Nhà báo Trần Quang Thành thực hiện
Nhà báo Trần Quang Thành (TQT): Xin chào TS Nguyễn Quang A!
Tiến sĩ Nguyễn Quang A (NQA): Chào anh!
TQT: Thưa TS Nguyễn Quang A, vụ án Vinaline, Vinashine đã
khép lại giai đoạn đầu với mức án là 2 người cầm đầu, một người là Tổng
giám đốc, một người là Chủ tịch HĐQT đã lĩnh án tử hình. Qua vụ án này
thì cũng nhiều dư luận khác nhau, nhận xét nhiều khía cạnh khác nhau.
Riêng Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét gì về phiên tòa xử của vụ án này
ạ?
NQA: Thứ nhất, những bản án rất là nặng nề đã được phán xử.
Cái việc đó nó có thể có một cái tác dụng răn đe nhất định và nó có một
cái tác dụng để làm xoa dịu nỗi bức xúc của người dân. Và như tivi cũng
đưa ra rất là nhiều người dân bình thường ở khắp nơi trong nước rất là
hoan nghênh cái việc này. Cái chuyện mà để cho báo chí rồi người dân lên
tiếng thì tôi nghĩ cũng không phải là một điều hay bởi vì nó biểu hiện
một cái chuyện mà bên tư pháp chịu ảnh hưởng của dư luận rất là …
TQT: Thưa tiến sĩ, trong phiên tòa này người ta để ý một
điều tức là ông Dương Chí Dũng ông ý có khai ra cái việc là ai đã cho
ông ý nguồn tin để mà ông ý chạy trốn, nhưng mà ông ý kiên quyết xin lỗi
là ông ý không nói cái người đã cho nguồn tin đó. Người ta bảo “bóng
đen” nào đó đã phủ lên cái vụ án này, tiến sĩ nghĩ sao về cái nhận xét
này ạ?
NQA: Cái đấy thì hoàn toàn đúng bởi vì cái người nào đấy mà
báo tin cho ông ấy về cái chuyện bị bắt để ông ý bỏ trốn thì chắc chắn
phải là một nhân vật rất là quan trọng ở trong cái ngạch điều tra đó.
Cái đấy có lẽ sẽ là một vụ án khác mà người ta tách riêng ra cho nên cái
vụ án này tuy rằng tòa có hỏi nhưng mà ông ý rất khoát là ông ý không
nói ra. Tôi nghĩ rằng là cũng không phải là ngoan cố, chắc cũng không
phải là bao che bởi vì ông ý nói là ông ý đã khai hết với cơ quan điều
tra rồi. Có thể ông ý hy vọng ông ý không nói ra công khai thì người ta
có giữ được cái đầu mối chẳng hạn thì ông ý sẽ có cơ được cứu trong thời
gian thụ án trước khi thi hành bản án chẳng hạn. Thì cái đấy cũng có
thể là một cái tính toán của ông ý. Nhưng cái đấy thì chỉ có ông ý biết
thôi.
TQT: Chính vì vậy cho nên người ta có bình luận rằng là có
lẽ đây là một Xiêng Phênh của Việt Nam. Vì ngày xưa có một vụ án về ma
túy thì Xiêng Phênh, một anh công dân Lào, trước khi bị hành quyết anh
đã khai ra nhân vật chính trong cái vụ án đó là tay Trường ở Bộ công an.
Và cuối cùng anh ta đã được xử án chung thân. Phải chăng đây cũng là cơ
may lập công cuối cùng cho Dương Chí Dũng không thưa ông?
NQA: Tôi không dám bình luận về chuyện này bởi vì cũng có thể
phỏng đoán được là như vậy, đến cái lúc… Một mặt ông ý nói là ông ý đã
khai hết ra cho bên cảnh sát điều tra rồi. Thế thì như vậy ít ra ở bên
cảnh sát điều tra họ đã biết rất kỹ đấy là ai rồi. Và tôi nghĩ rằng là
các cơ quan cấp cao của Việt Nam như là Ban Nội chính TW của ĐCSVN chắc
chắn là phải biết được thông tin đấy. Vấn đề tức là gì? Là đến khi giả
sử mà người ta có thi hành bản án thì cái thi hành bản án ấy không phải
là trước công chúng rất là rộng rãi và ông ấy có nói ra bởi vì ông ấy đã
nói rồi là cái việc so sánh vụ của ông ý với vụ ma túy mà phát hiện ra
Nguyễn Xuân Trường ý thì tôi nghĩ rằng cũng là một kiểu so sánh. Nhưng
mà tôi nghĩ rằng là so sánh đấy cũng khập khiễng.
TQT: Hiện nay đất nước ta đang trải qua một cái thời kỳ
rất là nghèo, kinh tế thì suy thoái, bao nhiêu vụ tham nhũng rất là nặng
nề nhưng mà dân chúng vẫn thấy chưa thỏa mãn với cách hành xử của Đảng
và Nhà nước Việt Nam trong quá trình xét xử tham nhũng. Vẫn chưa thấy
khúc đáy, giữa nào, khúc đầu vẫn chưa thấy xuất đầu lộ diện thì TS
Nguyễn Quang A nghĩ gì về vấn đề này?
NQA: Cái đấy thì hoàn toàn đúng thôi, nhưng mà tôi nghĩ rằng
là ngay cả giả như Việt Nam cũng lại học theo kiểu ông Tập Cận Bình tức
là đả cả hổ lẫn đả cả ruồi. Thì bây giờ Việt Nam đang đả ruồi và đả
nhặng. Giả như có đả cả hổ đi chăng nữa thì cũng không giải quyết được
về cơ bản cái chuyện tham nhũng.
