Nguyễn Hưng Quốc
Thế là tôi đã rong chơi trên facebook được ba tuần. Trong ba tuần ấy, tôi thấy gì?
Thấy, trước hết, như cái điều hầu như mọi người đều thấy: Đó là một
mạng lưới xã hội thông dụng và rộng lớn nhất hiện nay với hơn một tỉ
người, hoặc một phần năm dân số thế giới, đang sử dụng. Trong mạng lưới
ấy, tất cả những ngăn cách về phương diện địa lý vốn là một rào cản lớn
nhất trong lịch sử, được vượt qua dễ dàng. Người ta, từ bất cứ một ngóc
ngách nào trên mặt địa cầu, nếu có computer được nối mạng, đều có thể
liên lạc được với nhau một cách hết sức nhanh chóng. Theo kinh nghiệm
của tôi, có lúc mới post bài lên facebook được vài giây, đã có hàng chục
người phản hồi. Có những người ở rất xa Úc, từ Việt Nam, từ Mỹ, từ châu
Âu, thậm chí, từ châu Phi xa lơ xa lắc.
Tôi cũng thấy nữa hai sự quan tâm chung của người Việt ở trong cũng
như ở ngoài nước: xã hội và bản thân mình. Có thể xem đó là hai đề tài
phổ biến nhất trên facebook tiếng Việt: Hầu hết các bài viết hoặc ý kiến
ngắn trên đó, nếu không thể hiện một thao thức gì đó về hiện tình xã
hội và đất nước thì cũng tập trung vào cá nhân mình hoặc gia đình của
mình. Có điều, ở hai loại đề tài này, thái độ của người ta khác hẳn
nhau.
Với đề tài xã hội, thái độ chung, dễ thấy nhất, là sự bi quan và bất
mãn. Chúng thường nhằm vạch trần một mặt trái dơ dáy và dơ dáng trong xã
hội, nhằm phê phán một hiện tượng hoặc một chính sách mà người ta cho
là tiêu cực hoặc chống lại dân quyền cũng như nhân quyền. Đối tượng
chính bao giờ cũng là chính quyền và đảng Cộng sản, trong đó, chiếm vị
trí trung tâm có lẽ là các cán bộ lãnh đạo và công an.
Về đề tài cá nhân, thái độ chung, ngược lại, dường như toát lên một
vẻ lạc quan và tích cực rất hiếm thấy trong đời thường và cũng, đã lâu
lắm rồi, hiếm thấy cả trong văn học lẫn phim ảnh. Trong loại đề tài này,
hình thức cũng khác. Về xã hội, người ta có thể viết lách thật dài dòng
với những phân tích, luận điểm và luận cứ rõ ràng; về cá nhân, thường
có sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ và hình ảnh. Người ta hiếm khi mô tả
về mình hay gia đình mình. Thường nhất là đưa ra một số bức ảnh nào đó.
Nhìn vào những bức ảnh ấy, chúng ta không thể có nhận xét nào khác hơn
là: đẹp và vui. Ví dụ, liên quan đến việc ăn uống, hình ảnh bao giờ cũng
là những món ăn, nếu không sang trọng thì cũng thật hấp dẫn. Bên cạnh
đó hầu như bao giờ cũng có rượu và bia ê hề. Liên quan đến nhà cửa,
thường đó là những ngôi nhà mới xây hay mới mua, thật đẹp. Liên quan đến
vợ chồng con cái, bao giờ cũng có những nụ cười tràn đầy hạnh phúc. Hơn
nữa, ít khi người ta chụp ở nhà, trừ những buổi tiệc tùng; thường hơn,
là cảnh đang đi du lịch đâu đó nên ngoài vẻ đẹp còn có cái gì như thảnh
thơi, nhàn nhã, và thỉnh thoảng, giàu có.
Nhìn những hình ảnh cá nhân và gia đình như vậy, chúng ta thấy chúng
có cái gì khác xa với đời sống ngày thường. Ngày thường, chúng ta ăn
uống đạm bạc hơn: sự đạm bạc ấy hiếm khi thấy trên facebook. Ngày
thường, nhà cửa chúng ta bầy hầy hay nhếch nhác hơn: sự bầy hầy hay
nhếch nhác ấy hiếm khi được nhìn thấy trên facebook. Ngày thường, không
phải lúc nào vợ chồng con cái chúng ta cũng hạnh phúc: cái thiếu hạnh
phúc rất ư con người ấy cũng không hề thấy trên facebook.
Tôi có một người bạn thường than thở về không khí căng thẳng oi bức
trong chỗ làm: boss thì hách dịch, đồng nghiệp thì ích kỷ, nhỏ nhen, ti
tiện, hay dèm pha và hay chơi gác. Nhưng những bức hình người bạn ấy
post trên facebook lại khác hẳn: những buổi họp mặt ăn uống chung vừa
náo nhiệt vừa vui vẻ, mặt mày ai cũng tươi roi rói và các ánh mắt nhìn
nhau cũng hết sức ấm áp và thân tình. Nhìn, so sánh với những gì tôi
thường nghe kể, tôi cứ ngỡ như đang lạc vào một thế giới khác.
Người ta có giả dối không khi post những hình ảnh tươi sáng và đẹp đẽ
như vậy? Tôi nghĩ là không. Cuộc đời nào cũng có hai mặt: tối và sáng;
có những thành công và những thất bại, những mãn nguyện và những ẩn ức,
những lúc thật vui và những lúc thật buồn. Đó là chuyện đương nhiên và
hiển nhiên.
