Hiệu Minh
Blogger Trương Duy Nhất. Ảnh Social Media
Người biểu tình của mùa Xuân Arab đã giải thích tại sao họ đổ ra
đường “People are talking to their governments on 21st century
technology, governments are listening on 20th century technology, and
responding with 19th century ideas. – Dân chúng nói chuyện với chính
quyền bằng công nghệ thế kỷ 21, chính quyền nghe họ bằng công nghệ thế
kỷ 20 và trả lời dân chúng bằng tư tưởng của thế kỷ 19”
Cộng đồng quốc tế nhìn nhận nhân quyền Việt Nam như thế nào?
VOA cho hay,
ngày 27-2-2014, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố một phúc trình thường
niên, tổng kết tình hình nhân quyền thế giới năm 2013, trong đó nêu ra
nhiều trường hợp vi phạm nhân quyền ở Việt Nam với các ví dụ cụ thể.
Báo cáo dài 46 trang nói rằng, Việt Nam vẫn là một quốc gia ‘độc
đoán’, ‘độc đảng’ và lực lượng an ninh do nhà nước kiểm soát ‘đã gây ra
các vi phạm nhân quyền’.
Chính quyền “giới hạn chặt chẽ quyền tự do chính trị của công dân,
đặc biệt là quyền được thay đổi chính phủ; tăng cường các biện pháp giới
hạn các quyền tự do dân sự của công dân và có tình trạng tham nhũng
trong hệ thống tư pháp và công an’.
Họ còn “Hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và đàn áp những
tiếng nói bất đồng, ngoài ra còn ngày càng tăng cường hạn chế quyền tự
do internet.”
Phản hồi của Việt Nam
Tuy nhiên, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên của BNG, nói: “Một số
nhận định về Việt Nam nêu trong Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ
năm 2013 đã dựa trên những thông tin thiếu chính xác, không phản ánh
thực tế khách quan về tình hình quyền con người ở Việt Nam.”
“Trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, Việt Nam luôn sẵn sàng đối
thoại với các nước còn có những quan điểm khác biệt với Việt Nam trong
lĩnh vực quyền con người, trong đó có Mỹ.”
Ông Bình nói thông qua đối thoại, Hà Nội hy vọng Hoa Kỳ sẽ “tăng
cường hiểu biết, thu hẹp sự khác biệt, qua đó nâng cao tính xác thực và
khách quan trong những đánh giá về tình hình quyền con người ở Việt
Nam”.
Ông được dẫn lời khẳng định nhân quyền “là trọng tâm trong các chính
sách phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam” và cho biết “những nỗ
lực của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận” tại phiên Kiểm điểm
Nhân quyền Phổ quát Định kỳ (UPR) hồi đầu tháng Hai vừa qua.
Còn nhớ tại phiên xem xét định kỳ về nhân quyền UPR 2014 tháng Hai
vừa qua, một số nước thành viên LHQ đã kêu gọi Việt Nam chấm dứt sử dụng
Điều 258 để trừng phạt những người chỉ bày tỏ ý kiến một cách hòa bình.
Tin BBC VN cho hay, một ngày trước phiên xử, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) kêu gọi trả tự do ngay cho anh Trương Duy Nhất.
Trăm nghe không bằng một thấy
Qua rất nhiều phiên tòa xử các nhân vật bất đồng chính kiến, phía
Việt Nam luôn chứng minh cho thế giới biết, thế nào là nhân quyền mang
đặc trưng Việt Nam.
Để tìm hiểu một cách chính xác và để cộng đồng quốc tế ghi nhận,
phía Việt Nam nên mời báo giới quốc tế đến dự phiên tòa xử blogger
Trương Duy Nhất vào ngày mai (4-3-2014) bị buộc tội vi phạm điều 258.
Theo cáo trạng, anh Trương Duy Nhất sẽ bị liệt vào tội “Lợi dụng các
quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp
pháp của tổ chức, công dân” (Điều 258 BLHS).
Cáo trạng nhắc đến 11 bài viết đăng trên blog của anh Trương Duy
Nhất “có nội dung không đúng sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ xâm phạm nghiêm
trọng đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm giảm uy tín, mất
lòng tin của Nhân dân đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội
và công dân.”
“Chấm điểm Thủ tướng”, “Chấm điểm Bộ tứ nguyên thủ”, “Chất lượng
Chính phủ; quá tệ”, “Tổng Bí thư và Chủ tịch nước nên ra đi”, và “Bỏ
phiếu cùng Quốc hội” là một số bài nhậy cảm theo quan niệm của nhà cầm
quyền.
Xã hội muốn phát triển, cần có kênh đối thoại nhiều chiều giữa công
dân và chính phủ. Trong thế giới internet, ngoài báo chí, truyền thông,
thì blog, facebook, twitter là những công cụ IT hiện đại giúp công dân
bày tỏ chính kiến của mình một cách hòa bình.
Lỗi duy nhất của Trương Duy Nhất: dám có góc nhìn khác của thế giới IT soi vào thể chế mang đậm màu sắc phong kiến.
Có nên quay lại thời phong kiến để sống với thời đại công nghệ thế kỷ 21?
Không được động chạm đến lãnh đạo, đến đảng và nhà nước, đó là cách
mà vua quan cách đây 2 thế kỷ đối xử với dân. Thế kỷ 21 không có chỗ
đứng cho chế độ thối nát phong kiến mà chính những người cộng sản kêu
gọi xóa bỏ trong cách mạng tháng 8.
Trong buổi nói chuyện tại WB mới đây, bà Madeleine Albright kể về
những người biểu tình trên quảng trường Tahrir (Cairo) giải thích tại
sao họ biểu tình phản đối chính phủ “People are talking to their
governments on 21st century technology, governments are listening on
20th century technology, and responding with 19th century ideas. – Dân
chúng nói chuyện với chính quyền bằng công nghệ thế kỷ 21, chính quyền
nghe họ bằng công nghệ thế kỷ 20 và trả lời dân chúng bằng ý tưởng của
thế kỷ 19”.
Rất có thể tòa án Đà Nẵng xử anh Trương Duy Nhất ngày mai không nghĩ
được rằng, chẳng có ai trên thế giới so sánh việc xử tù blogger với
cách hành xử của vua quan phong kiến lạc hậu từ thế kỷ 19 nhằm cân bằng
quyền lực công nghệ tiên tiến của thế kỷ 21.
Hiệu Minh Blog. 3-3-2014