Nguyễn Duy Vinh
Có thể vì tôi xa nhà quá lâu, tôi đã mất đi rất nhiều cái được gọi
là “Việt Nam tính” trong người. Mất đi cái bản chất văn hóa truyền thống
đó đưa tôi đến một kinh ngạc lớn khi tôi nhìn thấy hai tấm hình chụp
hai ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, trong phiên tòa xét xử vụ tham ô
tài sản và quản lý sai phạm doanh nghiệp nhà nước của tập đoàn lãnh đạo
Vinalines vừa qua.
Hai tấm hình có thể nói là rất bình thường, được phóng viên trong
nước chụp lúc trước khi quan tòa tuyên án. Riêng hai nụ cười thật bình
thường và có thể cũng thật tươi của hai phạm nhân đầu xỏ vụ án tham
nhũng lớn nhất lịch sử nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã làm
tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi tự hỏi đây là một vụ án rất quan trọng mà sao
hai ông đầu xỏ vụ án này lại có thể giữ được bình tĩnh như vậy.
Tôi tự hỏi, hay là nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh đã nói đúng: “An Nam ta gì
cũng cười”. Tôi phải mất mấy hôm để nghiên cứu thêm về cái cười của
người Việt Nam.
Và tôi đã khám phá thêm là không những dân tộc ta là một dân tộc dễ…
cười, chúng ta lại còn có khoảng hơn 100 cách cười. Và tôi học thêm được
là người Việt chúng ta không cần có lý do nào đó mới cười như người Âu
Mỹ, nụ cười của người Việt Nam là một phần rất tự nhiên của cuộc sống.
Và nếu đúng như thế thì chính ra tôi phải ngừng mọi thắc mắc và không
nên đòi hỏi hay tìm hiểu gì hơn. Nhưng hai cái cười của ông Dương Chí
Dũng và ông Mai Văn Phúc đã gây cho tôi một ấn tượng khá đặc biệt và đó
là lý do mà tôi viết bài này để trình bày cùng các bạn những nhận thức
và lý luận của tôi về hai nụ cười này.
Tôi nghĩ rằng nụ cười của một con người bình thường không chỉ là một
phần tự nhiên của cuộc sống hay một cấu tạo đơn thuần của bản năng. Bất
cứ nụ cười nào hình như cũng có một ý nghĩa riệng biệt của nó, thích ứng
với từng hoàn cảnh của mỗi người trong cuộc. Ở đây tôi không nghĩ là
hai ông Dũng và Phúc đã cười một cách hồn nhiên sung sướng vì sắp “được”
hầu toà. Mà tòa đó lại là tòa xử án chính mình chứ không phải xử án ai
khác. Có thể đây chỉ là một phản xạ sinh lý hay một thói quen của hai
ông thôi. Và cũng có thể nó là cái cười gượng gạo che lấp cái xấu hổ của
mình. Và nếu chỉ có như vậy thôi thì tôi không còn gì để nói. Nhưng đây
là vì tính cách trầm trọng của vụ án (hai ông chắc thừa biết mình có
thể bị xử tử sau khi tiếp xúc với luật sư), tôi vẫn nghĩ đằng sau hai nụ
cười này ẩn chứa một sự thách thức, hoặc một thông điệp nào đó mà chỉ
có những người trong cuộc hay người nào chui được vào da thịt các ông
may ra mới hiểu được. Vì tin rằng hai nụ cười đó hàm chứa những uẩn
khúc, tôi xin cố gắng trình bày một vài giả thuyết sau đây:
1. Hai ông Dũng và Phúc cười là vì có thể đã có ai đó, một quan chức
lớn, báo cho biết là đây chỉ là phiên tòa làm cho có thôi, nghĩa là sau
khi nghe xong tòa tuyên án, chúng tôi (tức là nhà nước) sẽ có cách đưa
hai ông cùng các phạm nhân khác chuyền ra cửa hậu và các ông sẽ được đưa
đi thật xa, không ai xử bắn các ông đâu mà sợ. Chỉ gọi là xử nặng để
lấy lòng dân và gây lại niềm tin của dân đối với Đảng thôi. Các ông chớ
lo. Đã có Đảng lo.
2. Hai ông Dũng và Phúc cười là vì là hai ông tự tin nơi chính mình
và tự tin nơi công lý và luật pháp nghiêm minh của nền tư pháp Việt Nam.
Hai ông nghĩ thành thật là mình không có tội gì cả và các luật sư sẽ
cãi đến cùng và hai ông sẽ chỉ bị án nhẹ, độ vài năm tù là cao lắm. Sau
đó, sau khi trả xong án và ra khỏi tù, các ông sẽ, nhờ vào còn đủ sức
khỏe và tiền nong, tha hồ mà hưởng thụ và sống thật sung sướng những
tháng ngày còn lại.
3. Hai ông Dũng và Phúc cười là vì có thể hai ông vẫn có thói quen
coi trời bằng vung vì hai ông ăn trên ngồi chốc quen rồi, thêm vào đó
hai ông luôn được bảo vệ trong quá khứ khi còn tại chức. Thói quen có
thể đã làm lú cái khôn, hai ông đã có những giây phút thiếu sáng suốt để
nhìn thấy tầm quan trọng của vụ án nên hai ông vẫn tiếp tục nhởn nhơ.
