Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Hội Phụ nữ Nhân quyền VN kêu gọi chính quyên thả Đỗ Thị Minh Hạnh, Tạ Phong Tần và Hồ Thị Bích Khương

Bị Hoa Kỳ áp lực về hồ sơ Nhân quyền trong tình cảnh nền kinh tế đang lao dốc chưa có điểm dừng, mà Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương còn chưa nằm trong tầm với của Việt Nam, chính quyền độc tài đã cân nhắc trả tự do trước thời hạn cho năm tù nhân lương tâm nổi tiếng: Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Vi Đức Hồi, Đinh Đăng Định và Nguyễn Hữu Cầu.
Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam khẳng định lập trường không tin tưởng vào thiện chí cải cách của chính quyền cộng sản Việt Nam trong động thái thả tù nhân chính trị gần đây. Động thái này, một mặt rất đáng quan tâm, nhưng mặt khác cũng “lợi bất cập hại”. Hồ sơ Nhân quyền Việt Nam sẽ vì thế mà nguội xuống trong một thời gian nhất định đối với chính giới phương Tây và các tổ chức NGO quốc tế bảo vệ Nhân quyền, và khiến chính quyền Việt Nam đạt được những giúp đỡ hữu ích để họ tiếp tục áp đặt ách cai trị độc đoán lên hơn 90 triệu người Việt Nam.

Hàng trăm tù nhân lương tâm của chúng ta hiện vẫn bị giam giữ trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, nhiều người trong số họ đã mắc bệnh và thậm chí là những căn bệnh hiểm nghèo như trường hợp cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Đó là động lực lương tâm khiến chúng ta phải tiếp tục những nỗ lực vận động bất chấp đảng phái, để chính quyền Việt Nam thả càng nhiều tù nhân lương tâm và càng sớm càng tốt.
Đặc biệt đáng chú ý, trong 5 tù nhân chính trị được trả tự do gần đây, không có một phụ nữ nào. Và có căn cứ để xác định rằng những nữ tù nhân lương tâm của chúng ta như Đỗ Thị Minh Hạnh, Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương đang phải chịu bách hại và đau khổ hơn nhiều vì thái độ cứng rắn của họ. Tại sao phụ nữ, đặc biệt là những người đang bệnh tật không được ưu tiên trả tự do trước vì nhu cầu chữa bệnh cũng như những nhu cầu mang tính nhân bản, tế nhị khác?
Chị Tạ Phong Tần và cô Đỗ Thị Minh Hạnh là những người phụ nữ còn độc thân; những năm tháng tù đày đã cướp đi tuổi xuân và cơ hội lập gia đình của họ. Chị Hồ Thị Bích Khương thì đang có con trong tuổi vị thành niên thiếu sự chăm sóc và hướng dẫn của cả cha và mẹ (vì chồng chị đã mất). Vì vị trí không thể thay thế của người phụ nữ trong xã hội và gia đình, chúng ta phải ưu tiên kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam, chính giới quốc tế và các tổ chức NGO dành sự quan tâm đặc biệt cho ba người phụ nữ này.
Chúng tôi xác quyết rằng: chừng nào phụ nữ còn bị đàn áp và tù đày vì những hoạt động cho Nhân quyền và vì họ yêu cầu có được quyền dân sự và chính trị để can dự vào sinh hoạt chính trị-xã hội của quốc gia như trường hợp chị Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, và chừng nào những người vợ của các tù nhân lương tâm phải xao nhãng việc chăm sóc con cái vì bận thăm nuôi chồng, cha và anh em trai của mình trong tù, thì mọi tuyên bố của chính quyền Việt Nam về Nữ quyền đều vô nghĩa.
Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam kịch liệt phản đối hành vi giả tạo của chính quyền Việt Nam: một mặt trao trả tự do cho một vài tù nhân lương tâm, một mặt tiếp tục sách nhiễu và bắt giữ nhiều nhà hoạt động Nhân quyền khác. Đó không phải là sự cải thiện về Nhân quyền mà là sự đổi chác phi nhân trên cuộc sống và tự do của người dân Việt Nam.
Vì lương tâm và công lý, chúng ta phải tiếp tục vận động trong và ngoài nước để áp lực chính quyền Việt Nam thả hết tù nhân lương tâm, đặc biệt là phụ nữ.
Ngày 28 tháng 4 năm 2014
Ban điều hành Hội PNNQVN

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"