Vấn đề ở đây chỉ là sự chọn lựa.
Và sự chọn lựa ở đây không phải gắn liền với sở thích cá nhân mà là gắn liền với một cái gì gần như là thể loại.
Ví dụ, khi làm thơ, hầu hết đều có khuynh hướng nghiêng về mặt tối và
buồn. Những tình yêu đẹp và hạnh phúc, kết thúc bằng hôn nhân hiếm khi
đi vào thơ. Chỉ thành thơ những tình yêu dở dang hay trắc trở. Trước năm
1945, kết thúc bài thơ “Chùa Hương” với mối tình thầm lặng giữa một cô
gái 15 tuổi với một chàng nho sinh “tướng mạo trông phi thường”, Nguyễn
Nhược Pháp viết: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy
nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là
hết chuyện.” Thú thực, tôi không thích bài thơ này lắm. Nhưng tôi rất
thích cái ghi chú nho nhỏ này của Nguyễn Nhược Pháp: Nó thông minh và
rất tinh tế.
Giống như thơ, nhưng ở hướng trái ngược lại, facebook có một thứ quy
ước khác, như một sự thỏa thuận âm thầm và bất thành văn: ở đó, người ta
chỉ nên post những gì tươi sáng và đẹp đẽ nhất. Những cái buồn, những
cái khổ, những sự băn khoăn, trăn trở, thao thức và day dứt, những buồn
phiền và cay đắng, những thất bại và thất vọng của bản thân mình và gia
đình mình tốt hơn hết là gạt sang một bên để một mình mình hứng chịu.
Vào sân chơi facebook, nơi mọi người đang vui và chỉ thích vui, cần một
giọng khác, tích cực và lạc quan. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà trên
facebook có những loại ngôn ngữ mà, thú thực, trước khi vào facebook,
tôi rất khó chịu: hehe, hihi, haha để diễn tả tiếng cười; ngay cả khi
diễn tả tiếng khóc, người ta cũng hài hước hóa nó thành: huhu, và
thường, sau đó, dấu hiệu đang cười.
Quy ước ấy có gì sai không? Tôi nghĩ là không. Không nên và không thể
đòi hỏi facebook như một tác phẩm văn chương ở đó cuộc đời cần được
phản ánh hoặc thể hiện hoặc thể nghiệm một cách sâu sắc, đa tầng và đa
diện, tận đáy cùng của tiềm thức và vô thức cũng như của xã hội.
Facebook, trước hết và trên hết, là một sân chơi; ở đó, chức năng chính,
bên cạnh sự thông tin, là giải trí. Người ta vào facebook là để vui.
Muốn học hỏi: người ta đến những nơi khác. Muốn nối kết mọi người lại
thành một lực lượng chính trị: người ta đến những nơi khác. Đã đành,
facebook cũng có thể thực hiện được các ý đồ và ước muốn ấy. Nhưng đó
chỉ là lý do phụ. Lý do chính để sáng sớm, mới mở mắt dậy, người ta vào
internet và mở facebook ra ngay là tìm vui. Nhiều người cả ngày lẫn đêm
nằm lì trên facebook, từ giờ này sang giờ khác, cũng vì thấy vui trên
đó.
Với quy ước ấy, facebook nuôi dưỡng sự lạc quan khi nhìn vào chính
mình cũng như khi nhìn vào người khác. Nhiều người đã ghi nhận sự kiện
facebook làm thay đổi một số từ vựng trong tiếng Anh. “Friend”, ai cũng
biết, vốn là bạn, trước, chỉ là một danh từ; nay, với facebook, nó trở
thành một động từ, với nghĩa kết bạn. “Like” là thích, nhưng trong ngôn
ngữ facebook, nó không hẳn là thích. Khi người nào đó bấm “like” dưới
“status” hay “note” của bạn, không hẳn người ấy thích hay đồng ý với
bạn. Nhiều lúc, nó chỉ có nghĩa đơn giản là: Tôi đã thấy bài của bạn.
Thấy, chưa chắc đã đọc; và đọc, chưa chắn đã thích. Nhưng vẫn bấm
“Like”. Có điều, trên facebook, bạn không có một chọn lựa nào khác. Chỉ
có “like”. Khi đổi ý, bạn có thể rút chữ “like” ấy lại bằng chữ
“unlike”. “Unlike” không phải là không thích. Nó chỉ có nghĩa là rút lại
cái chữ “like” đã post. Bằng cách hạn chế số từ vựng trên facebook,
người ta chỉ cho phép những thái độ tích cực tồn tại. Kể cũng hay.
Bởi vậy, khi xem facebook như một thế giới khác, tôi không hàm ý phê
phán. Tôi xem đó là một đặc điểm chứ không phải ưu hay khuyết điểm gì
cả.
Thỉnh thoảng, vào đó, nhìn bạn bè thực sự và “friend” trong thế giới
ảo, thấy ai cũng vui, mình cũng vui lây. Thì cũng đáng. Chứ sao?
Tôi chỉ có một điều băn khoăn duy nhất: Sự đối lập giữa xã hội và bản
thân như thế, về lâu về dài, không chừng sẽ gây nên một tâm lý phản-xã
hội: Cái gì thuộc về mình, có tính chất riêng tư, thì hay và đẹp, còn
những gì thuộc về xã hội, có tính chất cộng đồng, thì lại xấu xí và xấu
xa.
Nhưng đó là chuyện về sau. Về lâu về dài.