Thongphamdhk
Lời giới thiệu của blogger Hà Hiển: Những năm gần đây, thuật ngữ “bẫy thu nhập trung bình” (“middle income trap”) hay được báo chí sử dụng để chỉ ra một trong những nguy cơ đang hiển hiện đối với Việt Nam. Có thể một số người cảm thấy yên tâm khi đọc qua cụm từ này vì “trung bình” theo nghĩa phổ thông nói chung để chỉ một điều gì đó không tốt cũng không xấu. Nhưng khái niệm “bẫy thu nhập trung bình” trong kinh tế thì lại là một thứ cực kỳ tệ hại mà những quốc gia nào dính phải nó sẽ càng ngày càng tụt hậu và lụn bại so với thế giới mà không bao giờ ngóc đầu lên được, không chỉ làm cho kinh tế suy yếu mà an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ cũng khó được bảo toàn với vị thế quốc gia trên trường quốc tế sẽ ngày càng đi xuống.
Xin được giới thiệu bài viết sau đây của một bạn đọc trên trang Alan Phan với nick name Thongphamdhk về “bẫy thu nhập trung bình”. Nội dung bài viết không “hàn lâm” như những bài viết của nhiều tác giả khác là các chuyên gia kinh tế học khi viết về cùng chủ đề này mà nó dễ đọc hơn với những ví dụ và phân tích nôm na, đơn giản, dễ hiểu - rất bổ ích và cần thiết để “khai sáng” cho những người “ngoại đạo” trong lĩnh vực kinh tế như chủ blog này. Nếu bạn đọc nào cũng có nhu cầu cần được “khai sáng” như tôi về lĩnh vực này thì chúng ta cùng đọc nhé:
Bẫy thu nhập trung bình là gì?
Vừa qua, trên các trang báo (giấy/mạng) có đăng tải nội dung: Việt
Nam đã “rơi vào bẫy thu nhập trung bình” theo nhận xét của giáo sư Nhật
Ohno được đưa ra trước nhiều học giả Việt Nam tại hội thảo “Khởi tạo
động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI – nội
địa” do trường Đại học kinh tế Quốc dân, và Viện Nghiên cứu chính sách
quốc gia Nhật Bản tổ chức ngày 26-3 tại Hà Nội: http://www.baomoi.com/Chuyen-gia-Nhat-Viet-Nam-da-roi-vao-bay-thu-nhap-trung-binh/45/13408032.epi
Tuy nhiên, qua tiếp xúc với rất nhiều đối tác, các doanh nghiệp, kể
cả môt số bạn bè trong giới Ngân Hàng, tôi nhận thấy không mấy ai quan
tâm tới thông tin nầy.
Vậy, bẫy thu nhập trung bình là gì? tác động của nó ra sao?… và ảnh hưởng gì tới mỗi doanh nghiệp, cá nhân, gia đình chúng ta?
Để tiện thảo luận nhằm hiểu thêm về nội dung trên, theo góc nhìn của mình, tôi cũng xin phép có một số thiển ý về đề tài trên.
Để thuận tiện trong việc lý giải, minh hoa, tôi có thể tạm lấy một ví dụ nhỏ:
Giả định ta có 2 doanh nghiệp Spo và Vila, cùng kinh doanh những
ngành nghề tương tự, qui mô sản xuất, kinh doanh tương tự nhau.
Trường hợp 1: Để kinh doanh,
doanh nghiệp Spo có vay một số tiền 500.000.000đ, lãi suất 1%/tháng.
Cuối tháng, doanh nghiệp Spo dư ra 35.000.000đ, sau khi trã lãi
5.000.000đ, trả vốn vay 20.000.000đ, họ còn 10.000.000đ để tái đầu tư,
phát triển sản xuất. Sau gần 25 tháng, Spo đã hoàn vốn vay, và có đủ
nguồn lực để tăng tốc phát triển.
