cambodia đến Mỹ đã trên 30 năm nay. Anh bạn nói rõ thêm : “Vào năm 1975, lúc quân Khmer Đỏ tiến vào thủ đô Nam Vang, thì họ đã giết ngay cả cha mẹ và người anh trai của anh. Lúc đó ở vào tuổi 14, anh đã phải theo một gia đình bà con chạy trốn về miền quê. Và mãi đến năm 1979, khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ thì anh mới tìm cách thóat khỏi xứ sở và đi thóat được ra nước ngòai. Và rồi cuối cùng là đến định cư được tại thành phố Philadelphia này. Anh còn cho biết là kể từ ngày đó, chưa bao giờ anh trở về thăm lại Cambodia lần nào cả…”

Câu chuyện của anh bạn này làm cho tôi nhớ lại trường hợp của một anh bạn khác cùng ở tù chung với tôi tại trại Z30D ở Hàm Tân Phan Thiết hồi những năm 1992 – 94. Đó là anh Kim Hên người Khmer sinh sống tại Trà Vinh. Anh bị án tù chung thân sau vụ nổi dậy của người Khmer với cuộc xô xát đẫm máu với công an bộ đội cộng sản Việt nam ở địa phương vào năm 1977. Kim Hên người có dáng điệu thanh nhã như là một thầy giáo, nước da trắng trẻo, tính tình trầm lặng. Hồi ở trong trại tù vào năm 1993 anh vào độ tuổi 37 – 38, là người tù có nhân cách đàng hòang chũng chạc, được nhiều bạn tù quý trọng mà cả đến cán bộ trong trại cũng tỏ ra vị nể.
Sau khi được “bể án” đổi từ án chung thân xuống mức “án 20 năm”, thì vào năm 1994 Kim Hên được trả tự do – thành ra anh chỉ phải ở trong tù tất cả có 17 năm. Trước lúc xuất trại, Kim Hên tìm đến gặp tôi và hai chúng tôi có dịp chuyện trò tâm sự thật chân tình tâm đắc. Năm 2014 này, tức là đã 20 năm Kim Hên và tôi đã xa cách nhau và từ đó vì lý do tôi phải rời khỏi Việt nam, nên chúng tôi cũng không hề nhận được tin tức nào của nhau. Nay, tôi xin thuật lại một số điều anh bạn Kim Hên đã trao đổi với tôi vào năm 1994, nhân tiện cũng xin ghi thêm một số chuyện về các nạn nhân của Khmer Đỏ mà tôi có dịp gặp trên đất Mỹ.
I – Câu chuyện của Kim Hên người Khmer Krom ở Trà Vinh.
Để phân biệt với người Khmer ở bên chính quốc, thì người Khmer ở Cambodia gọi người Khmer sinh sống tại đồng bằng sông Mekong ở Việt nam là Khmer Krom cũng có nghĩa như ngày xưa nguời Việt mình gọi họ là người “Thủy Chân Lạp” – nghĩa là ở miệt có nhiều sông nước.
Về chuyện đời tư gia đình, Kim Hên cho tôi biết là trước khi bị bắt anh đã có người yêu và dự tính hai người sẽ đi tới hôn nhân để cùng chung sống với cảnh “ăn đời ở kiếp với nhau”. Nhưng sau khi bị bắt giam với án tù chung thân, thì anh đã nhắn tin cho người yêu biết đại khái như sau : “Xin đừng có đợi người tù với án chung thân này nữa. Mà hãy tìm cách lập gia đình với một người khác đi”. Và quả thật, ít năm sau, thì anh được tin là cô bạn ấy đã đi lấy chồng – điều này khiến anh an tâm và cam phận với cuộc sống cô lập đơn chiếc trong trại tù.
Sau khi chuyện trò tâm sự thân tình như thế, thì Kim Hên hỏi tôi : “Cháu sắp được trả tự do để về quê sinh sống với bà con trong gia đình thân tộc, vậy chú có lời khuyên nào để giúp cho cháu không?” Tôi bèn trả lời cho anh đại lược như sau : “Về chuyện chính trị, thì tôi chưa được hiểu nhiều về phong trào tranh đấu của người Khmer Krom của em, do đó tôi chưa thể có lời khuyên nào về mặt này cho em được. Vả nữa, tôi còn phải ở tù nhiều năm nữa, vì tôi mới ở tù có 4 năm, trong khi án tù của tôi thì đến 12 năm cơ. Chừng nào tôi được ra tù, chúng mình sẽ tìm gặp nhau để bàn thảo về chuyện này nha…”
Rồi sau đó, tôi nói tiếp : “ Nhưng vì là người đã lớn ở vào tuổi 60, tôi có thể thành thật khuyên em như thế này. Bây giờ được tự do, em phải bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới cho riêng bản thân mình. Nếu em không vào chùa đi tu, thì em sẽ phải có gia đình để có đôi vợ chồng chung sống với lũ con – bình thường như bao nhiêu bà con khác. Và để chuẩn bị chu đáo cho một cuộc sống gia đình êm ấm hạnh phúc, thì điều quan trọng nhất là em phải có một nghề nghiệp vững chắc để bảo đảm cung ứng được những nhu cầu thiết yếu của vợ con thân thiết của mình. Mà cho đến nay, em đã hy sinh quá nhiều cho tập thể cộng đồng người Khmer Krom của em ở Trà Vinh – đến nỗi không hề nghĩ đến tương lai cho bản thân mình. Như vậy, thì nay đã gần 40 tuổi rồi, em cần phải tự mình lo lắng cho chính bản thân mình đi chứ – kẻo muộn quá rồi đấy!”
