Người Buôn Gió
Buổi kinh cầu nay dài thêm mấy nữa
Tiếng Di Dà lay động được rèm thưa
Tuần nhang hết tuần nhang sau tiếp nối
Hương khói nhạt nhoà, dáng Phật vẫn trầm tư.
Tiếng Di Dà lay động được rèm thưa
Tuần nhang hết tuần nhang sau tiếp nối
Hương khói nhạt nhoà, dáng Phật vẫn trầm tư.
Thời gian ơi, xin đi như giấc mơ
Cho thơ con viết thôi dứt màu nhung nhớ
Rồi hôm nao, hạn trời con qua hết
Mẹ xem kìa
Tượng Ngọc
Sáng hào quang.
Cho thơ con viết thôi dứt màu nhung nhớ
Rồi hôm nao, hạn trời con qua hết
Mẹ xem kìa
Tượng Ngọc
Sáng hào quang.
Đây là đoạn cuối một bài thơ tôi viết vào tháng 4 năm 1995, gửi cho
mẹ tôi. Thấm thoắt đã gần 20 năm. Tôi nhớ khi bài thơ viết xong, anh bạn
tù tên Toàn vốn là hoạ sĩ, bị kết án vì tội làm giả giấy tờ, anh Toàn
xem bài thơ rồi lặng ngắt người một hồi mới nói:
- Không biết bao giờ anh em mình qua hết hạn này.
Trong bài thơ tôi hình dung mẹ mình ngồi trên điện Phật tụng kinh
liên miên để cầu nguyện cho tôi được bình an. Tôi gửi về cho mẹ, chị tôi
vào thăm nói mẹ đọc thơ khóc nhiều lắm, thôi mày đừng viết nữa. Nhiều
năm sau tôi về, có lần lục tìm giấy khai sinh để đi xin việc, tôi thấy
bài thơ của mình được giữ trong cái tủ con con của mẹ. Cái tủ mà mẹ dùng
đựng sách kinh Phật.
Năm 2009 cục điều tra an ninh A92 đưa tôi về căn nhà mà tôi đã sinh
ra để khám xét. Tôi bình thản, không nói gì, chỉ lặng lẽ cởi thắt lưng,
thay đôi giày buộc dây bằng đôi giày không dây, bỏ lại chìa khoá, ví
tiền. Chỉ cầm theo ảnh Tí Hớn cỡ 4x6. Lúc đó người ta chưa nói tôi sẽ bị
bắt. Nhưng những thứ tôi bỏ lại là những thứ trại giam cấm mang vào.
Người chỉ huy cao tuổi của nhóm khám xét quan sát thái độ tôi và lắc
đầu, không biết anh ta nghĩ gì.
Cuộc khám xét đến khu điện thờ Phật của mẹ. Tôi nói với người chỉ huy:
- Em nghĩ anh không nên khám xét chỗ này, đời em làm gì cũng dám làm, nhưng chưa bao giờ em động đến chỗ này.
Người chỉ huy già lặng lẽ khoát tay xua các an ninh xuống khói điện
thờ Phật. Ông ta bước tới ban thờ lấy ba nén nhang châm rồi cắm vào bát
hương, chắp tay vái ba cái rồi bảo tôi đi xuống.
Khi ông ta đọc lệnh bắt, người an ninh trẻ lấy ra cái còng mới toanh. Tôi hỏi:
- Không có còng cũ à?
Anh ta lắc đầu.
- Không anh ạ, có còng mới thôi.
Tôi nói.
- Còng mới sắc cạnh, cậu đừng xiết chặt quá nó cứa vào tay anh.
Anh ta gật đầu, chúng tôi trao đổi về cái còng bằng thái độ và âm
điệu như bàn về cái gì đó bình thường trong cuộc sống. Người chỉ huy lần
nữa khoát tay.
- Thôi, cất còng đi, không cần thiết đâu.
Phải nói đời tôi dây dưa đến nhà tù nhiều, bạn bè, người thân, hàng
xóm... và cả bản thân mình. Có những tháng năm tôi mở công ty làm quảng
cáo, tưởng như êm đềm. Thế nhưng có những đêm đột ngột điện thoại gọi
đến, buộc lòng phải dậy dắt đồ vào người đi trong đêm. Lúc đi trong lòng
chán ngắt vô cùng, một là người ta chém mình, hai là mình chém được
người ta. Mà người ta chém mình thì mình chết hay bị thương, mình chém
được người ta thì trốn tránh hoặc tù đày. Biết là thế nhưng vẫn phải đi,
sợ thì chẳng sợ nhưng trong lòng chán ngắt. Chính sự chán ngắt đó khiến
cho con người tôi lạnh và điềm tĩnh mỗi khi phải xung đột khắc nghiệt.
Đôi khi sự chán chường lại đem lại tỉnh táo.
Làm quảng cáo có chút tiền nhưng hay phải đi xa, tôi quay sang làm nghề cầm đồ, bóng đá.
Lúc Tí Hớn 3 tuổi, một đêm mưa tôi mở cửa đợi con ong mẹ về cái tổ nó
làm trên trần nhà tôi. Cả đêm mưa gió bão bùng, sáng hôm sau con ong mẹ
không về. Đêm ấy tôi viết bài Con Ong, thằng bé và cơn mưa, bài viết
được đăng trên báo SGTT. Tôi mang súng, kiếm ra sông thả. Mọi khoản
người ta nợ tôi, tôi quyết định quên đi. Còn những khoản tôi nợ ai, tôi
bán đồ trả. Vợ tôi đang đi chiếc xe Dylan 150, tôi nói em đi làm bằng xe
ôm, anh lấy xe bán trả nợ. Vợ tôi để giấy tờ, chìa khoá rồi ra đường
gọi xe ôm đi, chẳng nói một lời. Phải đến một tháng sau tôi mới mua lại
cho vợ chiếc xe Drem cà tàng để vợ tôi đi làm, đón con.