Trường hợp 2: Đối với doanh
nghiệp Vila, với văn hóa kinh doanh “đặc thù” tự soạn, ngoài những
khoản đầu tư thiết yếu cho sản xuất, kinh doanh, họ còn phát sinh nhiều
chi phí khác không thực sự hổ trợ cho kinh doanh, cùng với bộ máy nhân
sự cồng kềnh không cần thiết, đính kèm với cơ sở vật chất phục vụ cho
mình. Tuy nhiên, do điều kiện vay mượn dể dàng, cuối cùng doanh nghiệp
Vila cũng đã vay được tiền cho nhu cầu kinh doanh, nhưng với nhiều lần
vay, mức vay của họ đã lên đến 2.000.000.000đ (cũng với mức lãi suất
1%/tháng) mới hoạt động được doanh nghiệp của mình. Cuối tháng doanh
nghiệp Vila dư ra 35.000.000đ, họ trả lãi vay 20.000.000đ, trả vốn vay
5.000.000đ, còn 10.000.000đ để duy trì sự sống cho bộ máy cồng kềnh của
mình. Sau gần 400 tháng (khoảng 33 năm), doanh nghiệp Vila mới hoàn tất việc trả hết vốn vay.
Trong 2 trường hợp nêu trên, trường hợp thứ 2 của doanh nghiệp Vila
có thể được xem là trường hợp đã “rơi vào bẫy thu nhập trung bình“. Và
nếu doanh nghiệp Vila vẫn chưa ý thức được tình trạng của mình, tiếp tục
vay thêm tiền để hoang phí, thời gian hoàn vốn có thể nhân đôi so với
số thời gian phía trên.
Hậu quả của việc rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”
Nếu tôi là nhà đầu tư tài chánh khôn ngoan, tôi sẽ đi “săn lùng” một
tay doanh nghiệp ngơ ngáo nào ham thích tiêu xài, thừa tham vọng, thiếu
kiến thức, nhưng có tài sản đảm bảo, tôi sẽ cho hắn vay tiền thật thoải
mái, nhưng phải “cân đối” chỉ vừa đủ cho dòng họ của “hắn” cày bừa suốt ba đời để nuôi gia đình tôi ăn không ngồi rồi.
Nếu đã lọt “bẫy” rồi mà “hắn” còn không biết khôn, không chịu tiết
kiêm, vẫn còn nhu cầu và sẳn sàng vay mượn tiếp tục để hoang phí, tôi
cũng sẽ cho vay tiếp, nhưng chắc chắn là phải đính kèm với một số điều
kiện liên quan tới “đất đai lãnh thổ” thuộc tài sản thế chấp của hắn –
dĩ nhiên là phải giá hời.
Bảo đảm là khi đã “ sụp bẫy” rồi thì con “mồi” khó mà thoát khỏi một sớm một chiều.
Thông tin “Việt Nam dã rơi vào bẫy thu nhập bình quân” thật sự là
một thông tin vô cùng xấu đối với toàn thể người VN, vì chúng ta sẽ chỉ
còn tồn tại, kéo dài sự sống, chớ không còn đủ nguồn lực để phát triển,
vì tất cả công sức của cả nền kinh tế đều phải dành cho trả nợ, và tình
trạng nầy sẽ kéo dài không dưới 3 thập kỷ.
