Ngô Nhân Dụng
Sinh viên Ðài Loan đã thành công. Sau khi chiếm trụ sở Quốc Hội ba
tuần lễ, chính quyền đã chịu nhượng bộ. Chủ tịch Viện Lập Pháp (Quốc
Hội) chấp nhận ngưng thảo luận về hiệp định trao đổi “phục vụ mậu dịch”
với Trung Cộng. Ông Vương Kim Bình (王金平) nói sau khi có một đạo luật
thiết lập một cơ cấu giám sát việc giao thương giữa hai nước Trung Hoa
mới bàn tiếp về bản hiệp định mà chính phủ đã ký với chính phủ Trung Hoa
lục địa từ năm ngoái. Viện Lập Pháp sẽ bàn một dự luật trong đó sẽ buộc
chính quyền phải tham khảo ý kiến của các đại biểu quốc hội và dân
chúng “trước khi” ký bất cứ một hiệp định nào với chính phủ Bắc Kinh.
Sinh viên Ðài Loan thắng lớn trong cuộc đấu tranh đòi chính quyền
phải “minh bạch, công khai.” Ðó là mục tiêu họ đưa ra từ khi phát động
cuộc đấu tranh. Tổng Thống Mã Anh Cửu (馬英九) thuộc Quốc Dân Ðảng, mà đảng
của ông cũng chiếm đa số trong viện lập pháp; cho nên họ tưởng rằng sau
khi ký bản hiệp ước mậu dịch với Trung Cộng, Quốc Hội sẽ thông qua
nhanh chóng. Họ không ngờ phong trào sinh viên tranh đấu cho dân chủ ở
Ðài Loan vẫn giữ được truyền thống sau gần 30 năm.
Ngày 18 Tháng Ba, 2014, sau khi một đại biểu thuộc Quốc Dân Ðảng cho
các nhà báo bước rằng hai ủy ban trong Quốc Hội đã nhanh chóng đồng ý
đưa bản hiệp định ra trước Quốc Hội để thông qua, trong vòng 30 giây
đồng hồ, 60 sinh viên tới trụ sở Viện Lập Pháp yêu cầu ngưng thảo luận
bản hiệp định! Họ không chịu ra khỏi tòa nhà Quốc Hội trước khi yêu cầu
này được chấp thuận. Phong trào sinh viên được dân chúng ủng hộ, nhờ báo
chí, truyền thông loan tin đầy đủ, vì những vấn đề mà các sinh viên nêu
ra cũng là những điều lo lắng của nhiều người.
Kể từ khi Ðài Loan và Trung Quốc giao thương, dân Ðài Loan được lợi
nhờ bán được những hàng hóa có giá trị cao do họ sản xuất trong khi mua
lại những thứ hàng rẻ tiền sản xuất ở lục địa, một phần cũng do các
doanh nhân Ðài Loan đầu tư vào Trung Quốc để kiếm lợi dễ dàng hơn. Bản
hiệp định ký năm ngoái mở cửa cho các cuộc trao đổi về dịch vụ. Các sinh
viên chiếm trụ sở Quốc Hội nói rõ rằng họ không chống lại giao thương
với lục địa. Nhưng họ muốn dân chúng được đóng góp ý kiến vào bản hiệp
định; vì việc mở cửa thị trường giữa Ðài Loan và lục đại sẽ chỉ mang lời
cho các đại công ty, còn các xí nghiệp cỡ trung và nhỏ bị người lục địa
cạnh tranh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Khi các xí nghiệp trung và nhỏ bị
loại bỏ thì dân sẽ thất nghiệp nhiều hơn. Ngoài ra, khi nền kinh tế hai
bên liên hệ chặt chẽ, Cộng sản Trung Hoa có thể lợi dụng gây áp lực dễ
dàng hơn, nếp sống dân chủ tự do ở Ðài Loan cũng bị đe dọa.
Ðài Loan xuất cảng 43% hàng hóa sang Trung Quốc và Hồng Kông, so với
11.5% bán sang Mỹ. Người Ðài Loan đầu tư 80% sang Trung Quốc, chỉ có 20%
đi nơi khác. Số du khách từ lục địa nay đã cao hàng đầu, hơn số du
khách Nhật. Số chuyến bay trực tiếp sang lục địa lên tới 558 chuyến mỗi
tuần.
Dư luận giới truyền thông và dân chúng Ðài Loan tỏ ra đồng ý với các
sinh viên khiến chính quyền không dám đàn áp, để cho các sinh viên chiếm
trụ sở Quốc Hội trong ba tuần qua.
Phong trào sinh viên tranh đấu năm nay mang tên Hoa Hướng Dương, gợi
lại những cuộc biểu tình tranh đấu trước đây 24 năm mang tên Dã Bách Hợp
(hoa Huệ). Năm 1990, mấy chục ngàn sinh viên Ðại Học Quốc Lập Ðài Loan
biểu tình đòi thay đổi Hiến Pháp để cho dân chúng được trực tiếp bầu
tổng thống và bầu lại các đại biểu Quốc Hội để thay thế hết những đại
biểu Quốc Dân Ðảng vẫn được lưu nhiệm vì họ được bầu lên trong lục địa,
trước khi Quốc Dân Ðảng thua trận phải rút ra Ðài Loan. Sau những cuộc
biểu tình từ ngày 16 đến ngày 22 Tháng Ba, cuối cùng Tổng Thống Lý Ðăng
Huy đã đồng ý tiến hành việc tu chính Hiến Pháp. Sáu năm sau, chính ông
được dân bầu thêm một nhiệm kỳ nữa. Phong trào Dã Bách Hợp là một khúc
quanh lớn trong quá trình dân chủ hóa Ðài Loan.
