Đã từ lâu, tôi muốn viết một điều gì đó về ngày kết thúc chiến Bắc – Nam.
Nhưng biết viết gì? Mọi cuộc chiến tranh đều là nỗi bất hạnh cho đất
nước, dân tộc, ngay cả khi đó là cuộc chiến chính nghĩa. Do vậy, khi một
cuộc chiến đi qua, người ta muốn quên đi thật nhanh những nỗi kinh
hoàng của nó đã đem lại.
Thế nhưng, có những điều đã không qua đi.
Những ngày hào hứng của con trẻ
Những ngày này 39 năm trước là khi tôi ở vào lớp trẻ con 13-14 tuổi,
cái tuổi luôn hướng cái tai và cặp mắt ra ngoài, tìm tòi, hóng hớt mọi
thông tin để chứng tỏ mình đã là người lớn. Cái tuổi này là tuổi dễ dễ
bị tuyên truyền mua chuộc và kích động. Đây cũng là lứa tuổi rất sẵn
sàng để gia nhập đội quân Hồng vệ binh sẵn sàng theo lệnh của Đảng đi
giết người như ở Trung Quốc. Ở lứa tuổi đó, chúng tôi nô nức, hào hứng,
thấp thỏm chờ những bản tin từ chiếc loa công cộng về những “chiến thắng
ở “Miền Nam”. Báo chí thì hiếm nhưng những chiếc loa công cộng luôn
sang sảng những bản tin “chiến thắng làm nức lòng” người dân miền Bắc.
Những bản tin liên tiếp từ thành phố nọ, đến tỉnh kia được “giải
phóng” với tốc độ mà ngay cả tin tức truyền miệng cũng không đuổi kịp.
“Nhịp bước thần tốc của quân giải phóng” đã nức lòng người dân miền Bắc
vốn chỉ được ăn mỗi một món: Loa đài nhà nước và cán bộ tuyên truyền.
Với cái loa đó, đồng bào Miền Nam bao năm qua đã và đang phải rên
xiết dưới ách thống trị của Đế Quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn. Đồng bào
Miền Nam đang đau khổ, đang kêu gọi chúng ta, những con người được may
mắn có Đảng quang vinh lãnh đạo đang được sống dưới ở Thiên đường Xã Hội
Chủ Nghĩa hãy “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì Chủ nghĩa Xã hội, mỗi
người làm việc bằng hai”, “Tất cả cho sản xuất, tất cả cho tiền tuyến”
“Thề cứu lấy nước nhà, thà hy sinh đến cùng”…
Không nức lòng sao được, không phấn khởi sao được, bởi vì khi đó nhân dân Miền Nam được mô tả:
Có những ông già, nó khảo tra
Chẳng khai, nó chém giữa sân nhà
Có chị gần sinh không chịu nhục
Lấy vồ, nó đập, vọt thai ra”
Hay là:
“Có em nhỏ nghịch, ra xem giặc
Nó bắt vô vườn, trói gốc cau
Nó đốt, nó cười… em nhỏ hét
“Má ơi, nóng quá, cứu con mau”!
(Tố Hữu – Lá thư Bến Tre)
(Tố Hữu – Lá thư Bến Tre)
Và nay nhân dân Miền Nam đã được “giải phóng”. Vâng tất cả những
chiếc loa, từ những chiếc loa đã tạo nên cho không chỉ lớp trẻ mà hầu
hết mọi người dân Miền Bắc lúc bấy giờ một cảm giác rạo rực, phấn chấn,
hồi hộp khi Miền Nam được “giải phóng” và nhân dân Miền Nam được thoát
khỏi ách kìm kẹp của ngoại xâm. Họ cũng sẽ được hưởng niềm vui và hạnh
phúc của Thiên đường XHCN, “Miền bắc thiên đường của các con tôi” – Tố
Hữu.
Giải phóng!
Thế rồi, Miền Nam được “giải phóng”, nhân dân Miền Nam thoát “ách
thống trị của Mỹ – Ngụy” để rơi vào ách thống trị của Đảng Cộng sản.
Với một số người, thì đây là lần thứ hai họ được người Cộng sản đến
“giải phóng” và họ đã phải bỏ chạy. Lần thứ nhất là năm 1954 ở Miền Bắc.
Khi Cộng sản tràn vào Miền Bắc, thì đã có hơn 1 triệu người di tản từ
Bắc vào Nam.
Thế rồi, một cuộc bỏ phiếu bằng chân vĩ đại lần thứ hai đối với Cộng
sản đã bắt đầu và càng ngày càng quyết liệt. Theo con số thống kê được
của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) thì đã có gần một triệu người
tham gia cuộc bỏ phiếu bằng chân này (Chính xác là 989.100 người). Con
số chưa và không thể thống kê được đã phải bỏ quê hương chôn rau cắt rốn
của mình đi tìm tự do, thì chắc sẽ rất lớn. Ngoài ra con số nạn nhân đã
bỏ mình trên biển, bị chết khi tìm đến xứ sở tự do được ước tính khoảng
nửa triệu người.
Những người ở lại thì sao?
