Hiệu Minh
Đường Trường Chinh bị bẻ cong. Ảnh: VNN
Thưa quí vị
Tôi rời bỏ thế giới này đã được 26 năm, nghĩ mình đã yên nghỉ nơi xa
vắng. Nhưng mấy hôm nay, tôi bỗng hắt hơi liên tục. Hóa ra, dân cả nước
đang bàn về con đường mang tên Trường Chinh, chính là tên tôi.
Đi làm cách mạng từ nhỏ, tôi luôn coi xây dựng chủ nghĩa cộng sản là
mục tiêu tối thượng, lấy tên Trường Chinh vì nghĩ con đường Mác Lê này
sẽ dài vô tận. Qua nửa thế kỷ, giữ rất nhiều chức vụ, từ TBT đến chủ
tịch QH, chủ tịch HĐBT, bao nhiêu trọng trách, tới lúc tôi mất, vẫn còn
chế độ tem phiếu, dân toàn ăn bo bo nhập từ Liên Xô và Đông Âu, nơi
người ta cho bò ăn.
Có lẽ vì thế mà TBT Trọng nói không sai, xây dựng CNXH là một cuộc
trường chinh, cả trăm năm chưa chắc đã xong. Nếu quí vị còn nhớ, năm
1934-1935, cuộc Vạn lý Trường chinh của Hồng quân TQ với 86 ngàn người,
từ Giang Tây, đi qua Tây Tạng, vượt 12000km, kéo dài hơn một năm, về tới
Diên An chỉ còn 7000 người.
Dường như cái tên Trường Chinh luôn gắn với gian khổ, dài lâu và tìm
lối ra rất khó. Phải mất 20 năm với bao nhiêu thất bại, đổ máu, đói
khát, tôi mới nghĩ ra từ đổi mới năm 1986.
Khi mất, hậu thế lại lấy tên tôi đặt cho một con đường. Như một định
mệnh, đường Trường Chinh ở phía nam Hà Nội lại bẩn thỉu, khói bụi, nhà
cửa nhôm nhoam, kiến trúc tạp nham, giao thông hỗn loạn, nhác trông đã
thấy gian nan và vất vả.
Đoạn đường này có viện thuốc thú y nên rất nhiều người bán thuốc cho
chó mèo. Chỉ cần nhìn các cô bán hàng, phải đeo khẩu trang, cũng đủ
hiểu sự ô nhiễm kinh hoàng như thế nào. Mỗi sáng đi làm và chiều vào giờ
tan tầm, con đường này luôn kẹt cứng, dân chúng chửi thề, đôi lúc lôi
cả tên tôi ra mà réo.
Uốn lượn quanh co. Ảnh: VNN
Mấy hôm nay báo chí lại nhắc đến tên Trường Chinh liên tục, chẳng
phải nhớ công lao trong cách mạng, thời cải cách ruộng đất, khoán 10 của
Kim Ngọc và sau này là đổi mới. Mà họ lại nhắc đến vì qui hoạch “uốn
lượn” con đường mang tên tôi.
Theo qui hoạch ban đầu, con đường này được mở rộng từ ngã tư Sở đến
ngã tư Vọng, lẽ ra là một đường thẳng. Thế nhưng khi đi qua đất của Quân
chủng Phòng không, Không quân, thì đường đã nắn để tránh nhà quan chức,
phần từ hồ Hố Mẻ đến Cống chéo sông Lừ.
Theo Sở Qui hoạch Hà Nội, “từ lúc phê duyệt tới nay đã có sư dịch
chuyển nhẹ nhàng, tạo ra đường cong mềm mại”. Đọc đoạn này mà tôi không
thể nín cười. Từng là người viết nổi tiếng các văn bản chính qui từ thời
lập nước VNDCCH, thế mà tôi phải phục cụm từ “đường cong mềm mại”, con
cháu bây giờ giỏi thật.
Càng nghĩ càng thấy công cuộc xây dựng XHCN là một cuộc trường chinh
thực sự. Có mỗi đoạn đường ngắn, chỉ vì vài chức sắc mà phải thiết kế
uốn cong cho hợp với lòng quan. Chế độ XHCN linh hoạt giúp người có
quyền thế. Mới hiểu tại sao, nửa thế kỷ đã qua, nhân loại đã đi rất xa,
mà ta vẫn đứng, bởi quan chỉ vì quan, quan chẳng vì dân.
Tôi đề nghị thủ đô Hà Nội thay tên con đường này bằng tên của mấy
một vài vị từng là anh hùng phi công như Phạm Ngọc Lan, Phạm Thanh Ngân,
Phạm Tuân, Nguyễn Đức Soát (ví du: tên đường là Lan Ngân Tân Soát cũng
hay) để nhớ về công lao của họ trong chiến tranh chống Mỹ. Nếu các vị
chuyển nhà đi cho đường thẳng thì dấu ấn của họ vẫn còn nơi đây.
Nếu như các vị cứ quyết “dùng công lao làm đòn xoay ….cao tốc”, thay vì tên Trường Chinh, hãy gọi đường này là…Đoản Chinh.
Xin cảm ơn sự lưu ý của quí vị.
TT đã ký.