Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Duy Nhất nhưng không cô đơn

Lê Vĩnh
Đầu tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Uỷ Ban Tư Pháp Quốc Hội khoe rằng: “điều tra ở Việt Nam được coi là một trong những cơ quan điều tra giỏi nhất thế giới”. Cái cơ quan “điều tra giỏi nhất thế giới” này sau 7 tháng bắt giam blogger Trương Duy Nhất biệt tăm biệt tích để “điều tra” đã tìm ra được “bằng chứng phạm tội” của Trương Duy Nhất là hơn 1000 bài viết đăng công khai trên trang blog cá nhân của chính ông Nhất, rồi nhùng nhằng mãi cho đến nay (đầu tháng ba), tức là 9 tháng sau khi bắt mới đưa ông Nhất ra toà.
Ở những nước pháp quyền và tôn trọng con người, tất cả mọi công dân đều được coi là vô tội trước khi tòa xét xử và tất cả các tin tức đều được tuyệt đối giữ kín trong quá trình điều tra; nhưng ở dưới chế độ XHCN ở nước ta thì khác. Sau khi điều tra xong thì mọi việc sẽ đi theo một quy trình của nền “Pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Bước đầu tiên là gần đến ngày xử án cơ quan điều tra "tiết lộ" cho báo chí biết một số nội dung của cuộc điều tra để báo chí định hướng dư luận. Hiện nay, khi mà sự đoàn kết trong đảng không còn giữ gìn được như “giữ gìn con ngươi”, thì ngoài việc định hướng, những bài báo này còn là cách ngăn chặn không để cho các phe phái có ý kiến khác về vụ việc. Bước báo chí định hướng đã được làm từ đầu tháng 12 năm ngoái, nhưng không biết vì lý do gì mà đến ngày 4/3 này mới đưa ra toà.

Anh Nhất đã được "nhắc nhở"
Trong bước định hướng dư luận, các tờ báo nhà nước làm trước công việc của toà án. Cáo buộc anh Trương Duy Nhất càng nhiều tội càng tốt. Trong đó đương nhiên không thể thiếu những điểm mang tính “công thức” như: “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”, “tuyên truyền xuyên tạc, tư cách đạo đức cách mạng, phủ nhận các thành quả, công lao của Đảng trong bảo vệ và xây dựng đất nước”, hoặc xa gần nhắc đến chuyện “nhận tiền từ các tổ chức phản động nước ngoài”, hoặc “được các thế lực thù địch cổ võ khuyến khích”, “ v.v.... Công thức đó cũng không quên “sự tử tế” của các cơ quan chức năng để làm nổi bật lên sự “ngoan cố” của Trương Duy Nhất, như: “Các cơ quan chức năng đã nhắc nhở nhiều lần nhưng Trương Duy Nhất vẫn chứng nào tật nấy”, hầu kích thích sự bực bội trong dư luận đối với nạn nhân.
Xin mở một dấu ngoặc ở đây để nói về “sự tử tế”, “sự nhắc nhở nhiều lần của các cơ quan chức năng”, vì đây là điều rất “đặc trưng XHCN” và cũng là đặc trưng của ngành an ninh ở nước ta. Họ “nhắc nhở” như thế nào thì hàng triệu nạn nhân trên khắp nước và nhiều oan hồn bên kia thế giới đã biết.
Người ta còn nhớ mấy năm tước đây, sau khi tướng công an Vũ Hải Triều khoe rằng đã đánh sập được 300 trang mạng “phản động” thì ngay sau đó tướng công an Nguyễn Văn Hưởng không úp mở, thẳng thừng “nhắc nhở” các nhà trí thức và giới blogger trong tầm nhắm của họ rằng, ngoài những phiền phức cho bản thân và gia đình thì chuyện xẩy ra tai nạn không phài là điều khó khăn gì đối với công an. Bên cạnh sự “nhắc nhở” như vậy trong xã hội thực tế, trên mạng ảo người ta không thể không nhắc đến một vị “cớm” có lẽ thuộc hàng “tầm cỡ”, mang nick name Tomcat, chuyên nghề “nhắc nhở” các nhà đấu tranh hoặc blogger bị đảng xem là thành phần cần phải cảnh cáo, như Cù Huy Hà Vũ, Người Buôn Gió, TS Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Hữu Vinh, v.v.... và tất nhiên không bỏ sót Trương Duy Nhất.
Trên trang blog của mình, anh Trương Duy Nhất thuật lại: “Tomcat cho rằng các bài viết của tôi đã khiến cho một số lãnh đạo và những người làm công tác an ninh và bảo vệ tư tưởng văn hóa đặc biệt khó chịu”. Nhưng những hăm dọa đó chỉ làm anh Nhất cười khẩy, hay cười thú vị, và có lúc cười sặc mất cả tách càfê nóng cầm trên tay mỗi sáng, như anh viết trong một số bài sau đó.
