Nguyễn Trần Sâm
Xin nói ngay: Có! Tội chủ yếu là yêu Đảng… không theo cách Đảng
thích. Yêu theo kiểu bằng vai phải lứa. Trong khi Đảng, nhất là các đồng
chí thượng cấp, cần người ta kính là chính. Kính! Và tuân phục vô điều
kiện. Giống như mọi sinh linh trong vũ trụ đều phải theo ý Trời.
Còn nhớ giáo sư Tương Lai có lần kể lại, đại ý đã một lần báo cáo vấn
đề gì đó trước mặt một đồng chí cấp rất cao. Khi ra ngoài, đồng chí này
nói: “Tay này nói với BCT mà cứ khơi khơi như nói với đồng nghiệp ở
viện.”
Đó, nếu họ Trương đã được nghe và thấm nhuần trước những câu như thế
thì đâu nên nỗi! Đằng này, lại dám tỏ ra là người anh em của các đồng
chí ấy. Tội chỉ có vậy, nhưng là to lắm rồi đấy.
Bằng chứng về tình yêu của Nhất đối với Đảng chỉ cần tìm ở hai bài
của anh ta trước khi bị tóm. Một là bài trả lời phỏng vấn của BBC để
khen Nguyễn Bá Thanh, và một nữa là bài viết “Stop Nguyễn Bá Thanh” để
tỏ ra buồn thay cho ông này.
Trong bài trả lời phỏng vấn, khi ông Bá Thanh mới ra trung ương, Trương Duy Nhất nói:
“Trong con mắt của tôi, thì ông Nguyễn Bá Thanh là một nhân
vật cần có trong lúc này, kể cả về tính cách, lẫn tài năng
và tư duy. Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người tỏ ra rất hồ hởi
trước ‘hiện tượng Nguyễn Bá Thanh’.”
Ở đây nói “nhân vật cần có”. Cần có cho ai? Hiển nhiên là cho Đảng.
Ông Thanh ra Hà Nội là để tham gia tích cực (có thể là nhất) vào việc
chỉnh đốn Đảng. Nếu sứ mạng của ông Thanh hoàn thành thì Đảng sẽ mạnh
thêm, góp phần đắc lực giải quyết được cho Đảng vấn đề “tồn vong” theo
hướng “tồn”. Tất nhiên Nhất hiểu rõ điều đó. Nhất kỳ vọng vào ông Thanh
tức là Nhất đau đáu muốn Đảng mạnh lên.
Trong bài “Stop Nguyễn Bá Thanh”, Nhất tỏ ra thất vọng. Không phải
thất vọng về Đảng hay về ông Thanh! Nhất chỉ thất vọng vì có những cản
trở nào đó làm ông Thanh không thể phát huy được khả năng. Điều đó thấy
rõ nhất qua việc thất cử của ông Thanh vào bộ chính trị. Kẻ yêu Đảng,
yêu các đồng chí cấp cao trong Đảng và đau đáu với sự nghiệp chỉnh đốn
Đảng đã bực dọc thốt lên: “Stop Nguyễn Bá Thanh”. Không phải vì coi
thường ông Thanh, mà vì thực tế báo hiệu ông Thanh sẽ không có điều kiện
để làm việc như mong muốn. Nhất cũng nói thế vì thương ông Thanh, muốn
ông ấy rút lui trước để bảo toàn tiếng tăm và danh dự.
Nhưng người ta đã không hiểu được tấm lòng của Nhất với Đảng. Thật
tiếc! Vì thời bây giờ còn được mấy người yêu Đảng như Trương Duy Nhất?
Thậm chí có lẽ Trương Duy Nhất là người duy nhất yêu Đảng đến mức đó!
Vậy thì những người đem kẻ yêu Đảng ra để xử là những ai?
NGUYỄN TRẦN SÂM