Rất nhiều trong số họ đã được đi “tập trung học tập” dài hạn – một
hình thức đi tù không cần án – cho đến ngày bỏ xác hoặc trở về trong đau
thương, tủi nhục.
Rất nhiều trong số họ được nếm mùi của “chuyên chính vô sản” bằng
những cuộc “Đánh tư sản mại bản” rồi “Cải tạo Công thương nghiệp tư bản
tư doanh”… phút chốc cơ ngơi hàng bao đời bị cướp đoạt và cầm tù bởi họ
chỉ có một tội lớn đối với Đảng là giàu có.
Rất nhiều trong số họ đã được sống cuộc đời của một “công dân hạng
ba” kể từ đó. Những quân nhân, công chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa
luôn sống trong mặc cảm rằng mình là tội nhân, những thương phế binh của
một thời đã kiêu dũng ra cầm súng với lý tưởng sẵn sàng hi sinh cho đất
nước, nay lầm lũi, tủi nhục kiếm ăn bằng mọi cách bên lề xã hội.
Kết quả là cả Miền Nam bạc nhược và mang tâm lý bại trận, tâm lý sợ
hãi không chỉ trong các hoạt động tập thể mà ngay từ trong từng hơi thở,
từng suy nghĩ của mỗi cá nhân. Và khi đó, được sống đã là “Ơn đảng, ơn
chính phủ”. Để rồi, đến một lúc nào đó, nạn nhân lại quay về ca ngợi thủ
phạm.
Nghĩa trang Chiến sĩ Quốc gia ở Gettysburg
Tôi đến Nghĩa trang Chiến sĩ Quốc gia Gettysburg, tiểu bang
Pennsylvania của Hoa Kỳ vào một buổi chiều hè không có nắng. Con đường
dẫn vào đây, vẫn còn dựng lại cảnh tượng chiến sự thời nước Mỹ nội chiến
với hàng rào gỗ đan chéo bên đường, Cuối con đường là những quả đồi
rộng lớn với bạt ngàn các ngôi mộ thuộc khu đất rộng 17 mẫu Anh (gần
7ha).
Không khí lành lạnh và trong vắt, thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ thoảng
qua làm những cành cây lay động nhè nhẹ tạo cảm giác âm khí ở đây khá
nặng nề. Những người bạn tôi cùng đi cho biết: Đây là nơi cuộc nội chiến
diễn ra ác liệt khủng khiếp. Quân Liên minh miền Nam và quân Liên bang
miền Bắc đã đánh nhau suốt 3 ngày từ ngày 1 đến ngày 3/7/1863. Chỉ trong
3 ngày, thương vong của cả hai bên là khoảng 46.000 đến 51.000 người.
Trận này thường được xem là một bước ngoặt quan trọng hơn cả của cuộc
nội chiến Nam – Bắc nước Mỹ.
Tôi đi giữa các hàng mộ, cũng như các ngôi mộ khác của nước Mỹ, những
ngôi mộ ở đây không đắp hoặc xây nổi. Ở đây, các ngôi mộ chìm dưới đất
và phía trên là tấm biển ghi tên tuổi và các thông tin liên quan người
nằm dưới mộ.
Những ngôi mộ ở nghĩa trang này nằm san sát bên nhau thành hàng,
thành lối ngay ngắn dưới những tán cây đại thụ hoặc những thảm cỏ xanh.
Điều đặc biệt là ở đây, tất cả đều là những người đã hi sinh trong cuộc
chiến mà không có bất cứ sự phân biệt nào bên ta, bên địch, bên chiến
thắng hay bên bại trận.
Tôi cố tìm một hàng chữ nào đó, một biểu hiện nào đó khả dĩ có thể
phân biệt được đâu là những ngôi mộ của bên bại trận hoặc bên thắng
trận. Nhưng tuyệt nhiên không hề có. Người bạn cùng đi giải thích cho
tôi rằng: Ở đây, tại nghĩa trang này không có khái niệm “Quân Ngụy” hay
“Quân ta” mà tất cả là những người đã ngã xuống tại trận chiến này, Nước
Mỹ tôn trọng họ như trong bài phát biểu của Tổng thống Lincoln khi cung
hiến nghĩa trang này, rằng đây là “nơi yên nghỉ cuối cùng của những
người đã hiến dâng mạng sống mình để Tổ quốc được sống”.
Câu chuyện của người bạn bên cạnh đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên đến
kính phục. Một nước Mỹ hùng mạnh, một nước Mỹ xứng đáng được cả thế giới
nể sợ không phải chỉ là bom nguyên tử, là vũ khí hiện đại hay sự giàu
có, mà bắt đầu từ những xử sự của con người đối với con người.
Người bạn tôi kể lại câu chuyện rằng: Phần kết của trận chiến ở đây
là khi tin đầu hàng của tướng Lee lan ra, tiếng súng của binh sĩ Miền
Bắc vang lên để reo mừng chiến thắng. Ngay lập tức tướng Grant ra lệnh:
“Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Chiến tranh đã chấm dứt. Họ là đồng bào
của chúng ta, chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ.”
Và tiếng súng đã ngưng bặt.
