Nguyễn Đình Bổn
Thủ tướng rồi bộ trưởng bộ TTTT tại Việt Nam đã tuyên bố: VN không
thể có báo chí, nhà xuất bản tư nhân. Nghĩa là toàn bộ cái quyền đọc,
viết phải nằm trong sự kiểm duyệt và định hướng của nhà cầm quyền. Điều
này đã, đang và sẽ tạo ra những hệ lụy khủng khiếp, mà tôi cho là có
tính sát thương dân tộc.
Ngày nay chúng ta thấy chuyện giết người, cướp của, hiếp dâm... liên
tục xảy ra, tội phạm ngày càng trẻ, hành động ngày càng tàn bạo, mất hẳn
tính người. Chuyện này chẳng cần đưa ví dụ vì nó xảy ra hằng giờ và báo
chí, các trang mạng khai thác tối đa mọi ngóc ngách, nhằm câu độc giả
với mục đích cuối cùng là kiếm tiền.
Nhiều khi tôi tự nghĩ, có khi nào những cây bút chuyên mô tả và dệt
chuyện phản văn hóa đó, những người lãnh đạo các tờ báo đó, nghĩ một
chút về lương tâm của người cầm bút, về con cái, gia đình mình, bởi
không chỉ các trang mạng chuyên đưa tin giật gân, giờ đây ngay cả các tờ
báo từng có tiêu chí đàng hoàng như vietnamnet, Thanh Niên... sau vài
lần thay đổi nhân sự cũng nhảy vào khai thác chuyện giết và chuyện cởi!
Điều này ảnh hưởng nhãn tiền và như một qui luật Nhân- Quả vào cuộc
sống người dân. Báo chí càng khai thác, cướp hiếp và khiêu dâm càng
nhiều, cướp hiếp càng nhiều, báo chí càng có đề tài để viết. Chỉ cần
quan sát, chúng ta sẽ nhìn thấy từ cái nền đã đổ vỡ toàn diện của giáo
dục, những thế hệ lớn lên, không có một chút lý tưởng nào về nhân bản,
không tin ở ý thức công dân bởi từ nhà trường cho đến xã hội và phương
tiện giải trí, bày ra cho bọn trẻ nhìn thấy những khốc liệt của tranh
đấu giành quyền chức, miếng ăn... bày ra cho bọn trẻ cách thức kiếm tiền
nhanh và hưởng thụ, bày ra cho bọn trẻ thấy cuộc sống là những chuỗi
bất công nhưng không chỉ cho họ cách thức lành mạnh để xóa bỏ cái bất
công đó. Và hệ lụy là sự giả dối lên ngôi, bạo lực bùng phát, tệ nạn lan
tràn...
Chính cách định hướng và kiểm duyệt báo chí xuất bản là một nhân tố
quan trọng đưa đến bi kịch này của dân tộc. Những người cầm quyền đã quá
nhạy cảm để cấm báo chí tự do nhưng một mặt họ thả ga cho báo chí khai
thác những mặt trái của xã hội, ai cũng biết tại VN vào một trang web
sex dễ dàng trong khi đó vào các trang "lề trái", thậm chí facebook phải
vượt tường lửa!
Về mặt văn hóa đọc, chính không có tự do báo chí và xuất bản nên mức
độ suy đồi cũng diễn ra như một bi kịch. Trong khi các sách rẻ tiền,
thậm chí có hại như thứ gọi là "ngôn tình" của Trung quốc xuất bản hằng
ngày, đưa người trẻ vào những cơn mơ phi thực tế, dìm sâu cái cảm thụ
ngôn ngữ văn chương xuống đáy bùn thì các sách kinh điển một số cấm in,
một số in ra bị thu hồi và nhiều cuốn chỉ bán lèo tèo vì cái cách nghĩ,
cách sống đã ảnh hưởng sâu sắc đến cách đọc của những thế hệ đi sau.
Điều này càng nguy hiểm hơn cả thời "ngăn sông cấm chợ" những năm trước
1980, vì thời đó các danh tác được in vẫn khá chỉn chu và được đọc một
cách mê say... Giờ đây văn chương, cụ thể là sáng tác của các nhà văn
được in tại các nhà xuất bản đã đánh mất hoàn toàn giá trị nhân bản và
thẩm mỹ. Bởi trước khi ra đời, nó chỉ còn lại là những văn bản méo mó vì
người viết phải tự kiểm duyệt sau đó đến lưỡi kéo của các biên tập viên
phần lớn là dốt nát và chữ ký của ông TBT luôn sợ mất ghế. Không có một
môi trường văn hóa lành mạnh, một không khí sáng tác trong ý niệm tự do
tuyệt đối của người nghệ sĩ, những tài năng dần thui chột và tàn lụi,
hoặc trở thành dị dạng nếu thỏa hiệp. Đó chính là lưỡi kiếm sát thương
một nền văn học nghệ thuật của độc tài và kiểm duyệt!
Có biện luận rằng chính nghệ sĩ phải là người có ý thức sáng tạo tự
do tuyệt đối và khi viết anh phải vượt thoát những ràng buộc về mọi mặt
cuộc sống, kể cả chính trị. Thế nhưng thực tế một nghệ sĩ tài hoa không
phải bao giờ cũng là một dũng sĩ. Xuất bản một cuốn sách không cần kiểm
duyệt ở nước ngoài ư? Hay là trên internet? Chuyện này hoàn toàn trong
tầm tay người viết hiện nay, nhưng sau đó là gì? Là mất việc nếu anh
đang làm việc ở một cơ quan nào đó. Là phải đối đầu với bao rắc rối nảy
sinh từ chính bộ phận kiểm soát của nhà cầm quyền. Và khủng khiếp hơn,
là có thể phải đối mặt với tòa án vì những điều luật vô lý khác... trong
khi có thể không nhận lại được một sự tưởng thưởng nào, liệu có mấy ai
dám chấp nhận sự thật khắc nghiệt này?
Những người cầm quyền tin rằng một chuyện không thật thì khi nhắc đi
nhắc lại nhiều lần trên hệ thống tuyên truyền nó sẽ trở thành sự thật,
thành niềm tin. Nhưng chính cái cách vừa ràng buộc, vừa buông lỏng báo
chí và xuất bản, xem nó chỉ là phương tiện tuyên truyền và kiếm tiền đã
hũy họai nhanh nhất nền văn hóa dân tộc, làm tha hóa đạo đức những thế
hệ mới, giết chết từ trong trứng nước những sáng tạo tài hoa khác biệt,
làm tha hóa nhân cách hoặc thủ tiêu ý thức sáng tạo của tầng lớp nghệ sĩ
khi bắt họ phải chọn lựa, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, là đóng vai
một tên tù nhân hay một kẻ đầy tớ!