Tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng
CSVN vừa cảnh báo về “hội chứng vô trách nhiệm” của báo giới Việt Nam
khi “đưa tin và bình luận.”
Trên số báo ra ngày 7 tháng 4, qua bài “Hội chứng vô trách nhiệm
trong đưa tin và bình luận,” tờ Nhân Dân liệt kê một loạt các dẫn chứng
nhằm hỗ trợ cho cảnh báo về “hội chứng” này.
Việc nhiều tờ báo Việt Nam đăng tấm ảnh chụp các thành viên trong lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Bekrut của ông Yanukovych - Tổng thống Ukraine, phải quỳ để xin lỗi dân chúng Ukraine vì đã đánh đập, thậm chí bắn vào họ, được tờ Nhân Dân xem là một bằng chứng của “Hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình luận.” (Hình: Internet)
Theo đó, việc nhiều tờ báo ở Việt Nam “hùa theo báo chí phương Tây”
để “vẽ chân dung của ông Gaddafi, cố lãnh đạo Lybia như một nhà độc tài
tham lam và lập dị, một tên bạo chúa cuồng dâm...” khiến “dân chúng
Lybia rên xiết dưới ách độc tài tàn bạo,” được tờ Nhân Dân xác định là
biểu hiện của... “hội chứng vô trách nhiệm.”
Tờ Nhân Dân cũng xem việc đưa tin, bình luận về các diễn biến tại Ukraine là một ví dụ khác của... “hội chứng vô trách nhiệm.”
Người viết bài “Hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình luận,”
mới đăng trên tờ Nhân Dân tỏ ra hết sức giận dữ khi báo giới Việt Nam
đưa các hình ảnh, thông tin về sự kiện: Nhiều thành viên trong lực lượng
đặc nhiệm chống bạo động của chính quyền đã bị dân chúng Ukraine lật
đổ, “quỳ xin lỗi dân chúng vì đã đánh đập người biểu tình và bắn vào
họ.”
Bài viết cho thấy tác giả “Hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và
bình luận” nổi giận vì “một số diễn đàn của các thế lực thù địch lập tức
té nước theo mưa, đưa những thông tin này lên blog và facebook kèm câu
hỏi: Khi nào thì công an Việt Nam mới xin lỗi nhân dân?”
Những thông tin mà báo giới Việt Nam loan tải về cuộc sống xa hoa,
tham nhũng của ông Yanukovych, tổng thống Ukraine đã bị dân chúng
Ukraine lật đổ cũng bị tờ Nhân Dân xem là “vô trách nhiệm.”
Theo tờ Nhân Dân, “hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình
luận” đang trở thành “xu hướng đáng ngại” của nhiều tờ báo ở Việt Nam.
Ðiều này không chỉ “làm nhiễu sự thật” mà còn “gây tổn hại tới uy tín,
hình ảnh của cá nhân, tổ chức liên quan, nhất là tới quan hệ quốc tế.”
Tuy tác giả bài viết vừa kể trên tờ Nhân Dân không cho biết “tổ chức”
và những mối “quan hệ quốc tế” nào bị tổn hại vì báo giới Việt Nam mắc
“hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình luận,” song việc lựa
chọn dẫn chứng cho thấy, những cá nhân mà tác giả cho rằng cần bảo vệ
“uy tín, hình ảnh cá nhân,” ngoài các ông Gaddafi (Lybia), ông
Yanukovych (Ukraine), còn có cả ông... Kim Yong Un (Bắc Hàn)!
Tờ Nhân Dân còn nêu một lý do khác và có thể đây mới là lý do chính
để cơ quan ngôn luận của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN phải cảnh
báo về “hội chứng vô trách nhiệm” của báo giới Việt Nam, đó là các tin
và bình luận “vô trách nhiệm” khiến người sử dụng Internet ở Việt Nam
“cứ thế a dua chửi bới.”
“Hội chứng vô trách nhiệm trong đưa tin và bình luận” theo cách nhìn
của tờ Nhân Dân, bị xem là “đầu độc người xem” và “tiếp sức cho những kẻ
lợi dụng các thông tin này để bình luận tiêu cực về Việt Nam.” Tuy
nhiên chưa rõ trong bối cảnh như hiện nay, lối quy chụp này có khiến báo
giới Việt Nam chùn bước hay không.
Có một điều chắc chắn là những bài viết kiểu như “Hội chứng vô trách
nhiệm trong đưa tin và bình luận” của tờ Nhân Dân, cũng như lối hành xử
theo suy nghĩ này sẽ khiến vị trí của Việt Nam trong các bảng xếp hạng
về “tự do Internet,” “tự do báo chí,” do các tổ chức quốc tế thực hiện
hàng năm, chỉ thêm thảm hại.
Chẳng hạn theo kết quả cuộc khảo sát về “Tự do Internet 2013” tại 60
quốc gia trên thế giới, do Freedom House thực hiện, Việt Nam đứng thứ 7
trong nhóm 10 quốc gia ứng xử tệ hại nhất với quyền tự do Internet.
Ngoài việc đội sổ về “tự do Internet,” trong “Báo cáo thường niên về
tự do báo chí toàn cầu” hồi năm ngoái, Freedom House xếp Việt Nam vào vị
trí 182/197. Lúc đó, Freedom House giải thích, việc tổ chức này xếp một
quốc gia vào nhóm “không có tự do báo chí,” nếu quốc gia đó không đáp
ứng những tiêu chuẩn về tự do pháp lý, tự do chính trị, tự do kinh tế,
không cho phép các nhà báo và tổ chức truyền thông có thể hoạt động tự
do. (G.Ð)