Jaime Fuller
Huỳnh Phan chuyển ngữ
Huỳnh Phan chuyển ngữ
Chuyến đi của Obama đến châu Á khởi hành hôm nay. Ông sẽ đi cho đến
ngày 29 tháng 4. Dưới đây là bốn yếu tố sẽ định hình tất cả các nhận
xét và thảo luận của ông, cũng như mối quan hệ tiếp tục giữa Hoa Kì và
châu Á.
1. Xoay trục về châu Á là một ưu tiên tiêu biểu của chính quyền Obama.
Ngoại trưởng Mĩ Hillary Rodham Clinton đã viết một bài báo cho tạp
chí Foreign Policy (Chính sách đối ngoại) trong năm 2011 với tựa đề "Thế
kỉ Thái Bình Dương của Mĩ." Câu đầu tiên là "Khi cuộc chiến ở Iraq
đang dần đi tới chỗ kết thúc và Mĩ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan,
Hoa Kì đang đứng ở một điểm xoay (pivot point)." Câu cuối cùng của
bài báo cũng đề cập đến xoay trục (pivoting). Chuyến đi đầu tiên của bà
Clinton với tư cách Ngoại trưởng Mĩ là đến châu Á. Năm đó Obama có tham
dự một số hội nghị ở châu Á và về cơ bản cũng nói cùng một thứ, dù ông
chưa bao giờ nói tới từ xoay trục.
Ông Obama nói “Không chút nghi ngờ nào: Hoa Kì dốc hết sức vào châu Á -Thái Bình Dương trong thế kỷ 21.”
Tuy nhiên, tất cả tin tức về chuyến đi đều đề cập đến xoay trục. Nào là "Mĩ xoay trục sang châu Á". Nào là "Obama xoay trục sang châu Á đặt cách tiếp cận của Mĩ đối với Trung Quốc lên lộ trình mới." Nào là "Obama kết thúc hội nghị thượng đỉnh đáng lưu ý được tiến hành với 'Xoay trục' sang châu Á." Nào là "Mĩ đạt đến một điểm xoay ở châu Á."
Gác ngữ nghĩa sang một bên thì xoay trục là có nghĩa lí. Chiến dịch
tranh cử của ông Obama đã được mở đầu với việc thoát khỏi cuộc chiến
tranh Trung Đông. Thủ hõi cách nào tốt hơn để làm điều đó bằng việc chọn
ra một chính sách đối ngoại mới sáng chói?
Rõ ràng, chính sách đối ngoại khác liên quan tới Syria, Ukraina và
Trung Đông đã làm phức tạp tầm nhìn này - vì có tranh chấp với Quốc hội.
Chuyến đi trong tuần này đáng lẽ đã xảy ra hai lần trước đây. Cả hai
lần Obama rốt cuộc đều phải hủy bỏ vào phút cuối, chuyến gần đây nhất vì
đóng cửa chính phủ.
Kế hoạch của Mĩ cho một sự hiện diện tăng thêm ở châu Á sẽ không lớn
như hình dung ban đầu hồi năm 2011, nhưng ba năm xen giữa đã cho tất cả
các bên thời gian để nghiền ngẫm về việc xoay trục hoạch định lâu ngày
này nên có nghĩa là gì. Chuyến đi này có thể sẽ không đem tới bất kì
thay đổi ngay lập tức nào, nhưng Obama có thể sẽ đào sâu vào việc hợp
tác với Nhật Bản và Philippines cần có nghĩa là gì trong thế kỉ 21, về
kinh tế và về an ninh. Nói cách khác, làm rõ ra chứ không phải là vạch
ra các kế hoạch mới.
Đối với chuyến đi này, nỗ lực mới cho xoay trục sẽ tập trung vào hai
chính sách đặc biệt – hoàn tất Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương
(TTP), một hiệp định thương mại tự do 12 nước đã được bàn thảo 5 năm
qua, và một thỏa thuận với Philippines cho phép tàu và máy bay Mĩ sử
dụng các căn cứ ở đó nhiều hơn so với thời kì từ năm 1992. Năm 1991,
nước này yêu cầu Mĩ rời khỏi căn cứ không quân Clark và các cơ sở hải
quân ở vịnh Subic. Quân đội Mĩ không có kế hoạch thiết lập lại căn cứ
thường xuyên nữa; chỉ tổ chức triển khai luân phiên và dự trữ nguồn cung
cấp cho trường hợp có thảm họa - một kế hoạch tương tự với kế hoạch mới
lập gần đây với Úc.