TQT: Ông nghĩ sao chuyện ông TBT Nguyễn Phú Trọng ông ý cứ
nói lúng túng trong cái chuyện lấy lý do về cái chuyện xử lý vụ tham
nhũng chưa nghiêm túc là vì lý do A, lý do B, rồi vấn đề ổn định chính
trị. Phải chăng từ cái chỗ gọi tham nhũng là quốc nạn thì bây giờ tham
nhũng không phải là quốc nạn nữa rồi thì đi đến đâu nữa thưa tiến sĩ?
NQA: Tôi không muốn bình luận về những lời nói mà lúc thế này
lúc thế kia, bất nhất, không nhất quán của ông Nguyễn Phú Trọng bởi vì
không thể bình luận được, không còn có cái gì để mà bình luận.
TQT: Theo TS Nguyễn Quang A, cái vụ mà xử Vinashine,
Vinaline rồi cái vụ xử về Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn mới
đây có phải là những bước mở đầu đáng khích lệ về cái vụ chống tham
nhũng hiện nay nó bước theo một gia đoạn mới không hay là nó chỉ là cái
chuyện đâu lại vào đấy?
NQA: Không, hoàn toàn không có cái gì để khích lệ cả. Như tôi
đã nói người ta đưa ra một chục gọi là đại án nhằm để chứng tỏ rằng cái
việc chống tham nhũng rất là quyết liệt. Cái việc xử các bản án rất là
nặng nề cái vụ ở Ngân hàng Nông nghiệp cũng là 2 án tử hình, vụ này cũng
là 2 án tử hình, tức là rất là ngặt nghèo. Có thể nó sẽ có một tác dụng
răn đe gì đó nhưng mà bởi vì vấn đề tham nhũng không giải quyết ở tận
gốc cho nên có 10 vụ đại án, 50 vụ án nếu mà có xử một ông thật là to đi
chăng nữa cũng vẫn không giải quyết được vấn đề gì.
TQT: Như vậy theo TS Nguyễn Quang A cái gốc của nó ở đâu, và muốn giải quyết cái gốc đó chúng ta phải làm gì?
NQA: Gốc của nó là ở cái chỗ độc quyền thì sẽ đẻ ra tham
nhũng, càng tham nhũng nhiều hơn. Tham nhũng là nó đụng đến quyền lực,
không thể tiệt trừ được tham nhũng mà chỉ có gọi là phòng ngừa giảm bớt
mà thôi. Trong một cái chế độ mà không có cạnh tranh chính trị, không có
minh bạch, không có tự do ngôn luận thì tham nhũng nó cứ thế sẽ sinh
ra. Và muốn giảm được tham nhũng thì phải có dân chủ, phải có đa đảng,
phải có cạnh tranh chính trị, phải có tự do ngôn luận, người dân phải
được lên tiếng, báo chí phải được lên tiếng. Và trong trường hợp đấy thì
tham nhũng sẽ bớt đi chứ không phải là được triệt tiêu.
TQT: Trong những ngày gần đây, ở Việt nam những cái hoạt
động về xã hội dân sự đã phát triển và ngày càng phát triển thì theo
tiến sĩ những cái hoạt động xã hội dân sự đó nó có góp phần tác dụng
tích cực thế nào về vấn đề sẽ dân chủ hóa, minh bạch hóa đất nước và có
thể góp phần đẩy lùi tham nhũng được không thưa tiến sĩ?
NQA: Chắc chắn là cái sự phát triển của xã hội dân sự trong
thời gian vừa qua là một thí dụ đáng mừng. Và nếu mà xã hội dân sự phát
triển một cách lành mạnh, tôi nói lại là lành mạnh bởi vì xã hội dân sự
cũng có thể phát triển theo một kiểu không lành mạnh. Thì cái việc phát
triển lành mạnh của xã hội dân sự chắc chắn nó sẽ góp phần rất là tích
cực vào cái việc chuyển đổi đất nước sang thể chế dân chủ. Và như thế nó
góp phần rất là tích cực vào cái việc chống tham nhũng.
TQT: Người ta bảo rằng là hiện nay xã hội dân sự ở Việt
Nam nó chưa góp phần vào cái việc như là một cái sự … đối với ĐCS ý, thì
tiến sĩ muốn làm cho các phong trào xã hội dân sự, tổ chức xã hội dân
sự phát triển mạnh thì ta phải làm như thế nào để trở thành một cái tiềm
lực mạnh?
NQA: Muốn cho xã hội dân sự phát triển lành mạnh thì người
dân, bởi vì xã hội dân sự là việc của người dân. Nếu như người dân hiểu
được cái quyền của mình, đòi được quyền của mình và thực hiện cái quyền
của mình thì những cái quyền con người, quyền tự do của công dân, quyền
của người dân không bao giờ chờ được ai ban phát cho mà phải đấu tranh
giành lấy bằng cách tốt nhất những cái quyền tự nhiên ấy mình phải thực
hiện và thảo luận gây sức ép đấu tranh với chính quyền để mình được thực
hiện cái quyền hiến định đấy của mình. Và chỉ trong trường hợp đấy thì
xã hội dân sự mới phát triển được một cách lành mạnh. Và muốn phát triển
lành mạnh thì tất nhiên các tổ chức xã hội dân sự cũng như người dân
cũng phải học được cách là xã hội dân sự nó là cái gì, nó hoạt động ra
sao và thấm nhuần những cái phương pháp của xã hội dân sự cũng như là
tích cực tham gia vào cái hoạt động đấy thì lúc đó cái xã hội dân sự mới
có thể phát triển lên được.
TQT: Xin cám ơn TS Nguyễn Quang A, xin chào ông ạ!
NQA: Chào anh!