Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Trước giờ điều trần về tự do thông tin tại Quốc hội Hoa Kỳ

Nam Phương/Người Việt
LTS báo Người Việt: Một số bloggers, nhà báo từ Việt Nam qua Mỹ điều trần về tình hình tự do thông tin tại Việt Nam theo lời mời của một số dân biểu liên bang Hoa Kỳ. Ba trong số những vị đó trả lời phỏng vấn của báo Người Việt, gồm nữ nghệ sĩ Kim Chi, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng và blogger Nguyễn Đình Hà.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi nổi tiếng hồi đầu năm ngoái đã viết thư từ chối nhận bằng khen thưởng vinh danh của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lý do “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm”.
Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng và bloggers Nguyễn Đình Hà là các thành viên của Mạng Lưới Bloggers Việt Nam. Ông Ngô Nhật Đăng từng bị động viên vào quân đội, tham gia chiến trường biên giới chống Trung Quốc năm 1979. Nguyễn Đình Hà là một thanh niên mới tốt nghiệp đại học Luật ở Hà Nội.

Một số bloggers từ Việt Nam đến Hoa Thịnh Đốn điều trần về tự do thông tin tại Việt Nam. Ông Ngô Nhật Đăng (bên trái), bà Nguyễn Thị Kim Chi (thứ hai từ trái), blogger Nguyễn Đình Hà (thứ hai từ phải) (Hình: VT)
Phỏng vấn nghệ sĩ Kim Chi:
Người Việt (NV): Chị viết một bài phổ biến trên một số websites trần tình về những ý kiến trái chiều về chuyến đi của chị và một số bloggers, sau bài viết này, chị nhận được những phản hồi thế nào? Người ta hiểu thêm ra ý nghĩa của chuyến đi hay không?
Bà Kim Chi (KC): Khi tôi được một số dân biểu Hoa Kỳ mời sang đây để điều trần về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, đã có một số người với những bài viết trên mạng, mà chúng ta đều dư biết là những dư luận viên, lên tiếng kết tội tôi cùng những người tham dự khác là những kẻ “phản quốc”, “những kẻ hám đô la”, và có những lời thóa mạ tồi tệ. Tuy nhiên, tất cả bạn bè tôi là những người bạn đấu tranh nhân quyền khác trong nước thì bày tỏ sự ủng hộ và khuyến khích. Sau khi tôi đăng trên trang facebook các nhân của mình những dòng suy nghĩ từ nước Mỹ, tôi lại càng nhận thêm được nhiều sự cổ võ và khuyến khích khác từ nhiều bạn bè ở khắp nơi mà tôi quen biết trên mạng, mặc dù chưa gặp được một lần. Tôi cũng hy vọng qua những điều tôi làm, những gì tôi trình bày trong chuyến đi này sẽ giúp nhiều người hiểu hơn về tình trạng đàn áp nhân quyền, đặc biệt là hiện trạng tự do báo chí tại Việt Nam.
NV: Mấy ngày qua, chị và phái đoàn đã đến thăm một số tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, chị nhận ra điều gì? Có phải họ không biết nhiều về các nỗ lực của những người can đảm đấu tranh dân chủ tại Việt Nam không?
KC: Điều làm tôi ngạc nhiên và xúc động là khi chúng tôi đi tới đâu người ta cũng đã để sẵn một bản danh sách những blogger đang bị cầm tù. Họ chỉ hỏi lại chúng tôi xem tình trạng hiện nay những tù nhân lương tâm ấy ra sao. Bất cứ nơi nào chúng tôi tới thăm người ta cũng bày tỏ sự quan tâm đối với những người đang bị giam giữ. Chúng tôi tới thăm hơn một chục tổ chức nhân quyền quốc tế và nhận ra rằng thật ra cả thế giới đang hướng về Việt Nam và đang đứng cùng với những tiếng nói tranh đấu tại Việt Nam. Và tôi nghĩ rất những điều này xảy ra vì nhờ có sự vận động không ngừng nghỉ của bà con cộng đồng hải ngoại, nhất là các bạn trẻ mà tôi có dịp được làm việc cùng trong Ban Tổ Chức.
NV: Được mời phát biểu tại Hạ Viện Hoa Kỳ ngày 29 tháng Tư, chị sẽ nói gì?
KC: Trong đoàn chúng tôi có 6 người, mỗi người được mời nói 2 phút. Tôi sẽ nói về tình trạng văn nghệ sĩ trong nước không được tự do sáng tác và những thử thách mà họ phải trải qua khi nhận thức được chuyện đất nước và bắt đầu lên tiếng.
NV: Chị lo ngại gì khi trở lại Việt Nam?
