Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Tự do ở trong chuồng

Nguyễn Lân Thắng
Cách đây một tuần vào ngày 4/4/2014, tôi có gửi bài phản biện này cho BBC nhưng không được đăng tải, nay tôi đăng lại bài viết ở đây để bạn đọc quan tâm rộng đường bình luận. Mặc dù tôi có quan hệ khá tốt với một số anh chị em làm việc ở BBC, cũng như không có thâm thù cá nhân gì với người được nhắc trong bài viết, nhưng tôi thấy mình vẫn phải nói điều cần nói.
13.30 giờ GMT ngày 1 tháng 4 năm 2014, BBC Việt Ngữ đưa lên mạng một đoạn audio dài 7’25’’, phỏng vấn anh Na Sơn trong loạt bài cho chương trình tìm hiểu khái niệm Tự do được nhìn nhận và thi hành như thế nào trên thế giới. Nguyên văn lời giới thiệu của BBC: "Nhân dịp này, BBC Tiếng Việt trò chuyện với nhiếp ảnh gia Na Sơn, từ Hà Nội, bàn về Tự do trong tư cách một nhà báo, một công dân đang sống ở Việt Nam."
“Tự do là được làm những gì mình thích, nói những gì mình muốn nói.”...
“Với tôi, trong chừng mực nào đó, tôi khá tự do ở Việt Nam,” anh Na Sơn chia sẻ.
Tôi đã định không viết ra vì nghĩ đó chỉ là trò đùa ngày cá tháng tư, nhưng xét thấy những điều anh ấy nói trong đoạn phỏng vấn trên đụng chạm đến nhiều vấn đề, nhiều con người đang sống trong xã hội Việt Nam, nên tôi quyết định viết những dòng suy nghĩ của mình trên tinh thần tự do ngôn luận, bởi tôi nghĩ rằng, anh Na Sơn đang nói một cách nghiêm túc với sự tự do ngôn luận của anh ấy.

Tôi gặp anh Na Sơn kể từ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược mùa hè năm 2011 tại Hà Nội. Trong những ngày tháng đó, tôi may mắn được tiếp xúc với nhiều nhà báo tên tuổi ở Việt Nam như Mai Kỳ, Đoan Trang, Hoàng Đình Nam... hay những người như kiến trúc sư Chu Kim Đức, kỹ sư Nguyễn Quang Thạch, luật sư Trịnh Hữu Long... và nhiều người thú vị khác nữa. Những hình ảnh ghi lại vào mùa hè năm đó còn lưu truyền mãi trên nhiều trang blog, Facebook và đó sợi dây vô hình gắn kết chúng tôi, những người đã bước chân xuống đường làm bùng nổ nhiều phong trào đấu tranh dân sự cho đến tận bây giờ. Chúng tôi vẫn theo dõi từng bước đi của nhau, dù có thể không cùng sinh hoạt chung trong một nhóm nữa. Thế rồi theo thời gian, tôi dần khám phá ra ai là ai trong đám đông ngày ấy.
Anh Na Sơn tên thật là Nguyễn Quang Sơn, sinh năm 1974. Về nghệ danh Na Sơn, như anh ấy từng chia sẻ, anh ấy thích ăn na và yêu nhiếp ảnh. Cũng như nhiều nghệ sỹ, nhà báo khác như Na Dũng, Na Chính, anh Sơn lấy chữ NA là viết tắt của hai từ Nhiếp Ảnh.
Nếu xét theo tiêu chuẩn Việt Nam, một người làm việc liên tục cho một cơ quan báo chí thì mới được cấp thẻ thì anh Na Sơn chả bao giờ là nhà báo cả. Việc anh phát ngôn, mình làm việc cho hãng thông tấn AP của Mỹ chỉ là sự ngộ nhận. Thực chất, AP có dùng anh Na Sơn với tư cách cộng tác viên (stringer) vụ việc. Khi họ cần cái ảnh nào thì họ có thể gọi Na Sơn. Điều này ai cũng có thể làm được và AP có thể làm với bất kỳ ai. Tìm kiếm trên hệ thống của AP thì có thể thấy, anh Sơn cộng tác với AP một năm đôi lần sau khi hãng AP không tiếp tục duy trì một vị trí phóng viên ảnh chính thức tại Hà Nội. Anh cũng viết bài, gửi ảnh cho nhiều nơi trong và ngoài nước. Vì thế, nếu anh Sơn nhân danh của chính bản thân mình và tự do cộng tác hay làm việc cho các cơ quan báo chí thì đúng hơn là nhân danh làm việc cho hãng thông tấn hàng đầu thế giới AP.
Ở nước ngoài, khi xảy ra những vấn đề gì đó, anh Na Sơn thích xuất hiện ở đó và đưa lên Facebook những status ỡm ờ kiểu như anh được hãng AP cử đi như sự kiện siêu bão Haiyan ở Philippines năm 2013, hay bầu cử ở Miến Điện năm 2010. Còn ở Việt Nam, thực chất là khi có việc gì cần, hãng AP đăng ký với chính quyền Việt Nam để thu xếp cho anh Na Sơn được tác nghiệp. Anh ấy được tự do tác nghiệp trong sự kiện mà đã được chính quyền tổ chức và cho phép.
Xét ở góc độ của sự dấn thân để làm chứng cho sự thật của một nhà báo, anh Na Sơn đã có mặt ở đâu? Đã có ảnh nào?
Có lẽ sự kiện nhạy cảm nhất anh Na Sơn dám có mặt là liên quan đến những cuộc xuống đường biểu tình chống Trung Quốc từ mùa hè năm 2011. Nhưng những ngày mà anh Na Sơn có mặt thì nó như những cuộc dạo chơi mà ai cũng có thể có mặt như nhà báo công an Hoàng Minh Trí, kiến trúc sư Chu Kim Đức, họa sỹ Quảng Hà hay nhà báo lão làng Nguyễn Trí Dũng. Những ngày mà chính quyền cấm đoán để rồi nhiều nhà báo như Đinh Trần Trung Hậu (AP), Lại Thị Thanh Bình (Asahi Shimbun), Trần Văn Vinh (NHK), Trần Thị Minh Hà (AFP), Hoàng Đình Nam (AFP) phải xông pha, thậm chí bị bắt về Lộc Hà thì người ta đâu thấy anh Na Sơn có mặt.
Phải chăng điều đó được anh ta gọi là khôn?
Tôi đã quay video được việc anh Na Sơn cụp máy xuống lảng đi khi thấy bóng dáng xe bus an ninh đi bắt người biểu tình trên đường Tràng Thi ngày 9 tháng 12 năm 2012. Lúc về nhà xem lại video thì mới hiểu được anh ấy “khôn” như thế nào.

