Komori Yoshihisa – Khôi Nguyên dịch
Ngày
10/3/1975, thị xã Ban Mê Thuột của tỉnh Đắc Lắc ở cao nguyên Trung phần
miền Nam Việt Nam sau khi bị quân Bắc Việt đột kích và tấn công dữ dội
đã thất thủ.
Sự bắt đầu của màn chung kết
Tính từ ngày này cho đến vỏn vẹn 50 ngày
sau đó thì thủ đô Sài Gòn cũng chịu chung số phận như Ban Mê Thuột, đưa
đến sự sụp đổ toàn diện của chính quyền miền Nam và mở đầu cho giai
đoạn chấm dứt cuộc chiến Việt Nam kéo dài hơn 30 năm.
Việt Nam Cộng hòa là một quốc gia nhận
được viện trợ về kinh tế lẫn quân sự từ Hoa Kỳ một cách liên tục. Tuy
một phần lãnh thổ bị quân Bắc Việt chiếm đóng, nhưng quốc gia này vẫn
kiểm soát được khoảng 20 triệu dân và có khoảng 1 triệu quân nhân, đồng
thời được sự công nhận của hơn 90 quốc gia trên thế giới lúc bấy giờ.
Việt Nam Cộng hòa đã hứng chịu sự de dọa và công kích của phía Bắc Việt
trong suốt một thời gian dài để rồi cuối cùng sau một chiến dịch tấn
công quân sự quy mô trong vòng 50 ngày của đối phương, quốc gia này đã
bị tiêu diệt hoàn toàn. Đây là một sự kiện hiếm có đối với nền lịch sử
cận đại của thế giới.
Trong những giai đoạn chuyển biến quan
trọng cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, tôi đã có mặt ở Sài Gòn
với nhiệm vụ thông tin. Thời gian 3 năm làm công tác phóng viên tại đây,
đối với tôi là một chuỗi ngày dài với những bận rộn về viết lách, những
lúc di động cấp tốc để bám sát chiến trường, những nỗi khủng hoảng lo
sợ về tình hình chiến cuộc căng thẳng, những phẫn nộ về các mưu mô chính
trị, những cảm xúc trước tình cảnh bị thương v.v., tất cả đều là những
sự kiện mà đối với sự suy nghĩ thông thường của một đặc phái viên, có
nằm trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được các diễn biến đột ngột
và khích động này.
Từng đợt sóng cuồng ào ạt dâng lên trong
tình thế dầu sôi lửa bỏng, có lúc tạm lắng yên và tưởng đâu nó sẽ trở
lại bình thường nhưng chỉ trong khoảng khắc cường độ sôi động của chiến
trường lại tăng lên gấp bội, đưa đến những cục diện phũ phàng. Cuộc
chiến tranh Việt Nam là như vậy đó.
Đối
với miền Nam, trong ngày Tết Nguyên Đán năm 1975 đã xảy ra một điềm bất
thường là việc thị trấn Phước Bình của tỉnh Phước Long cách Sài Gòn
khoảng 130km về hướng Bắc đã bị quân Bắc Việt chiếm đoạt. Phước Bình vốn
là một thị trấn nhỏ nằm trong vùng núi non hiểm trở. Kể từ khi hiệp
định Ba Lê (Paris) được ký kết, tại nơi đây không xảy ra một cuộc giao
tranh quân sự nào cả. Vì thế, đây là một hành động vi phạm trắng trợn
điều khoản cơ bản hiệp định Ba Lê của phía Bắc Việt, nhưng họ vẫn tiếp
tục mở rộng địa bàn tấn công và sau đó đã làm chủ tình hình toàn bộ tỉnh
Phước Long. Trâng tráo hơn nữa là phía Bắc Việt đã tuyên bố rằng vì
quân đội miền Nam vi phạm hiệp định Ba Lê nên họ phải tấn công bằng quân
sự như vậy. Nhưng về sự kiện này, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại có
hành động khó hiểu là không cho viện binh đến Phước Long để tiếp cứu.
Xét
về mặt chiến lược, Phước Long là một cứ địa nằm dọc theo biên giới
Campuchia, có dân số ít ỏi lại thiếu tài nguyên, đồng thời nó cũng nằm
sát ngay khu vực của đường mòn HCM nên khá bất lợi trong việc đưa quân
đến đây để phản kích lại quân Bắc Việt. Nhưng điều quan trọng hơn là có
lẽ ông Thiệu đã muốn chứng minh cho Hoa Kỳ thấy rằng Bắc Việt đang ngang
nhiên vi phạm hiệp định Ba Lê và uy hiếp miền Nam, như vậy, Hoa Kỳ sẽ
không thể ngưng viện trợ được. Đây chính là một sách lược của ông Thiệu.
