Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2014

Rắn, cua, ếch – Sự tam quyền của tự nhiên

Đức Thành
Đối với sự sống trên trái đất, nếu chỉ nhìn theo một lăng kính nào đó ta sẽ thấy thiên nhiên, trời đất thật không công bằng. Vùng đất nơi này được ưu ái đầy hoa thơm cỏ lạ thì nơi ở kia lại khắc nghiệt khô cằn hoang lạnh vô cùng.
Thực ra sự sống tự nhiên luôn công bằng và sòng phẳng, chỉ có điều con người chúng ta nhìn nhận những sự việc hiện tượng đó theo lăng kính nào. Bỏ qua mọi cảm xúc thiên lệch mà nhìn nhận cuộc sống theo nghĩa tự nhiên nhất, chúng ta sẽ thấy sự sống vốn dĩ rất công bằng, thậm chí còn ở mức công bằng đến mức vi diệu là đằng khác.
Riêng chuyện khắc chế lẫn nhau của ba loài “Rắn- Cua- Ếch” trong tự nhiên rất gần gũi với người Việt mình lại là minh chứng sinh động nhất về sự khắc chế trong cộng đồng để cùng tồn tại và phát triển trong tự nhiên. Nó hoàn toàn mang tính cân bằng để cùng tồn tại và phát triển giống nòi của chúng và giữa chúng với nhau.