Từng người dân, mọi doanh nghiệp VN, sẽ luôn cảm thấy áp lực từ các
loại chi, phí ngày càng tăng như việc tăng giá xăng, dầu, điện, nước, lệ
phí giao thông,... các loại nghị định xử phạt ngày càng nặng, các kiểu
quyết toán thuế, quyết toán quí, tháng, năm... dể làm Knock-out bất cứ
công ty sừng sỏ nào, các loại phí trong dân sẽ ngày càng vô cùng đa
dạng, các kiểu thuế chồng thuế, phí chồng phí ngày càng phổ biến, theo
“định hướng” ngày càng tăng không có điểm dừng,…
Tốc độ gia tăng của các loại phí sẽ phi nhanh hơn nhiều so với tốc
độ tăng lương, sẽ làm cho người dân nghèo đi trông thấy. Tất cả nguồn
thu sẽ được khai thác sử dụng triệt để cho nhu cầu trả nợ, kể cả “chi
phí” cho bộ phận trung gian hành chính giúp ta làm động tác trả nợ. Và
do đó, trong tương lai, chúng ta sẽ không còn phải lạ gì nữa với các
“hiện tượng” trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, như việc một mặt là kêu
gọi khoan sức dân, khoanh nợ, giãn nợ, giãn thuế... cho doanh nghiệp,
nhưng mặt khác, việc giao chỉ tiêu thu ngân sách vẫn luôn phải năm sau
cao hơn năm trước, cho dù có biết doanh nghiệp vẫn đang và sẽ con tiếp
tục phá sản như rạ.
Nếu bạn ở trong một quốc gia đang bị nhốt bởi “chiếc bẫy thu nhập
bình quân”, ngoài việc “nỗ lực làm hoài không thấy tiền đâu” do đã luôn
luôn bị trực tiếp (hoặc gián tiếp) điều tiết lên “trên” để góp phần trả
nợ chung, mỗi doanh nghiệp chúng ta cũng rất dễ rơi vào bẫy thu nhập
bình quân trong quá trình kinh doanh: Nếu tiền thuê nhà quá cao, nếu
phải vay chợ đen, nếu vung tay quá trán… có thể cả đời còn lại của chúng
ta sẽ chỉ “làm cho chúng ăn”. Một khi đã sụp bẫy, việc phá sản luôn nằm
trong tầm tay. Một số minh chứng về hiện tượng nầy, các bạn có thể tham
khảo qua bài ”Cấp thiết giảm lãi vay nợ cũ (http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140402/cap-thiet-giam-lai-vay-no-cu.aspx)
Con, cháu nhiều thế hệ sau của chúng ta, nếu được chúng ta đầu tư
cho học hành tới nơi tới chốn, có trình độ tương đương các nước như Hoa
Kỳ, Canada, Singapore…, và nếu chúng làm việc thật sự có năng lực và
siêng năng như mọi nhân viên của các quốc gia phát triển khác, nhưng một
khi đã làm việc, công tác tại một công ty Việt Nam, có khả năng các
cháu chỉ nhận được một mức lương khiêm tốn bằng 1/10 so với đồng nghiệp
tại các nước phương Tây, vì các cháu cũng phải “gián tiếp” chung tay
chung sức góp phần trả nợ do nhiều đời trước vay mượn rồi.
Sau khi tham gia TPP (nếu được), nền kinh tế Việt Nam sẽ “có vẻ phát
triển” do sự “đóng góp” của các đối tác mới, một số chỉ số phát triển
sẽ tăng, nhưng phần lớn sự đóng góp để vẽ lên “báo cáo thành tích phát
triển” đó, đa phần đều sẽ xuất phát từ khối FDI, và dỉ nhiên, các chỉ số
phát triển đó cũng sẽ không đóng góp được gì nhiều trong thực tế cho
việc giãm “rổ” nợ nần của chúng ta.
Một khi đã ở trong “bẫy”, cũng đồng nghĩa với việc bị cách ly với
thế giới phát triển tự do đang nằm nên ngoài “bẫy”, việc tăng trưởng
chung của toàn thế giới sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển
của những “ai” đang ở bên ngoài “bẫy”, trong đó có cả khối FDI (cho dù
họ đang đóng trên địa bàn của quốc gia dính “bẫy”), nhưng chắc chắn sự
tăng trưởng đó cũng không giúp được gì nhiều lắm cho quốc gia dính
“bẫy”.
Một khi đã dính “bẫy”, chúng ta sẽ phải loay hoay dậm chân tại chỗ
trước sự tiến bộ không ngừng của các nước khác. Nói cách khác, chúng ta
luôn phải quay cuồng cho sự tồn tại của chính mình, không thể hòa nhập
vào xu hướng / tốc độ phát triển chung của thế giới cho dù rất muốn.