Có người cho rằng anh Nhất dám cười khẩy trước lời cảnh báo của “con mèo Tomcat” là vì chủ trang “Một Góc Nhìn Khác” có gốc to, có chỗ dựa lớn. Nếu lời đồn đoán này đúng thì sự kiện Trương Duy Nhất nay gặp hoạn nạn cho thấy nhân vật uy quyền làm chỗ dựa của anh có lẽ đang ở thế hạ phong. Điều này đúng hay sai xin để thời gian trả lời. Tuy nhiên, qua những cảnh báo “có gang có thép” của Tomcat, người ta thấy được một “đặc trưng” của ngành tư pháp XHCN là, không cần biết hiến pháp, luật pháp quy định ra sao, cũng không cần biết khẩu hiệu “sống và làm việc theo hiến pháp” giăng mắc khắp hang cùng ngõ hẻm để làm gì; chỉ cần một số lãnh đạo khó chịu, hoặc “những người làm công tác an ninh và bảo vệ tư tưởng văn hóa đặc biệt khó chịu” là đủ để người viết bị sách nhiễu và có thể bị bỏ tù rồi.
Anh Nhất nói sai sự thật?
Đưa Trương Duy Nhất ra toà kết án thì lẽ ra phải dựa trên pháp luật, nhưng qua bản cáo trạng người ta không thể tìm được nội dung những bài viết công khai của Trương Duy Nhất vi phạm điều khoản nào trong luật pháp, mà chỉ kết luận chung chung rằng Trương Duy Nhất châm biếm, chê bai, phê phán đảng, “bôi nhọ chế độ”. Châm biếm, diễu cợt lãnh đạo, phê phán các chính sách của nhà nước, là điều bình thường ở các nước mà người dân là chủ và chính phủ làm thuê. Chính nhờ vậy mà các chính phủ không dám lạm quyền và đất nước tiến lên. Chỉ dưới các chế độ độc tài nơi mà đất nước được xem là của lãnh tụ và dân chỉ là đám con cái thì các phê phán như của anh Nhất mới bị xem là điều cấm kỵ. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng lại cứ phải làm dáng tiến bộ trước thế giới nên buộc đẻ ra các điều luật 79, 88, 258, v.v.. thật chung chung, mơ hồ để tha hồ ghép tội cho những ai họ muốn. Khổ nỗi thủ thuật này đã có quá nhiều chế độ độc tài khác dùng rồi nên các điều luật kể trên đang bị cả thế giới phỉ nhổ.
Đặc biệt trong kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát nhân quyền của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đầu tháng 2 vừa qua, việc hàng mấy chục nước xếp hàng để đề xuất 227 khuyến nghị cho nhà cầm quyền VN đã nói lên thực chất chế độ cai trị ở VN như thế nào rồi.
Ngay chính những người cầm đầu đảng Cộng Sản và chế độ cai trị tại VN cũng chẳng thể ca ngợi chế độ như họ vẫn thường làm được nữa. Ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã mếu máo nói về sự suy thoái đạo đức chính trị của “một bộ phận không nhỏ”, kể cả những người lãnh đạo; rồi “tham nhũng là quốc nạn”. Ông Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã từng nói đến “bầy sâu lúc nhúc”, nói đến kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” trong hàng ngũ thượng tầng lãnh đạo, nói đến “đồng chí X” và nhiều lãnh tụ khác nữa. Bà Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Doan khẳng định “cán bộ ăn của dân không từ một thứ gì”. Bộ trưởng Giáo Dục Phạm Vũ Luận xác nhận bằng cấp giả chỉ chui vào được bộ máy công quyền. Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận sự thật hiển nhiên trước mắt: Nếu không tham nhũng thì các quan chức lấy tiền đây xây dinh thự lâu đài? Các đại biểu quốc hội và nhiều quan chức khác xác nhận tệ nạn chạy chức chạy quyền, tình trạng vô tích sự của 30% công chức; rồi các vụ Vinashin, Vinalines, Nguyễn Trường Tô, Bùi Tiến Dũng (PMU 18), Dương Chí Dũng, Trần văn Truyền (đang nóng với dinh thự cực hoành tráng bằng đồng lương "thanh tra chính phủ") và còn nhiều, nhiều nữa kể ra không hết....
Như vậy, anh Trương Duy Nhất có nói sai sự thật hay ngay cả nói điều gì "mới" không? Nếu viện Giám Sát viết cáo trạng buộc tội anh Nhất viết bài "không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,…", thì họ phải đưa ông Trọng, ông Sang, bà Doan và vô số lãnh tụ ra tòa mới phải.