Im lặng một lát, rồi Kim Hên mở lòng tâm sự với tôi, đại để với lời lẽ thật mộc mạc như sau : “ Cháu thật cảm ơn chú vì lời khuyên nhủ thực tế và cụ thể này. Trước đây, cháu cũng đã hỏi mấy bậc đàn anh cũng là tù nhân chính trị như chú, mà hầu hết họ đều rủ rê kêu gọi cháu tham gia tổ chúc này, tổ chức nọ cùng với họ. Cháu là người ở mãi đồng quê, miệt ruộng vườn với tòan người nông dân chất phác, vì thế mà cháu đâu có sự hiểu biết gì nhiều về sinh họat chính trị của người Kinh như các chú. Do vậy cháu chưa hề hứa hẹn với ai là mình sẽ tham gia họat động chính trị với một nhóm nào cả. Cháu nhận thấy chú thật là tế nhị, tinh tế khi nói rằng chú không thể có ý kiến gì về chuyện tham gia họat động chính trị sau này của cháu. Mà trái lại, chú chỉ khuyên cháu về chuyện chuẩn bị xây dựng cho gia đình riêng của cháu thôi – y hệt như là một bậc cha bác thường vẫn khuyên nhủ em cháu trong dòng họ vậy…”
Sau bữa đó không bao lâu, thì Kim Hên rời trại Hàm Tân vào giữa năm 1994. Và từ ngày đó, tôi không hề nhận được thông tin nào về anh ấy nữa.
II – Chuyện từ Cộng đồng người Khmer tại Long Beach California.
Theo một số bà con cho biết, thì phần đông người Khmer tỵ nạn trên đất Mỹ thì đều chọn định cư tại thành phố Long Beach gần kề với Los Angeles thuộc miền Nam California. Vào năm 2002, tôi có dịp được mời tham dự một Lễ Tết của cộng đồng người Khmer ở Long Beach. Đây là một lễ hội truyền thống thường được tổ chức vào tháng Tư mỗi năm, trong đó có mục đặc biệt là vảy nước trên người các tham dự viên – tương tự như ở Thái Lan. Năm đó, Lễ Hội diễn ra trong một công viên khá rộng rãi ở Long Beach và dịp này tôi vừa được chuyện trò với các thành viên của Cơ quan Xã hội nhằm phục vụ riêng cho người Khmer ở địa phương, vừa được tham dự một số tiết mục thật đáng chú ý trong ngày. Xin ghi lại vài điều như sau :
1 – Lễ Cầu siêu Tưởng niệm những bà con bị sát hại dưới thời cai trị của Khmer Đỏ.
Có đến cả chục nhà sư Phật giáo mặc áo vàng và hàng ngàn người Khmer nghiêm chỉnh đứng xung quanh một đống cát khá lớn với chiều cao cỡ 1 mét, chiều dài chừng vài chục mét. Sau lời cầu nguyện của các nhà sư, thì mọi người đốt nhang và lần lượt mang đến cắm trên đống cát tượng trưng cho nấm mộ của các nạn nhân lên đến gần 2 triệu người mà bị tàn sát trong thời gian trên 4 năm dưới chế độ tàn bạo của Khmer Đỏ.
2 – Mọi thành viên trong Trung tâm Xã hội thì đều có thân nhân ruột thịt như cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cháu bị sát hại.
Cô Phượng là một cán sự xã hội người Việt duy nhất làm việc ở cơ sở xã hội này, thì cô cho biết là : “Không một người Khmer nào ở Trung tâm này mà lại không có người thân thiết ruột thịt trong gia đình bị giết hại vào thời kỳ Khmer Đỏ cai trị. Và hiện hầu hết các nhân viên này đều đi bước nữa bằng cách cưới vợ cưới chồng với người cũng đã bị mất người phối ngẫu trong cuộc Đại Khủng Bố đó !”
III – Chúng ta người Khmer cũng như người Việt mà phải đến tỵ nạn trên đất Mỹ này, thì tất cả đều là những nạn nhân của sự tàn bạo do người cộng sản gây ra cả.
Trở lại với câu chuyện trao đổi với anh người Khmer có lòng tốt chở tôi đến nhà thờ Tin lành như đã ghi trên đây, thì anh bị quân Khmer Đỏ sát hại cả cha lẫn mẹ ngay sau khi họ chiếm được thủ đô Phnom Penh vào giữa tháng tư 1975. Khi nghe anh thuật lại như vậy, thì tôi đã trả lới anh rằng : “ Cả anh và tôi, chúng ta đều là nạn nhân của cộng sản cả. Cha tôi bị cộng sản bắt giữ vào năm 1948 lúc tôi mới có 14 tuổi (giống như anh vào năm 1975) và gia đình chúng tôi không hề bao giờ được thấy ông cụ kể từ sau ngày bị bắt đi nữa. Có điều là so với anh, thì tôi bớt đau khổ hơn vì mẹ của tôi đã không bị giết như trường hợp của mẹ anh. Nhưng dầu sao, thì anh và tôi cũng đều bị đau khổ vì sự mất mát cha mẹ lúc còn trẻ tuổi như thế…!”
Bữa nay là ngày 28 tháng Tư 2014, tôi xin ghi lại câu chuyện trên đây nhằm đóng góp vào dịp Tưởng niệm hàng mấy triệu bà con người Việt cũng như người Khmer mà bị sát hại bởi bàn tay tàn bạo sắt máu của người cộng sản suốt trong mấy chục năm qua. Với lời nguyện ước rằng con cháu chúng ta sẽ không bao giờ phải trải qua những sự đau đớn thống khổ tột độ đến như vậy nữa./
Tại thành phố New York, ngày 28 tháng Tư 2014

© Đoàn Thanh Liêm
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"