Tuy
nhiên, phía Hoa Kỳ đã không có một phản ứng gì về việc này, hay nói
đúng hơn là ngoài việc lên tiếng chỉ trích, phê phán Bắc Việt vi phạm
hiệp định Hoa Kỳ đã không có một hành động can thiệp nào và Quốc Hội Mỹ
vẫn tiếp tục chương trình cắt giảm ngân sách viện trợ cho miền Nam. Bởi
vì lúc đó, Tổng Thống Nixon, người từng tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ không ngồi
yên nhìn Bắc Việt vi phạm hiệp định ngưng bắn”, đã phải từ chức sau vụ
tai tiếng “Watergate” và dư luận dân chúng Hoa Kỳ cũng đang tạo áp lực
mạnh mẽ lên Quốc Hội về việc yêu cầu chính phủ chấm dứt những hành động
can thiệp vào Việt Nam.
Đối
với những nhân vật đầu não của Bắc Việt thì thái độ của Hoa Kỳ lúc này
chính là một yếu tố quyết định trong kế hoạch tấn công quy mô cuối cùng
để chiếm lấy miền Nam và nó cũng mang ý nghĩa chiến lược có tầm vóc lịch
sử. Theo hồi ký của Văn Tiến Dũng, thời điểm này Bắc Việt đã hoàn tất
một kế hoạch tổng tấn công quy mô sau khi phán đoán về phương tiện chiến
đấu giảm sút của quân đội Việt Nam Cộng hòa vì bị Hoa Kỳ cắt giảm viện
trợ. Tuy vậy, phản ứng của Hoa Kỳ vẫn còn là chìa khoá quyết định thành
bại của kế hoạch tổng tấn công cho nên theo nhận định này thì nếu Hoa Kỳ
tiếp tục ứng viện cho miền Nam bằng những cuộc oanh tạc miền Bắc thì
quân cộng sản Bắc Việt sẽ có khó cơ hội chiến thắng. Đây quả là một
chiến lược khôn khéo tránh đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ của phía Bắc
Việt và cũng vì vậy mà họ đã tung quân đánh chiếm Phước Long để dò thử
phản ứng của Hoa Kỳ.
Thế nhưng, sau khi chiếm được Phước Long
một cách dễ dàng thì Bắc Việt đã đi đến quyết định là cho dù Hoa Kỳ có
phản ứng ra sao đi nữa thì họ vẫn không lùi bước. Đây là lần đầu tiên
trong lịch sử cuộc chiến, Bắc Việt đã có một quyết định dứt khoát tấn
công triệt để.
Trước
đó, vào ngày 8/1/1975, bộ chính trị trung ương đảng lao động Việt Nam,
tức đảng cộng sản VN đã dự định trong kế hoạch tấn công nói trên rằng:
“Sẽ bắt đầu tổng công kích miền Nam vào mùa Xuân năm 1975 và trong vòng
hai năm, tức đến giữa năm 1976 sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Tóm
lại, cuộc tấn công Ban Mê Thuột vào tháng 3/1975 đã chính thức mở màn
cho chiến dịch tổng tấn công này.
Để thực hiện cuộc tổng tấn công, Văn
Tiến Dũng đã bí mật rời khỏi Hà Nội vào tháng 2/1975 vào Nam bằng những
con đường mòn bí mật mới được thiết lập tại phía Đông dãy Trường Sơn.
Tại đây, Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ huy những cuộc tấn công bất ngờ
vào Ban Mê Thuột và lúc đó ở chung quanh tỉnh Pleiku, một trong các cứ
địa hiểm yếu của miền Trung cũng đã bị bao vây chặt chẽ bởi đại quân của
Bắc Việt với mục địch ngụy trang cho một cuộc tấn công chính thức vào
đây hầu phân tán sự phòng thủ của quân đội VNCH tại Ban Mê Thuột. Tuy
nhiên, trên thực tế đã có tới 3 sư đoàn quân Bắc Việt đã hiện diện sẵn
để chuẩn bị cho những cuộc tấn công bất ngờ vào Ban Mê Thuột. Trong khi
đó, thành phần chủ lực của VNCH là sư đoàn 23 được điều động về Pleiku
để tiếp ứng tạo thành một lực lượng phòng thủ hùng hậu duy nhất tại đây.