Tôi giã từ giang hồ bằng cách dứt khoát bỏ sạch. Thậm chí sau này có
người mang tiền trả, tôi lắc đầu không nhận. Tôi nói tôi dứt điểm không
dây dưa nữa. Mình nhận lại tiền, rồi lúc khác nó khó khăn nó lại đến
mình, cứ dây dưa mãi thế biết bao giờ. Những người có qua lại làm ăn với
tôi thời đó sau này người đi tù, người bị bắn chết, người bán nhà đi
lang thang, người gia đình tan nát.
Còn tôi đi làm thuê cho một công ty quảng cáo, chịu trách nhiệm tổ chức thi công sản xuất.
Cứ tưởng là dứt khỏi những chuyện cửa quan, tù đày, ly biệt. Mối dây
dưa duy nhất là thỉnh thoảng tôi có tiền cho vợ con bạn bè cũ một vài
triệu khi họ ở trong tù.
Thế rồi loanh quanh, bỗng nhiên một ngày tôi trở thành đối tượng xâm
phạm an ninh quốc gia, chỉ vì dăm ba bài viết trên mạng và vài lần đi
xem biểu tình. Bóng dáng công quyền, nhà tù lần này còn khủng khiếp và
ráo riết hơn những lần tôi làm xã hội đen. Cũng như những lần khác, lần
này tôi cũng không sợ. Vì sự chán chường ngập trong tôi, nhưng cái khác
biệt là sự chán chường này là từ một xã hội đầy rẫy những bất công,
những điều thối nát mà tôi mới thấy. Từ một thế giới đáy cùng xã hội đầy
đen tối, tôi bỏ hết tài sản bước ra để rồi lại thấy một xã hội lớn còn
kinh khủng hơn. Những tay maphia đội lốt doanh nghiệp, quan chức còn thủ
đoạn tàn nhẫn hơn cả những tay anh chị của cái xã hội đen mà tôi đã
sống trước đó.
Cái xã hội đen trước kia có thể huỷ hoại cuộc đời tôi. Nhưng cái xã
hội lớn này nó huỷ hoại cả đời con tôi, ở đó có thực phẩm độc hại, ô
nhiễm môi trường, gian manh và trí trá. Trước tôi vì mình dấn thân vào
xã hội đen, tự tôi chọn, không ai rủ rê hoặc xúi giục. Nay tôi làm những
điều ở xã hội này vì con mình, tuyệt không có ai xúi giục hay kích
động.
Số phận tôi bỗng có một bước ngoặt, tôi được đi học ở nước Đức.
Trong thư mời người Đức ghi rõ vì trân trọng khả năng báo chí và văn
chương của tôi họ mời tôi đến Đức để sống một thời gian sáng tác và học
hỏi thêm xã hội Đức. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có tài năng về văn
chương hay báo chí. Những thứ tri thức cao xa mà cần phải có đào tạo cơ
bản mới có được.
Tôi đi chẳng phải để khẳng định mình có tài năng về văn chương, báo
chí. Tôi đi để mẹ tôi và vợ con tôi không phải thấp thỏm khi thấy đêm
tôi không về. Tôi đi để mẹ tôi có quãng thời gian ngắn ngủi được yên
lòng, thảnh thưởng thức mùi nhang trên điện Phật để phân biệt nhang của
hàng nào thơm hơn hàng nào.
Ở đây tôi sẽ không thấy mẹ tôi lo buồn vì tôi phải vào tù. Thế nhưng
ở đây tôi lại gặp một bà mẹ Việt Nam khác đang lang thang từ đất nước
này sang đất nước khác để kêu cứu cho con gái mình đang bị tù đày. Đó là
bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của nữ tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh. Là đàn ông, ở
tuổi Hạnh tôi đi tù vì mưu lợi cho mình. Còn Đỗ Thị Minh Hạnh thì đi tù
vì cô lo cho xã hội, cho giai cấp công nhân mà có thấy tận mắt những
bất công mà họ phải gánh chịu.
Người ta tha phương khất thực đã là điều đau đớn, bà Minh tha phương
để khất tự do cho con gái mình. Một cô gái trẻ trong trắng và hồn nhiên
với tầm lòng nhân hậu. Với những gì trải qua trong đời, tôi ứa nước mắt
nhìn một bà mẹ tha hương nay đây mai đó để gõ cửa từng ngõ ngách mong
tìm kiếm sự bênh vực, bảo vệ cho con gái của mình.
Tôi thấy những đứa con đi đòi tự do, công lý cho mẹ. Giờ thì tôi lại thấy mẹ đi tìm công lý, tự do cho con.
Khi mà một cô gái vì bênh vực công nhân, gây mâu thuẫn quyền lợi với
chính quyền, mà bị kết án tù gấp 2 lần án tù của một công an "làm chết
người" thì khó mà nói pháp luật chính quyền ấy có tình, có lý.
Đỗ Thị Minh Hạnh hiện đang bị giam giữ cách xa nhà hàng ngàn cây số,
cô bị bệnh nặng. Đường sá xa xôi khiến sự chăm nom của gia đình khó
khăn, trắc trở.
Tôi tự hỏi những người đang nắm giữ số phận của Đỗ Thị Minh Hạnh, họ có mẹ và con hay không?
Nếu họ thương mẹ và thương con họ, chắc giờ này họ hiểu nên làm gì để giữ được chút phúc phận cho đời sau.