4. Hai ông Dũng và Phúc cười là vì hai ông đã có mưu tính bí mật
riêng. Sau phiên tòa, hai ông sẽ có người bố ráp và tranh thủ để giúp
hai ông tẩu thoát trơn tru và sẽ dễ dàng qua mặt nhà nước và báo chí
trong nước. Gia đình ông sẽ có cách mua chuộc các cán bộ nhà nước cao
cấp để họ ra lệnh đem hai người khác (có thể là những tên tử tội thuộc
loại hình sự đã từng giết người) ra bắn, làm như hai ông đã chết. Họ sẽ
bịt mắt bịt đầu người bắn nên sẽ không ai biết được sự thật. Sau đó họ
sẽ lôi hai cái xác “giả” đi và thủ tiêu xác một cách kín đáo và tuyên bố
là hai ông đã chết.
5. Hai ông Dũng và Phúc cười là vì hai ông có đức tin rất lớn nơi
Phật và Chúa. Tin Chúa và cầu nguyện Chúa thì sẽ được Chúa cứu rỗi, rước
về nước Chúa. Tin Phật và cầu nguyện Phật thì sẽ được Phật cho vãng
sanh nơi miền cực lạc, tức là đất của Ngài A Di Đà.
Tôi chỉ nghĩ được đến chừng đó giả thuyết. Các bạn có thêm những ý nghĩ nào thì xin cứ mạnh dạn đóng góp thêm.
Từ những giả thuyết đó, tôi tìm cách định lượng (quantify)
từng cái cười cho mỗi giả thuyết. Nếu giả thuyết một đúng, nụ cười đó là
nụ cười nói lên tâm trạng của một người coi thường sự việc đang sắp xảy
ra. Đây là một cái cười không được khôn lắm vì nếu biết mình có bao che
và phiên toà chỉ là một trò hề cho có lệ thì mình lại càng phải khôn
khéo đóng kịch không để lộ diện những cử chỉ cho người khác nghi ngờ.
Mình phải tỏ vẻ khẩn thiết, lo lắng và nhất là không được cười. Như vậy
thì đây là nụ cười coi thường thiên hạ. Cười đắc thắng.
Còn nếu giả thuyết số 2 đúng, hai ông nghĩ là mình không làm gì sai
vì hai ông đâu có một mình quyết định được vận mạng của cả doanh nghiệp
nhà nước Vinalines. Ngoài hai ông còn cả một Hội Đồng Quản Trị của
Vinalines và rất nhiều quan chức và quan sát viên của Bộ Giao Thông Vận
Tải nữa cơ mà. Thì đây là cái cười thành thật. Có tội chăng là hai ông
đã chia chác một tí quà của người ta biếu chứ tự các ông các ông không
bao giờ thò tay vào lấy của công. Mà “quà biếu” này là chuyện bình
thường trên huyện. Chuyện bình thường cho cả guồng máy hành chính và nhà
nước Việt Nam. Và tội chia quà này thì có gì nặng đâu mà phải lo sợ.
Như vậy thì đây là nụ cười của một tâm trạng thành khẩn và có thể chỉ
thiếu chút khả năng xét đoán. Tạm gọi nụ cười này là cười thành thật tuy
có chút xót xa chua chát.
Nếu giả thuyết số 3 đúng, hai ông không đủ sức nhìn rõ sự việc thì
cười đây là cười theo thói quen. Cười giả lả. Cười để mà cười. Cười vô
tội vạ.
Giả thuyết số 4 là hai ông biết trước sau mình cũng sẽ được cứu và
hai ông cố đóng kịch như không có gì xảy ra, đem nụ cười để che dấu cái
bí mật nằm sâu trong tâm khảm. Cười cho mọi người thấy hai ông vẫn giữ
thái độ bình thường như là người chưa biết gì. Cười đây đúng là cười
đồng lõa. Một loại cười nhẹ có thoáng chút giấu diếm và thoáng chút lo
âu. Hóm hỉnh không ra hóm hỉnh, ý nhị không ra ý nhị, nhưng hình như
cũng có một thách thức nào đó.
Giả thuyết thứ năm đúng, hai ông Dũng và Phúc cười ngạo nghễ vì đức
tin hùng mạnh nới Chúa và Phật. Hai ông tin chắc mình sẽ lên thiên đàng
nên xem cái chết nhẹ như lông hồng (xem thái sơn nhẹ tựa hồng mao). Đây
là cái cười của người đã nhìn thấy đạo, giống như cái câu thốt lên của
tử tù Meursault trong kiệt tác L’étranger (Kẻ Lạ) của nhà đại văn hào
Albert Camus. Tên tử tù Meursault đã thốt lên 5 tiếng khi ông Cha vào
xin rửa tội cho hắn và bị hắn từ chối. Meursault đã nhìn thấy khung trời
xanh qua cửa sổ, anh đã bất chợt khám phá ra cái nhiệm mầu linh thiêng
của sự sống. Anh đã sung sướng thốt lên 5 chữ để nói vọng theo ông Cha
cố đạo lúc ông này đi ra khỏi phòng giam: “Il vit comme un mort”.
Ông ấy sống như một người chết. Và có thể hai ông Dũng và Phúc cũng
nghĩ thế. Quan tòa và những người đang xử án ông sống như những người
chết. Chỉ có hai ông là hai người đã thực chứng được đạo và niềm tin
mãnh liệt của sự sống vĩnh cửu sau khi bị xử bắn. Hai ông đã rất thảnh
thơi điềm tĩnh và một nụ cười ngạo nghễ của người không còn biết sợ từ
đó nở trên môi.
Dẫu gì chăng nữa, nụ cười của hai ông Dũng và Phúc đã là đề tài của
vài bài viết trên mạng và tôi nghĩ sẽ có nhiều bài viết khác nữa về hai
nụ cười này.
Nguyễn Duy Vinh (xứ Phi Châu xa xăm, cuối năm 2013)