Năm nay, cuộc tranh đấu của sinh viên Ðài Loan được dân chúng ủng hộ
mạnh mẽ hơn 24 năm trước, nhờ báo chí tự do. Một cuộc nghiên cứu do một
đài truyền hình thân cận với Quốc Dân Ðảng cho biết một nửa dân chúng
ủng hộ các sinh viên, chỉ có một phần năm ủng hộ bản hiệp định mà chính
quyền đã ký. Chủ Nhật trước, dân chúng biểu tình tại thủ đô Ðài Bắc ủng
hộ các sinh viên, cuộc biểu tình đông từ 116,000 người (theo cảnh sát
báo cáo) đến 500,000 (theo các sinh viên). Ðó là lý do khiến chính quyền
Quốc Dân Ðảng phải lùi bước.
Báo chí và dân chúng Ðài Loan cảm phục các sinh viên biểu tình cũng
vì họ tỏ ra rất kỷ luật. Trong ngày đầu tiên sinh viên chiếm Viện Lập
Pháp, một số người đã leo lên bàn, lục lọi bàn giấy của các đại biểu, và
đem bia ra uống. Hai sinh viên Lâm Phi Phàm (Lin Fei-Fan, 林飛帆) và Trần
Vi Ðình (Chen Wei-ting, 陳為廷) đã cảnh cáo các bạn rằng các ống kính máy
ảnh và ti vi đang chiếu hình ảnh của họ cho đồng bào khắp nơi coi. Sau
đó, hai sinh viên này đã chỉnh đốn và thiết lập các quy tắc cư xử. Số
sinh viên đến tham dự đông hơn, họ tự đi mua thêm thùng rác đem vào Quốc
Hội, đặt ban cứu thương, ban thực phẩm, vân vân. Ðể biểu lộ tinh thần
minh bạch, công khai, họ đặt thêm máy quay phim khắp tòa nhà Quốc Hội để
ai cũng có thể nhìn thấy các sinh hoạt bên trong. Bên ngoài trụ sở, các
sinh viên đứng ra điều khiển lưu thông để người đi làm khỏi bị kẹt xe.
Trong thời gian sinh viên đang chiếm trụ sở Quốc Hội, một trang
facebook đã cho coi hình ảnh những du khách từ lục địa qua Ðài Loan. Các
ông này chỉ mặc quần lót trắng trên bãi biển Khẩn Ðinh Kenting (墾丁)
đứng giữa đám đông người đi nghỉ trong dịp lễ Thanh Minh. Trong hai ngày
có hơn 15,000 người vào trang này, phê phán hành vi bất lịch sự này; có
người còn lo rằng du khách ngoại quốc sẽ chê cười người Ðài Loan và
không muốn tới nữa.
Lâm Phi Phàm, 25 tuổi, từ Ðài Nam lên học Ðại Học Quốc Lập lấy bằng
cao học (thạc sĩ) chính trị học. Năm 2008, anh đã dự một biểu tình chống
chuyến đi của một quan chức Trung Cộng đến Ðài Loan. Trần Vi Ðình đã
tham dự các cuộc tranh đấu cho quyền lợi người lao động cũng như các thổ
dân Ðài Loan. Hai người được coi là thủ lãnh trong suốt thời gian biểu
tình. Họ duy trì được kỷ luật trong đám sinh viên và trình bày lập
trường một cách sáng sủa cho giới truyền thông. Một sinh viên được bầu
làm phát ngôn viên cho sinh viên biểu tình là cô Lại Phẩm Hảo (Lai
Pin-yu, 賴品妤). Cô sinh viên năm thứ nhất Luật khoa đã lên ti vi tranh
luận với các đại biểu Quốc Hội về lập trường của sinh viên. Cô tố cáo
chính quyền cai trị theo lối bí mật như trong một cái hộp kín, trong khi
sinh viên đòi hỏi nền dân chủ phải minh bạch công khai.
Ðài Loan đã được dân chủ hóa từ năm 1984, khi ông Tưởng Kinh Quốc làm
tổng thống. Ông đã trả tự do cho các tù nhân chính trị, cho phép đảng
đối lập được hoạt động, và báo chí được tự do hơn. Ðến năm 1991, các nền
tảng dân chủ mới được chính thức hóa khi người kế vị là Lý Ðăng Huy
thắng thế trước các người bảo thủ trong Quốc Dân Ðảng. Tuy đã được dân
chủ hóa gần 30 năm, các chính trị gia vẫn chưa bỏ được thói quen mị dân
chỉ để kiếm phiếu; trong khi họ phục vụ các nhóm quyền lợi riêng biệt,
đặc biệt là các đại công ty. Phong trào sinh viên tranh đấu năm nay đã
buộc Quốc Dân Ðảng. Họ đã từng thất cử, để ghế tổng thống lọt vào tay
đảng Dân Tiến đối lập.
Cơ chế dân chủ ở Ðài Loan đã đạt được một bước tiến mới nhờ các sinh
viên biểu tình tranh đấu. Một nền dân chủ thành hình khi người ta có một
bản hiến pháp mới. Nhưng các nhà chính trị có thể lợi dụng cơ chế dân
chủ, quyết định các đạo luật hay hiệp ước mà người dân không được biết
chi tiết, không được hỏi ý kiến. Chính vì vậy nền dân chủ cần phải được
hỗ trợ bởi một xã hội công dân năng động. Các tổ chức tư của xã hội công
dân đáp ứng các nhu cầu của từng nhóm công dân, là nền móng của chế độ
tự do dân chủ. Phong trào sinh viên là một thành phần trong đó, và là
thành phần quan trọng nhất trong những lúc xã hội đang biến chuyển. Ðây
là một bài học cho các sinh viên và dân chúng ở những nước còn đang
tranh đấu đòi dân chủ hóa, như Trung Quốc hay Việt Nam.