Sau 4 năm nội chiến làm 620 ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người
bị thương, các đô thị ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ bị tàn phá nặng nề. Theo
điều kiện trong văn kiện đầu hàng, ngày 12/4 là ngày quân đội Miền Nam
sẽ nộp súng ống và cờ xí cho quân đội Miền Bắc. Khi các binh sĩ Miền Nam
đi theo đội ngũ tới địa điểm để giao súng ống và cờ xí, Đại tá
Chamberlain đã ra lệnh binh sĩ của mình đứng nghiêm chào các chiến binh
bại trận đang đi ngang qua để bày tỏ lòng kính trọng.
Viên tướng Gordon ghi lại: “Trong giây phút đó, không hề có một tiếng
kèn hay tiếng trống, không một tiếng reo mừng, không một lời nói, không
cả một tiếng thì thầm, không một cử động, nhưng là một sự tĩnh lặng
khủng khiếp, mọi nhịp thở như ngừng lại và như thể họ đang nhìn những
hồn tử sĩ đi qua”.
Đó là cách xử sự của người Mỹ thắng cuộc với người Mỹ thua cuộc.
Và Tổng thống Mỹ thời bấy giờ đã có bài diễn văn bất hủ kết thúc như
sau: “Chính tại nơi đây, chúng ta quyết tâm để họ không chết vô nghĩa.
Đất nước này, dưới tay Thiên Chúa sẽ có một nền tự do mới. Và một chính
quyền của dân, do dân, vì dân sẽ không phải chết rục trên đất này”.
Nghĩ về hòa giải sau cuộc chiến
Đã hơn một thế kỷ sau cuộc nội chiến Bắc – Nam nước Mỹ, người Việt Nam chúng ta cũng đã kết thúc một cuộc chiến Nam – Bắc.
Tiếc rằng, ở đó có quá nhiều kẻ thù, quân “ngụy”. Ở đó chỉ có những
màn reo mừng, cổ vũ, hò reo, pháo hoa để ăn mừng chiến thắng với cờ xí
ngợp trời. Ở đó người ta vỗ ngực tự hào là đã đánh thắng hai đế quốc to
là Pháp và Mỹ, và “Từ nay vĩnh viễn không còn một tên xâm lược nào trên
đất nước chúng ta” trong khi cả một quần đảo đang do nước ngoài “quản
lý”.
Điều khác nhau là ở chỗ: Nếu như cách hơn 110 năm trước, những người
lính Mỹ bại trận trong cuộc nội chiến được ưu tiên không thu ngựa chiến
để đưa về quê nhà làm ăn, thì những người lính bại trận Việt Nam được
đưa đi nuôi cơm bao năm sau đó trong nhà tù. Còn sau khi ra tù, họ, con
cái họ hàng nhà họ vẫn còn bị hệ lụy đến tận bao đời sau.
Điều khác nhau là ở chỗ: Nếu nghĩa trang Chiến sĩ Quốc gia Gettysburg
đã chôn tất cả những người lính như nhau không phân biệt, thì hơn 150
năm sau ở Việt Nam từ Bắc đến Nam đâu đâu cũng trắng những Nghĩa trang
liệt sĩ quân đội Miền Bắc. Còn quân đội Việt Nam Cộng Hòa có một nghĩa
trang Biên Hòa thì đã bị đưa vào Khu quân sự, nghĩa là không ai được tự
do đến để thăm viếng, cho đến gần đây mới được chuyển sang dân sự. Ở đó
những nấm mồ bị cây cối ăn rễ xuyên thủng, những tấm bia bị đập nát,
không thể phân biệt được danh tính của người dưới mộ…
Nếu như trong khi người dân không đội mũ bảo hiểm thì lập tức công an
đánh chết, thì những thương binh miền Bắc đang có thể tự do chế xe ba
bánh đàng hoàng chở hàng bất chấp cồng kềnh nguy hiểm khi lưu thông mà
không ai dám ngăn cản. Thì những thương phế binh miền Nam đã âm thầm tủi
nhục, để bán tờ vé số thậm chí xin ăn để sống qua ngày.
Nếu như, sau chiến tranh, nước Mỹ đã “quyết tâm để họ không chết vô
nghĩa” thì ở Việt Nam, gần bốn chục năm qua, những người bên bại trận
vẫn ngầm hoặc công khai được nhắc nhở rằng: “Họ là tội đồ và được sống
là nhờ ơn đảng, ơn nhà nước”.
Mà không chỉ với những binh sĩ bên bại trận, sự phân biệt còn ở cả
những người của bên thắng trận nhưng đã hy sinh ở cuộc chiến nào. Và
thật vô phúc cho họ, nếu họ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống sự xâm
lược của anh bạn 16 chữ vàng và 4 tốt của Đảng Cộng sản.
Vậy, đâu là vướng mắc cần hóa giải để lời kêu gào “Hòa Giải” trên
mảnh đất này thành sự thật, để mọi người con đất Việt có thể chung sức
chung lòng lo xây dựng non sông?
Hà Nội, ngày 29/4/2014
J.B Nguyễn Hữu Vinh (Blog RFA)