Là người dân Việt ai cũng có thể hiểu biết về con rắn, con cua, con ếch và sự khắc chế lẫn nhau của ba loài này. Chẳng ai lạ gì con cua cứng cáp, cái càng của nó gai góc kềnh càng là thế, nhưng nó lại bị khuất phục bởi con ếch có cái diều và làn da dẻo quẹo và trơn trượt. Cái hàm ếch như vậy mà nuốt gọn cả con cua mặc dù cái càng cua to đến mấy. Nhưng con ếch dù không sợ con cua, ăn tươi nuốt sống cả nhiều con cua một lúc vào lúc đói bụng, thì lại vô cùng sợ hãi khi gặp phải loài rắn, vì chính loài êch nhái là món mồi khoái khẩu của các loài rắn. Và khi rắn gặp cua thì dù nọc độc của nó lợi hại đến mấy cũng không thể hạ gục được loài cua, và tuy có thể tấn công nhiều loài vật khác to lớn gấp nhiều lần cua, nhưng mỗi khi cua dương càng trợn mắt ngênh chiến thì loài rắn chỉ còn nước lủi thủi chuồn đi…
Hiện tượng “rắn- cua – ếch” phải chăng là sự sắp đặt khắc chế “tam quyền phân lập” của tự nhiên mà có lẽ loài người đã manh nha phát hiện ra từ mấy nghìn năm trước, để rồi ngài Montesquieu triển khai thành “thuyết tam quyền phân lập” áp dụng vào nguyên tắc tổ chức và hoạt động trong bộ máy quyền lực; những nhà nước nào muốn tồn tại và phát triển một cách bền vững đều phải tuân theo các nguyên tắc của học thuyết này.
So sánh nguyên tắc tam quyền phân lập mà các nhà nước tiên tiến đang áp dụng với nguyên tắc “tập trung thống nhất” mà đảng Cộng sản Việt Nam và một số đảng toàn trị trên thế giới áp dụng, thấy sự khắc chế quyền lực giữa các cơ quan nhà nước của chúng ta hiện nay chỉ là sự khắc chế lỏng lẻo, hời hợt, manh mún và chỉ tập trung sức mạnh, quyền lực ở một số cá nhân có chức có quyền. Những tổ chức đoàn thể được lập ra thực chất chỉ có mỗi việc cho có vẻ dân chủ, nếu như không muốn nói rằng các cơ quan tổ chức đó được đảng lập ra để phục vụ mục đích ý chí của đảng. Mà mục đích ý chí của đảng ngày nay đã không còn là mục đích ý chí của đại bộ phận nhân dân Việt Nam, minh chứng là các vụ khiếu kiện của dân oan và quần chúng nhân dân biểu tình yêu nước trước thái độ ngang ngược xâm lấn biển đảo của Trung Quốc đã bị đảng cầm quyền ra tay dùng “bạo lực cách mạng” để trấn áp.
Sự kiên định nguyên tắc tập trung quyền lực vào trong tay một đảng đã để lại hậu quả khôn lường cho một dân tộc vốn đã nặng gánh đau thương vì thiên tai bão lũ của thiên nhiên và vết thương chiến tranh vẫn luôn rỉ máu, bởi chẳng có ai trong đảng dám hàn gắn vết thương này vì ý thức hệ cộng sản còn đặc quánh trong đầu giữa thời buổi mô hình kinh tế tư bản được đại trà áp dụng ở tất cả các quốc gia đã và đang còn chế độ cộng sản, khiến nó nảy nòi ra nhiều thủ đoạn mánh khóe làm ăn kiếm chác kiểu thời kỳ tư bản dã man, bóc lột thậm tệ đẩy đại bộ phận nhân dân, đặc biệt là nông dân đến bần cùng – Ấy là hệ quả về kinh tế!
Đảng chỉ chấp nhận người của đảng nắm giữ các vị trí chủ chốt và phân công nắm giữ ba quyền Tư pháp, Hành pháp, Lập pháp mang tính hình thức. Thực tế này đã dẫn tới hệ quả là chồng chéo trong phân cấp quản lý nhà nước, nền tư pháp trì trệ gây oan sai nhiều, án oan sai phổ biến và thiên lệch nặng; oan khuất chỉ sảy ra ở phía người dân, các quan chức của đảng nếu có bị tù tội thì phần lớn là chỉ ngồi tù một cách hình thức cốt nhằm che chắn dư luận. Quan chức nhà nước và cán bộ đảng bị sai phạm nhưng chỉ bị xem xét chiếu lệ, thậm chí được thăng quan tiến chức. Kỷ cương phép nước không nghiêm – Ấy là hệ quả về xã hội.
Tam quyền không được giao cho toàn thể nhân dân lựa chọn và quyết định bằng phổ thông đầu phiếu, dẫn đến việc người của đảng có chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước dù làm sai và bị nhân dân bất bình đến đâu vẫn điềm nhiên tại vị nếu đảng vẫn cố tình để người đó tại vị mà không xử lý. Hệ quả là gây nên sự khinh nhờn pháp luật, kỷ cương phép nước không còn. Tình trạng vô chính phủ phổ biến từ chính các cán bộ công quyền của người dân. Và thực tế cho thấy càng gia tăng nhà nước cảnh sát thì những ức chế trong xã hội ngày càng bùng phát ở cả số lượng và qui mô cấp độ.
Như đã thấy khi sự câu kết lợi ích nhóm được câu kết chặt chẽ trong một đảng cầm quyền và những nhà lãnh đạo của đất nước vẫn khư khư thực hiện nguyên tắc tập trung thống nhất trong quản lý lãnh đạo và xử lý những vấn đề của quốc gia, ắt xảy ra hàng loạt vụ thất thoát khủng khiếp về kinh tế, oan sai, khiếu kiện đầy đường và bao trùm lên toàn xã hội, còn an ninh quốc phòng thì bị đe dọa chỉ bởi người “bạn vàng- bốn tốt” của đảng mà thôi.
Khi cơ chế tập trung thống nhất được đảng tiếp tục kiên định để điều hành đất nước, tức là chỉ tập trung thống nhất trong tay đảng, mà đảng lại thừa nhận đảng đang có một bộ phận không nhỏ (tức là lớn) suy thoái biến chất, thì đất nước rệu rã, nợ nước ngoài chồng chất, đời sống nhân dân khó khăn, nạn tham nhũng hoành hành như hiện nay là điều hiển nhiên.
Mặt khác kẻ thù của dân tộc thì ra sức tận dụng cơ hội này để phá nát nền kinh tế cũng như triệt để phá hoại khối đại đoàn kết của dân tộc Việt, vì đây là sức mạnh cốt lõi của một dân tộc đã chiến thắng mọi kẻ thù dù gian giảo xảo quyệt và to xác đến mấy – lịch sử đã chứng minh điều đó.
Trở lại câu chuyện sự khắc chế lẫn nhau của Rắn – Cua – Ếch. Đó là sự khắc chế lẫn nhau tuyệt vời mà thiên nhiên tạo nên để chúng duy trì sự sống cho đến tận ngày nay, và môi trường tự nhiên nhờ có sự khắc chế ấy mà trường tồn.
Tương tự như vậy, trong quản lý điều hành, tổ chức bộ máy nhà nước nếu như cứ theo nguyên tắc tam quyền phân lập rõ ràng dứt khoát, theo mô hình các nước phát triển tiên tiến trên thế giới đang thực hiện, ắt cũng sẽ hạn chế được rất nhiều hạn chế khiếm khuyết và nguy cơ đã và đang xảy ra cho đất nước.
Thực tế chỉ có những kẻ cổ súy cho độc quyền lãnh đạo mới đả phá thuyết tam quyền phân lập và mới vu khống cho nhân dân mình đang khát khao dân chủ và bình đẳng để phát triển đất nước là “thế lực thù địch”.
Chúng ta hãy cảnh giác cao độ vì luận điệu đó tung ra gây hỏa mù nhằm thật giả lẫn lộn, chỉ nhằm có lợi cho kẻ thù của dân tộc mà thôi.
Càng ngẫm càng thấy phương châm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của cụ Phan Chu Trinh ngót thể kỷ nay vẫn cần thiết cho nước Việt ta lắm lắm!
Đ.T.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"