Obama cũng sẽ nói chuyện với Nhật Bản về kế hoạch chỉnh đốn quân đội
của họ. Quyết định quốc tế đưa ra vào cuối Chiến tranh Thế giới II chỉ
cho phép Nhật Bản có một quân đội nhỏ, nhưng thủ tướng bảo thủ mới của
nước này, Shinzo Abe, đã đưa việc hồi sinh quốc phòng và lực lượng vũ
trang của Nhật Bản thành một ưu tiên. Mĩ có thể thấy vai trò đang thay
đổi của Nhật trong khu vực - và những căng thẳng ngày càng tăng giữa
Nhật Bản và Trung Quốc – như là một khía cạnh quan trọng trong bất kì sự
thay đổi vai trò của Mĩ ở đó. Chuyến đi của ông Obama đến Tokyo trong
năm 2009 là chuyến đi của tổng thống đầu tiên đến Nhật Bản tính từ năm
1996.
Các cuộc thương lượng TPP đang nhộn nhịp hơn một chút, nhất là ở nhà.
Nhiều đảng viên Dân chủ đang lo lắng về thoả thuận này, đặc biệt là khi
cuộc bầu cử giữa nhiệm kì đến gần. Châu Á cũng đang lo lắng về cách mà
hiệp ước quốc tế này ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp và công nghiệp xe
hơi như thế nào.
Chuyến đi của ông Obama sẽ đưa ông tới Nhật Bản, Malaysia (tổng thống
đầu tiên đến thăm nước này tính từ L. B. Johnson), Hàn Quốc và
Philippines. Obama cũng đang có kế hoạch viếng lại khu vực này để tham
dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm mà ông không dự được năm ngoái.
Việc nói về tính khả thi của xoay trục sang châu Á là một trong số những môn thể thao yêu thích của Washington gần đây.
Victor Cha, cựu quan chức thời chính quyền George W. Bush, một cố vấn
cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, mới đây nói
rằng trong chuyến đi của Obama, "Người ta sẽ không nói ra ở chỗ lịch sự, nhưng trong phòng kín tôi nghĩ rằng họ sẽ công khai hỏi xoay trục ở đâu."
Hồi tháng 3, một quan chức Lầu Năm Góc đã phải nhanh chóng rút lại lời nói sau khi phát biểu rằng: "Ngay bây giờ, việc xoay trục đang được xem xét lại, bởi vì thẳng thắn mà nói nó không thể xảy ra, vì các quan ngại ngân sách.” Gideon Rachman thuộc tờ Financial Times đã viết về trục, "Toàn
bộ những rủi ro trong thực hiện trông giống như sự đảo ngược lời khuyên
nổi tiếng của Theodore Roosevelt 'nói khẽ nhưng cầm một cây gậy to.'
Trục đã tạo ra đầy rẫy lời ồn ào- nhưng cây gậy xem ra khá nhỏ".
Dân biểu đảng Cộng hòa bang Virginia Randy Forbes nói với Politico, "Việc
chuyển sang châu Á - Thái Bình Dương sẽ xảy ra. Câu hỏi đặt ra là liệu
chúng ta đã sẵn sàng chưa, liệu chúng ta có chuẩn bị cho nó chưa. Cái
lệch lạc cho họ là cắt đi tất cả các nguồn lực nên họ không thể thực
hiện sự chuyển trục đó."
Vâng, nếu trục không thể xảy ra trên thực tế, chẳng phải lo lắng! Dù
thế nào thì bây giờ Chính quyền Obama cũng đang làm về tái cân bằng ở
châu Á - như họ đã luôn làm vậy. Hillary Clinton tạo ra "trục". Còn ngay
từ đầu, Obama lại thích tái cân bằng hơn.
2. Trung Quốc!
Lơ lửng trong bối cảnh của toàn bộ chuyến đi của ông Obama sẽ là
những lo ngại về Trung Quốc. Như Andrew Kennedy, một giáo sư về chính
sách công tại Đại học Quốc gia Úc, nói với tờ The Washington Post hồi
đầu tuần này, "Trong khi 10 năm trước, Mĩ thường được xem là cường
quốc hung hăng hơn, ngày nay chính Trung Quốc là nước làm nhiều người lo
lắng. Điều đó đã tạo ra cơ hội cho người Mĩ tăng cường mối quan hệ với
một loạt các nước ở châu Á."
