Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Đến đại học Sư Phạm Hà Nội chuyển thư tới ông hiệu trưởng về "vụ Nhã Thuyên"

Nguyễn Xuân Diện
6.jpg
Tường trình của Nguyễn Xuân Diện:
ĐẾN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ĐỂ ĐƯA THƯ CHO HIỆU TRƯỞNG PHẢN ĐỐI VỤ TƯỚC BẰNG CỦA CÔ ĐỖ THỊ THOAN (NHÃ THUYÊN)
Chiều nay, vào hồi 14h40 đoàn chúng tôi do Nhà giáo Phạm Toàn dẫn đầu đã đến Đại học Sư phạm Hà Nội để chuyển tới ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường này văn thư của 166 người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và văn thư của 100 người là "những người quan tâm về giáo dục Việt Nam", chủ yếu là các học giả quốc tế gốc Việt trên khắp thế giới để phản đối xung quanh "vụ Nhã Thuyên". Văn thư của 166 người trong nước là "Bản Phản đối và Yêu cầu", nêu rõ:
1. Phản đối và yêu cầu Ông hủy Quyết định số 667/QĐ-ĐHSPHN ngày 11 tháng Ba năm 2014 và Quyết định số 708/QĐ-ĐHSPHN ngày 14 tháng Ba năm 2014, do trường Đại học Sư phạm Hà Nội ban hành, về việc không công nhận luận văn và thu hồi bằng Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan,

2. Yêu cầu Ông minh bạch hóa toàn bộ quá trình đi đến hai quyết định nêu trên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trên tinh thần tuân thủ các quy định có hiệu lực pháp lý.
3. Trên cơ sở pháp lý và trên chuẩn mực và thông lệ học thuật, việc thẩm định Luận văn Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa đã xâm phạm thẩm quyền và quyền lợi của Hội đồng Đánh giá luận văn, của Người Hướng dẫn và Tác giả luận văn, bởi họ không hề được biết và không hề được tham gia vào quá trình thẩm định.
Yêu cầu Ông tôn trọng thẩm quyền khoa học và danh dự khoa học của Hội đồng Đánh giá luận văn, của Người Hướng dẫn luận văn và Tác giả luận văn khi có bất kỳ hành động hay quyết định nào liên quan đến Luận văn. Họ phải được tham gia vào mọi hoạt động và quyết định liên quan đến Luận văn, đúng như các quyền mà họ được hưởng theo quy định.
Đoàn gồm: Nhà giáo Phạm Toàn, TS. Đặng Thị Hảo, TS. Nguyễn Xuân Diện, HS Mai Xuân Dũng và Luật gia Nguyễn Kim Môn.
Sau khi đăng ký thủ tục vào làm việc tại thường trực, chúng tôi được Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính của Trường đón tiếp tại phòng làm việc.
Mở đầu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện giới thiệu họ tên, học vị và nơi công tác, đồng thời giới thiệu trưởng đoàn là Nhà giáo Phạm Toàn, các thành viên trong đoàn và nguyện vọng muốn gặp ông Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh trong 5 phút để chuyển bức thư của 166 vị học giả và nhà sư phạm trong nước, 100 vị là "những người quan tâm về giáo dục Việt Nam" chủ yếu là các học giả quốc tế gốc Việt xung quanh "vụ Nhã Thuyên".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiền cho biết hiện tại, buổi chiều, ông hiệu trưởng đang có cuộc họp (buổi sáng chúng tôi đã gọi điện cho ông hiệu trưởng, ông cho biết đang họp, xin liên hệ với văn phòng của trường). TS. Hiền muốn ghi tên của mọi người để vào sổ đăng ký gặp và sẽ xếp lịch ông Hiệu trưởng tiếp, nhưng không thể vào buổi chiều nay được.
Nhà giáo Phạm Toàn cảm ơn TS Hiền và nói đoàn được sự ủy nhiệm của các học giả, nhà giáo, nhà quản lý trong và ngoài nước gồm 266 người muốn chuyển tới ông Hiệu trưởng 2 văn thư xung quanh vụ việc cô giáo Đỗ Thị Thoan, tức Nhã Thuyên bị tước bằng một cách khó hiểu.
TS. Nguyễn Văn Hiền nhận 02 văn bản, trên mỗi trang đều có chữ ký của Nhà giáo Phạm Toàn hoặc TS. Nguyễn Xuân Diện và làm giấy biên nhận, nội dung xem ảnh kèm theo và trao lại cho chúng tôi bản photocopy giấy biên nhận.
cci04282014_0000.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiền gọi một nhân viên của trường vào phòng tiếp để chụp hình kỷ niệm cả đoàn chúng tôi. Chúng tôi cũng chụp hình kỷ niệm cuộc thăm gặp này.
Sau khi giao và nhận xong xuôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiền ân cần và nhã nhặn tiễn chúng tôi ra tận sảnh lớn, và nói rằng, với Tiến sĩ thì Nhà giáo Phạm Toàn là người mà ông đã từng quen biết từ lâu.
Như vậy, chúng tôi đã hoàn thành việc thay mặt các giáo sư, học giả, nhà sư phạm, nhà quản lý từ khắp nơi trên thế giới gồm 266 người ký tên qua thư điện tử chuyển tới PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội xung quanh vụ tước bằng thạc sĩ của cô giáo Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên), và "cho" PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bình là người hướng dẫn luận văn cho cô Thoan về hưu trước thời hạn đến 5 năm.
Một số hình ảnh tại cuộc gặp chiều nay:

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"