Khi đã dính “bẫy”, nội lực của quốc gia sẽ chỉ dao động theo một biểu đồ hình SIN trên một trục HOÀNH nằm ngang.
Là doanh nghiệp trong một quốc gia dính “bẫy”, vị trí doanh nghiệp
của bạn sẽ ở đâu đó trên biểu đồ hình SIN với mức dự trữ ngân sách chung
(để hổ trợ cho sự phát triển) luôn được biểu thị bằng một biểu đồ nằm
ngang cố định.
Bạn có thể không đến nổi nghèo nếu may mắn, nhưng cũng khó có thể
giàu, và dĩ nhiên, việc doanh nghiệp của bạn có thể “sánh vai với các
cường quốc năm châu” chỉ là một điều viển vông nếu bạn vẫn còn kinh
doanh ngay thẳng, thuế và phí sẽ không bỏ qua bất kỳ cơ hội “điều tiết”
mọi dự trữ (nếu có) của bạn.
Khi một quốc gia nào đó đã dính “bẫy”, người dân quốc gia đó cũng
nên hiểu rằng, cả dân tộc họ đang luôn phải “tận tụy” hàng nhiều thập kỹ
để đóng góp thêm cho khối tài sản khổng lồ của những tay tỉ phú “tư
bản” nào đó đang chơi golf hay đang phơi nắng trên những chiếc du thuyền
lộng lẫy ở đâu đó…
Khi một quốc gia nào đó đã dính “bẫy”, cũng đồng nghĩa với việc thể
chế kinh tế của quốc gia đó thật sự có “vấn đề”. Nếu muốn thoát khỏi
“bẫy” mà vẫn không chịu thay đổi và hoàn chỉnh nhanh thể chế một cách
tốt đẹp, khoa học hơn, dân tộc đó chắc chắn sẽ ngày càng lún sâu vào nợ
nần. Tuy cũng có thể có những người siêu giàu nhờ nắm bắt được “cơ hội”
trong “ao nước đục”, nhưng cũng sẽ hình thành một cách song hành một số
lượng vô cùng lớn những người thuộc diện nghèo “ rớt mùng tơi”, đặc biệt
là ở lĩnh vực nông nghiệp.
Sau TPP, cả thế giới sẽ nhảy vào kinh doanh và phát triển trên mãnh
đất VN, nhưng có lẽ hai từ “phát triển” sẽ chỉ thành hiện thực đối với
một số rất ít doanh nghiệp VN có tiềm lực vượt trội (trong đó cũng sẽ có
một số doanh nghiệp đã tạo được nội lực nhờ vào OPM trước đây). Tuy
nhiên, đối với đa phần còn lại, nếu chỉ cần còn tồn tại được thì cũng
phải được xem như một thành tích vượt bậc đáng biểu dương.
Lĩnh vực dịch vụ sẽ phát triển tốt sau TPP, nhưng do cạnh tranh,
doanh nghiệp VN ta chỉ đạt ở mức khá chứ khó giàu, chủ yếu là B phẩy cho
doanh nghiệp nước ngoài.
Trong sự tương tác của gia đoạn hội nhập sắp tới, trong một comment trước đây (http://danluat.thuvienphapluat.vn/mot-bai-viet-dang-suy-ngam-98197.aspx),
tôi có dự báo về viển cảnh không sáng sủa của nền kinh tế Việt Nam ta
trong thời gian tới. Tuy nhiên, một khi đã rơi vào “bẫy thu nhập trung
bình”, có lẽ viển cảnh nầy sẽ trở thành sự thật, nhưng với gam màu có
thể còn còn tối hơn.