Như Geoff Dyer như đã viết trong Thời báo Tài chính tháng 2:
Trong 20 năm qua Trung Quốc đã trải qua một cuộc tăng cường quân đội nhanh chóng, và hải quân đã được trao cho vị trí quan trọng nhất. Quan trọng hơn, Trung Quốc đã đầu tư cho hải quân theo cách rất cụ thể. Các chiến lược gia Mĩ đôi khi nói về một "phản - hải quân (anti-navy)" Trung Quốc - một loạt các tàu chiến, tàu ngầm không ồn và tên lửa chính xác, một số trên đất liền, một số trên biển, được thiết kế đặc biệt để giữ cho hải quân đối địch càng xa đại lục càng tốt. Ý nghĩa của kế hoạch đầu tư là Trung Quốc đang cố ngăn chặn hải quân Mĩ hoạt động trong các khu vực rộng lớn của tây Thái Bình Dương. Theo Dennis Blair, cựu chỉ huy Thái Bình Dương từng đứng đầu cơ quan tình báo Mĩ trong chính quyền Obama lúc đầu: "Chín mươi phần trăm thời gian của họ là dành cho việc suy nghĩ về những cách thức mới và thú vị để đánh chìm tàu và bắn hạ máy bay của chúng ta."
Hải quân mới của Trung Quốc vừa là một biểu hiện của sức mạnh vừa là một phương tiện cho mục đích ngoại giao. Bằng cách làm yếu đi sự hiện diện hải quân Mĩ ở tây Thái Bình Dương, Trung Quốc hi vọng dần dần làm suy yếu liên minh của Mĩ với các nước châu Á, nhất là Hàn Quốc, Philippines và thậm chí có thể Nhật Bản. Nếu ảnh hưởng của Mĩ giảm, Trung Quốc sẽ ở trong tư thế lặng lẽ nắm lấy vị trí lãnh đạo ở châu Á, tạo cho họ ảnh hưởng lớn hơn đối với các luật lệ và tập quán trong kinh tế toàn cầu. Thông qua hải quân, Trung Quốc hi vọng sẽ định hình lại cán cân quyền lực ở châu Á. Sự cạnh tranh hải quân ở tây Thái Bình Dương sẽ định ra giọng điệu cho một phần lớn chính trị toàn cầu trong những thập kỉ tới.
Hoa Kì và Trung Quốc đang cố tiếp tục thử thân thiện nhau một lúc,
nhưng các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc và va chạm thương mại, cùng
với những thứ khác, sẽ nhanh chóng làm tiêu tan sự phát triển đó. Tuy
nhiên, Hoa Kì và Trung Quốc cũng không thể cắt đứt quan hệ hoàn toàn,
với tình hình thương mại giữa hai nước lên tới hàng trăm tỉ đô la. Tái
cân bằng ở châu Á có thể là ý định của Obama, nhưng cân bằng mối quan hệ
hiện có, dù mong manh, cũng sẽ rất quan trọng.
Tất cả bốn quốc gia mà Obama sẽ nói chuyện với họ tuần này đều muốn
biết mối quan hệ của họ với Hoa Kì sẽ giúp họ đối với Trung Quốc như thế
nào. Hoa Kì cũng sẽ muốn biết mối quan hệ của họ với các quốc gia này
sẽ giúp họ đối với cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới như thế
nào.
Đặc biệt Nhật Bản cũng muốn biết làm thế nào để kết thúc trò chơi
"military chicken" (trò chơi mà nếu một bên không ‘nhát gan’ [chicken]
né tránh thì hai bên đều bị thiệt hại nặng/tiêu diệt - ND) mà họ đang
chơi trên quần đảo mà cả hai nước đều đòi chủ quyền ở biển Hoa Đông. Bộ
trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã trách Trung Quốc cố tìm cách kiểm soát
quần đảo này và đã hứa hẹn hai tàu khu trục phòng thủ tên lửa đạn đạo
cho Nhật vào năm 2017. Mĩ hiện có khoảng 38 000 quân tại Nhật Bản. Một
số quốc gia khác mà Obama sẽ đến thăm đều lo lắng liệu "đường vạch đỏ",
mà sau này tan đi ở Syria, cũng sẽ làm hại về an ninh của họ đối với
Trung Quốc hay không.
Tuy nhiên, Hoa Kì cũng không muốn làm Trung Quốc quá điên tiết. Như tờ Foreign Policy nêu, "Nếu
Trung Quốc và Hoa Kì mong tránh sự đối địch ngày càng lớn như rất
thường đi kèm khi một cường quốc đang thống trị và một cường quốc đang
nổi lên tác động lẫn nhau, thì nỗ lực này là cần thiết. Một sự kết hợp
đúng đắn giữa cam kết và quyết tâm chiến lược có thể cứu vãn quan hệ Mĩ -
Trung khỏi vòng xoắn ốc của sự thiếu tin cậy đặc trưng cho mối quan hệ
Mĩ - Nga hiện nay - và bảo vệ tránh những mối nguy hiểm lớn hơn có thể
dẫn đến."