Điều này cho thấy sự thay đổi mục tiêu
tấn công trong lúc có đầy đủ binh lực với thế áp đảo đối phương của Bắc
Việt, lần đầu tiên đã trở thành một điều căn bản trong chiến lược của
họ. Cùng thời điểm này, tại quân khu 2 bao gồm toàn thể miền Trung, quân
VNCH đang hiện diện với quân số tương đương với 2 sư đoàn nhưng Bắc
Việt cũng đã phối trí tại đây tới 5 sư đoàn. Với tương quan lực lượng về
quân số như vậy, dĩ nhiên là những trận tập kích sau đó vào Pleiku của
quân Bắc Việt được coi như sẽ dễ dàng tạo áp lực nặng nề cho quân đội
VNCH. Hơn nữa, Pleiku lại là một cứ điểm quan trọng của Bộ Tư Lệnh Quân
Khu 2 VNCH nên ai cũng nghĩ rằng quân đội miền Nam sẽ tử thủ để bảo vệ
cứ địa này.
Trong tình thế khẩn cấp như vậy, vào
buổi sáng ngày 16/3/1975 khi tôi đang có mặt ở Sài Gòn thì phóng viên kỳ
cựu Nguyễn Gia Thôi của đài phát thanh chính phủ miền Nam hớt hãi báo
tin cho tôi biết rằng: “Ông ơi, tại Pleiku hình như đã xảy ra chuyện
gì rồi, vì đột nhiên những tin tức truyền từ đó về đây đã hoàn toàn bị
cắt đứt. Nhưng quân cộng sản vẫn chưa tấn công vào Pleiku kia mà? Thật
là khó hiểu quá.” Đối với tôi thì đây là một nguồn tin có tính cách liên quan đến biến chuyển lịch sử bại trận hoàn toàn của quân đội miền Nam.
Thì ra, ông Thiệu bỗng nhiên ra lệnh bỏ
Pleiku và triệt thoái cao nguyên, rút hết toàn bộ quân đội đang phòng
thủ ở miền Trung về Nam. Ông Thiệu đã nhận định là vì Hoa Kỳ cắt giảm
viện trợ nên quân đội miền Nam đã không đủ vũ khí đạn dược để chiến đấu
cùng quân số hùng hậu của quân BV. Sau khi rút quân từ miền Trung, quân
đội VNCH sẽ tập trung để tạo thành tuyến phòng thủ bao bọc các nơi đông
dân cư ở ven biển và thủ đô Sài Gòn trong một chiến thuật triệt để tử
thủ phần đất miền Nam còn lại.
Thế nhưng, chiến thuật này đã hoàn toàn
thất bại vì đội quân triệt thoái của miền Nam đã tựa như những mảnh băng
sơn tan rả và bị chôn vùi dưới cơn hồng thủy lánh nạn của người dân
miền Trung lúc đó thật ào ạt và mãnh liệt.
Nói khác đi là quân đội VNCH đã mất đi
thế lực chiến đấu. Sự kiện này đối với Văn Tiến Dũng chẳng khác nào một
cơ hội bằng vàng vì “bất chiến tự nhiên thành” và theo kế hoạch về một
tình thế khống chế toàn bộ miền Trung sẽ bắt đầu từ năm 1976 nay lại
hoàn thành sớm hơn dự định. Vì vậy, Văn Tiến Dũng đã ra lệnh cho toàn
quân Bắc Việt truy kích ráo riết các tuyến đường tháo lui của quân đội
miền Nam.
Vào lúc này, Hà Nội đã dốc hết toàn lực
để sớm đánh chiếm Sài Gòn bằng cách đưa thêm quân số của quân đoàn 2
cùng dân quân tự vệ vượt qua vĩ tuyến17 để đột nhập Quảng Trị và Huế,
đồng thời còn tận dụng cả lực lượng dân quân trừ bị khiến cho số lượng
nhân viên trong bộ máy hành chính và sản xuất đã giảm xuống còn 1/3. Nói
chung là Hà Nội đã rót hết lực lượng chiến đấu vào miền Nam với tổng
cộng 20 sư đoàn dân quân lúc đó đang trên đường Nam tiến.
Kết quả là phía miền Nam đã từ từ mất
Huế, Đà Nẵng và các khu vực chung quanh Sài Gòn cũng lần lượt bị rơi vào
vòng kiểm soát của quân Bắc Việt.
Trong quá trình này đã có tới mấy triệu
người dân miền Nam phải bỏ chạy lánh nạn cũng như có biết bao thảm cảnh
bi thương thống khổ đã xảy ra khắp nơi tại miền Nam Việt Nam.
©Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR
(Kỳ 6: Những cảm nhận sâu sắc về sự tàn ác của chủ nghĩa cộng sản)
Nguồn: Sài Gòn Thất Thủ – Kỳ 5: Sự bắt đầu của màn chung kết. Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR, 21/03/2014