KC: Tôi nghĩ rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, vì người ta đang ném đá chúng tôi là “lũ phản động”. Nếu nói sợ thì tất nhiên tôi sợ cho gia đình tôi, cho con cái tôi vì bản chất hèn hạ của chế độ. Nhưng tôi có thể quả quyết một điều là tôi sẵn sàng đón nhận mọi giá vì một VIỆT NAM TỰ DO, DÂN CHỦ, NO ẤM, VĂN MINH, KHÔNG THÙ HẬN.
Phỏng vấn nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng:
Người Việt: Động cơ nào biến ông từ một người lính “Cụ Hồ” thành một người đấu tranh dân chủ hóa đất nước?
Ngô Nhật Đăng: Trước hết tôi xin khẳng định: Tôi chưa bao giờ tôi coi mình là người “Lính Cụ Hồ”, lý do thì dài lắm. Nhưng nói vắn tắt thì tôi vào lính năm 1978 theo một lệnh tổng động viên dành cho sinh viên. Và tôi đã tham gia cuộc chiến Việt- Trung năm 1979. Tôi coi đó là nghĩa vụ công dân khi đất nước bị xâm lược. Cũng như vậy tôi đấu tranh cho nền dân chủ của đất nước cũng là nghĩa vụ của công dân, là lương tâm thôi thúc không thể ngồi yên trước sự lãnh đạo tồi tệ của những người cộng sản. Và tôi bắt đầu từ việc đòi lại quyền Tự do ngôn luận. Động cơ nào đưa đến điều đó thì thật ra tôi chưa bao giờ nghĩ đến, chỉ biết nó như là một nhu cầu thôi thúc: Muốn sống trong sự thật và muốn nói lên sự thật.
NV: Gia đình, thân nhân của ông có bị sách nhiễu vì ông tham dự chuyến đi này hay không?
NNĐ: Gia đình tôi bị sách nhiễu là điều tất nhiên, khi tôi vừa sang đến Hoa Kỳ người thân của tôi đã báo tin bị làm phiền từ phía nhà cầm quyền. Thậm chí họ còn lên công ty nơi con gái tôi đang làm việc để gây sức ép, gieo rắc sự sợ hãi của những người chủ công ty khi họ nói rằng, con gái tôi là “phần tử đặc biệt cần phải theo dõi sát…” Có hai điều mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đang áp dụng với những người muốn lên tiếng vì sự thật khi chưa thể bỏ tù họ như sau: Họ gây khó khăn trong việc mưu sinh, những người này khó có cơ hội làm việc hoặc kinh doanh, từ những việc nhỏ nhất chỉ cần đủ cho sinh hoạt tối thiểu, nếu đẩy được họ vào tình trạng nghèo khổ thì càng tốt. Thứ hai họ dùng người thân làm áp lực với người dám đứng lên đấu tranh, điều này thật nham hiểm, không một người tử tế nào có thể nghĩ ra được cách trả thù độc ác như vậy.Tôi từng được nghe một người bạn nói: “Họ có thể đánh tôi, bắt tôi, thậm chí giết tôi, tôi không sợ. Nhưng họ đánh vào người thân của tôi làm tôi tê liệt”. Một chế độ độc tài mới nảy sinh những việc làm vô pháp luật như vậy.
NV: Bài phát biểu trong cuộc điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ ngày 29 tháng Tư, ông sẽ nói gì?
NNĐ: Tôi có được yêu cầu sẽ phát biểu trước Hạ Viện Hoa Kỳ và như chủ đề của cuộc điều trần này, tôi muốn đề nghị Hoa Kỳ phải đưa vấn đề Tự do ngôn luận và Tự do báo chí ở Việt Nam thành Nghị quyết của Quốc Hội, thành điều kiện tiên quyết trong các Hiệp định thương mại giữa hai nước, đặc biệt là Hiệp định hợp tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).Điều đó phù hợp với ý nguyện của nhân dân Mỹ cũng như quyền lợi của nước Mỹ. Một nước Việt Nam có Tự do Dân chủ là điều có lợi cho cả hai bên.
NV: Ông có tin rằng chính quyền Việt Nam biết lắng nghe dân và sẽ thay đổi toàn diện để đất nước phát triển tốt hơn về mọi mặt hay không?
NNĐ: Thật lòng tôi rất mong muốn chính phủ Việt Nam biết lắng nghe ý kiến của nhân dân để thay đổi hiện tình đất nước. Điều đó có lợi cho chính họ nữa. Nhưng qua những cách hành xử của họ vừa rồi thì điều đó khó có thể trở thành sự thật. Tôi hy vọng dưới sức ép của Quốc tế và các phong trào đòi dân chủ của nhân dân họ sẽ nhìn ra vấn đề. Độc đảng, không có tự do chính trị, tự do tư tưởng sẽ là vật cản lớn nhất làm cho đất nước đi tụt lùi, đời sống của nhân dân sẽ bị đẩy đến mức không chịu đựng nổi. Điều gì sẽ xảy ra thì chỉ có Trời mới biết.