Thật ra, Việt Nam ta chỉ mới chính thức bắt đầu “tự chui vào bẫy”
ngay sau khi tham gia WTO, do thời thế đã tạo ra các dòng tiền kiếm được
quá dể dàng từ nhiều nguồn vay mượn tuôn vào như nước, cùng với việc
vung tay quá…nóc nhà, đã làm hao phí xã hội tăng quá cao so với hiệu
suất thật sự của dòng tiền mang lại.
Chỉ tiêu TFP – chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao
động” và “vốn” cho nền kinh tế – được giáo sư người Nhật đưa ra (mà
trong comment nói trên của tôi cũng có đề cập) là chỉ số quan trọng nói
lên NĂNG SUẤT của toàn XÃ HỘI.
Việc ưu tiên sử dụng nguồn lực khổng lồ cho doanh nghiệp nhà nước,
nhưng hiệu suất của những doanh nghiệp nhà nước nầy mang lại cho xã hội
thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp dân doanh có nguồn lực khiêm tốn,
việc lãng phí, hao phí do tham nhũng trong đầu tư công, chi phí do việc
phải gồng gánh bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả…là những nguyên nhân chính
làm NĂNG SUẤT XÃ HỘI trở nên vô cùng yếu kém, góp phần quyết định đưa
chúng ta sớm sập “bẫy”.
Làm thế nào để thoát “bẫy”?
Cho đến thời điểm hiện nay, mặt dù đã chính thức rơi vào “bẫy thu
nhập bình quân”, nhưng những hiện tượng như phung phí trong đầu tư công,
tham nhũng, đầu tư vẫn dàn trãi… vẫn còn tiếp tục…, thì chắc chắn viec
lưu lại trong “bẫy” của Việt Nam mỗi lần công thêm về thời gian sẽ phải
tính từng thập kỷ.
Đương nhiên, việc sập “bẫy” thì phải tìm lối thoát. Tuy nhiên, một
điều đáng buồn, là có lẽ hiện nay, chúng ta vẫn chưa tìm thấy con đường
nào khả thi để thoát, và như phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc
dân Trần Thọ Đạt nhận xét: dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng của
mô hình kinh tế Việt Nam không còn, do vậy, muốn đạt được tốc độ tăng
trưởng cao hơn, Việt Nam cần tạo ra động lực mới cho tăng trưởng. Nhưng
đây là điều khó khăn. Ông Đạt băn khoăn: “Những động lực mới cho tăng
trưởng là gì? Làm thế nào để tạo ra động lực này?”.
Thật ra, cách đặt vấn đề như ông Đạt về động lực tăng trưởng là
không sai, nhưng theo tôi, hiện nay, không còn động lực tăng trưởng nào
đủ lớn để giúp chúng ta sớm thoát “bẫy”, chưa nói là khả năng nằm luôn
trong “bẫy” là rất cao.
Theo tôi, phải có một môi trường kinh doanh hoàn toàn mới, hơn hẳn
hiện nay, họa may mới có thể tạo ra động lực tăng trưởng mới hiệu quả
hơn hẳn, mà môi trường nầy kinh doanh nầy chỉ có thể có được khi và chỉ
khi ta thay đổi triệt để thể chế kinh tế hiện nay, một thể chế thật sự
pháp quyền, đủ sức tiêu diệt tham nhũng, tạo công bằng trong cạnh tranh,
trong phân bổ nguồn lực, tạo mọi sự công bằng giữa người với người…
Chúng ta đang có một cơ hội thật sự lớn là, sắp tới, nếu chúng ta
tham gia được vào TPP, một mặt là nhờ sức ép từ luật chơi chung, một mặt
là nếu chúng ta quyết tâm thay đổi, biết nhanh chóng nắm bắt cơ hội,
thì đây có lẽ là cơ hội cuối cùng trong vòng 50 năm trở lại đây để chúng
ta thay đổi thể chế kinh tế, tạo cơ hội phát triển để có thể sớm thoát
“bẫy”, góp phần thay đổi bộ mặt của dân tộc Việt Nam.
(*) Tiêu đề chính và các tiêu đề phụ do Hahien’s Blog đặt