Tôi dám chắc, kể cả chế độ hà khắc về kiểm duyệt báo chí như Bắc Triều Tiên thì không nhà độc tài nào cấm chụp chim, hoa, cá, gái như Na Sơn vẫn chụp. Thử hỏi Na Sơn đã bao giờ có mặt ở nơi xung đột với nhà cầm quyền chưa? Đã bao giờ Na Sơn chụp ảnh để bênh vực cho những kẻ yếu đuối, thiệt thòi chưa? Đã bao giờ Na Sơn có mặt ở chỗ thu hồi đất hay căng thẳng như Ben Stocking đến Nhà Chung chưa? Đã bao giờ Na Sơn đến chỗ cưỡng chế đất như Frank Zeller (AFP) hay Bill Hayton (BBC) trốn chui chốn lủi ở phố Nguyễn Quý Đức để tránh công an chưa?
Xét với tư cách nhà báo Việt Nam, Na Sơn đã bao giờ vào chỗ buôn lậu như Thế Dũng (Người Lao Động) chưa? Đã vào chỗ cưỡng chế Văn Giang như Hán Phi Long và Nguyễn Ngọc Năm chưa? Đã bao giờ vào Xuy Xá, Mỹ Đức như Nguyễn Duy Long và Trần Văn Dương (VTC16) chưa?
Đúng là anh ta tự do. Anh ta có thể tự do đổ lỗi cho Báo Tuổi Trẻ về việc anh ta phải đền tiền bộ áo giáp chống đạn trong chuyến đu theo phóng viên Uyên Ly đi Lebanon năm 2009, trong khi anh ta không hề phải bỏ ra xu nào. Anh ta được tự do nhận mình là người của hãng AP khi mà anh ta chỉ là một người cộng tác. Anh ta tự do post ảnh một người bạn với cô bạn gái cũ đúng ngày anh bạn này cưới vợ. Anh ta tự do lên Facebook quy chụp người đấu tranh dân chủ là cơ hội, là lưu manh. Một người nhận điều không phải của mình và đặt điều xấu xa cho người khác như anh ta mới chính là kẻ lưu manh cơ hội. Còn nhiều điều nữa về đời tư cá nhân Na Sơn mà rất nhiều bậc đàn anh báo chí lão làng Việt Nam biết cả, nhưng tôi không thèm nhắc tới làm gì.
Có một điều lạ là tại sao BBC lại phỏng vấn anh ta trong tư cách một nhà báo nói về tự do ở Việt Nam.
Anh ta có thực sự là điển hình của một nhà báo đang hành nghề ở Việt Nam, đang dấn thân làm chứng cho công lý và sự thật? hay chỉ là một kẻ cầm máy chụp ảnh kiếm tiền? Anh ta có là người đang dấn thân thúc đẩy thông tin tiến bộ?
Phải chăng cô Hạnh Ly, em cô Uyên Ly không còn ai khác để hoàn thành bài viết?
Phải chăng Hạnh Ly nói riêng và BBC nói chung quá ngây thơ và hồn nhiên một cách hoang dã khi đưa phỏng vấn này lên?
Hay BBC đang lobby để có thể mở văn phòng tại Việt Nam?
Hay BBC đang lobby để chính quyền không cấm nhập cảnh cho những nhân sự của mình vào Việt Nam?
Dẫu thế nào thì cuộc đấu tranh cho các quyền dân chủ tự do cơ bản của con người ở Việt Nam vẫn diễn ra, cho dù Na Sơn có nói gì. Sự thật vẫn là sự thật. Sự thật sẽ giải phóng mọi người./.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"