Duy Nhất nhưng không đơn độc
Khi đọc các bài viết của anh Nhất người ta chỉ mới tán thành, đồng ý với các lập luận vững chắc của anh. Nhưng khi lãnh đạo xem đó là có "tội" đối với đảng, thì Trương Duy Nhất trở thành người của công chúng, người của nhân dân. Vì tại điểm đó, sự can đảm của anh Nhất đã nổi bật; sự chà đạp lẽ phải và đóng kịch tự phê của lãnh đạo đã đến mức quá nham nhở; và cảm giác phải đứng cùng anh Nhất đã trở thành ý thức trách nhiệm ở nhiều người.
Tuần trước luật sư Hà Huy Sơn có bài (’MẤY Ý KIẾN TRƯỚC NGÀY MỞ PHIÊN TÒA XỬ ÔNG TRƯƠNG DUY NHẤT’, http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/02/27/may-y-kien-truoc-ngay-mo-phien-toa-xu-ong-truong-duy-nhat/#more-10147), so sánh các chi tiết tương tự giữa hai bản cáo trạng TS Cù Huy Hà Vũ (bị xử tù với điều 88 bộ luật hình sự) và cáo trạng Trương Duy Nhất (điều 258). Nghĩa là ai cũng hiểu sự xấu xa của loại tòa án mà các bản án đều đã được "ở trên gởi xuống rồi". Tội đến đâu và xử nặng thế nào đều đã được “quyết” ở chỗ khác. Chi bộ đảng tại toà án chỉ họp hành để làm theo chỉ thị.
Có thể nói MỘT GÓC NHÌN KHÁC không còn là góc nhìn của Duy Nhất nữa! Đó là góc nhìn chung của những con người biết sống VÌ LẼ PHẢI. Một nhà hoạt động nổi tiếng nhận xét một cách thân thương rằng: "Nhất không chỉ là một ông ’Quảng Nam hay cãi’, mà là một nhà báo, một trí thức can đảm đứng về phía lẽ phải. Vì vậy tôi chẳng ngạc nhiên khi công an ghi trong cáo trạng là Trương Duy Nhất không tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi của anh ta. Người cần ăn năn hối cải là ai khác chứ chắc chắn không phải là Trương Duy Nhất."
Không những thế, một số trí thức, ký giả khác còn kêu gọi phải có nhiều Trương Duy Nhất hơn nữa. Trong tình trạng hơn 800 tờ báo, mấy chục đài phát thanh, truyền hình đều chỉ theo một hiệu lệnh, viết gì, đăng gì; nhà báo không thể… nhìn khác và viết khác; dù nói lên đúng là thực trạng của đất nước, xã hội; thì giới trí thức, nhà văn, nhà báo chân chính không thể cứ ngồi yên chấp nhận. Nhà Văn Phạm Viết Đào phát biểu rất cụ thể: “Đó chính là lý do khiến cho các mạng xã hội ra đời… Các trang mạng xã hội đang gánh vác cái nhiệm vụ nặng nề đó là việc bù đắp những phần thiếu hụt, phần què quặt của cộng đồng thông tin chính thống… Thử vào các đài truyền hình và các phương tiện chính thống mà xem: thấy xã hội chúng ta hoàn thiện êm đẹp một cách giả tạo…”. (Tham luận của nhà văn Phạm Viết Đào đọc tại hội thảo ngày 24/12/2012 tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam...). Và hiện đang có nhiều Trương Duy Nhất khác nối bước anh Nhất.
Chị Trương Duy Nhất đã có thư kêu gọi giới trí thức, đặc biệt các nhà văn, nhà báo chân chính hãy đến với chồng bà trong phiên toà sắp tới, bất kể những đòn phép của nhà nước để ngăn cản sự tập trung của khối người dũng cảm này. Nhưng ngay cả nếu không có lời kêu gọi của chị Nhất thì mọi người cũng đã nhận thức được rằng phiên xử nhà báo Trương Duy Nhất là cơ hội cho tất cả những ai chống điều 258 đoàn kết thành một khối, gia tăng tinh thần và đề ra phương thức đấu tranh chung cụ thể để chống lại chính sách vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Cùng đến với Trương Duy Nhất trong ngày xử ông chính là một trong những cách biểu hiện tinh thần và ước muốn đó. Chúng ta cũng muốn cùng nhau tranh đấu, vận động cho anh Trương Duy Nhất bằng nhiều cách trước công luận và chính giới quốc tế, đặc biệt qua các NGO và các tổ chức nhân quyền thế giới.
Trong ngày xử sắp tới, chúng ta muốn gởi tới anh và gia đình anh rằng: Bên cạnh DUY NHẤT có NHÂN DÂN!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"