Phỏng vấn anh Nguyễn Đình Hà:
Người Việt: Anh có gặp sự khó khăn nào sau khi tham gia nhóm Bloggers đến thăm sứ quán Thụy Điển hồi Tháng 8 năm ngoái?
Nguyễn Đình Hà: Sau khi tôi tham gia nhóm blogger tới Đại sứ quán Thụy Điển, rồi sau đó tiếp xúc với tham tán chính trị Đại sứ quán Úc tại Hà Nội, cơ quan an ninh đã yêu cầu tôi “làm việc” và có gây sức ép tâm lý lên gia đình tôi, tuy nhiên các biện pháp này không đem lại kết quả gì cho họ. Trong quá trình những thành viên khác của Mạng lưới Blogger Việt Nam đi tới các Đại sứ quán và cơ quan ngoại giao khác sau đó, nhân viên an ninh đã theo dõi tôi và nhiều lần gửi giấy mời tôi tới trụ sở công an để “làm việc về những việc có liên quan”. Tôi đã không chấp nhận những giấy mời đó và cách mà phía công an đưa giấy mời cho tôi.
NV: Tốt nghiệp đại học Luật rồi, anh có đi thực tập để trở thành luật sư không? Có gặp rắc rối về chuyện này không?
NĐH: Tôi chưa đăng ký thực tập để trở thành luật sư, bởi điều kiện về kinh tế chưa cho phép. Trong tương lai, khi tôi đăng ký thực tập luật sư thì cũng chưa rõ sẽ có khó khăn, rắc rối gì hay không.
NV: Với những hiểu biết về pháp luật Việt Nam qua những gì anh học ở trường luật và các bộ luật, điều 258 trong Bộ Luật Hình Sự VN theo anh đã được thi hành thế nào?
NĐH: Nền tư pháp tại Việt Nam thực sự không độc lập, Điều 258 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân) và 88 (Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) Bộ luật hình sự Việt Nam thực sự mơ hồ, vi phạm Công ước quốc tế về nhân quyền và ngay chính Hiến pháp Việt Nam hiện hành. Do vậy, cho dù là có những luật sư hàng đầu bảo vệ thì những nhà tranh đấu trong nước khó có thể thoát khỏi án tù của Tòa án Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam vận dụng điều 258 ngày càng thường xuyên hơn để trấn áp các tiếng nói đối lập từ các nhà báo, blogger và những người tranh đấu thay vì sử dụng Điều 88 như trước.
NV: Liệu các sự vận động của nhóm các anh có đem đến kết quả cụ thể như các anh chị muốn, tức là bãi bỏ nó, vì thấy nó vi hiến?
NĐH: Cuộc vận động kêu gọi bãi bỏ Điều 258 Bộ luật hình sự đã được bắt đầu từ tháng 7 năm 2013 và tính đến thời điểm hiện nay, chính phủ các nước dân chủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế, cũng như Cao ủy về nhân quyền của Liên hợp quốc đã đón nhận thông điệp yêu cầu xóa bỏ điều luật nói trên. Trong chuyến vận động cho báo chí độc lập tại Việt Nam này, các NGO như Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ), Liên Đoàn Luật Sư Hoa Kỳ (ABA), Access,… một số công ty internet và Cao ủy nhân quyền LHQ tại New York đều quan tâm tới vấn đề này và nhận thấy rằng điều 258 vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền. Do vậy, họ đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ tạo sức ép, thúc giục Việt Nam xóa bỏ điều luật này thông qua các cơ chế như UPR, đối thoại nhân quyền song phương và đa phương,... bên cạnh những tiếng nói phản đối từ trong nước. Từ đó cho thấy cuộc vận động của chúng tôi đã có hiệu quả nhất định và chúng tôi kỳ vọng rằng điều luật mơ hồ này sẽ sớm bị bãi bỏ.
NV: Phát biểu trong cuộc điều trần ngày 29 tháng Tư tại Hạ Viện Hoa Kỳ, anh nói gì?
NĐH: Tôi luôn mong muốn có một nền báo chí độc lập, truyền thông không bị kiểm duyệt tại Việt Nam, do vậy, tại phiên điều trần, tôi nói về hiện tình tự do báo chí, tự do internet và tự do thông tin tại Việt Nam và sẽ đưa ra các đề xuất với Quốc hội Hoa Kỳ theo các mục tiêu: Thúc đẩy Chính quyền Việt Nam sửa đổi hoặc xóa bỏ các điều luật, các quy định xâm hại đến các quyền tự do báo chí, internet và thông tin của người dân ; Thúc ép Chính quyền Việt Nam bãi bỏ cơ chế kiểm duyệt trong hệ thống báo chí, truyền thông ; Yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức các tù nhân lương tâm ; Thúc đẩy Việt Nam mở cửa thị trường báo chí, dịch vụ truyền thông.
Báo Người Việt xin cảm ơn bà Nguyễn Thị Kim Chi, ông Ngô Nhật Đăng và anh Nguyễn Đình Hà đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"