Về mục đích các cuộc đàm phán ngoại giao của Hoa Kì, chính quyền
Obama có thể rất hân hoan về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, hiệp
ước này sẽ cho đất nước một lợi thế kinh tế trong khu vực mà Trung Quốc
đã ở vị trí tối cao.
3. Bắc Triều Tiên!
Hôm thứ Ba Hàn Quốc cho biết rằng họ nghĩ rằng nước láng giềng phía
Bắc có thể đang dự trù thử nghiệm vũ khí hạt nhân thứ tư, do đó, có thêm
một điều nữa gây phiền phức cho chuyến đi của ông Obama. Quân đội Hàn
Quốc đang trong tình trạng báo động, và các lực lượng Mĩ gần đây đã tiến
hành tập trận với quân đội Hàn Quốc. Jay Carney nói với các thành viên
báo chí trên Air Force One hôm qua, "Chúng tôi theo dõi chặt chẽ
những hành động như thế. Trong quá khứ Bắc Triều Tiên đã có những hành
động khiêu khích và chúng tôi luôn luôn chú ý đến hành động có thể có"
có thể được thực hiện trong chuyến đi này. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên
cũng có thể chỉ tháu cáy. Họ đã từng làm điều đó trước đây.
Vụ thử hạt nhân mới nhất do Bắc Triều Tiên thực hiện là vào tháng 2
năm 2013. Từ tháng 7 năm 2011 đến tháng 2 năm 2012, các quan chức Mĩ đã
có các cuộc đàm phán trực tiếp với các quan chức Bắc Triều Tiên về phi
hạt nhân hóa. Vòng cuối cùng của cuộc thảo luận đã diễn ra sau cái chết
của Kim Jong Il và kết thúc bằng một thỏa thuận quy định tướt bỏ khả
năng nước này tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Chưa đầy ba tuần
sau đó, Bắc Triều Tiên đã bị phát hiện phóng không thành công một vệ
tinh. Kể từ đó, Bắc Triều Tiên đã coi thường nhiều Nghị quyết của Hội
đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đã phóng thành công một tên lửa.
Hoa Kì ngày càng chú trọng tới việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc như một cách để đối phó với Bắc Triều Tiên.
Một quan chức Bắc Triều Tiên đã nói với báo chí rằng nước này không
hài lòng với chuyến đi của ông Obama, gọi chuyến đi đó là "phản động và
nguy hiểm" và một chuyến đi sẽ làm "leo thang đối đầu và mang tới những
đám mây đen tối của một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân."
Một phụ tá Tổng thống Obama về chính sách châu Á nói về các cuộc thử
nghiệm tiềm năng này, "Với các tuyên bố mới đây của Bắc Triều Tiên hăm
dọa sẽ thử nghiệm về hạt nhân loại mới, tên lửa loại mới, thì rõ ràng
rằng Bắc Triều Tiên không tỏ cho thấy có bất kì quan tâm nào đến những
gì mà chúng ta coi là đàm phán đáng tin cậy và chân thực."
4. Nga!
Nga và Trung Quốc (cả hai đều có ghế trong Hội đồng Bảo an LHQ) là
hai đấu thủ quốc tế mà Hoa Kì lo ngại nhất, Nga là do quân đội họ và do
từng đối đầu với Hoa Kì trước kia, Trung Quốc là vì nền kinh tế của họ.
Hoa Kì cũng chỉ có năng lượng nhiều có thể dùng hết ra nước ngoài, xoay
trục hoặc không.
Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân), một học giả Đại học Claremont McKenna khi
được tờ New York Times phỏng vấn nói "Nếu mối quan hệ Mĩ - Nga đi xuống,
người Trung Quốc sẽ được thuận lợi với ý đồ của mình hơn nhiều. Mĩ
không thể có đủ sức để làm căng với cả Nga và Trung Quốc cùng một lúc."
Bất chấp chuyến đi của ông Obama, Trung Quốc có vẻ nhẹ nhõm với cách
mà chính sách đối ngoại của Mĩ đang bị suy sụp ở phương Tây. Tổng thống
Nga Vladimir Putin sẽ đến thăm Trung Quốc vào tháng 5, và hai nước sẽ
hoàn tất các cuộc đàm phán kéo dài cả thập kỉ về việc cung cấp dầu và
khí đốt của Nga - và hi vọng của Trung Quốc phát triển các dự án năng
lượng khác ở Krym (Crimea).
Nguồn: Washington Post, "Four factors shaping President Obama’s visit to Asia", 23/4/2014.